BIỆN PHÁP DẠY HỌC HÁT CHO LỨA TUỔI TRUNG NIÊN TẠI TRUNG TÂM ĐÀO TẠO VÀ PHÁT TRIỂN NGHỆ THUẬT ĐỨC HƯNG, QUẬN HÀ ĐÔNG, HÀ NỘI
Nguyễn Đức Hưng
Học viên K13 - LL và PP dạy học Âm nhạc
Xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu giải trí, hưởng thụ văn hóa tinh thần của con người ngày càng được nâng cao và hoàn thiện. Đối với lứa tuổi trung niên, sau khi cuộc sống, gia đình và công việc đã có phần ổn định thì họ lại rất cần đến những nguồn giải trí lành mạnh. Việc chọn một bộ môn thể thao vừa sức, nhẹ nhàng, một bộ môn nghệ thuật (hát, khiêu vũ, hội họa,...) hay một thú chơi riêng nào đó (trồng cây cảnh, đánh cờ,...) là rất cần thiết để cân bằng lại cuộc sống, giúp tâm hồn trẻ trung hơn, lạc quan hơn. Hiện nay ở các CLB ca hát, học viên lứa tuổi trung niên chiếm một tỉ lệ không nhỏ, các CLB đã giúp những người trung tuổi xua đi mặc cảm về tuổi tác, tích cực trẻ hóa tâm hồn để tự tin cùng các bạn trẻ đứng trên sân khấu cất cao tiếng hát yêu đời.
Trung tâm đào tạo và phát triển nghệ thuật Đức Hưng được thành lập với mục đích chính là nâng cao, bồi dưỡng và phát triển tài năng nghệ thuật cho mọi lứa tuổi trong đó có lứa tuổi trung niên. Bộ môn ca hát là một trong những bộ môn chủ chốt mà trung tâm đang tập trung phát triển. Dựa trên thực tế quá trình dạy học hát cho lứa tuổi trung niên tại trung tâm đào tạo và phát triển nghệ thuật Đức Hưng – Hà Đông – Hà Nội, chúng tôi đã áp dụng một số biện pháp dạy học hát để nâng cao chất lượng và kết quả đào tạo cho lứa tuổi trung niên tại Trung tâm.
1. Một số biện pháp dạy học hát cho lứa tuổi trung niên tại trung tâm đào tạo và phát triển nghệ thuật Đức Hưng
1.1. Phân loại giọng hát
Phân loại giọng hát là việc làm đầu tiên mà mỗi giáo viên cần làm khi tiếp cận học viên của mình trong dạy học hát. Mặc dù phạm vi trong luận văn chỉ là dạy hát cho lứa tuổi trung niên tại trung tâm âm nhạc song vẫn cần phải phân loại giọng để giảng viên có phương pháp dạy học phù hợp nhất với học viên đó.
Để phân loại giọng hát thì có rất nhiều phương pháp, phương pháp hay được sử dụng là luyện thanh cho học viên từ thấp lên cao, xác định được nốt thấp nhất học viên xuống được và nốt cao nhất học viên lên được sẽ xác định được quãng giọng của học viên. Những trường hợp đã đo được âm vực giọng hát nhưng vẫn có nhiều điểm chưa rõ ràng thì giáo viên có thể phân loại giọng qua âm sắc giọng hát. Phương pháp xác định giọng qua âm sắc sẽ hỗ trợ cho giáo viên trong việc đưa ra những nhận định chuẩn hơn về giọng hát để phân loại.
Ngoài 2 phương pháp trên, một số giáo viên còn xác định giọng thông qua nốt chuyển giọng. Mỗi loại giọng sẽ có nốt chuyển giọng khác nhau. Xác định được nốt chuyển giọng sẽ giúp giáo viên xác định được giọng hát của mỗi học viên.
Việc phân loại giọng hát cho lứa tuổi trung niên tại các trung tâm còn gặp nhiều khó khăn do xuất phát điểm của mỗi học viên là không đồng đều. Vì vậy, để phân loại giọng hát sẽ cần thời gian lâu hơn, giáo viên sẽ là người theo sát từng học viên trong suốt quá trình học để có thể xác định được giọng hát học viên của mình.
1.2. Luyện thẩm âm, tiết tấu
Hát đúng cao độ và nhịp phách là yêu cầu tối thiểu khi thể hiện một ca khúc bất kì. Việc HV có hát được đúng cao độ và nhịp phách hay không phụ thuộc rất nhiều vào khả năng cảm âm, tai nghe nhạc. Do vậy, để tăng cường khả năng nghe cảm âm và tai nghe nhạc viêc luyện thẩm âm, tiết tấu là cần thiết.
Luyện thẩm âm
Thẩm âm là khả năng nghe và bắt chước lại chính xác giai điệu nào đó. Khi luyện thẩm âm, GV sẽ đánh một đoạn giai điệu trên đàn và HV sẽ bắt chước lại bằng âm “la”.
