ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC CẢM THỤ ÂM NHẠC CHO HỌC SINH LỚP 7 TRƯỜNG THCS VĨNH HƯNG, HOÀNG MAI, HÀ NỘI
Đặng Văn Phúc
Học viên lớp K13 – LL & PP Dạy học Âm nhạc
Không giống với các loại hình nghệ thuật khác như văn học, hội họa,… Âm nhạc (AN) đến với con người nói chung, với học sinh (HS) nói riêng không hoàn toàn xác định bằng những hình ảnh cụ thể, mà nó có lời ca, giai điệu, trường độ, âm sắc, tiết tấu, không gian diễn xướng, biểu diễn... cùng với thời gian đã thu hút, hấp dẫn, thỏa mãn nhu cầu tình cảm của HS. Thế nên, cần có cách thức phương pháp, những hướng dẫn giáo dục cho HS về những thẩm mỹ của AN (giai điệu, tiết tấu, trường độ, âm sắc, cách hát, cách thể hiện, ý nghĩa của bài hát...) thông qua phân môn học hát của người giáo viên (GV) dạy HS biết và cảm thụ những nét đẹp của AN, để các em thấy được những tác động to lớn của AN trong đời sống sinh hoạt và học tập của mình.
Là một trong những GV AN của trường Trung học cơ sở Vĩnh Hưng, Hoàng Mai, Hà Nội, thông qua thực tiễn, tôi thấy các tiết học AN của HS còn thụ động, các em chủ yếu là bắt trước GV hát trước, học sinh hát theo cho nên HS chưa thật hiểu hết được giá trị thẩm mỹ của AN nói chung, của ca hát nói riêng. Thiết nghĩ cần phải dạy cho HS hát thế nào, thể hiện bài hát đó ra sao… cách thức phân loại HS để dạy học phát triển theo năng lực của các em (bởi năng lực của mỗi HS là khác nhau) để phát huy khả năng sở trường và hạn chế sở đoản của các em, cho HS được học tập theo hướng trải nghiệm thực tiễn nhiều hơn, gây hứng thú cho HS khi đến trường được học tập nhưng cũng vui vẻ để tiếp nhận những kiến thức về các môn văn hóa cơ bản khác mà không bị căng thẳng.
Dạy học cảm thụ thông qua đặc điểm âm nhạc trong bài hát
Dạy học cảm thụ AN thông qua bài hát để HS hiểu được cái hay, cái đẹp, hiểu được rõ tường tận thì không đơn thuần là nghe giai điệu, đọc lời ca. Người GV cần phải giúp HS nhận biết từ thang âm điệu thức, cấu trúc hình thức, âm hình tiết tấu, giai điệu và cuối cùng là tính chất, lời ca.
Cảm thụ về thang âm điệu thức của bài hát
Điệu thức là một hệ thống âm thanh tập hợp lại theo một quan hệ nhất định trong đó có những âm ổn định và những âm không ổn định. Âm ổn định nhất là âm chủ. Điệu thức là phương tiện chủ yếu để biểu hiện nội dung AN.
Các điệu thức được sử dụng trong chương trình sách giáo khoa (SGK) AN mới lớp 7 chủ yếu điệu thức 7 âm có nguồn gốc từ phương Tây, như các bài: Khai trường, Vì cuộc sống tươi đẹp, Nhớ ơn thầy cô, Mùa xuân ơi, Đời cho em những nốt nhạc vui, Mưa hè và bài Santa Licia và điệu thức 5 âm của dân gian phổ biến Việt Nam có bài Lý kéo chài (dân ca Nam bộ) và bài Lý cây đa (Dân ca Quan họ). Tuy nhiên, HS lớp 7 chưa tiếp cận nội dung lý thuyết về thang âm điệu thức, nên nội dung này GV chỉ giới thiệu cho HS biết và để các em kết nối kiến thức AN cho logic mà thôi, chứ không lạm dụng, xa đà vào kiến thức lý thuyết. Bằng cách khi thực hành GV có thể hát (đọc) mẫu cho HS nghe gam nào đó của điệu thức 7 âm hay một giai điệu có 7 âm và một giai điệu có 5 âm để HS cảm nhận. GV cũng có thể ứng dụng hát ngay một đoạn bài hát (7 âm) nối với một bài dân ca (5 âm) để HS phân biệt được sự khác nhau của điệu thức 5 âm với điệu thức 7 âm.
