Nội san

Hướng dẫn luyện tập kỹ thuật cơ bản của đàn Nhị cho sinh viên Đại học FPT

22 Tháng Sáu 2022

HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP KỸ THUẬT CƠ BẢN CỦA ĐÀN NHỊ CHO SINH VIÊN ĐẠI HỌC FPT

                                                   Phạm Thị Lan

Học viên K14 - Lý luận và phương pháp dạy học Âm nhạc

 

Việc xây dựng nền tảng cơ bản từ tư thế cầm đàn, tư thế của hai tay, cách thả lỏng cơ thể cho đến rèn luyện các kỹ thuật cơ bản của cây đàn Nhị là rất quan trọng đối với sinh viên năm nhất tại Đại học FPT,  bởi khi thực hiện đúng động tác, kỹ thuật cơ bản thì việc học và thực hành tác phẩm trên đàn Nhị của sinh viên được chính xác và dễ dàng hơn. Người học cần luyện tập các kỹ thuật cơ bản một cách khoa học ngay từ khi làm quen với đàn để chơi các nhạc cụ nói chung và đàn Nhị nói riêng. Bài viết này sẽ giới thiệu một số kĩ thuật cơ bản của đàn Nhị dành cho sinh viên.

1. Luyện kéo dây buông

Đối với đàn Nhị, tay phải là tay cầm vĩ, tay trái giữ chắc đàn và bấm nốt. Có hai kỹ thuật dùng vĩ cơ bản là kéo vĩ từ gốc đến ngọn và đẩy vĩ từ ngọn xuống gốc. Đây là kỹ thuật đầu tiên khi chơi đàn Nhị và chiếm vị trí quan trọng đối với sinh viên khi mới làm quen cây đàn. Để nâng cao chất lượng cho việc học đàn Nhị cần phải luyện kéo dây buông thật tốt giúp tiếng đàn hay hơn. Luyện tập kéo dây buông được thể hiện qua hành động kéo, đẩy cung vĩ, không những tạo nên tính chất cơ bản của âm vang, còn liên quan đến việc phân câu, ngắt câu trong tác phẩm. Khi tập, tùy thuộc cung vĩ kéo hay đẩy mà âm sắc được tạo ra cũng khác nhau.

Luyện kéo vĩ được tiến hành trên 2 dây buông, dây ngoài là dây cao (dây G) và dây trong là dây trầm (dây C). Việc kéo hay đẩy vĩ phải thực hiện trên 1 đường thẳng, tránh chạm 2 dây. Khi nắm được kỹ thuật, GV hướng dẫn SV thực hành kéo vĩ ở dây ngoài trước (dây G). Giảng viên hướng dẫn sinh viên thả lỏng cơ thể, cổ tay linh hoạt, lực tay vừa phải. Nếu dùng lực mạnh tác động lên vĩ sẽ tạo tạp âm lên tiếng đàn, âm thanh không chuẩn; dùng lực quá nhẹ, tiếng đàn bị hời hợt, không có lực.

Lưu ý, khi kéo, đẩy vĩ cổ tay phải linh hoạt và sử dụng lực ở cổ tay, không dùng lực cả cánh tay. Sử dụng lực ở cánh tay tiếng đàn bị cứng, thô. Khi kéo vĩ, vĩ đặt sát phần bầu đàn giúp tăng mặt tiếp xúc của vĩ đàn với dây đàn và phải thu hẹp góc vĩ, nếu mở rộng góc vĩ tiếng đàn dễ bị đanh, âm thanh không đẹp.

Khi nắm được kỹ thuật, GV hướng dẫn SV thực hành kéo vĩ ở dây ngoài trước (dây G). So với dây trong, dây ngoài dễ kéo hơn và không cần dùng quá nhiều lực. Giảng viên hướng dẫn sinh viên thả lỏng cơ thể, cổ tay linh hoạt, lực tay vừa phải. Nếu dùng lực mạnh tác động lên vĩ sẽ tạo tạp âm lên tiếng đàn, âm thanh không chuẩn; dùng lực quá nhẹ, tiếng đàn bị hời hợt, không có lực. Khi kéo, sinh viên vừa kéo vừa đọc tên dây để nhớ tên dây buông, đồng thời nắm được cao độ của dây. Kéo vĩ trên một đường thẳng và cổ tay chuyển động linh hoạt theo hướng chuyển động của vĩ. Thu hẹp góc vĩ tránh bị chạm dây. Kỹ thuật kéo vĩ rất quan trọng bởi, kéo dây nào vĩ chuyển động trên dây đó, tránh tình trạng dây vĩ chạm vào dây trong.

