Nội san

Ý NGHĨA CỦA NÉT TRONG NGHỆ THUẬT TẠO HÌNH

12 Tháng Mười Hai 2021

ThS. Hoàng Thắng

Khoa Thiết kế thời trang & Công nghệ may

            Những thành tố cơ bản trong hội họa bao gồm đường nét, màu sắc , mảng khối, không gian, bố cục, độ sáng và bóng tối. Những yếu tố nghệ thuật này quan trọng với họa sĩ giống như từ ngữ với một nhà văn vậy. Bằng cách nhấn mạnh những yếu tố nào đó, người họa sĩ có thể làm cho bức tranh dễ hiểu hoặc làm nổi bật hơn những đặc tính hay đề tài đặc biệt. Nét lâu nay được hiểu như là một phương tiện ghi nhận của thị giác về thế giới khách quan để truyền đạt thông tin, hay nó là chu vi của một diện tích tạo nên sự tách biệt giữa hình và nền. Trong hội họa thì điều đáng nói không phải là vai trò, tính chất hay công dụng của đường nét mà quan trọng là những giá trị thẩm mỹ mà nó đem lại trong tác phẩm tạo hình.

 Người họa sĩ sử dụng đường nét để tạo nên nét vẽ, khi vẽ anh ta có truyền đạt cảm xúc trên hình thái của nét. Nó chính là cách thức biểu lộ tình cảm của đường nét. Mỗi nét vẽ có thể có độ dày, mỏng, mạnh yếu, rõ mờ, mềm mại, tỉ mỉ, khô khan, sắc bén, dữ dội, đậm nhạt tùy theo yêu cầu, tác dụng của diễn tả. Họa sỹ và là nhà điêu khắc bậc thầy của thời kỳ Phục Hưng là Michel Angle đã phát biểu về nét vẽ như sau: “Đứng về góc độ khoa học về hình và nét vẽ thì nét vẽ chính là tính chấ của hội họa, của điêu khắc, của kiến trúc và của tất cả những hình thức diễn tả”. Và chính nó là nguồn gốc của khoa học. Thi hào Theosphile Gautier của Pháp (1811-1872) đã nói rằng: “Nét vẽ, hơn bất cứ cái gì, nó là một vật trừu tượng và thuần túy về quy ước. Có lẽ vì vậy mà nó (nét vẽ) đã tạo ra những khai niệm cao nhã nhất đối với những nhu cầu cao quý nhất của con người”. Nét vẽ chính là sự diễn tả cảm xúc, tình cảm, cá tính thậm chí cả tâm trạng của họa sỹ bằng đường nét do bàn tay tạo ra thông qua các công cụ dùng để vẽ như: bút chì, than, sáp, cọ. Nét vẽ vừa là sự diễn tả và cũng chính là phương tiện diễn đạt của nghệ sỹ có được từ sự sử dụng các đường nét về cấu tạo nên hình dáng, diện tích, khối, mảng của vật mẫu. Nó được thể hiện do bàn tay theo cách nhìn, quan điểm, sự rung động nào đó của con người vẽ bằng một số công cụ, chất liệu diễn tả cụ thể. Để nhận biết sự tồn tại của nét vẽ, chúng ta cần phân tích chúng theo các yếu tố như sau:

Tinh thần của nét vẽ: mảnh, to, rộng, hẹp, đậm, nhạt, cứng, mềm, rõ, nhòe, đều nét, lúc lớn, lúc nhỏ, lúc rõ, lúc nhòe, liên tục hay lúc ẩn lúc hiện, bay bướm, mạnh mẽ…

Chiều hướng, độ dài và tính chất của nét vẽ: thẳng, cong, xiên, gãy…

Mật độ của nét vẽ: một nét, hai nét, ba nét hay một mảng đươc liên kết bởi nhiều nét vẽ, khít thưa…

- Khả năng của nét vẽ: tạo chiều hướng, tạo hình, tạo khối, gợi không gian, tạo sự chuyển động tĩnh hay lặng, gợi ánh sáng, gợi cảm giác về chất…

- Công cụ dùng để vẽ: bút chì, bút sắt, bút bi, bút sáp, phấn màu, than, cọ, bay vẽ, dụng cụ phun xì. Mỗi loại công cụ sẽ có ưu thế và nhược điểm riêng trong việc tạo ấn tượng cho sự hiển thị của nét vẽ.

