Các kỹ thuật cơ bản trong đàn tỳ bà và những lưu ý về kỹ thuật dành
riêng cho khối không chuyên
Nguyễn Thùy Chi
Học viên K14 - Lý luận và Phương pháp Dạy học Âm nhạc
Âm nhạc truyền thống là những chắt lọc tinh túy từ ngàn đời xưa, giống như một dòng chảy xuyên suốt thế hệ này sang thế hệ khác, cứ tiếp nối nhau bồi đắp và phát triển. Nhạc cụ dân tộc chính là phương tiện để truyền tải những giá trị đó. Tuy nhiên trong xã hội ngày nay, dòng nhạc truyền thống đang ngày bị mai một, nhạc cụ dân tộc không có nhiều chỗ đứng trong thị trường âm nhạc Việt Nam. Các nhạc cụ dân tộc khi nhắc đến, người ta chỉ biết đến những ngôi trường chuyên nghiệp như Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Âm nhạc Huế hay Đại học Sân khấu điện ảnh…mà không được nhắc tới ở các trường đại học ngoài khối Âm nhạc. Đại học FPT là một trong những trường đại học tiên phong đưa nhạc cụ truyền thống vào giảng dạy cho toàn bộ sinh viên tất cả các khối ngành, trở thành môn học chính thức trong hệ thống đào tạo. Đàn Tỳ bà là một trong những nhạc cụ đang được giảng dạy tại trường Đại học FPT. Tuy nhiên vẫn chưa có một giáo trình đàn Tỳ bà chính thức nào dành cho khối ngoài âm nhạc. Do vậy nghiên cứu này sẽ tổng hợp những kỹ thuật cơ bản nhất của đàn Tỳ bà và những lưu ý dành cho khối không chuyên.
1. Các kỹ thuật cơ bản trong đàn Tỳ bà
Hệ thống kỹ thuật trong giảng dạy và học tập đàn Tỳ bà rất phong phú và có độ khó khá cao, là một trong những loại nhạc cụ dân gian có sức biểu cảm phong phú nhất, lịch thiệp và hàm chứa thông điệp không thể diễn tả bằng lời. Đối với nghiên cứu này chúng tôi sẽ chỉ nhấn mạnh và đi sâu vào tư thế cầm đàn, các kỹ thuật cơ bản nhất của tay trái và tay phải. Giới hạn vấn đề nghiên cứu như vậy để phù hợp với đối tượng và thực tiễn giảng dạy tại môi trường ngoài chuyên nghiệp.
1.1. Đàn Tỳ bà
Đàn Tỳ bà là tên gọi một loại nhạc cụ dây gảy của người Phương Đông được phổ biến nhất ở Trung Quốc, qua thời gian dài sử dụng nó đã được bản địa hóa tùy theo từng vùng, từng quốc gia.
Theo tác giả Thế Bảo (2017), cuốn Lịch sử Âm nhạc Việt Nam, Nxb Thanh niên, Hồ Chí Minh: “Đàn Tỳ bà, một trong những nhạc cụ truyền thống của Việt Nam được sử dụng trong các loại hình âm nhạc như Nhã nhạc cung đình Huế, nhạc Chèo, nhạc Cải lương…,nhưng theo thời gian nhạc cụ này ngày càng vắng bóng và không còn phổ biến như những nhạc cụ khác như đàn Bầu, đàn Tranh, đàn Nhị, đàn Nguyệt”
Có rất nhiều giả thuyết và ý kiến khác nhau của các nhà nghiên cứu về nguồn gốc, xuất xứ của cây đàn Tỳ bà. Theo PGS.TS. Thụy Loan trong Lược sử âm nhạc Việt Nam, xuất bản năm 1993, Nxb Âm nhạc, Hà Nội đã khẳng định: “Tỳ bà Trung Quốc đã du nhập vào Việt Nam, qua thời gian dài sử dụng nó đã được bản địa hóa”
Theo GS.TS. Trần Văn Khê (2000), Âm nhạc dân tộc, Nxb Trẻ TP Hồ Chí Minh, cái tên “Pipa/Tỳ bà” trong tiếng Trung Quốc do hai chữ “tỳ” (Pi/琵) và “bà” (Pa/琶) tạo thành. Hai chữ này là các phương pháp đánh đàn của người Trung Quốc cổ - “pi” là dùng tay phải gẩy dây đàn xuống, và “pa” là gẩy lên. Và vì vậy mà thuật ngữ “Pipa” thường được dùng trong tiếng Trung để miêu tả hai phương pháp gẩy đàn khác nhau
Đàn Tỳ bà có 2 loại: đàn Tỳ bà cổ và đàn Tỳ bà cách tân.