Khi dạy hát (là môn thực hành), nhưng GV cần kết hợp các PP (phân tích, khám phá...) để giúp HS thấy được màu sắc điệu thức 7 âm phương Tây có khác với điệu thức 5 âm. GV cũng có thể minh họa trên đàn hoặc hát để HS nhận biết được màu sắc, tính chất của điệu thức Trưởng thường có tính chất trong sáng, vui tươi, khỏe khoắn miêu tả sự lạc quan yêu đời và điệu thức Thứ thường có màu sắc tối hơn, diễn tả tình cảm trữ tình, tha thiết, buồn man mác.
Trong 8 bài hát của chương trình AN lớp 7, có 4 ca khúc được viết ở điệu thức Trưởng. Ví dụ: Bài Khai trường viết ở giọng Fdur, bài Vì cuộc sống tươi đẹp ở giọng Ddur, bài Santa Licia viết ở giọng Adur, bài Đời cho em những nốt nhạc vui ở giọng Fdur. Và 3 bài viết ở điệu thức Thứ ví dụ: Bài Mưa hè ở giọng dmoll, bài Mùa xuân ơi viết ở giọng amoll, bài Nhớ ơn thầy cô viết ở giọng emoll. Bài Lý kéo chài là điệu thức 5 âm dân tộc Việt Nam ở giọng Rê Nam
Như vậy thông qua phân môn hát, sẽ giúp HS mở rộng kiến thức AN, không chỉ là hát thuộc bài, mà còn bổ trợ cho các em cảm nhận được sự khác biệt giữa điệu thức 7 âm có màu sắc Trưởng và Thứ với màu sắc riêng biệt, độc đáo của điệu thức 5 âm phổ
biến Việt Nam (một phong cách, ca hát theo ngôn ngữ, văn hóa dân tộc). Từ đó, khi các thể hiện bài hát sẽ cảm nhận, sáng tạo trên cơ sở tính chất đặc biệt, phổ biến ấy.
Cảm thụ về hình thức âm nhạc trong bài hát
Các hình thức dạy học cần được đổi mới, tạo sự khác lạ, phong phú mang lại sức hấp dẫn cho HS, từ đó kích thích làm cho các em thích thú, ham học, ham tìm tòi sáng tạo trước và trong khi học hát.
Các ca khúc (trong SGK mới) gồm những hát, với 8 chủ đề tuy khác nhau, đa dạng, phong phú, nhưng cấu trúc hình thức AN chủ yếu được được trình bày ở thể 2 đoạn. Ví dụ, bài hát Khai trường có cấu trúc hình thức 2 đoạn đơn
Bài/ Đoạn
Khai trường
|
a
|
b
|
Câu
|
1
|
2
|
3
|
4
|
Nhịp
|
Từ ô nhịp lấy đà đến ô nhịp thứ 5 (4n)
|
Từ ô nhịp thứ 6 đến hết ô nhịp 11 (5n)
|
Từ ô nhịp 12 đến ô nhịp 20 (8n)
|
Từ ô nhịp 21 đến ô nhịp 24 (8n)
|
Từ phân đoạn, GV nên cho HS quan sát, đọc thầm, suy nghĩ lời ca và giai điệu của bài hát mà cảm nhận, thảo luận cùng bạn để thấy được giai điệu đoạn b khác gì với đoạn a; được viết ở những nốt cao hay thấp; lời thơ khác hay điệp từ, giai điệu có điệp khúc lại không?... Và bằng cách phân tích của thầy/cô cùng với thị phạm và tư duy khám phá của HS tất cả sẽ gợi lên cho HS sự bồi hồi, hào hứng chào đón năm học mới, cùng với nét nhạc ở kết đoạn đi xuống thấp, tạo cho người nghe, người hát có một cảm xúc tiếc nuối mùa hè đã qua.
Giáo viên có thể tổng hợp lại kiến thức, để nói lên tất cả mọi thứ đã sẵn sàng cho một năm học mới, chuẩn bị của các cô, các cậu học trò rất đầy đủ từ khăn quàng đỏ, áo trắng cho đến sách, vở, bút mới... Kèm theo đó là một sân trường vàng hoa nắng, xôn xao gió mùa thu... như để gợi cho HS hiểu được nội dung bài hát. Thông qua cấu trúc cùng với lời ca thật đẹp của bài hát, những cảm xúc chân thực trong bài hát Khai trường được tác giả đã vẽ lên như một bức tranh tuyệt vời. Và bằng PP phân tích, tìm tòi, sáng
tạo như trên, nhất là trước khi học hát, GV thực hiện các thủ pháp này sẽ giúp HS cảm nhận về cấu trúc, hình thức AN của bài hát rõ ràng, mạch lạc. HS sẽ hát và biết cách sáng tạo, xử lý câu a hát khác câu b và chủ đề “Mái trường” vẫn được khắc họa sâu sắc.