Trong hội họa đường nét được hiểu như là một phương tiện ghi nhận của thị giác về thế giới khách quan, một phương tiện để truyền đạt thông tin, nó tạo nên sự tách biệt về hình và nền. Tuy nhiên nếu ta tách riêng nét thì ý nghĩa của nó đẹp hơn, cụ thể hơn: Nét là vết đứt đoạn hoặc liên tục, để viền hình, phân mảng, nhấn mạnh hoặc diễn tả đậm nhạt. Trong hội họa Trung Hoa người ta chia ra 18 loại nét còn hội họa Phương Tây thì lại chia ra làm 4 kiểu nét chính và ở mỗi kiểu lại phân ra các dạng khác nhau. Hội họa châu Âu thế kỷ 20 ẩn mình trong ngôn ngữ của đường nét với những tác giả, tác phẩm nổi tiếng.

Số 16 của Jackson Pollock (1912-1956)

18 của Hans Hartung

Tổ hợp đường nét được dùng để diễn đạt các nhu cầu tạo hình của người hoạ sĩ như tạo sự chuyển động, tạo nhịp điệu, tạo phương hướng, tạo sự đối lập, tạo khối, tả chất, tạo không gian, thời gian vv... bằng cách phối kết hợp các loại đường nét với nhau một cách có cấu trúc và hệ thống. Trong một tác phẩm hội hoạ đường nét có thể có hình (Hữu hình) và có thể không có hình (Vô hình) nhưng người xem vẫn cảm nhận được nó. Đó là điều thú vị và chính vì thế nó nghiễm nhiên trở thành một hình thức cơ bản trong nghệ thuật tạo hình. Từ xa xưa khi loài người chưa có chữ viết thì những ký hiệu của nét về hình ảnh để diễn đạt nội dung thông tin rất quan trọng. Sau này khi chữ viết hình thành và phát triển ở nhiều nơi trên thế giới và có nhiều kiểu chữ khác nhau, nhưng xét dưới góc độ tạo hình thì kiểu chữ Hán vẫn được đánh giá là kiểu chữ có đường nét đẹp nhất, nó được chia ra làm 6 kiểu viết: Chữ chân, Triện thư, Lệ thư, Thảo thư, Hoành thư, Khải thư. Sau này khi thư pháp phát triển ta có thể thấy giữa hội hoạ và thư pháp có mối tương đồng chung về hiệu quả biểu đạt của nét. Khi đặt bút diễn đạt tác phẩm bằng đường nét thì người nghệ sĩ phải có ý tưởng, ý định và sự tính toán trước đó. Có thể nói cái Ý ở đây là bản chất đã định sẵn, đã hình thành và mang một ý nghĩa. Nhưng khi nó bắt đầu khai trương đến Tượng, đến Hình (tức cái cụ thể) thì sẽ gặp hai trạng thái là tác phẩm diễn ra đúng ý tưởng ban đầu và thành công thì ta coi đó là một chân lý và đằng sau ý tưởng đó sự hoàn thiện bị rạn nứt và thiếu hụt thì tự sau nó sẽ làm nảy sinh những ý nghĩa mới. Như vậy từ Ý đến Tượng, đến Hình là cả một giai đoạn, tuy Ý là giai đoạn trừu tượng không thuộc về hình vẽ mà mới chỉ là: Ý tưởng - Ý định (dự định). Có thể nói Ý ở đây chính là nội tâm, là nơi nghệ sỹ cảm thông với những hiện tượng, sự vật khách thể. Giá trị thẩm mỹ không chỉ ở ngoại cảnh mà cộng hưởng phát sinh từ ý tưởng của tác giả: Tâm đắc với nghệ thuật điêu khắc đình làng kết hợp với kiến thức về hội hoạ hiện đại mà Nguyễn Tư Nghiêm cho ra đời tác phẩm “Điệu múa cổ” với những đường nét vừa tinh vừa mộc, vừa thực vừa hư đưa ta về một thế giới vừa hiện tại vừa xa xưa. Ngược lại với Ý là cái trừu tượng không nắm bắt được thì Vị là cái có thể cảm nhận được thông qua các giác quan. Ở vị giác: Ta nhận thấy vị ngọt, mặn, đắng cay… Ở thính giác: Ta nhận biết đâu là âm nhạc đâu là âm thanh hỗn độn... Nếu chức năng của 5 giác quan chỉ là thu nhận thông tin từ thế giới bên ngoài một cách vô tư thì việc chọn lọc chất lượng thông tin lại là hữu ý. Đối với một người ăn không biết thế nào là ngon thì Vị cay đắng hay ngọt bùi đều được chấp nhận một cách thản nhiên. Như vậy thì hình vẽ Ngựa trong tranh Từ Bi Hồng và hình vẽ Ngựa trong sách giáo khoa chẳng có gì khác nhau. Như vậy, ta có thể khẳng định Vị của nét không được cảm nhận thông qua vị giác mà nó được cảm nhận qua thị giác và tư duy của chúng ta. Ta cảm nhận được vị tươi ngon của trái táo trong tranh: “Tĩnh vật” của Paul Cezanne với những nét cong khép kín hay ta cảm thấy sự cuồng nhiệt và nồng nàn lôi cuốn trong bức tranh: “Nụ hôn” của Klimt, ở bức tranh này ta thấy những tổ hợp nét khá kỳ lạ trên thân thể của 2 nhân vật nam và nữ nhưng chỉ ở hai dạng khái quát; nét thẳng và nét cong, nét cứng và nét mềm.

