GIÁ TRỊ BÀI LUYỆN KỸ THUẬT TRONG GIÁO TRÌNH ĐÀN KEYBOARD
CỦA NHẠC SĨ XUÂN TỨ
Đỗ Tuấn Anh
Học viên K15 LL&PPDHAN
Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Tứ (nghệ danh: Xuân Tứ) sinh năm 1933 tại Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang (quê gốc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên). Nguyên Phó Giám đốc Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), hiệu trưởng trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội. Từ những năm cuối thập kỷ 80, thế kỷ XX, nhạc sĩ Xuân Tứ nhanh chóng tìm hiểu, nắm vững nghệ thuật diễn tấu đàn Keyboard, đây là nhạc khí tích hợp công nghệ hiện đại, có thể thay thế dàn nhạc, ban nhạc, nhiều ứng dụng thực tiễn. Nhận thấy đàn Keyboard là nhạc cụ phù hợp trong đào tạo giáo viên Âm nhạc phổ thông (Tiểu học, Trung học cơ sở), từ nhu cầu cần thiết trang bị cho sinh viên Đại học Sư phạm Âm nhạc (SV.ĐHSPAN) kỹ năng biểu diễn đàn Keyboard, đồng thời cung cấp cho người dạy và học tài liệu giảng dạy, mục đích phổ cập nhanh, phù hợp điều kiện học tập, nhạc sĩ Xuân Tứ biên soạn giáo trình theo đề nghị Ban giám hiệu (BGH) trường Cao đăng Sư phạm (CĐSP) Nhạc - Họa TW, cuốn đầu tiên có tên: Hướng dẫn dạy và học đàn Organ [1]
Khi triển khai vào thực tế giảng dạy, chỉ trong 2 năm, tài liệu Hướng dẫn dạy và học đàn Organ 1 đem lại những chuyển biến cơ bản về nhận thức, phương pháp dạy học đàn Keyboard, lần đầu tiên 1 cơ sở đào tạo sư phạm âm nhạc có đầy đủ giáo trình, tài liệu đàn Keyboard, một nhạc cụ mặc dù rất phổ biến nhưng gặp nhiều khó khăn trong đào tạo do thiếu sách hướng dẫn. Đáp ứng đòi hỏi nâng dần trình độ học đàn Keyboard tiếp nối thành công ban đầu, năm 2004, BGH trường CĐSP Nhạc - Họa TW tiếp tục đề nghị nhạc sĩ Xuân Tứ cộng tác, viết cuốn Hướng dẫn dạy và học đàn Organ 2 [2]. Bộ sách Hướng dẫn dạy và học đàn Organ là nguồn tài liệu quan trọng, cơ sở để bộ Giáo dục và Đào tạo (BGDĐT) trong quá trình tiến hành dự án đào tạo giáo viên trung học cơ sở năm 2007 [mã số: LOAN N0 1718- VIE (SF)] đề nghị nhạc sĩ Xuân Tứ kết hợp với trường ĐHSP Nghệ thuật TW viết giáo trình: Phương pháp dạy và học đàn Phím điện tử (Electronic Keyboard) [3] trình bày các phương pháp dạy học đàn Keyboard. Đây là bộ giáo trình đàn Keyboard duy nhất được BDGĐT phê duyệt làm tài liệu giảng dạy đàn Keyboard trong các cơ sở đào tạo Sư phạm âm nhạc (SPAN) khắp cả nước.
1. Hệ thống bài kỹ thuật trong giáo trình của nhạc sĩ Xuân Tứ
Để sinh viên (SV) Đại học SPAN có thể diễn tấu trọn vẹn tác phẩm, biết xây dựng bài đệm hát, nhiều dạng kỹ thuật, bài luyện ngón, gam được nhạc sĩ Xuân Tứ biên soạn đầy đủ trong 2 cuốn giáo trình [1, 2]. Trong đó, tác giả ý thức việc giải quyết ngón tay, tư thế bấm. Qua đó, SV có thể tự học, tập luyện nâng cao trình độ, hệ thống kỹ thuật gồm gam (hợp âm rải, hợp âm), bài luyện ngón của tác gỉả C.Czerny và Hanon, những Etude 2 tay. Đây là phần kỹ thuật cơ bản dành cho SV Đại học SPAN khắp cả nước. Dưới đây là hệ thống các bài luyện kỹ thuật.