Qua nghiên cứu về đặc điểm AN trong các bài hát của SGK AN lớp 7, GV cũng cho HS thấy mỗi ca khúc mang màu sắc riêng, nhưng tựu chung vẫn thấy được những kiến thức rất cơ bản của AN về mặt hình thức, cấu trúc đều ở thể 2 đoạn, giai điệu, tiết tấu và lời ca rất phù hợp với tuổi thiếu nhi, với tâm sinh lý lứa tuổi học trò THCS nói chung, HS lớp 7 nói riêng.
Cảm thụ về âm hình tiết tấu
Ta có thể thấy rằng tiết tấu có thể thiếu giai điệu nhưng giai điệu không thể tồn tại nếu không có tiết tấu. Tiết tấu làm cho tác phẩm hoàn chỉnh về mặt cảm xúc, cũng như âm thanh khi tác phẩm đó vang lên.
Khi AN được vang lên, một trong những yếu tố rõ nhất đó là tiết tấu. Người nghe có thể cảm nhận ngay được tính chất bài hát này như thế nào thông qua tiết tấu của bài.
Ví dụ Trích bài hát Mưa hè
Ở tiết tấu của bài hát này kết hợp với giai điệu tạo nên nét nhẹ nhàng cùng với lời ca trong sáng, khắc họa hình ảnh cơn mưa hè gợi nhớ những kỉ niệm đẹp của tuổi học trò. GV nên gợi ý cho HS nắm được kiến thức lý thuyết AN, hiểu được các nốt nhạc sử dụng trong bài đa phần là hình nốt đơn và đen tạo cảm giác nhẹ nhàng không vội vã của cơn mưa mùa hè. Câu nhạc (trích ở trên) đảo phách ở chữ “Chợt về trên”, hình dung cho người nghe thấy được sự bất chợt của cơn mưa này. Và rất nhiều câu nhạc sau cũng sử dụng đảo phách khiến bài hát có điểm nhấn rất rõ ràng.
GV cũng có thể cho HS nghe nhạc không lời để các em cảm nhận tiết tấu một cách rõ ràng hơn. Từ đó, HS được tiếp cận và tìm hiểu các bài hát cũng dễ dàng hơn. Khi nghe nhạc không lời sẽ kích thích trí tưởng tượng và cảm xúc của HS. Các em sẽ tập trung vào cảm nhận giai điệu, tiết tấu của bài hát. Ví dụ nghe bản nhạc Turkish March – Mozart.
Cảm thụ về giai điệu bài hát
Bất kỳ loại hình nghệ thuật nào cũng có những ngôn ngữ đặc trưng riêng của nó. Trong AN, giai điệu là một nhân tố quan trọng để cấu thành nên tác phẩm AN, nó diễn đạt một nội dung chủ yếu, có sự thống nhất, liên kết giữa các âm với nhau theo chiều ngang.
Để lựa chọn những bài hát mang tính nghệ thuật, giàu tính biểu cảm, phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi, với HS lớp 7, các tác giả đã đưa vào chương trình những ca khúc có giai điệu tiến hành liền bậc, hay quãng hẹp, tầm cữ giọng khộng quá rộng ngoài hai quãng 8.
Lối tiến hành làn sóng và kết hợp luyến láy, cùng mô hình tiết tấu với thủ pháp mô tiến, nhắc lại ở điệp khúc để HS khi hát lên dễ nhớ, có cảm xúc muốn nhảy nhót, đung đưa theo nhạc, được vận động và giao lưu với bạn bè, thầy cô,... tạo hứng khởi muốn học tập và khám phá giai điệu.
Khi tiếp nhận nét giai điệu có trình bày lối tiến hành mô tiến hay điệp khúc giai điệu, thì GV nên gợi ý cho HS nhìn vào bản nhạc phát hiện những nét nhạc giống nhau về giai điệu hoặc tiết tấu… Rồi từ đó, HS đọc nốt nhạc và tìm ra được những nét giai điệu có sử dụng các thủ pháp trên mà khi hát sẽ dễ nhớ, dễ thuộc, dễ cảm nhận về giai điệu AN.
