Nội san

Đền - Chùa Nam Tào, Bắc Đẩu - Những giá trị lịch sử văn hóa

26 Tháng Bảy 2022

ĐỀN - CHÙA NAM TÀO, BẮC ĐẨU - NHỮNG GIÁ TRỊ

LỊCH SỬ VĂN HÓA

 

                                                                                          Phạm Khắc Hải

Lớp K10 Quản lý văn hóa

 

          Đền - chùa Nam Tào, Bắc Đẩu nằm trong quần thể khu di tích quốc gia đặc biệt Kiếp Bạc thuộc xã Hưng Đạo, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Thời Trần thuộc hương Vạn Kiếp, lộ Lạng Giang. Thời Hậu Lê, thuộc huyện Phượng Nhỡn; thời Nguyễn thuộc xã Dược Sơn, tổng Chi Ngại, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Đền - chùa Nam Tào nằm trên núi Dược Sơn, đền - chùa Bắc Đẩu toạ lạc trên đỉnh núi Bắc Đẩu - thế ngai bên hữu cùng với núi Nam Tào - thế ngai bên tả ôm lấy đền Kiếp Bạc. Cảnh sắc thiên nhiên nơi đây ngoạn mục, kỳ thú, hấp dẫn tâm hồn của nhiều danh nhân, thơ ca xưa từng ca ngợi:

Dược Sơn, Vạn Kiếp lưỡng tinh đảo,

Bắc Đẩu, Nam Tào, song đối hao

Thiên Đức giang loan ất tự triều

Nộn Sơn trung trĩ long hình bão

(Dược Sơn, Vạn Kiếp hai tinh đảo

Lấy tên Bắc Đẩu với Nam Tào

Khúc sông Thiên Đức chầu vào như hình chữ ất

Nộn Sơn đứng giữa dáng rồng chầu)1.

1. Giới thiệu Đền- Chùa Nam Tào, Bắc Đẩu

Đền - chùa Nam Tào, Bắc Đẩu có vị trí đắc địa, nơi đây cảnh sắc tuyệt vời, được coi là “một cõi thiên bồng của hạ giới”.Tại hai di tích có thể quan sát được hình sông, thế núi của Vạn Kiếp - mảnh đất đắc địa về phong thuỷ, có tứ linh quần tụ, khí thiêng chung đúc, thuỷ nhiễu xa hoàn; hiểm yếu về quân sự, nổi tiếng về giao thương, buôn bán, đậm đặc các giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể.

Đền - chùa Nam Tào  (Ảnh: TL)

2. Những giá trị của Đền- Chùa Nam Tào. Bắc Đẩu

2.1.Giá trị lịch sử    

Đền - chùa Nam Tào, Bắc Đẩu nằm trên mảnh đất lịch sử còn mãi vang những chiến công lừng lẫy trong ba lần quân dân nhà Trần chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII, nhìn ra là Lục Đầu giang - là đầu mối huyết mạch giao thông thủy bộ, trấn giữ cửa ngõ phía Đông kinh thành Thăng Long. Trên dòng sông này đã diễn ra hội nghị Bình Than năm 1282 của vua tôi nhà Trần bàn kế sách đánh giặc Nguyên Mông. Trong cuộc kháng chiến lần 2 (1285), Trần Hưng Đạo đã tập trung hơn 20 vạn quân và 1000 thuyền chiến. Tại đây đã diễn ra trận Vạn Kiếp kết thúc cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần 2. Giữa dòng sông, ta có thể quan sát thấy một dải đất bằng hình thanh kiếm. Tương truyền sau khi Trần Hưng Đạo bắt chém Phạm Nhan đã vứt thanh kiếm xuống sông và nổi nên bãi đất bằng ngày nay gọi là Cồn Kiếm.Nơi đây trời bày, đất dựng, vị trí đắc địa về phong thủy, hình thế hiểm yếu về quân sự, có tứ linh hội tụ, chung đúc khí thiêng. Sau cuộc kháng chiến Nguyên Mông lần thứ nhất (1258), Trần Hưng Đạo đã chọn khu vực đền Kiếp Bạc, đền - chùa Nam Tào, Bắc Đẩu lập địa bản doanh với các căn cứ quân sự quan trọng. Đây là trận đồ “thủy bộ hợp thành, tiến thế công, thoái thế thủ” để chống quân Nguyên Mông. Di tích đền - chùa Nam Tào, Bắc Đẩu mang giá trị lịch sử sâu sắc cho đến ngày nay vẫn còn vang âm hưởng hào hùng về chiến thắng quan trọng của đất nước.

