VAI TRÒ CỦA NHÂN VIÊN CÔNG TÁC XÃ HỘI TRONG
HOẠT ĐỘNG HỖ TRỢ TRẺ TỰ KỶ
ThS. Lương Thị Đào
Giảng viên Khoa Văn hóa Nghệ thuật
Trẻ em là tài sản vô giá của các bậc cha mẹ, là mầm non của đất nước. Mỗi ngày chúng ta chào đón hàng triệu trẻ em được sinh ra trên thế giới, tuy nhiên trong hàng triệu đứa trẻ đó không phải bé nào cũng may mắn có được một sinh thể trọn vẹn. Có những đứa trẻ từ khi chào đời đã phải mang trên mình những khuyết tật vận động, rối nhiễu tâm trí, rối loạn cảm xúc, rối loạn hành vi. Hiện nay, tồn tại một hội chứng rất phổ biến trên toàn thế giới đó là rối loạn phổ tự kỷ hay còn gọi là Hội chứng Tự kỷ ở trẻ em. Ở Việt Nam, tự kỷ là một vấn đề còn khá mới mẻ, các kiến thức chính thống và khoa học về hội chứng chưa cụ thể và hệ thống, tài liệu chủ yếu là tài liệu dịch, gây khó khăn cho gia đình có con là trẻ tự kỷ tiếp nhận và học hỏi. Chính vì vậy, bản thân trẻ tự kỷ và gia đình có con là trẻ tự kỷ cần rất nhiều sự chung tay góp sức của toàn xã hội giúp trẻ có điều kiện được can thiệp và hướng đến hòa nhập xã hội, trong đó nhân viên công tác xã hôi đóng một vai trò vô cùng to lớn.
1. Đặt vấn đề
Hiện nay, hội chứng tự kỷ được xem như một nan đề của toàn xã hội, số lượng trẻ tự kỷ tăng lên nhanh chóng ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Hội chứng tự kỷ đã được Tổ chức Liên Hiệp Quốc dành riêng ngày mồng 2 tháng 4 hàng năm để nâng cao nhận thức cộng động về tự kỷ nhằm nhấn mạnh vai trò của toàn xã hội trong công tác giáo dục và hỗ nhập hòa nhập cho trẻ tự kỷ. Với tư cách là người hỗ trợ chuyên nghiệp các đối tượng yếu thế trong xã hội, nhân viên công tác xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc trợ giúp những cha mẹ có con là trẻ tự kỷ, tư vấn cho cha mẹ biết những thông tin phù hợp về con như chương trình can thiệp trị liệu, kế hoạch giáo dục theo từng khoảng thời gian nhất định, xây dựng lại những mối quan hệ tốt đẹp vốn bị mâu thuẫn trong quá trình chăm sóc con, giải tỏa tâm lý căng thẳng trong gia đình, cũng như tạo nền tảng thuận lợi cho sự phát triển, tiến bộ và hòa nhập cộng đồng của trẻ tự kỷ. Những hoạt động trợ giúp của nhân viên công tác xã hội có thể được khái quát qua những vai trò cụ thể như sau: Vai trò là nhà giáo dục, vai trò người tư vấn tâm lý, vai trò người kết nối nguồn lực, vai trò xây dựng mạng lưới, vai trò là người hỗ trợ/ tạo điều kiện.
2. Một số khái niệm
2.1.Trẻ tự kỷ
Cho đến nay, các nhà khoa học trên thế giới đã đưa ra khá nhiều quan điểm khác nhau về tự kỷ. Những định nghĩa này rất phong phú và đa dạng, dưới đây là một số quan niệm:
Theo Freud (1923): “Tự kỷ là sự đầu tư vào đối tượng quay trở lại cái tôi, có nghĩa là đã trở thành tự yêu, là sự ẩn náu của trẻ em trong thế giới bên trong huyễn tưởng và ảo ảnh để nói rằng cái tự trị ảo tưởng chỉ có thể được một thời gian, đối với chủ thể với điều kiện phải thêm vào đó sự chăm sóc của người mẹ” Theo Kanner (1943): “Tự kỷ là sự rút lui cực đoan của một số trẻ em từ lúc mới bắt đầu cuộc sống, triệu chứng đặc biệt của bệnh là một sự hiếm thấy, đó là sự rối loạn từ cội rễ, là sự không có khả năng của những trẻ này trong công việc thiết lập mối quan hệ bình thường với những người khác và hành động một cách bình thường với các tình huống từ lúc chúng bắt đầu cuộc sống”
Năm 1964 Bernard Rimland và một số nhà nghiên cứu khác cho rằng: “Tự kỷ là do những thay đổi của cấu trúc lưới trong bán cầu não trái, hoặc do những thay đổi về sinh hóa và chuyển hóa ở những đối tượng này. Do đó, những TTK không có khả năng liên kết các kích thích thành kinh nghiệm của bản thân; không giao tiếp được vì thiếu khả năng khái quát hóa những điều cụ thể”.
Từ điển Bách khoa Columbia (1996) cho rằng: “Tự kỷ là một khuyết tật phát triển có nguyên nhân từ những rối loạn thần kinh ảnh hưởng đến chức năng cơ bản của não bộ. Tự kỷ được xác định bởi sự phát triển không bình thường về kỹ năng giao tiếp, kĩ năng tương tác xã hội và suy luận. Nam nhiều gấp 4 lần nữ. Trẻ có thể phát triển bình thường cho đến tận 30 tháng tuổi”
Năm 1999 tại Hội nghị toàn quốc về Tự kỷ của Mỹ, các chuyên gia cho rằng: “Tự kỷ là một bệnh lý đi kèm với tổn thương chức năng của não. Tự kỷ như là một dạng rối loạn trong nhóm rối loạn phát triển diện rộng, ảnh hưởng đến nhiều mặt của sự phát triển nhưng ảnh hưởng nhiều nhất đến kỹ năng giao tiếp và quan hệ xã hội”
Theo DSM – IV (1994): “Tự kỷ là sự phát triển không bình thường hay là một sự giảm sút rõ rệt, hoạt động bất thường đặc trưng trong ba lĩnh vực: Quan hệ xã hội, giao tiếp và tác phong thu hẹp định hình”.
Theo chuyên trang Tự kỷ của Liên Hợp Quốc: “Tự kỷ là một loại khuyết tật phát triển suốt đời do rối loạn của hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ. Tự kỷ có thể xảy ra không phân biệt giới tính, chủng tộc, giàu nghèo và địa vị xã hội. Tự kỷ được biểu hiện ra ngoài bằng các khiếm khuyết về tương tác xã hội, giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, hành vi, sở thích và hoạt động mang tính hạn hẹp và lặp đi lặp lại”
Như vậy, mỗi góc độ nghiên cứu khác nhau có các quan điểm khác nhau về trẻ tự kỷ. Nhìn chung các khái niệm về tự kỷ đều cho rằng tự kỷ là một dạng khuyết tật suốt đời làm hạn chế đến khả năng giao tiếp, tương tác xã hội và xuất hiện các hành vi định hình có tính lặp đi lặp lại.
2.2. Công tác xã hội
Hiệp hội Quốc gia nhân viên Công tác xã hội (NASW) năm 2001 định nghĩa: Công tác xã hội là hoạt động nghề nghiệp giúp đỡ các cá nhân, nhóm hay cộng đồng để nhằm nâng cao hay khôi phục tiềm năng của họ để giúp họ thực hiện chức năng xã hội và tạo ra các điều kiện xã hội phù hợp với các mục tiêu của họ. CTXH tồn tại để cung cấp các dịch vụ xã hội mang tính hiệu quả và nhân đạo cho cá nhân, gia đình, nhóm, cộng đồng và xã hội giúp họ tăng năng lực và cải thiện cuộc sống.