Trong quá trình học hát GV có thể lồng PP phân tích và cho HS thảo luận nhóm, tìm hiểu và thực hành ví dụ trên. Qua đó HS thấy được hai câu nhạc giống nhau về cao độ hay về tiết tấu. Sau khi xác định được thủ pháp sử dụng trong câu nhạc đó, GV hát cho HS nghe lại giai điệu để HS cảm nhận được giai điệu của câu nhạc như đã phân tích, thảo luận ở trên. Từ đó khi hát vào bài, HS sẽ cảm nhận được, đồng thời sẽ nhanh thuộc lời, thuộc giai điệu và biết cách so sánh giống nhau, khác nhau của giai điệu để sáng tạo, thể hiện bài hát đa dạng, không nhàm chán.
Cảm thụ về tính chất
Để thể hiện tính chất của bài hát, các tác giả thường thể hiện ở phần đầu mỗi bài hát. Người dạy hát, người học hát cần hiểu được tính chất của bài hát để rồi khi thể hiện mới lột tả được hết cái hay cái đẹp của bài hát (ví dụ bài Mưa hè). Với lời ca “Mưa nhẹ nhàng chợt về trên phố em… khắp lối về phượng hồng vui trong thơ ngày” tất cả khắc họa hình ảnh cơn mưa hè gợi nhớ những kỉ niệm đẹp của tuổi học trò rất đẹp như vậy, báo hiệu một mùa hè tuy oi ả, nhưng lại mát xanh bởi những khóm trúc du
dương, tiếng sáo diều cao vút. HS sẽ thật háo hức, thích thú được thăm thú một làng quê yên ả, mà ở đó là ông bà, tổ tiên, quê hương mình. Những hình ảnh gợi tả như mựa nhẹ, phượng rơi, hàng cây xanh,... như cho tuổi thơ của các em thêm đầy mộng mơ hơn, hoài bão hơn mong được tắm mát dưới dòng suối, dòng sông trong vắt, được vỗ về từ tình thương của ông bà, cha mẹ. Và tất nhiên, các em sẽ thật hạnh phúc liên tưởng và mong ước tới cảnh quê hương Việt Nam đâu đâu cũng trong xanh, thanh bình như vậy. Rồi thêm yêu, thêm trân quý và góp sức gìn giữ nét đẹp của quê hương mình.
Với những nội dung đề tài các bài hát đa dạng, tính chất AN phong phú của chương trình (SGK AN 7), GV hoàn toàn có thể sử dụng đa PP để kết hợp dạy cảm thụ AN cho HS thông qua phân môn hát. GV có thể dựa trên yếu tố quan trọng của AN trong bài hát (cấu trúc, hình thức, tiết tấu, giai điệu, lời ca...) để gợi cho HS những cảm xúc thẩm mỹ AN và cuộc sống ứng dụng khi học hát, khi luyện tập và sáng tạo khi biểu diễn và các hoạt động khác có ích cho bản thân, cho bạn bè và cho gia đình, làng xóm, phố phường.
Kết luận
Nói chung với tính chất đa dạng của các bài hát trong SGK lớp 7 (trữ tình, hành khúc, da diết hay vui tươi khỏe khoắn…) đề cập tới thiên nhiên, cảnh đẹp quê hương đất nước, mái trường, thầy cô, tình bạn, tình yêu hòa bình phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, tầm cữ giọng của học sinh THCS. Nếu GV AN ở trường THCS Vĩnh Hưng tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng các PP dạy học kể trên, sẽ giúp cho HS nơi đây biết cảm thụ AN thông qua phân môn hát, chắc chắn môn AN chất lượng sẽ được nâng cao, đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Thị Lưu An (2021), Dạy học thẩm mỹ âm nhạc cho học sinh THCS tỉnh Bình Dương, Luận án tiến sĩ tại trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Hà Nội.
2. Phạm Lê Hòa (2012), Giáo trình phân tích tác phẩm Âm nhạc, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Hà Nội.
3. Nguyễn Thị Nhung (1991), Hình thức âm nhạc, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
4. Trịnh Thị Sen (2018), Biện pháp phát triển khả năng cảm thụ tiết tấu âm nhạc cho trẻ 5-6 tuổi tại Trường Mầm non Hùng Vương, Vĩnh Phúc, Luận văn thạc sĩ khoa 6, chuyển ngành Lý luận và Phương pháp dạy học âm nhạc Trường Đại học sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Hà Nội.
5. Lê Đức Tuấn, Luận án tiến sĩ (2006), Một số biện pháp hình thành khả năng cảm thụ âm nhạc cho trẻ từ 5-6 tuổi, Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội.