Với một thế hệ học sinh Hà Nội những năm 1980 - 1990, thầy giáo dạy văn Vũ Xuân Túc là một tên tuổi đáng kính trọng. Ông là một trong những thầy giáo dạy Văn giỏi nhất của Sở Giáo dục Hà Nội thời bấy giờ và là một trong những thầy giáo đầu tiên của Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam. Bây giờ, trông ông trẻ hơn nhiều so với tuổi 70. Ông trò chuyện với chúng tôi nhiều câu chuyện vui buồn của nghề giáo viên.
|
Nhà giáo Vũ Xuân Túc
|
Phấn đấu làm người thầy tử tế trước
Người thầy cần dạy cho các em cái suy nghĩ tỉnh táo. Bởi ở lứa tuổi học trò, các em đã qua tuổi trẻ con nhưng chưa phải là người lớn.
|
Thưa nhà giáo Vũ Xuân Túc, đối với ông, người thầy giáo trước hết phải là người như thế nào?
Đứng trên bục giảng suốt 38 năm, tôi luôn nghĩ phải cố gắng là người thầy tử tế trước khi mong muốn học trò của mình thành người tử tế. Không có ngành nào hay bằng ngành giáo dục. Trong khi mình trao cho người khác kiến thức, thì cũng là lúc mình học tập, trau dồi kỹ năng, kiến thức. Làm người dạy học không nghiêm không được. Nhưng làm sao để học sinh thấy trong cái nghiêm có tình thương của người thầy.
Thưa ông, có phải vì muốn làm người tử tế, nên hồi còn là tổ trưởng tổ chuyên Văn ở Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam, ông đã từ chối danh hiệu nhà giáo ưu tú?
- Tôi được anh em tín nhiệm bầu làm tổ trưởng môn Văn ở Trường "Ams” suốt 18 năm. Đã nhiều lần được bình chọn danh hiệu nhà giáo ưu tú nhưng tôi luôn từ chối. Thậm chí có lần bỏ phiếu, tôi cùng với một thầy giáo khác được phiếu cao nhất, nhưng tôi trước sau vẫn xin rút. Tôi nghĩ mình chỉ là một nhà giáo bình thường, chưa xứng đáng với tiêu chuẩn nhà giáo ưu tú, nên không nhận.
Nói thật là trong thâm tâm, tôi nghĩ danh hiệu không phải là vấn đề quan trọng nhất của người làm nghề dạy học, nên tôi không thấy thú vị gì. Tôi muốn chú tâm với công việc đứng trên bục giảng của mình, lấy công việc làm vui, lấy học sinh làm trọng. Vì thế, bây giờ, nghỉ hưu cả chục năm, cứ dịp 20-11 là rất đông học trò cũ đến thăm thầy. Đánh giá trung thực nhất, quan trọng nhất là tình nghĩa đồng nghiệp, tình thầy trò, kể cả lúc mình đang đứng trên bục giảng hay lúc nghỉ hưu. Chính vì thế tôi không lăn tăn gì khi mình về hưu với… hai bàn tay trắng.
Tôi "sợ” nhất học trò
Làm người dạy học không nghiêm không được. Nhưng làm sao để học sinh thấy trong cái nghiêm có tình thương của người thầy.
|
Thưa ông, ông có đồng ý rằng làm thầy đã khó, làm thầy giáo dạy Văn còn đòi hỏi cao hơn?
- Tôi quan niệm, dạy Văn là dạy nhân cách con người. Hay nói cách khác, dạy làm người tốt nhất là thông qua môn Văn. Khi dạy Văn, tôi cũng không muốn học sinh mình thuộc lòng, bài này cần nhớ mấy ý chính. Cái quan trọng, thông qua bài giảng, các em phải đọng lại được một điều gì để biến thành rung động của chính mình, đồng thời giúp các em nhận ra được cái đẹp của văn chương. Người ta nói: Cái đẹp cứu cả thế giới. Tôi thì nghĩ đơn giản hơn: Khi học sinh rung động trước một áng văn, rung động trước cái đẹp, tức là các em đang hình thành được nhân cách làm người tử tế, có ích cho xã hội. Nhiều thầy cô sau mỗi bài giảng cho các em thường kêu mệt mỏi, tôi thì thường thấy vui.
Thưa ông, thật đáng trân trọng với niềm vui của người giúp các em làm người tử tế. Trong khi bây giờ, có đôi khi cảm tưởng học trò đến trường nặng về học kiến thức mà mục tiêu dạy làm người tử tế lại bị lơ là?
- Chú trọng kiến thức cũng không sai, nhưng đừng để học sinh "chết ngạt” với kiến thức mà không có khoảng trống cho tâm hồn bay bổng. Ngoài ra, giáo viên bộ môn nào cũng vậy, cần tranh thủ những dịp phù hợp để hướng dẫn thêm nhiều kỹ năng sống cho các em. Nên khôi phục các tổ chức hướng đạo sinh như thời trước, dạy các em cách nhóm lửa, cách buộc một sợi dây thừng, cách qua sông qua suối… cho các em phát triển một cách toàn diện.
Nhưng cũng có thực tế là thời các ông, áp lực mất việc làm không lớn như bây giờ. Nhiều giáo viên ngày nay phải chạy theo thành tích vì tìm được chỗ đứng ở một trường học ở Thủ đô không phải dễ?
- Làm thầy, tôi "sợ” nhất học trò. Nghề giáo viên luôn đối diện với con người, đồng thời cũng phơi bày con người mình ra không thể che giấu được. Người giáo viên đứng trên bục giảng như tấm gương, học sinh sẽ nghĩ gì khi nhìn vào một tấm gương méo mó? Thầy giỏi, thầy kém bộc lộ rõ ràng ra cả, học sinh biết và đánh giá cả. Đừng nghĩ chỉ mình dạy học sinh, các em cũng là tấm gương để người thầy soi vào mà chỉnh mình đấy.
Bỏ bực dọc ngoài cổng trường
Nhiều người sẽ đổ lỗi cho một trong những nguyên nhân khiến ngành giáo dục bị đưa ra "mổ xẻ” là do những hệ lụy phức tạp của xã hội đã len vào trường học?
- Khi cái xe đạp xuống dốc thì tất cả các bộ phận đều xuống theo. Chính sự đi xuống của xã hội ngày nay đã khiến các ngành, trong đó có giáo dục suy thoái. Trong tình hình như thế, chỉ các thầy cô giáo kêu gọi học sinh sống tốt hơn, chăm chỉ học hành, bớt đua đòi… thì làm sao các em có thể tin được. Từ trong gia đình đến ngoài xã hội, đâu đâu cũng ập vào mắt các em biết bao nhiêu điều tiêu cực, nói dối,… thì lâu ngày chẳng có thuốc nào có thể giúp các em "miễn nhiễm” được. Đừng nói sự "đổ đốn” của giáo dục do kinh tế thị trường, cũng đừng trách cơ chế. Theo tôi, phần lớn bắt đầu từ những người lớn trong gia đình, trong nhà trường. Bây giờ là lúc từng nhà giáo có lương tri, có bản lĩnh phải chống lại những cái xấu của xã hội đang dội vào trường học.
Bằng cách nào, thưa ông?
- Nếu nhìn rộng ra, áp lực của nền kinh tế xã hội khiến người ta có nhiều bức xúc chưa giải tỏa được. Khi vào trường học, người ta không gạt được điều đó ra ngoài, nên khi gặp thêm bức xúc, các thầy cô giáo không kiềm chế được nữa. Tôi cho rằng đã xác định đi theo nghề giáo viên thì phải rèn luyện được một điều: Bước vào cổng trường phải bỏ lại bực dọc của gia đình, xã hội ở bên ngoài cánh cổng. Luôn có ý thức rèn luyện thì sẽ làm được. Nếu ai không rèn luyện được điều này, tốt nhất nên chuyển sang nghề khác. Đừng góp thêm sự "ô nhiễm” trong nghề giáo nữa.
Nghệ thuật đổi chỗ
Còn sự xuống cấp của chính đạo đức nhà giáo thì sao, thưa ông? Ông có theo dõi những câu chuyện thầy đánh trò hay học trò đánh nhau trong nhà trường hiện nay mà thỉnh thoảng báo chí lại đưa hết sức giật gân?
- Có chứ. Tôi rất bức xúc. Kinh nghiệm của tôi khi giảng dạy là phải có "nghệ thuật đổi chỗ”. Trước khi giảng một bài văn, tôi phải "đổi vị trí” tới 3 lần. Lần một tôi tiếp cận với tư cách độc giả. Lần hai là với tư cách học trò. Lần ba mới là một thầy giáo, một nhà phê bình. Mỗi lần như thế, tôi tìm hiểu xem độc giả muốn gì, học sinh cần gì, biết được chiều hướng nhận thức của học trò từ thầy giáo nên dạy thế nào. Tôi nghĩ bây giờ, ngành giáo dục cũng nên có nghệ thuật đổi chỗ. Mỗi lần hoán đổi vị trí chúng ta sẽ có góc nhìn khác, để phân tích và giải quyết các hiện tượng trong ngành giáo dục hiện nay.
Phải "đổi chỗ” ngay trước khi sự việc xảy ra, để thầy giáo trở thành người bạn tinh thần của học sinh. Đổi chỗ cả trong cách học sinh nhìn nhận ông bà, cha mẹ, thầy cô… Nên hướng các em đánh giá người lớn như thế nào cho hợp đạo lý. Tôi thường nói với các học trò của mình là cần có cái nhìn độ lượng với người lớn. Điều đó cần thiết lắm. Nếu cứ lúc nào cũng không hài lòng, lúc nào cũng oán thán thì nó sẽ chất chồng rồi một ngày bùng nổ ra… Người thầy cần dạy cho các em cái suy nghĩ tỉnh táo. Bởi ở lứa tuổi học trò, các em đã qua tuổi trẻ con nhưng chưa phải là người lớn.
Dạy thêm không phải là tệ nạn
Còn về câu chuyện dạy thêm - học thêm hiện nay, nói theo ngôn ngữ bây giờ thì ngày trước thầy Túc cũng khá "đắt sô” đấy chứ. Nhiều người còn nhớ ông hay được mời dạy các đội tuyển văn?
Tôi đồng ý rằng ngày càng ít các thầy cô nói "không” với dạy thêm học sinh do mình trực tiếp dạy ở trường. Song, tôi không đồng ý gọi dạy thêm là một tệ nạn, giống như cách chúng ta lâu nay vẫn gọi tệ nạn ma túy… Tôi cho rằng dạy thêm thời nào cũng có, và nó cũng chính đáng. Chỉ có điều hiện nay, nhiều nơi dạy thêm đang bị lạm dụng, mục đích của việc dạy thêm nhiều khi không phải để nâng cao, bồi dưỡng kiến thức cho học trò mà để các thầy cô giáo kiếm tiền, cải thiện cuộc sống, thậm chí làm giàu.
Xin trân trọng cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!
(Theo Nguyễn Thanh Bình/ Đại Đoàn Kết)