Nghệ thuật chạm khắc trang trí trên kiến trúc đình làng Khúc Thủy
Trần Thuý Nga
Học viên K8 - Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn Mỹ thuật
Chạm khắc trang trí truyền thống của dân tộc được tích luỹ qua hàng ngàn năm có nhiều chất liệu như gỗ, đá, sơn son thiếp vàng… Thời Nguyễn, chạm khắc trang trí nở rộ với chất liệu mới như nề vữa, đặc biệt là nề vữa trang trí gắn sứ hay nề vữa trang trí tô màu. Nghệ thuật trang trí sử dụng chất liệu này phát triển mạnh và trở thành chất liệu phổ biến trong xây dựng và trang trí kiến trúc đình, chùa, đền, trong số đó phải kể đến đình làng Khúc Thuỷ. Chủ đạo trong không gian kiến trúc của đình này, chất liệu nề vữa được sử dụng kết hợp với gỗ tạo nên vẻ đẹp đặc trưng của không gian kiến trúc.
Kiến trúc đình Khúc Thuỷ là sự kết hợp tinh tế các loại vật liệu xây dựng như gạch, gỗ, đá, nề vữa tạo cho sự phong phú về vật liệu gắn kết, được tô điểm thêm những mảng màu cho trang trí kiến trúc. Cách thức trang trí trên công trình kiến trúc đình làng Khúc Thuỷ rất đa dạng nhưng mang đậm nét thuần tuý của người nông dân vốn mộc mạc, giản dị, nơi đây góp phần tạo nên vẻ đẹp đặc trưng của ngôi đình, mỗi vị trí trang trí mang quan điểm cách nhìn nhận về nhân sinh quan, thế giới quan với đặc trưng của nghệ thuật kiến trúc dân gian của người Việt xưa trải qua nhiều thế kỷ nét đến ngày nay vẫn còn nguyên vẹn.
Chạm khắc trang trí trên kiến trúc được thể hiện ngay cổng đình với nhiều nét độc đáo riêng. Chiều ngang cổng chiếm hết chiều dài ngôi Đại bái, những mảng tường, bờ nóc, vi nách từ Lầu, Đại bái, đến hậu cung đều được tạo hình trang trí các môtip rồng, phượng, nghê, đề tài thực vật, động vật, chữ trang trí, sự kết hợp với kỹ thuật điêu luyện nâng giá trị tạo hình trong kiến trúc, khiến cho người chiêm bái khi bước vào không có cảm giác lạnh lẽo, thay vào đó là nét tươi sáng, ấm cúng tạo hiệu quả trong trang trí trên kiến trúc đình làng.
1. Chạm khắc trang trí bằng chất liệu vôi vữa
Từ những thế kỷ XIX đến thế kỷ XX, vật liệu vôi vữa, gạch ngói đã được sử dụng phổ biến trong xây dựng một số địa phương, bỏ truyền thống xây dựng theo kết cấu bằng gỗ mà thay vào đó làm theo kiểu xây dựng tường hồi bít đốc bao kín ba mặt, nhưng vẫn giữ nguyên một số nét đặc trưng ở hệ thống cửa bức bàn. Hình thức đắp nổi họa tiết trang trí trên kiến trúc bằng vôi vữa và tô màu được sử dụng phổ biến, dạng chất liệu mới này là sự đánh dấu như một nét khá đặc thù trên kiến trúc.
Theo quan sát hệ thống kiến trúc đình Khúc Thuỷ được xây dựng ngoài chất liệu gỗ, đá thì đình được xây dựng bằng gạch đen kết dính với chất liệu như (vôi, cát, mật mía, muối) chạm khắc trang trí bằng chất liệu vôi vữa hầu hết toàn bộ không gian kiến trúc đình. Hình thức trang trí được chia thành hai dạng tạo hình: tượng, phù điêu; bố cục không gian kiến trúc bao gồm: Tam quan, Lầu, Đại bái, hậu cung. Tạo hình họa tiết trang trí được trải đều trên kiến trúc đình làng Khúc Thuỷ, với nhiều đề tài trang trí là các linh thú thiêng như long, ly, quy, phượng, hoa lá, ...