1.1. Gam, bài luyện ngón
Nội dung gam, bài luyện ngón là phần học bắt buộc với SV học đàn Keyboard, yêu cầu SV tự ý thức, hiểu tầm quan trọng luyện gam khi tập đàn. Nhằm đáp ứng, phù hợp tình hình thực tế sau khi ra trường (dạy học âm nhạc Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông) SV bắt buộc luyện gam từ 0 - 4 dấu hóa (thăng, giáng) cùng kỹ thuật hợp âm rải, hợp âm, đây là các gam phổ biến trong sáng tác ca khúc thiếu nhi. Cùng với gam, bài luyện ngón (còn gọi là bài bổ trợ) giúp SV tăng cường hoạt động ngón tay, tạo độ linh hoạt, mềm dẻo cổ tay trong quá trình di chuyển trên bàn phím.
Gam, hợp âm rải, hợp âm
Trong phần: Hướng dẫn luyện tập gam và hợp âm rải, sách Hướng dẫn dạy và học đàn Organ 1, nhạc sĩ Xuân Tứ khẳng định: ”Hệ thống gam và hợp âm rải là cơ sở sáng tạo nét nhạc, do đó ta cần nắm vững để ứng dụng. Chạy gam là yêu cầu cơ bản của kỹ thuật luồn ngón 1 mỗi tay” [1].
Quá trình dạy đàn Keyboard cho thấy SV lần đầu tiếp xúc cần tập nhiều gam, hợp âm rải, hợp âm. Cách luyện được giảng viên hướng dẫn theo phương pháp ghi trong bảng gam - hợp âm và Appe (hợp âm rải) do nhạc sĩ Xuân Tứ biên soạn
Ví dụ 1: Gam C
Số ngón ghi phía trên là tay phải, dưới là tay trái, để thực hiện kỹ thuật luồn ngón 1, sinh viên tập riêng từng tay, sau khi thành thạo, ghép 2 tay chậm.
Với sinh viên đã học đàn, khả năng phối hợp 2 tay nhuần nhuyễn, giảng viên giao gam có 2 dấu hóa trở lên (Bm, Bb...)
Ví dụ 2: Gam Bm hòa thanh, hợp âm rải, hợp âm
Sự khác biệt giữa gam C và Bm ở thế tay trái. Gam C có vị trí ngón trái ngược hướng ngón phải (ví dụ 1). Còn tay trái gam Bm không xuất hiện ngón 5 (ví dụ 2).
Những khác biệt vị trí ngón phải, trái trong các gam từ 2 dấu hóa rất phổ biến, khi SV (mới học, đã học trước) luyện gam, các ngón tay được sắp xếp nhiều dạng khác nhautạo thế bấm đa dạng, tăng độ nhạy, chính xác bấm phím đàn. Ở góc độ kháclà phần ứng dụng lý thuyết âm nhạc, giúp SV củng cố kiến thứchiểu biết các loại gam Diatonic trưởng, thứ tự nhiên, hòa thanh, giai điệu.
Với hợp âm rải, hợp âm, khi tập SV biết mở lòng bàn tay để bấm quãng rộng (trên quãng 8), thu hẹp (liền bậc) trong Etude, tác phẩm. Đồng thời hợp âm rải hợp âm là phương pháp xây dựng âm hình phổ biến trong đệm hát. Trong ví dụ 2 để bấm chính xác hợp âm rải dài Bm (có phím đen) SV bắt buộc thuộc thế bấm hoạt động tayphải, trái tương đối tách biệttạo tính độc lập từng tay giúp sinh viên chủ động phối hợp 2 tay.
Bài luyện ngón
Để bổ trợ gam, hợp âm rải, hợp âm, hệ thống bài luyện ngón được nhạc sĩ Xuân Tứ biên soạn công phu, chú giải chi tiết. Trong phần hướng dẫn sư phạm về bài luyện ngón kỹ thuật 2 tay ông đã viết: “bài luyện tập giúp học viên luyện tiếng đàn đều đặn, bấm chính xác, luyện sự tự chủ điều khiển ngón tay linh hoạt, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật”
Như tên gọi (luyện ngón), các mẫu luyện phong phú, đa dạng, tập trung vào kỹ thuật liền tiếng (legato), nảy tiếng (staccato), rời tiếng (non legato). Đây là 3 kỹ thuật cơ bản, tạo sắc thái giai điệu, là phần học bắt buộc tất cả sinh viên ĐHSPAN từ chưa biết đến biết nhiều.