Việc luyên thẩm âm nên được diễn ra thường xuyên và đều đặn để giúp HV cải thiện khả năng cảm âm và tai nghe nhạc. GV sẽ dành một ít phút cuối buổi học để luyện thẩm âm cho HV, vừa nâng cao năng lực âm nhạc vừa thay đổi không khí giúp HV hào hứng và thoải mái hơn.
Dưới đây là một số mẫu luyện thẩm âm cho các HV:
Ngoài những mẫu âm trên GV có thể tự soạn những mẫu âm sao cho phù hợp với năng lực của HV.
Luyện tiết tấu
Khả năng tiết tấu là nghe và gõ lại một âm hình tiết tấu có chính xác hay không. Khi luyện tiết tấu, GV sẽ có một đoạn tiết tấu và HV sẽ nghe và vỗ tay lại.
Trong chương trình học hát, có một số bài hát có tiết tấu khó, đảo phách nhiều. Vì vậy, GV cần hướng dẫn kĩ để HV có thể nghe và hát chính xác tiết tấu của bài hát đó.
Một số mẫu luyện tiết tấu:
1.3. Lựa chọn bài hát phù hợp với khả năng ca hát của học viên
Việc lựa chọn bài hát phù hợp với khả năng ca hát của học viên là một việc làm hết sức quan trọng trong quá trình luyện tập cũng như biểu diễn sau này của học viên.
Bài hát được coi là phù hợp với khả năng ca hát của học viên phải đáp ứng được những yêu cầu sau:
- Bài hát phù hợp với quãng giọng của học viên: trong quá trình giảng dạy giáo viên sẽ nắm được quãng giọng của từng học viên từ đó làm cơ sở để có thể lựa chọn những ca khúc phù hợp nhất với quãng giọng của học viên đó.
- Bài hát phù hợp với năng khiếu ca hát của học viên: những học viên có năng khiếu ít thì giáo viên nên lựa chọn những ca khúc có giai điệu dễ nhớ, quen thuộc và những ca khúc có tiết tấu đơn giản ít đảo phách.
- Bài hát phù hợp với mục đích học hát của học viên: học viên muốn học hát karaoke thì nên chọn những ca khúc như thế nào? học viên muốn học hát để biểu diễn trên sân khấu hay để thi các cuộc thi thì nên chọn những ca khúc như thế nào?
Đa phần việc chọn bài hát khi các học viên học tập tại trung tâm đều do học viên tự lựa chọn. Tuy nhiên, việc chọn bài của học viên đều sẽ được sự tư vấn định hướng từ phía giáo viên bởi giáo viên là những người có trình độ chuyên môn tốt nên sẽ biết phải chọn ca khúc nào là phù hợp nhất với học viên để học viên có thể tập luyện cũng như thể hiện được tốt nhất.
1.4. Nâng cao chất lượng dạy học của giáo viên
GV đang giảng dạy tại trung tâm đều đã tốt nghiệp Đại học tại các trường âm nhạc hàng đầu như: Học viện âm nhạc Quốc gia, Đại học văn hóa nghệ thuật Quân Đội, Đại học sư phạm nghệ thuật TW... Tuy nhiên, các GV còn khá trẻ cộng với việc chỉ quen dạy các đối tượng HV nhỏ tuổi nên khi tiếp cận dạy học hát đối tượng HV lứa tuổi trung niên các GV gặp phải rất nhiều khó khăn. Vì thế nhiệm vụ nâng cao chất lượng dạy học của các GV là rất cần thiết.
Mỗi GV cần không ngừng học tập trau dồi nhiều hơn cả về kiến thức lẫn hiểu biết để việc giảng dạy trở nên khoa học và đem lại hiệu quả cao. GV cần có tinh thần cầu tiến, tìm hiểu và học hỏi những phương pháp mới những tri thức mới trong lý thuyết và thực hành.
Trong quá trình giảng dạy, GV phải kiêm luôn nhiệm vụ đệm đàn. Vì vậy, một trong những yêu cầu đặt ra cho GV là rèn luyện, nâng cao khả năng tự đệm đàn piano để có thể hướng dẫn cho HV trong việc học các tác phẩm và luyện thanh trong quá trình giảng dạy.
Ngoài yêu cầu GV phải biết đệm piano thì GV còn phải rất nhanh nhạy trong việc lựa chọn bài hát phù hợp với chất giọng, nhu cầu và sở thích của HV. Việc lựa chọn bài hát phù hợp với HV phần nào có thể đánh giá được năng lực và kinh nghiệm giảng dạy của GV. Từ đó, ban lãnh đạo trung tâm sẽ có những phương án bồi dưỡng, chia sẻ kinh nghiệm để có thể giúp GV hoàn thành tốt công việc giảng dạy của mình.
Trong quá trình giảng dạy, chúng tôi đã gặp phải rất nhiều khó khăn như: HV yêu cầu dạy các ca khúc, dòng nhạc không phải sở trường của GV; HV yêu cầu dạy những ca khúc mới hay nhiều học viên gặp rất nhiều vấn đề về cao độ và nhịp phách... Vì vậy, tại cuộc họp thường niên các GV luôn phải đưa ra những phương án để khắc phục những khó khăn trong quá trình giảng dạy như: trau dồi thêm vốn bài hát, tự tập đệm hát những ca khúc mới, lựa chọn những ca khúc phù hợp với HV không có năng khiếu âm nhạc...