Đền Bắc Đẩu (Ảnh: tác giả)

 

2.2.Giá trị văn hóa

Nam Tào, Bắc Đẩu là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng không chỉ của nhân dân địa phương mà còn là nơi đáp ứng nhu cầu tâm linh của đông đảo du khách thập phương trên cả nước. Hàng năm, di tích này đón hàng vạn lượt khách về tham quan, chiêm bái, tìm đến đây như nơi gửi gắm, giãi tỏ lòng mình với Phật, với Thánh.Thuộc khu di tích Kiếp Bạc, có mối quan hệ mật thiết về văn hoá tâm linh; mỗi khi khách hành hương về đền Kiếp Bạc đều lên Nam Tào, Bắc Đẩu để cầu khấn cửa Ngài những điều may mắn diên thọ dài lâu đến với mình và soi gương mình trước anh linh các Ngài cho được toại nguyện điều ước nơi trần thế cho nên tín ngưỡng thờ quan Nam Tào, Bắc Đẩu ngày càng có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh.

Với vai trò, chức năng của thần Nam Tào nắm vận mệnh sinh,  Bắc Đẩu nắm vận mệnh thọ yểu hưng vong của vua chúa, tước lộc của tể tướng, bách quan sinh tồn và khoa cử của nhân gian. Do vậy, dân gian rất tôn sùng Bắc Đẩu và Nam Tào. Vì ai cũng muốn có sức khoẻ, bình an, tước lộc. Hàng ngày, các con hương đệ tửđều về đền dâng lễ cầu khấn quan Bắc Đẩu, Nam Tào.

Lễ rước bộ trong lễ hội đền - chùa Nam Tào, Bắc Đẩu (Ảnh: TL)

Giá trị cố kết cộng đồng của di tích được thể hiện rõ nét trong các hoạt động văn hóa tại di tích, vào mỗi dịp lễ nghi và lễ hội diễn ra tại di tích, nhân dân địa phương dù làm ăn buôn bán xa quê đều hồi hương thành kính dâng nén tâm hương thỉnh Phật, Thánh; đồng thời, tham gia vào các hoạt động tế lễ, rước, làm bánh phục vụ lễ hội tạo sự gắn kết dân làng.

Nam Tào, Bắc Đẩu là hai di tích thể hiện rõ sự giao lưu văn hóa giữ Phật giáo và Đạo giáo, tại hai di tích Phật giáo và Đạo giáo như được thống nhất với nhau được lòng người đón nhận như một chỗ dựa, một niềm tin, gần gũi nơi con người và cũng rất linh thiêng.

Sự xuất hiện di tích Nam Tào và Bắc Đẩu đứng đối xứng nhau và cùng chầu vào đền Kiếp Bạc có ý nghĩa tôn vinh đức Thánh Trần. Với công lao và đức độ của Hưng Đạo Đại Vương, đặt trong bối cảnh thời Trần khi mà Phật - Đạo và các tín ngưỡng dân gian phát triển khá thịnh. Đặc biệt ở khu vực Chí Linh, Đông Triều Phật, Đạo rất phát triển. Ở đây có sự giao thoa, hòa quyện mạnh mẽ giữa Nho - Phật - Đạo và một số tín ngưỡng khác… trong đó tinh thần Đạo giáo vẫn nổi nên là chủ đạo. Người anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo đã trở thành vị Thánh, Ngọc Hoàng thượng đế, vị thần chủ của Đạo giáo Việt Nam.

2.3.Giá trị khoa học

Trên núi Nam Tào có vườn thuốc Dược Sơn - một trong “Chí Linh bát cổ” của Chí Linh xưa.Trước khi xảy ra cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai, Trần Hưng Đạo đã cho Phạm Ngũ Lão trồng vườn thuốc nam trên núi Nam Tào để chữa bệnh, trị thương cho quân sĩ, vì thế mà có tên là Dược Sơn, tức núi thuốc. Sự tích kể rằng: “Một đêm Hưng Đạo Đại Vương nằm mơ thấy có một ông già đầu quấn khăn nâu, mình mặc áo dài đen, tay xách túi cái vào tìm gặp. Ông lão vái ba vái: Tôi là Dược linh, biết Đức Ông cần thuốc nên đem biếu. Hưng Đạo Vương cảm tạ và đáp lễ nhận túi. Mở túi Quốc Công chỉ thấy có mấy cây thuốc giống, ngẩng lên không thấy ông lão đâu nữa”. Vườn cây thuốc lúc đầu nhỏ, sau này càng mở rộng. Chắc hẳn vườn cây thuốc đặc biệt này góp phần không nhỏ vào việc chữa bệnh, bảo vệ sức khoẻ cho quân và dân để chiến thắng ngoại xâm, những truyền thuyết về di tích Dược Sơn vẫn còn đến ngày nay. Nghề làm thuốc ở Kiếp Bạc cũng có nguồn gốc từ đây và được lưu truyền đến ngày nay phục vụ nhân dân địa phương, du khách thập phương. Dân trong vùng truyền rằng, thuốc trồng ở Dược Sơn không có thứ thuốc nào sánh kịp. Phải chăng đây là vườn thuốc quốc gia đầu tiên của nước ta, và cho đến ngày nay vẫn là “độc nhất vô nhị”. Vườn cây này rộng tới “hơn 10 ha, với khoảng hơn 200 loài cây thuốc”theo những lời truyền qua các thế hệ. Theo thống kê của Viện Y học cổ truyền trung ương thập kỷ 70 (thế kỷ XX) thì còn khoảng 600 cây trồng và cây hoang dại là “cây thuốc nam”. Hiện nay đi lướt phía sườn đồi còn đếm được hơn 60 loài đang tồn tại, điển hình như: Cây chó đẻ, cây lạc tiên, cây bồ giác, cây hà thủ ô, cỏ chỉ thiên, hoàng chỉ nam… có giá trị cao về y học, có thể chữa được nhiều bệnh như: phong tê thấp, thoái hoá cột sống, thương hàn, xơ gan…nhân dân địa phương cũng như khách thập phương vẫn có tục lệ về xin cây thuốc tại Dược Sơn để chữa bệnh.Với giá trị của vườn thuốc dược sơn có thể là đề tài nghiên cứu của lĩnh vực yhọc phục vụ cho công tác chữa bệnh tại Việt Nam.

Hàng năm, đền - chùa Nam Tào, Bắc Đẩu diễn ra nhiều lễ nghi: cúng lễ Thượng nguyên vào ngày 14 tháng Giêng; Lễ giỗ Đức Vương phụ mồng 1 tháng 4 âm lịch, tế lễ từ ngày 30 tháng 3 đến 01 tháng 4; Lễ giỗ Đức Quốc Mẫu ngày 28 tháng 9 âm lịch. Lễ hội đền - chùa Nam Tào, Bắc Đẩu tổ chức theo lễ hội đền Kiếp Bạc với các nghi lễ đặc trưng như lễ tế, lễ rước cổ truyền có quy mô hoành tráng từ hai di tích Nam Tào, Bắc Đẩu về đền Kiếp Bạc trong ngày giỗ Đức Thánh Trần; cùng một số trò chơi điển hình trong các ngày hội là: vật, cờ người, đua thuyền, đánh trận giả, hát chầu văn, hát chèo... thu hút hàng chục vạn du khách thập phương về dâng hương, chiêm bái.

Với những giá trị lịch sử, văn hoá của đền - chùa Nam Tào, Bắc Đẩu cùng với mối liên hệ mật thiết với đền Kiếp Bạc tạo nên một quần thể di tích vang mãi bản hùng ca giữ nước vĩ đại của dân tộc ở triều đại nhà Trần, một trung tâm văn hóa, tín ngưỡng nổi tiếng,tồn tại vĩnh hằng cùng non sông đất nước.

 

1 Chí Linh Phong Vật Chí, Bd, Tài liệu Thư viện tỉnh Hải Dương, tr.26

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (2006), Di sản Hán Nôm Côn Sơn - Kiếp Bạc - Phượng Sơn, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

2. Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (2010), Côn Sơn - Kiếp Bạc di tích và danh thắng, In tại Công ty cổ phần In báo và Thương mại Hải Dương.

3. Chí Linh Phong Vật Chí, Bd, Tài liệu Thư viện tỉnh Hải Dương.

4. Nguyễn Văn Cường (2015), Giới thiệu các điểm tham quan trong lễ hội mùa thu Kiếp Bạc năm 2015”, Tạp chí Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch Hải Dương, số 5 (106), tr.35-36.

5. Lê Duy Mạnh, Ngô Thị Lượng (2012), “Tục làm bánh tiến thánh trong lễ hội đền Kiếp Bạc”, Tạp chí Văn hóa Thể thao và Du lịch Hải Dương, số 7.

6. Nguyễn Khắc Minh (2009), “Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc những kết quả đạt được sau bốn năm thực hiện đề án”, Tạp chí Thế giới Di sản, số 7 (34), tr. 14, 15, 27.