Rồng: Hình thức trang trí phổ biến là hệ thống tạo hình các linh thú gắn trên nóc Tam quan, Lầu, Đại bái, hậu cung. Có thể thấy toàn bộ hệ thống mô-típ trang trí phần nóc kiến trúc đình làng Khúc Thuỷ là mô típ rồng, rồng chầu nhật, rồng chầu hồ lô, với tạo hình mảnh mai dạng khối, đặc biệt là cây hoá. Ngoài rồng thì kiến trúc phần nóc còn được tạo hình trang trí rất nhiều mô-típ dạng lá, cách sắp xếp trang trí đối xứng trên bờ nóc, hay các đầu đao tạo tổng thể bố cục cân đối. Tạo hình rồng trên nóc Đại bái trang trí khảm sành nhỏ màu xanh trắng ở phần thân rồng, tạo hình không quá lớn, sắp xếp trang trí đôi rồng chầu một quả cầu lửa được đục rỗng trông xa thân rồng hiện lên rất rõ ràng với màu sắc phủ rêu phong của thời gian. Một số hình rồng khác biểu hiện dưới dạng một đầu không thân, mũi sư tử, mang nở, miệng hé ngậm bờ nóc, có đuôi là cụm vân xoắn.
Hai bên đầu sống nóc mái đình được trang trí đôi cá, nghệ nhân tạo hình phần đầu cá ra phía ngoài vừa là hình thức sử dụng để trang trí, vừa mang giá trị công năng thoát nước phần tiếp giáp giữa Lầu và Đại bái, và còn là biểu tượng mang ý nghĩa tốt lành. Đánh giá về góc độ tạo hình, việc sắp xếp trang trí hai hình cá ở hai đấu góc cuối của lầu là một trong những cách điểm xuyết, nhấn nhá về nhịp điệu trang trí, từ tạo hình giản đơn đến cách tạo hình tỉ mỉ chi tiết, tạo tổng thể bố cục chung của đình Khúc Thuỷ những hiệu ứng điểm dừng khi quan sát. Nhìn chung, toàn bộ hệ thống trang trí trên phần mái được xếp đặt ở những vị trí hướng về chính giữa tạo nhịp điệu và cách thức trang trí mang tính hướng tâm, tăng tính thẩm mỹ, giá trị tạo hình chung cho toàn bộ hệ thống trang trí mái đình.
Nghê: Tạo hình nghê trang trí trên kiến trúc đình Khúc Thuỷ đều được thể hiện trong tư thế chầu là chủ yếu. Mục đích sử dụng nghê trong trang trí mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, cách tạo hình với đặc điểm mắt tròn to, miệng ngậm ngọc báu, tượng trưng cho nguồn sáng, trí tuệ và sự minh bạch, việc sắp xếp những cặp nghê đối xứng nhau ở tất cả vị trí đều mang ý nghĩa tăng mức độ linh thiêng hóa cho không gian thờ tự, tạo sự cân đối về mặt bố cục, lấp đầy những khoảng trống trên tiết diện được trang trí.
Phượng được tạo hình trang trí trải khắp trên tường cổng Tam quan và các ô hộc, cột trụ và trên bờ tường lầu, phượng là con vật không có thật được con người tư duy liên tưởng bằng nhiều ý nghĩa tốt đẹp, tượng trưng cho vẻ đẹp cao quý, dịu dàng nữ tính, cũng giống như hình tượng lân, phượng là con vật hiền lành nhân từ. Vì thế, hình tượng phượng biểu trưng cho điềm lành. Phượng có hình dáng đẹp như đuôi dài, chân cao, cánh rộng thể hiện sự nhẹ nhàng, tao nhã, mắt giọt lệ tất cả biểu hiện cho vẻ đẹp kiêu sa, lộng lẫy.
Rõ ràng nhận thấy giá trị thẩm mỹ mang tính nghệ thuật với hình thức tạo hình đắp nổi vôi vữa vẫn mang lại những giá trị nhất định của việc tả chất liệu trong nghệ thuật trang trí mà còn ẩn chứa những hàm ý sâu xa, gửi gắm ước vọng của nhân dân lao động, đây cũng là một nét riêng biệt trong nghệ thuật trang trí đình làng ở Việt Nam.