Với SV lần đầu học đàn Keyboard, mẫu luyện trong sách Hướng dẫn dạy và học đàn Organ 1giúp SV làm chủ ngón tay nhanh.
Ví dụ 3: Bài luyện ngón Hanon N0 1
Các bài luyện luôn có 1 âm hình cố định, đồng dạng thế tay, ngón bấm, bài luyện bắt đầu từ âm C1 tay phải, (tay trái ở quãng 8 dưới), 2 tay chung 1 giai điệu tiến hành từ thấp lên cao và ngược lại. Để âm thanh rõ ràng, chính xác, giảng viên hướng dẫn phương pháp tập riêng từng tay trong 2 ô nhịp đầu, ghép 2 tay chậm, qua đó SV cảm nhận độ sâu, nặng, nhẹ phím bấm. Phần lớn SV thuận tay phải, do đó giảng viên yêu cầu luyện nhiều tay trái tạo âm thanh chắc chắn như tay phải.
Với một số SV đã hoàn thiện phối hợp 2 tay, giảng viên nâng độ khó bài luyện ngón qua cách thể hiện tạo độ nảy (staccato) kết hợp liền tiếng (legato), ngoài ra sinh viên tăng cường luyện bài chùm 3 ở tốc độ nhanh.
Ví dụ 4: Bài luyện chùm 3
Tóm lại, bài luyện ngón trong giáo trình dạy học đàn Keyboard của nhạc sĩ Xuân Tứ rất đa dạng giúp SV nhanh chóng hoàn thiện kỹ năng bám phím, phối hợp 2 tay, tạo tiếng đàn tròn, to, vang, chắc khỏe. Bài luyện ngón là phần bổ trợ không thể thiếu trong mối liên kết chặt chẽ với gam, hợp âm rải, hợp âm, tạo hệ thống kỹ năng cơ bản cho SV.ĐHSPAN học đàn Keyboard.
1.2. Etude kỹ thuật
Để người học đàn Keyboard có phương pháp di chuyển đúng, khắc phục, chỉnh sửa lỗi, tật ngón tay, Etude là bài luyện hoàn hảo giải quyết trọn vẹn, giúp người học nắm bắt nhiều dạng kỹ thuật, phát triển nhanh khả năng diễn tấu, thực hiện nhiều câu đoạn nhạc có độ kỹ thuật khó, phức tạp. Là nhạc cụ có bàn phím mô phỏng hệ phím Piano, do đó Etude viết cho Piano được đàn Keyboard sử dụng làm bài học bổ ích, từ giai đoạn đặt thế bấm, ngón tay đúng vị trí đến trình độ kỹ thuật điêu luyện.
Trong bộ giáo trình từ mục đích cụ thể, nhạc sĩ Xuân Tứ biên soạn nhiều loại Etude khác nhau. Trong hai cuốn Hướng dẫn dạy và học đàn Organ 1, 2 có tất cả 30 Etude (15 Etude/cuốn), đến giáo trình Phương pháp dạy và học đàn Phím điện tử (Electronic Keyboard), nhạc sĩ Xuân Tứ biên soạn cho giảng viên dạy đệm hát, do đó Etude kỹ thuật là những bài mẫu yêu cầu sinh viên chủ động, sáng tạo cách đệm theo âm hình hợp âm rải, hợp âm theo vòng hòa thanh. Như vậy, Etude kỹ thuật tập trung trong 2 cuốn Hướng dẫn dạy và học đàn Organ 1, 2, giúp SV hoàn thiện kỹ năng di chuyển ngón tay trên bàn phím. Dưới đây là một số đặc điểm Etude được nhạc sĩ Xuân Tứ biên soạn, đưa vào 2 cuốn sách nêu trên.
15 Etude trong Hướng dẫn dạy và học đàn Organ 1: đặc điểm chung các Etude có độ dài không quá 2 đoạn (tối đa 32 ô nhịp), câu cân phương, gọn gàng. Một âm hình chủ đạo xuyên suốt từ đầu đến cuối Etude, tạo tính thống nhất liên quan chặt chẽ vị trí ngón, giúp sinh viên tập 2- 4 ô nhịp đầu, sau đó liên hệ sự tương đồng trong ô nhịp tiếp theo, chủ động tự luyện tập. Mỗi Etude tập trung giải quyết một dạng kỹ thuật: chạy móc kép, hợp âm rải, hợp âm với nhiều sắc thái đa dạng.