Theo Nguyễn Thị Oanh (2004): Công tác xã hội nhằm giúp cá nhân và cộng đồng tự giúp. Nó không phải là một hành động ban bố của từ thiện mà nhằm phát huy sứ mệnh của hệ thống thân chủ (cá nhân, nhóm và cộng đồng) để họ tự giải quyết vấn đề của mình
Liên đoàn Chuyên nghiệp Xã hội Quốc tế (IFSW) tại Hội nghị Quốc tế Montreal, Canada, vào tháng 7/2000: Công tác xã hội chuyên nghiệp thúc đẩy sự thay đổi xã hội, tiến trình giải quyết vấn đề trong mối quan hệ con người, sự tăng quyền lực và giải phóng cho con người, nhằm giúp cho cuộc sống của họ ngày càng thoải mái và dễ chịu. Vận dụng các lý thuyết về hành vi con người và các hệ thống xã hội. Công tác xã hội can thiệp ở những điểm tương tác giữa con người và môi trường của họ
3. Một số vai trò của nhân viên công tác xã hội trong hỗ trợ trẻ tự kỷ
Trước những thực tế trên, để nâng cao hiệu quả trong công tác giáo dục và hòa nhập trẻ em đặc biệt là những trẻ em có hội chứng tự kỷ, đòi hỏi phải có sự phối hợp của gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó vai trò của các hoạt động công tác xã hội nói chung và vai trò của nhân viên công tác xã hội nói riêng là rất quan trọng.
Nhân viên xã hội có nhiệm vụ giúp thân chủ nhận ra vấn đề, giải quyết các vấn đề khó khăn thân chủ đang gặp phải, can thiệp, tham vấn hoặc làm công tác biện hộ trong tiến trình tổ chức hoạt động. Những hoạt động chữa trị, ngăn ngừa và phát triển nhằm mục đích giúp thân chủ hội nhập vào cuộc sống bình thường của gia đình và cộng đồng. Tạo điều kiện cho thân chủ tham gia vào các hoạt động nhóm đồng cảnh, giúp cha mẹ tăng năng lực ứng phó với những vấn đề khó khăn có thể gặp phải.
Với tư cách là người hỗ trợ chuyên nghiệp các đối tượng yếu thế trong xã hội, nhân viên công tác xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc trợ giúp những cha mẹ có con là trẻ tự kỷ, tham vấn cho cha mẹ biết những thông tin phù hợp về con như chương trình can thiệp trị liệu, kế hoạch giáo dục theo từng khoảng thời gian nhất định, xây dựng lại những mối quan hệ tốt đẹp vốn bị mâu thuẫn trong quá trình chăm sóc con, giải tỏa tâm lý căng thẳng trong gia đình, cũng như tạo nền tảng thuận lợi cho sự phát triển, tiến bộ và hòa nhập cộng đồng của trẻ tự kỷ. Những hoạt động trợ giúp của nhân viên công tác xã hội có thể được khái quát qua những vai trò như sau:
Một là, Vai trò là nhà giáo dục
Đầu tiên, nhân viên công tác xã hội có thể đảm nhận vai trò như là một giáo viên can thiệp sớm. Bằng các bài tập về vận động thô, vận động tinh, ngôn ngữ, nhận thức, nhân viên công tác xã hội hỗ trợ trẻ cải thiện những khiếm khuyết trẻ mắc phải, giúp trẻ cải thiện khả năng về vận động, ngôn ngữ, nhận thức, giao tiếp, hướng trẻ đến mô hình giáo dục hòa nhập.
Ngoài ra nhân viên xã hội còn đảm nhận vai trò như một nhà giáo dục cha mẹ trẻ tự kỷ. Cha mẹ trẻ tự kỷ thường rất hoang mang trước vô vàn những phương pháp can thiệp, họ suy nghĩ không biết nên sử dụng phương pháp can thiệp nào là hiệu quả nhất, và làm thế nào để sử dụng phương pháp đó. Nhân viên công tác xã hội dựa vào các đặc điểm của trẻ để tiến hành hướng dẫn bố mẹ thực hiện phương pháp can thiệp nào tốt nhất cho trẻ thông qua các buổi tập huấn hoặc workshop. Nhân viên công tác xã hội cung cấp thông tin về phương pháp, hướng dẫn cụ thể cách thực hiện phương pháp đó và kiểm tra hiệu quả của phương pháp can thiệp đối với trẻ trong một khoảng thời gian nhất định.