2. Chạm khắc trang trí trên chất liệu gỗ
Sự kết hợp chất liệu vôi vữa và gỗ tạo lên vẻ đẹp trong trang trí đình Khúc Thuỷ ở một số vị trí, vì nách khoảng không gian có hình tam giác khoảng giữa các cột. Chạm khắc trang trí trên các vì nách tạo hình với đề tài cụ thể như cây hoá rồng, rồng, đề tài hoa lá thực vật. Nhìn chung, việc sử dụng họa tiết các dạng đề tài hoa lá thực vật để trang trí thì đây cũng là một trong những cách trang trí hiệu quả giúp cho các mảng chạm khắc tạo hình trở nên mềm mại hơn gần gũi với thiên nhiên, bớt phần nhàm chán, đơn điệu giữa một loạt các dạng tạo hình về rồng, phượng nghê… ít nhiều tạo nên nét duyên dáng trong tổng thể bố cục không gian trong đình.
Chạm khắc trang trí này được đực đẽo khá cầu kì sau đó dùng bột màu để tô vẽ, ngoài hình tượng rồng hoá, rồng thì họa tiết được tạo hình trong đình Khúc Thuỷ là phong cảnh, người, linh thú, cỏ cây, hoa lá... cũng có thể vẽ trực tiếp trên ván gỗ, cách sắp xếp bố cục đều có chủ ý và gọn gàng trong các vì nách. Những mảng màu này đa phần vẽ bằng các màu cơ bản như đỏ, vàng, xanh, cách tạo hình cũng như hình thức trang trí này về cơ bản kế thừa và phát triển từ dòng tranh thờ và tranh dân gian. Đây cũng là điểm nhấn nhá trong tạo hình bố cục tổng thể chung, đồng thời cũng truyền tải những ý nghĩa mang tính biểu trưng được cha ông gửi gắm vào trong các hình tượng tạo hình trang trí ở nơi đây. Hiện trong đình có rất nhiều vị trí vẽ màu trên gỗ với các đề tài được thể hiện sinh động từ cỏ cây, hoa lá hay vật linh, điển hình là một số hoạ tiết chạm khắc như: rồng chầu, rồng ổ, rùa cõng cuốn thư. Việc sử dụng hình thức tạo hình này góp phần làm phong phú không gian ngôi đình, đồng thời là hình thức che đi những khuyết còn thiếu trong việc tạo hình trên kiến trúc đình Khúc Thuỷ.
Kết luận
Đình làng, một kiến trúc gần gũi thân thương của người Việt. Nghệ thuật chạm khắc trang trí trên kiến trúc đình làng Khúc Thuỷ phần nào phản ánh thế giới quan của người xưa được các nghệ nhân vận dụng khéo léo từ chất liệu cho đến tư duy thẩm mỹ. Sự kết hợp các chất liệu như vôi vữa, gỗ và màu sắc trên gỗ, các mảng chạm khắc trang trí thể hiện ưu thế về chất liệu. Căn cứ vào nền chất liệu làm phương tiện biểu đạt chiều sâu trên không gian kiến trúc. Một sự kết hợp đặc sắc khác là vẽ màu mảng chạm khắc trang trí làm phong phú thêm ý tưởng trang trí của các nghệ nhân đưa kiểu thức mang tích triết lý phương Đông chứa đựng biểu trưng tâm linh dưới đề tài cụ thể: Tứ linh, tứ quý, đề tài động vật, đề tài thực vật đem những thực tế đời sống khiến người chiêm bái bước khi bước vào cảm thấy gần gữi thân quen đầy sống động.
Tài liệu tham khảo
1. Trần Lâm Biền (2011), Trang trí trong mỹ thuật truyền thống của người Việt, Nxb Hồng Đức.
2.
3. Trần Hậu Yên Thế (2020), Nghê Việt tinh tuyển, Nxb Thế giới, Hà Nội.
4. Nguyễn Hữu Thông (2001), Mỹ thuật Huế nhìn từ góc độ ý nghĩa và biểu tượng trang trí, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội.