Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Đào Đăng Phượng – Chủ tịch Hội đồng trường cho hay, năm 2018 Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên thuộc khối nghệ thuật đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục.
Đây là chu kỳ 2 nhà trường được trao giấy chứng nhận đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục. “Chúng tôi xác định, kiểm định chất lượng không phải là hình thức mà phải lấy chất lượng và văn hóa chất lượng là hàng hàng đầu” - PGS.TS Đào Đăng Phượng nhấn mạnh.
|
PGS.TS Đào Đăng Phượng phát biểu tại buổi lễ.
|
Khẳng định Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương luôn coi trọng công tác kiểm định chất lượng, PGS.TS Đào Đăng Phượng cho hay, qua việc này nhà trường sẽ nhìn nhận một cách tổng quan về những gì đã làm được, chưa làm được, những gì được cho là điểm mạnh, ưu điểm để tiếp tục phát huy; đồng thời có giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại mà đoàn chuyên gia đánh giá ngoài đã khuyến nghị.
“Mong muốn của chúng tôi là nhà trường ngày càng phát triển, tiến tới 100% các chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng” - PGS.TS Đào Đăng Phượng bày tỏ.
Gửi lời chúc mừng đến Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, PGS.TS Nguyễn Phương Nga – Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) cho hay, đây là trường đầu tiên của khối nghệ thuật đạt kiểm định chất lượng giáo dục chu kỳ 2.
|
PGS.TS Nguyễn Phương Nga trao giấy chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục cho Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.
|
Đợt kiểm định này, đoàn chuyên gia khảo sát, đánh giá dựa trên 25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí. Tới đây, đến giữa chu kỳ (sau 2,5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận kiểm định chất lượng), nhà trường cần rà soát lại các hoạt động dựa theo khuyến nghị của đoàn chuyên gia. Sau 5 năm nữa, tiếp tục kiểm định chu kỳ 3. Vì vậy, nhà trường cần liên tục hoàn thiện và phát triển không ngừng.
Theo PGS.TS Nguyễn Phương Nga, kiểm định chất lượng được ví như chụp “cắt lớp” toàn bộ các hoạt động của nhà trường. Từ đó, nhà sẽ biết được mình đang ở đâu, điểm mạnh, điểm yếu như thế nào để tiếp tục có định hướng phát triển.