Ví dụ 5: Kỹ thuật chạy móc kép tay phải
Là một trong kỹ thuật chính trong diễn tấu nhạc đàn nói chung, đàn Piano, Keyboard nói riêng, chạy móc kép chiếm số lượng Etude nhiều nhất, ở tất cả trình độ từ sơ trung cấp đến đại học chuyên nghiệp. Với SV.ĐHSPAN bài kỹ thuật móc kép trong sách Hướng dẫn dạy và học đàn Organ 1 của nhạc sĩ Xuân Tứ rất phù hợp, đúng đối tượng, cho thấy tác giả có nhiều kinh nghiệm trong đào tạo, biên soạn giáo trình dạy học đàn Keyboard. Ví dụ 5 dành cho SV bắt đầu học đàn, các nốt móc kép tay phải tập trung trong khoảng 5 ngón tay, chưa tạo quãng rộng để bàn tay mở. Ở dạng Etude khác, sinh viên luyện tập giữ đều âm hình tay trái, tay phải bấm giai điệu chuyển động giới hạn trong phạm vi 5 ngón như dưới đây.
Ví dụ 6: Âm hình tay trái, giai điệu tay phải
Cùng với kỹ thuật móc kép, âm hình tay trái, SV học Etude quãng 6 tay phải, nhằm rèn luyện kỹ năng bấm đồng thời 2 nốt, tạo âm thanh như 1 nốt vang lên.
Ví dụ 7: Etude quãng 6 tay phải
Sau khi trải qua giai đoạn tiếp xúc, làm quen với cách tập Etude. Đến học phần tiếp theo SV được học các bài tập Etude đi sâu vào một số kỹ năng đặc thù, đòi hỏi sinh viên hoàn thiện tùy theo trình độ cá nhân (xuất sắc, giỏi, khá, trung bình). Giảng viên giao bài Etude tăng độ khó, phức tạp nhằm phát triển ngón tay linh hoạt, tạo tiếng đàn tinh tế, rõ sắc thái. Những Etude này là kỹ thuật cơ bản, bắt buộc SV hoàn thiện ngón tay thanh thoát, biết đặt đúng vị trí ngón trong nhiều quãng rộng.
Ví dụ 8: Etude hợp âm rải
Những kỹ thuật bấm hợp âm, Etude quãng 3, 6 kết hợp móc kép, đơn cùng lối chơi liền tiếng (legato), nảy tiếng (staccato) có độ phức tạp hơn.
Ví dụ 9: Etude quãng 3, 6 (trích)
Tóm lại, Etude kỹ thuật là phần học quan trọng với SV Đại học SPAN. Qua luyện tập Etude ngón tay phải, trái phối hợp nhịp nhàng, vữngchắc, thể hiện đầy đủ trọn vẹn tính chất âm nhạc không bị mắc lỗi, tật do giới hạn kỹ thuật. Trong 2 cuốn sách Hướng dẫn dạy và học đàn Organ 1,2 nhạc sĩ Xuân Tứ luôn nhắc người học kiên trì, nhẫn nại, không nôn nóng đốt cháy giai đoạn, bởi Etude là phần học tương đối khô khan, không thu hút như giai điệu bài hát Việt Nam, quốc tế. Từ đào tạo đặc thù đàn Keyboard, mục đích Etude rèn luyện phát triển ngón tay, nhanh chóng làm chủ các dạng kỹ thuật từ đơn giản đến phức tạp. Từng cấp độ, Etude là hướng giải quyết, chỉnh sửa lỗi, tật ngón tay triệt để, qua đó SV hiểu, chủ động luyện tập, từ đó ứng dụng kỹ thuật đã học vào xử lý tác phẩm, đệm hát.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Xuân Tứ (2002), Hướng dẫn dạy và học đàn Organ 1, Nxb Âm nhạc- Trường Cao đẳng Nhạc Họa Trung ương, Hà Nội.
2. Xuân Tứ (2004), Hướng dẫn dạy và học đàn Organ 2, Nxb Âm nhạc- Trường Cao đẳng Nhạc-Họa Trung ương, Hà Nội.
3. Xuân Tứ (2007), Phương pháp dạy và học đàn phím điện tử, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
4. Lê Vũ (1996), Phươngpháphọcđàn Organ Keyboard,NxbTrẻtp.HCM.
5. Lê Vũ - Quang Đạt (1996), Độc tấu trên đàn Organ, Nxb Trẻ, Tp. HCM