Tại trung tâm, mỗi học viên sau khi hoàn thành khóa học đều được phát một tờ giấy đánh giá và nhận xét giáo viên của mình. Các học viên sẽ chia sẻ và nộp lại cho trung tâm để từ đó trung tâm hiểu được những mong muốn, nguyện vọng của học viên cũng như chất lượng giáo viên đang giảng dạy tại trung tâm như thế nào. Các GV nhận được nhiều phản hồi tốt từ phía HV thì ban lãnh đạo trung tâm sẽ có những cơ chế phát thưởng để khích lệ tinh thần ngược lại GV nào nhận được nhiều phản hồi tiêu cực thì trung tâm cũng sẽ có những mức phạt khác nhau tùy vào tính chất nặng nhẹ của sự việc đó.
1.5. Hướng dẫn học viên tự rèn luyện kĩ thuật hát tại nhà
Với bộ môn hát khi học tập tại trung tâm thường có thời lượng không nhiều mà số lượng học viên lại đông. Vì thế, HV cần phải tự rèn luyện thêm ở nhà để nâng cao chất lượng học tập của bộ môn hát.
Đầu tiên, GV sẽ yêu cầu HV tự học thuộc lời bài hát ở nhà. Việc học thuộc lời bài hát trước mỗi buổi lên lớp sẽ giúp HV tập trung nhiều hơn vào việc rèn luyện kĩ thuật và xử lí câu chữ trong bài hát đó. Việc học thuộc lời bài hát cũng sẽ giúp HV hát có cảm xúc hơn, hiểu được nội dung, tâm tư mà tác giả muốn người hát phải thực hiện nó. Đa phần các HV lứa tuổi trung niên khi tham gia học hát tại trung tâm đều không thuộc lời bài hát và chủ yếu là nhìn vào chữ chạy trên màn hình karaoke để hát nên thường xuyên xảy ra tình trạng quên xử lí kĩ thuật khi hát và không chủ động trong việc lấy hơi. Do vậy, việc học thuộc lời bài hát là nhiệm vụ đầu tiên mà người học cần phải thực hiện khi tham gia khóa học.
Tiếp theo, GV sẽ quay lại video các mẫu luyện thanh đã luyện trên lớp và gửi cho từng học viên để học viên có thể tự luyện thanh tại nhà. Khi luyện thanh tại nhà thì GV sẽ nhắc nhở HV về tư thế đứng, khẩu hình và nên luyện tập trước gương để có thể tự kiểm tra xem mình có làm đúng hay chưa so với hướng dẫn của GV ở trên lớp.
Việc tự học của HV cũng cần có sự kiểm soát chặt chẽ của GV để tránh tình trạng HV tự học bị thực hành sai qua nhiều sẽ khiến GV khi lên lớp phải chỉnh sửa nhiều lần.
2. Kết luận
Nâng cao chất lượng dạy học hát cho lứa tuổi trung niên đang là nhiệm vụ hàng đầu của trung tâm đào tạo và phát triển nghệ thuật Đức Hưng.
Các học viên khi tham gia học tập tại trung tâm có chất lượng đầu vào không đồng đều cộng thêm việc giáo viên đang giảng dạy tại trung tâm khá trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm khi dạy hát cho lứa tuổi trung niên đang là thách thức lớn, đòi hỏi phải có những biện pháp cụ thể phù hợp để giải quyết vấn đề.
Trong bài viết, chúng tôi đã đưa ra một số biện pháp cụ thể như: phân loại giọng hát, lựa chọn bài hát phù hợp với khả năng ca hát của học viên, nâng cao chất lượng dạy học của giáo viên...
Các biện pháp đã bám sát với thực tiễn, giải quyết triệt để những vấn đề còn tồn đọng trong quá trình dạy hát lứa tuổi trung niên. Một số biện pháp đổi mới đã giúp học viên cảm thấy hứng thú hơn và hiệu quả hơn trong quá trình học tập.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Thị Thùy Dương (2016), Dạy học hát cho học sinh lớp 1 ở trường tiểu học Nguyễn Trãi, Quận Thanh Xuân, Hà Nội, Luận văn thạc sĩ Lý luận và Phương pháp dạy học, Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương.
2. Hồ Mộ La (2005), Phương pháp dạy học thanh nhạc, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.
3. Trần Thị Ngọc Lan (2011), Phương pháp hát tốt tiếng Việt trong nghệ thuật ca hát, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
4. Nguyễn Thị Tố Mai (2016), Bài giảng lý luận về PPDH Thanh nhạc, Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương.
5. Trần Thị Phương Thảo (2017), Dạy học ca khúc nghệ thuật tại các nhà văn hóa trên địa bàn Hà Nội, Luận văn thạc sĩ Lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Hà Nội.