Cả 2 loại đều được chế tác bằng gỗ ngô đồng. Cần đàn và thùng đàn liền nhau có dáng như hình quả lê bổ đôi hay hình giọt lệ. Mặt đàn bằng gỗ nhẹ, xốp. Phía mặt cuối thân đàn có một bộ phận để mắc dây gọi là ngựa đàn. Đầu đàn (hoặc thủ đàn) cong có chạm khắc rất cầu kỳ, khi là hình chữ thọ, khi là hình con dơi. Đầu đàn có bốn trục gỗ để lên dây. Toàn bộ chiều dài của thân đàn có số đo từ 94 – 100 cm. Phần cần đàn có gắn 4 miếng ngà voi cong vòm lên gọi là Tứ Thiên Vương (đàn Tỳ bà cổ). Tám phím chính làm bằng tre già hoặc gỗ gắn ở phần mặt đàn cho ra các cao độ khác nhau. Đối với đàn Tỳ bà cách tân thì Tứ Thiên Vương được gỡ bỏ mà thay vào đó là phím đàn. Đàn Tỳ bà cách tân được gắn thêm nhiều phím để phù hợp với những bài tác phẩm mang màu sắc đương thời. Thuở xưa dây đàn se bằng tơ tằm, ngày nay người ta thay dây tơ bằng dây nilon.
Đàn Tỳ bà cách tân Đàn Tỳ bà cổ
Đàn Tỳ bà có 4 dây buông với 2 cách lên dây phổ biến nhất:
Dây đàn Tỳ bà cách tân Dây đàn Tỳ bà cổ
Đàn Tỳ bà có chiều dài 3 thước 5 tấc (35 thốn) 3 thước tượng trưng cho tam tài (Thiên, Địa, Nhân), 5 tấc thể hiện ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ), 4 sợi dây thể hiện cho tứ quý (bốn mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông) [48]. Màu âm đàn Tỳ bà rất đa dạng, cữ trầm cho ra âm thanh trầm ấm, sâu lắng, cữ trung cho ra âm thanh nhẹ nhàng trữ tình, cữ cao cho ra âm thanh trong sáng, vui tươi, thể hiện tính chất tươi sáng.
1.2. Tư thế cầm đàn
Có nhiều tư thế cầm đàn khác nhau tùy theo từng thể loại âm nhạc. Theo tác giả Phạm Thị Huệ viết trong luận văn thạc sĩ “Vị trí cây đàn Tỳ bà trong đời sống âm nhạc hiện nay” có 3 tư thế cầm đàn:
Cổ phượng ngang vai: theo phong cách của các nghệ nhân Huế: vắt chân chữ ngũ, dùng 1 sợi dây (dây vài hoặc dây cước) buộc từ đầu đàn với phía dưới (sau mặt đàn) đeo lên cổ để giữ đàn nằm ngang.
Cổ phượng ngang đầu: lối cầm đàn theo lối Cải lương – truyền thống.
Cổ phượng cao hơn đầu: thế cầm đàn hiện nay sử dụng.
Cổ phượng cao hơn đầu hay còn gọi là cầm đàn thẳng. Theo NSND Vũ Mai Phương đã viết trong cuốn giáo trình “Tuyển tập những bài tập kỹ thuật cho đàn Tỳ bà tập 1”cầm đàn thẳng là cách hiện nay các trường dạy nhạc chuyên nghiệp và các nghệ sĩ thường hay sử dụng. Ở cách này, tư thế ngồi thẳng lưng, chân trái vắt lên chân phải hoặc 2 chân để song song khép sát vào nhau. Đàn để lên đùi, không dựa đàn vào người mà dựng thẳng sau đó nghiêng sang trái 20 độ để lộ khuôn mặt người chơi.
1.3. Kỹ thuật tay phải
Ở kỹ thuật này người học phải luôn giữ cổ tay cong, thả lỏng, mềm mại, không lên gân. Giữ cổ tay cong và không lên gân là yếu tố then chốt cho kỹ thuật tay phải để từ đó tạo ra được tiếng đàn đẹp và hay. Bên cạnh đó, cầm móng cũng là một kỹ thuật có tính quyết định tới việc có tạo ra được âm thanh mềm mại và tình cảm không bằng cách dùng 2 ngón (ngón trỏ và ngón cái). Rất nhiều học sinh không để ý kỹ vào kỹ thuật cầm móng, nghĩ rằng cầm sao cũng được, miễn là gảy được thành tiếng. Và như vậy, nhiều em đã sử dụng 3 ngón tay để cầm móng thay vì 2 ngón. Nếu cẩm 3 ngón khiến cho cổ tay khó thả lỏng, không linh hoạt, và sẽ gây khó khăn cho các em ở các kỹ thuật chạy kép hay những kỹ thuật cao hơn.