Hai là, Vai trò người kết nối nguồn lực
Đây là một vai trò quan trọng của nhân viên công tác xã hội với tư cách là một người trung gian kết nối cha mẹ có con là trẻ tự kỷ với các nguồn lực cần thiết. Nguồn lực này có thể là những người thân trong gia đình, đặc biệt là ông bà, bố mẹ, anh chị em trong gia đình. Khi cha mẹ có những ngi ngờ hoặc có kết luận là con bị tự kỷ thì thường có tâm trạng lo sợ, hoang mang, lúc đó họ cần nhất là có người thân bên cạnh để an ủi, động viên.
Ngoài ra nếu muốn quá trình can thiệp cho trẻ tự kỷ hiệu quả cần có sự thống nhất của toàn gia đình, tránh trường hợp “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” đem đến sự tương tác không hiệu quả. Chính về vậy nhân viên công tác xã hội có vai trò kết nối mọi thành viên trong gia đình thành một thể thống nhất. Nguồn lực này còn có thể là các cá nhân, tổ chức, ban ngành, đoàn thể - những đơn vị có liên quan đến vấn đề cần giải quyết của trẻ, hoặc cũng có thể là các dịch vụ sẵn có trong cộng đồng. Trẻ tự kỷ cần dịch vụ liên quan đến trường học, bệnh viện, khu vui chơi, cha mẹ có con là trẻ tự kỷ có thể có nhiều nhu cầu cần trợ giúp khác nhau như hỗ trợ về mặt tâm lý, pháp lý, chăm sóc sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm trí, giải tỏa căng thẳng và tránh ảnh hưởng đến công việc của cha mẹ có con là trẻ tự kỷ…Bởi vậy, để đảm bảo được vai trò này, nhân viên công tác xã hội cần hiểu rõ các dịch vụ, lựa chọn dịch vụ phù hợp với thân chủ của mình và trực tisếp giúp họ tiếp cận với các dịch vụ.
Khi hỗ trợ thân chủ sử dụng các dịch vụ, nhân viên công tác xã hội có thể phải trao đổi với những người cung cấp dịch vụ về hoàn cảnh của thân chủ để họ có cách tiếp cận phù hợp, tránh làm tổn thương đến tinh thần và tâm lý của trẻ tự kỷ và cha mẹ có con là trẻ tự kỷ.
Ba là, Vai trò xây dựng mạng lưới hỗ trợ
Cha mẹ có con bị tự kỷ thường hoang mang không biết phải giải quyết vấn đề của con như thế nào. Họ loay hoay không biết phải bấu víu vào đâu và tin tưởng vào ai. Rất nhiều vấn đề khó khăn mà cha mẹ phải đối mặt, họ không biết phải tìm nơi nào thăm khám, chẩn đoán cho con là tốt nhất, họ không biết nên lựa chọn trường học nào cho con là hợp lý, họ phân vân không biết nên thực hiện các hoạt động nào là tốt cho con.
Chính vì những băn khoăn đó, nhân viên công tác xã hội có vai trò là người trung gian, hình thành mạng lưới hỗ trợ trẻ tự kỷ có cơ hội được tham gia vào cac câu lạc bộ hòa nhập, hướng nghiệp các gia đình có con là trẻ tự kỷ tiếp cận được với các dịch vụ hỗ trợ, tạo nên các địa chỉ đáng tin cậy.
Bốn là, Vai trò là người biện hộ
Đây là một vai trò quan trọng của nhân viên công tác xã hội với tư cách là một người đại diện cho tiếng nói của thân chủ để góp ý kiến nhằm thúc đẩy việc soạn thảo ra các chính sách xã hội phù hợp có thể hỗ trợ được gia đình có con là trẻ tự kỷ. Bản thân trẻ tự kỷ đã gặp rất nhiều khó khăn, khó khăn về tâm lý, nhận thức, ngôn ngữ giao tiếp, khó có khả năng hòa nhập. Gia đình của trẻ tự kỷ cũng phải đối mặt với rất nhiều vấn đề, ví dụ như vấn đề khủng hoảng tâm lý, vấn đề tài chính cho trẻ tham gia lớp can thiệp, sự xa lánh, không chấp nhận của cộng đồng.