Khi kéo dây ngoài được tiếng to, tròn, đều, sinh viên tập kéo dây trong (dây C). So với dây ngoài dây trong khó kéo hơn, vì vậy khi cầm vĩ ngón trỏ (ngón 3) và ngón áp út (ngón 4) hơi níu dây vĩ căng hơn để có tăng lực kéo dây trong.

Sinh viên luyện tập cả hai kĩ năng trên với dây buông cho đến khi tiếng đàn chuẩn và âm sắc (âm thanh) khi kéo từ gốc lên ngọn hay ngược lại cùng một âm thanh không đổi. Giảng viên hướng dẫn sinh viên tập kéo dây buông ở tốc độ chậm, ở âm hình nốt tròn (), nốt trắng (), nốt đen (), nốt đơn ().

Sau khi luyện tập từng dây, sinh viên luyện tập bài tập thực hành kết hợp 2 dây. Bài tập thực hành được giảng viên chọn từ sách Bài tập kỹ thuật cho đàn Nhị, tư liệu từ thư viện Âm nhạc - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

2. Luyện bấm nốt dây trong, dây ngoài

Để luyện tập nốt bấm, giảng viên hướng dẫn cho sinh viên nốt nhạc trên đàn, đồng thời hướng dẫn ngón đặt vào dây, cách bấm nốt sao cho to, tròn tiếng giống như khi kéo nốt dây buông.

Đàn Nhị không có phím bấm nên ước lượng cữ theo một khoảng nhất định, khoảng này còn căn cứ vào cữ đàn buộc cao hay thấp và sinh viên phải dùng tai để kiểm tra cao độ nốt nhạc. Sau thời gian nhất định, sinh viên sẽ có phản xạ về cao độ âm thanh của nốt nên trong quá trình tập luyện giảng viên hướng dẫn các em vừa xác định cữ tay vừa hát nốt để kiểm tra cao độ của nốt.

Khi bấm dây phải sử dụng đầu ngón tay, không dùng phần đốt ngón tay và không bấm vuông góc với đàn mà thực hành theo một góc nghiêng khoảng 45o.

Cũng giống như luyện vĩ kéo dây buông, luyện tập ngón bấm cũng tiến hành trên cả 2 dây của đàn Nhị. Sinh viên luyện tập ngón bấm ở dây trong trước và ở dây ngoài sau.

Luyện tập các nốt dây trong sẽ được các nốt:

Ví dụ 1:

Đối với dây ngoài (dây G), cũng đặt các ngón vào vị trí tương đồng như vị trí khi kéo ở dây trong.

Luyện tập nốt dây ngoài sẽ được các nốt:

Ví dụ 2:

Đối với ngón bấm, yêu cầu khi bấm ngón tay không hời hợt, cũng không nhấn lực quá sâu làm lệch cao độ của âm thanh. Sử dụng lực ngón tay vừa phải để tạo âm thanh chuẩn.

Khi bấm, bấm ngón 4 (ngón út) sẽ khó hơn các ngón khác nên sinh viên lưu ý xác định đúng khoảng tay để đặt nốt được chính xác.

Lưu ý, khi bấm ngón, do vị trí các dây sát nhau vì vậy khi bấm người chơi bấm cả hai dây và tùy thuộc vào vĩ kéo dây nào mà âm thanh phát ra ở dây đó. Và lần lượt bấm các ngón vào dây.

Giống như bài tập luyện kéo dây buông, SV luyện tập bấm nốt và kéo dây ở tốc độ chậm, tiến hành từ âm hình nốt tròn (), nốt trắng () và đẩy nhanh hơn ở các nốt đen (), nốt đơn (). Sau khi luyện tập trên âm hình nốt, sinh viên luyện tập trên các bài tập thực hành.

Bài tập thực hành giúp sinh viên ghi nhớ được nốt nhạc, luyện vĩ kéo tốt hơn và tiếng nghe đẹp hơn. Khi thực hành, các em đánh chậm rồi tăng dần tốc độ. Luyện tập giúp tiếng đàn về sau không bị phô, các sinh viên chắc kỹ thuật hơn.