Vấn đề chọn móng
Để có thể trở thành người chơi đàn hay, người học sẽ cần chọn cho mình móng gẩy đàn tốt. Vậy thế nào là móng gảy đàn tốt? Móng gảy đàn tốt là móng có chất lượng tốt, có độ dày từ 1,2mm đến 1,5mm. Tùy từng đối tượng người học sẽ lựa chọn độ dày mỏng của móng khác nhau. Ban đầu khi mới bắt đầu học, giảng viên sẽ cho người học chơi bằng móng đàn 1,2mm để người chơi làm quen với cách gảy vì với độ dày 1,2mm sẽ dễ dàng hơn cho những người mới bắt đầu. Tuy nhiên một thời gian ngắn sau khi đã quen, giảng viên sẽ yêu cầu người học chuyển sang móng dày hơn 1,5mm vì với độ dày như vậy âm thanh tiếng đàn sẽ đầy đặn và tròn trịa hơn. Trên mặt móng đàn sẽ luôn hiện thông số về độ dày mỏng của móng đàn. Chú ý đến thông số kỹ thuật để tìm cho mình móng đàn tốt nhất. Âm thanh của tiếng đàn phụ thuộc rất nhiều vào độ dày mỏng của móng đàn. Nếu móng đàn mỏng hơn 1,2mm thì âm thanh phát ra cũng mỏng và đanh, còn móng đàn dày từ 1,2mm cho đến 1,5mm thì tiếng đàn sẽ chắc và ấm.
Kỹ thuật gảy lên và gảy xuống
Pipa có ý nghĩa là gảy lên và gảy xuống. Do vậy kỹ thuật gảy lên và gảy xuống là 2 kỹ thuật chính được sử dụng trong đàn Tỳ bà. Tùy thuộc vào bài bản cụ thể và phong cách âm nhạc mà lựa chọn kỹ thuật gảy lên hay gảy xuống. Với những bài có tốc độ chậm rãi, không có tiết tấu kép, thì chỉ cần gảy xuống, nhưng khi chơi những bài có tiết tấu nhanh thì cần sử dụng cả kỹ thuật gảy lên và gảy xuống. Đối với khóa học nhạc tại trường Đại học FPT, giáo viên sẽ chủ yếu hướng đến kỹ thuật gảy xuống cho sinh viên. Vì như vậy sẽ giúp các em định hình được âm thanh của tiếng đàn chắc, khỏe, tròn là như nào trong đầu. Do vậy, sự kết hợp giữa gảy lên và gảy xuống luôn tương trợ lẫn nhau, bổ sung cho nhau để có thể tạo ra một tổng thể hoàn hảo, thể hiện sự tinh tế trong giai điệu và màu sắc âm nhạc.
1.4. Kỹ thuật tay trái
Kỹ thuật bàn tay
Đối với đàn Tỳ bà, kỹ thuật tay trái vô cùng phong phú và đa dạng với các ngón rung, nhấn, luyến, láy…Và để làm được điều đó, giáo viên cần đặc biệt quan tâm tới việc dạy cho các em có một tư thế đúng trong cách “đặt bàn tay” trái. Nếu việc đặt bàn tay trái bị sai vị trí hoặc không đúng cách sẽ dẫn đến sự khó khăn trong việc chuyển động ngón tay. Như vậy sẽ dẫn đến sai lệch các kỹ thuật cơ bản khác. Bàn tay trái luôn khum hình chữ C, lòng bàn tay không chạm vào cần đàn. Ngón cái làm điểm tựa sẽ đặt cạnh mép đàn trái, không đặt quá sâuđể tạo khoảng trống di chuyển ngón tay một cách dễ dàng. Với mỗi cữ đàn sẽ có vị trí đặt tay khác nhau, nhưng không khác nhau về cách đặt bàn tay.