Tính đa nghĩa của đường nét là do sự kết hợp giữa nét thẳng với nét cong tạo thành; với loại nét thẳng ta có ý nghĩa giữa nét thẳng đứng với nét thẳng nghiêng; với loại nét cong ta có ý nghĩa giữa nét cong ngược lên phía trên với nét cong úp xuống phía dưới vv... Mỗi kiểu nét vốn đã có một ý nghĩa riêng những khi kết hợp chúng với một loại nét khác chúng lại tạo ra một ý nghĩa mới. Trong thế giới của đường nét không phải là nét nào cũng có giá trị như nhau. “Có nét mang nghĩa, mà nếu vắng nó, hình sẽ không có nghĩa, mong muốn tín hiệu cần thông tin sẽ mất. Có nét chỉ mang tính cấu tạo, có nó thì sẽ đầy đủ, mà vắng nó thì người ta vẫn nhận ra hình một cách đầy đủ qua liên tưởng và chỉ thay đổi một nét duy nhất là nét thẳng và nét xiên ở giữa thiếu một trong hai nét ấy người ta có thể mường tượng ra.” Tùy vào từng ngành nghề, tri thức và tùy thuộc vào quy ước của mỗi cộng đồng xã hội mà tạo nên các ý nghĩa của nét, hai đoạn thẳng giao nhau tại điểm giữa  và vuông góc nhau tạo nên biết bao ý nghĩa. Chúng có thể là dấu cộng trong toán học, hình chữ thập ở xe cứu thương hay cây thánh giá. Quay trở lại với hội hoạ, sau nghệ thuật hàn lâm là sự lên ngôi của một loạt tranh vẽ thiên về nét như: tranh khắc gỗ Nhật Bản, sự hoang dã của nghệ thuật châu Phi và sự phát hiện các tác phẩm trong hang động thời Cổ Đại. Có lẽ đó là khởi nguồn của nhiều cuộc ra đi tìm hình thức thể hiện mới với những sự chia tay của các họa sĩ với các trường phái nghệ thuật đương thời lúc đó.

Hình khắc trên đá ở châu Phi

Sự kỳ lạ trong bản khắc nét của nghệ thuật Châu Phi và nghệ thuật cổ đại: những đường nét có thể rất tự nhiên không theo một quy luật khắt khe nào cả, cũng có thể đó là những ký hiệu riêng mang tính tôn giáo của dân tộc. Nhưng một điều quan trọng nữa mà chúng ta phải thừa nhận rằng: với những dụng cụ thô sơ như vậy lại có thể tạo nên những hình vẽ độc đáo và hấp dẫn chứng tỏ tài năng.

            Nét vẽ là đường nét do họa sỹ vẽ nên vì vậy  có thể nói đường nét là 1 trong 4 yếu tố cơ sở của mỹ thuật (đường nét, hình khối, đậm nhạt và màu sắc), có giá trị biểu cảm, có thể mang đặc trưng trường phái, phong cách nghệ thuật dân tộc hay cá nhân… Khả năng diễn tả của đường nét quan trọng tới mức chỉ cần dùng toàn nét, ta vẫn có thể vẽ hoàn chỉnh một bản vẽ kỹ thuật, vẽ xong một đồ án kiến trúc hay hoàn thiện một tác phẩm đồ họa tạo hình. Đường nét hiện diện trên hầu hết các tác phẩm mỹ thuật. Hiệu quả của đường nét đến đâu trong tranh, tượng là do ý muốn và khả năng của mỗi tác giả. Đường nét có thể dài hay ngắn, thẳng hay cong, đậm hay nhạt, rộng hay hẹp, liền mạch hay đứt đoạn… Chỉ dùng nét đơn, ta có thể tả các đường viền hình thể; nếu đan các nét, ta có thể tạo thành mảng; với mật độ nét mau hay thưa, ta có thể tả khối và các độ đậm nhạt khác nhau.

                                                                                   

 

                     Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Quân (1986), Tiếng nói của hình và sắc,  Nxb Văn hóa.

2. Thái Bá Vân (1996), Tiếp xúc nghệ thuật -Viện Mỹ thuật, Nxb Bản đồ.

3. Phạm Quang Vinh (2000), (chủ biên),  Sách  của người xưa, Nxb Kim Đồng.

4. Vương Hoàng Lực (2006), Nguyên lý hội họa đen trắng, Nxb Mỹ thuật.