Tuy nhiên bản thân họ khó có thể tự mình nói lên những khó khăn đó và xin sự hỗ trợ của xã hội. Vì vậy cho nên với vai trò là người đại diện cho tiếng nói của thân chủ, nhân viên công tác xã hôi cần thúc đẩy các chính sách hỗ trợ gia đình trẻ tự kỷ, nghiên cứu, đánh giá tổng thể về hiện trạng cung cấp dịch vụ và nhu cầu của trẻ tự kỷ. Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật huy động sự tham gia đóng góp nguồn lực chăm sóc, trợ giúp, phục hồi chức năng đối với trẻ tự kỷ. Trong đó, cần đưa tự kỉ vào danh mục các dạng khuyết tật để có căn cứ cho việc xây dựng chính sách xã hội; thúc đẩy nghiên cứu xây dựng chính sách đặc thù đối với trẻ tự kỉ và gia đình, ưu tiên 4 chính sách là bảo trợ xã hội, hỗ trợ giáo dục, chăm sóc y tế, phục hồi chức năng và hỗ trợ các nhu cầu vui chơi giải trí... Đồng thời, thúc đẩy nhanh việc xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy xác định mức độ khuyết tật với trẻ tự kỷ. Tạo mọi điều kiện để cha mẹ có con là trẻ tự kỷ yên tâm nuôi dạy con tốt, sớm đưa con trở về hòa nhập, bảo vệ các quyền lợi chính đáng của gia đình trẻ tự kỷ, của trẻ tự kỷ tránh sự xa lánh, không chấp nhận của xã hội.
4. Kết luận và kiến nghị
Trẻ tự kỷ đã và đang tồn tại trong xã hội như là một tất yếu của sự phát triển. Trẻ tự kỷ cũng như bao trẻ em khác đều có những nhu cầu, sở thích và khả năng khác nhau. Các em cũng cần được chăm sóc, giáo dục và được đảm bảo các quyền như bao trẻ bình thường khác. Mong muốn lớn nhất của cha mẹ là đưa con trở về hòa nhập với cộng đồng. Phần lớn các bậc phụ huynh chỉ sau khi đưa con đi chẩn đoán tại các cơ sở y tế hoặc các trung tâm chuyên biệt mới có những hiểu biết cơ bản về vấn đề của trẻ. Tuy nhiên kiến thức về các nội dung, phương pháp, phương tiện trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ tại gia đình của các bậc phụ huynh còn nhiều hạn chế, phần lớn trong số họ đứng trước các nguy cơ gặp khủng hoảng tâm lý, tài chính và băn khoăn trước các định hướng giáo dục cho con. Cần thiết phải có các dịch vụ xã hội, nhằm hỗ trợ thân chủ cân bằng tâm lý, chuẩn bị sẵn sàng đối phó với tất cả các khó khăn cản trở phía trước.
Hỗ trợ thân chủ định hướng hình thức can thiệp phù hợp cho con, xây dựng các chương trình giáo dục phù hợp, có sự kết hợp giữa giáo viên và gia đình nhằm thống nhất một phương pháp giáo dục con. Trực tiếp hướng dẫn cha mẹ các phương pháp can thiệp hiệu quả, trang bị cho cha mẹ những kiến thức và kỹ năng trong vấn đề chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà cũng như xây dựng các thang đánh giá và chương trình can thiệp giúp trẻ sớm hòa nhập cộng đồng./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bệnh viện Nhi Trung ương (2004), Hướng dẫn thực hành phương pháp chẩn đoán tự kỷ, Bộ y tế, Hà Nội.
2. Nguyễn Thị Oanh, Sài Gòn – Thành Phố Hồ Chí Minh 300 năm hình thành và phát triển, phần: “các hoạt động xã hội và công tác xã hội chuyên nghiệp”
3. Nguyễn Văn Thành (2006), Trẻ em Tự kỷ phương thức giáo dục, NXB Tôn giáo
4. Võ Nguyễn Tinh Vân (2006), Tự kỷ và trị liệu, NXB Bamboo, Australia.
5. Nguyễn Khắc Viện (2001), Từ điển tâm lý, NXB Thế giới, Hà Nội.