Kỹ thuật xếp ngón
Kỹ thuật xếp ngón có vai trò quyết định tới việc chạy ngón thuận lợi. Hay giúp người chơi thể hiện được tác phẩm một cách dễ dàng nhất. Tuy nhiên để chạy ngón thuận lợi thì cần những bài tập luyện ngón để tạo sự linh hoạt cho ngón tay, thông qua các bài luyện ngón người học phần nào nắm được cách xếp ngón cơ bản và có thể dễ dàng điều khiển được các ngón tay theo mong muốn
2. Một số lưu ý và kỹ thuật dành riêng cho khối không chuyên
Có rất nhiều kỹ thuật tay trái và tay phải cho đàn Tỳ bà. Tuy nhiên theo mục đích và phạm vi nghiêm cứu, chúng tôi sẽ chỉ dừng lại và đi sâu vào một số kỹ thuật đơn giản và hay sử dụng nhất từ chương trình học dành cho hệ chuyên nghiệp để áp dụng trong bài bản giảng dạy cho sinh viên không chuyên như:
- Ngón nhấn: Làm cho cao độ của nốt nhạc được nhấn cao hơn nốt ban đầu (½ cung hoặc 1 cung). Đối với ngón nhấn của đàn Tỳ bà rất phong phú như (nhấn trước, nhấn sau, nhấn luyến lên hay nhấn láy…), mỗi kiểu nhấn sẽ tạo ra âm thanh khác nhau tùy vào từng mục đích của người chơi. Tuy nhiên đối với sinh viên không chuyên, ngón nhấn sẽ đơn giản hơn rất nhiều, chỉ là làm cho âm thanh cao hơn ½ cung đối với nốt Si giáng thành Si bình hay những nốt thăng. Với kỹ thuật này, người chơi sẽ nhấn và giữ dây trước khi gảy nốt đó. Giảng viên sẽ phải điều chỉnh ngón nhấn của sinh viên sao cho đúng cao độ của nốt nhạc tránh bị thấp hay bị quá cao.
- Chồng âm, hợp âm: Đánh chồng âm hay hợp âm là ta đánh cùng một lúc 2 hoặc 3 nốt (trên hai hoặc ba dây). Tạo cho người nghe cảm giác âm thanh đầy đặn và phong phú, không tẻ nhạt như những nốt đơn.
-Kỹ thuật rải: Ðiểm độc đáo nhất của đàn Tỳ bà là kỹ thuật rải, có rải 3 dây và rải 4 dây. Kỹ thuật rải mang đến âm thanh như nước chảy, mềm mại và mượt mà.
-Gõ không: dùng 2 tay gõ tiết tấu vào mặt đàn.
-Tung tang (hay còn gọi là ngón song thanh): cùng là 1 nốt nhưng đánh ở 2 vị trí khác nhau, thường sử dụng ở 2 dây giữa (dây buông pha, sol) đây là ngón đặc trưng của đàn Tỳ bà.
Kết luận
Đàn Tỳ bà là một nhạc cụ dân tộc độc đáo và quan trọng trong dàn nhạc dân tộc Việt Nam, tuy nhiên lại chưa mấy được phổ biến, đặc biệt là trong xã hội hiện nay. Do vậy việc nghiên cứu và đưa ra những cách thức tiếp cận cũng như phổ cập cây đàn Tỳ bà đến đông đảo mọi người là điều hết sức cần thiết. Trong đó giảng dạy là một trong những cách phố cập đàn Tỳ bà nhanh chóng và hiệu quả. Từ đó sẽ mang đến cho người học một cái nhìn tổng quan về môn học và các bước thực hiện. Trên đây tôi đã tổng hợp toàn bộ những kỹ thuật cơ bản nhất, phù hợp nhất với những người bắt đầu học đàn Tỳ bà, giới thiệu đến người học về nguồn gốc xuất xứ, cách thức ôm đàn, tay cầm móng…và những lưu ý về kỹ thuật dành cho khối không chuyên. Hi vọng sẽ đem đến cho người mới bắt đầu học đàn Tỳ bà những kiến thức hữu ích trong quá trình học tập.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Thế Bảo (2017), Lịch sử Âm nhạc Việt Nam, Nxb Thanh niên, Hà Nội.
2. Thụy Loan (1993), Lược sử Âm nhạc Việt Nam, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
3. Vũ Mai Phương (1998), Cây đàn Tỳ bà trong âm nhạc truyền thống Việt Nam, Luận văn thạc sĩ, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Hà Nội.
4. Vũ Mai Phương (2003), Tuyển tập những bài tập kĩ thuật cho đàn Tỳ bà (tập I), Nhạc viện Hà Nội, Hà Nội.
5. Vũ Mai Phương(2004), Tuyển tập tác phẩm Việt Nam và nước ngoài cho đàn Tỳ bà, Nhạc viện Hà Nội, Hà Nội.
6. Vũ Mai Phương (2005), Tuyển tập những bài tập kĩ thuật cho đàn Tỳ bà (tập II).Nhạc viện Hà Nội, Hà Nội.