Khoảng cách của các nốt tùy vào cữ đàn. Khi cữ đàn buộc ở gần với trục mắc dây thì khoảng cách các ngón sẽ bấm dài hơn còn cữ đàn buộc xa trục mắc dây hơn thì các khoảng cách của các ngón bấm sẽ ngắn hơn. Thường thì tay của sinh viên nữ thường ngắn hơn sinh viên nam do vậy, GV hướng dẫn và giúp SV điều chỉnh cữ đàn cho phù hợp.

Khi luyện tập, sinh viên không nắm được âm thanh chuẩn nên tiếng đàn thường bị phô, chênh so với âm thanh yêu cầu. Giáo viên hướng dẫn sinh viên lùi về phía cữ để âm thanh thấp hơn và tiến xa cữ nếu âm thanh cao hơn nốt thực tế. Dần dần tạo cảm giác chuẩn về âm thanh cho các em.

3. Luyện cung vĩ rời, cung vĩ luyến

Trong các kỹ thuật tay trái, chúng tôi hướng dẫn sinh viên kỹ thuật cung vĩ rời và cung vĩ luyến.

Cung vĩ rời: Là cách dùng cung vĩ kéo hoặc đẩy để tấu một âm nhưng vĩ không nẩy hoặc tách ra khỏi dây đàn. Có 2 loại cung vĩ rời đó là:

Cung vĩ rời dài: Dùng kỹ thuật kéo hoặc đẩy cả cung vĩ (từ gốc đến ngọn hay từ ngọn về gốc). Kỹ thuật này cho âm thanh khỏe, đầy đặn và thường sử dụng trong bài có tiết tấu chậm. Có thể bắt gặp kỹ thuật cung vĩ dài ở nhiều tác phẩm như Bắc Kim Thang, Đi cấy…

Cung vĩ rời ngắn: Dùng kỹ thuật kéo hoặc đẩy nhưng chỉ kéo 1/2 hoặc 1/3  cung vĩ. Kỹ thuật cung vĩ ngắn tạo nên sự linh hoạt và thường sử dụng trong bài có tiết tấu nhanh, linh hoạt.

Cung vĩ luyến: Là cách dùng cả cung vĩ đẩy hoăc kéo để tạo được nhiều âm trên một cung vĩ kéo hoặc đẩy. Âm thanh trên cung vĩ luyến thể hiện sự tình cảm, nhẹ nhàng, được ký hiệu vòng cung nối giữa các nốt.

Trong giảng dạy cho sinh viên chúng tôi chủ yếu sử dụng một vĩ 2 âm và các tác phẩm viết cho đàn Nhị sử dụng rất nhiều kỹ thuật này, ví dụ trong bản phổ Lý đây đa, Cò lả…

Ví dụ 3:                                                (Lý cây đa, cung vĩ luyến)

Nốt luyến tạo sự liền mạch cho tác phẩm. Nếu không sử dụng kỹ thuật luyến, giai điệu trong tác phẩm không có hồn, không thể hiện được cảm xúc của tác phẩm.

Kỹ thuật luyến được thực hiện bằng một động tác vĩ, khi đổi dấu nối, hướng chuyển động của vĩ mới được đổi để tránh tiếng đàn bị ngắt, không liền mạch.

Khi luyện tập kỹ thuật luyến, giảng viên hướng dẫn các em luyến 2 nốt trên cùng một vĩ. Luyện tập ngón luyến, các em tập luyện tập 2 nốt và kéo trên cũng một vĩ. Do vậy, khi kéo yêu cầu các em kéo đúng nốt và chia đều khoảng vĩ để tiết tấu đều đặn. Cũng giống như các bài tập đã học, các em tập chậm rồi tăng dần tốc độ.

Hướng dẫn luyện thực hành kỹ thuật cơ bản của đàn Nhị là ưu tiên hàng đầu của giảng viên khi dạy học đàn Nhị cho sinh viên năm thứ nhất, trường Đại học FPT. Luyện tập kỹ thuật tốt giúp sinh viên nắm chắc kiến thức, đồng thời tạo tiền đề tốt nhất cho các việc luyện tác phẩm. Hiệu quả mang lại đã được kiểm chứng trong quá trình dạy học đàn Nhị tại trường Đại học FPT.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Thế Dân (2005), Tuyển tập kỹ thuật cho Đàn Nhị,Giáo trình dành cho hệ Trung học dài hạn (Quyển 1), Trung tâm thông tin – Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Hà Nội.

2. Nguyễn Thành Nhân (2016), Giảng dạy các bài tập kỹ thuật cho đàn Nhị hệ Trung cấp tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Luận văn thạc sĩ Nghệ thuật âm nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Hà Nội.