Lê Thị Nguyên (*)
Những năm gần đây, nền giáo dục của nước ta đã có những chuyển biến tích cực. Bộ Giáo dục & Đào tạo đã đưa những phương pháp giảng dạy hiện đại, tiên tiến, phù hợp để nâng cao chất lượng đào tạo. Một trong những phương pháp đó chính là sử dụng tình huống vào chương trình giảng dạy. Đây được xem là phương pháp ưu việt và cũng đã được thực nghiệm từ những quốc gia phát triển trong một thời gian rất dài.
Môn Pháp luật đại cương là học phần trang bị cho sinh viên tất cả các ngành những kiến thức cơ bản về Nhà nước và pháp luật nói chung, giới thiệu cho sinh viên những nội dung cơ bản về các ngành luật điển hình như Luật Hành chính, Luật Hình sự, Luật Dân sự và Luật lao động, Luật Phòng chống tham nhũng và Luật Quốc tế. Mục tiêu của môn học hướng tới là giúp người học hiểu và nêu được các khái niệm về những vấn đề cơ bản nhất của Nhà nước và pháp luật như bản chất, nguồn gốc, đặc trưng, vai trò. Từ đó giúp cho sinh viên có nhận thức, quan điểm đúng đắn về đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đồng thời trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về hệ thống pháp luật Việt Nam và một số ngành luật cụ thể, giúp cho sinh viên hiểu biết hơn về pháp luật để vận dụng vào thực tiễn cuộc sống. Qua đây nhằm tuyên truyền pháp luật cũng như rèn thái độ tôn trọng pháp luật cho các sinh viên góp phần tích cực vào việc đào tạo nguồn nhân lực không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn năng động sáng tạo hiểu biết pháp luật, tuân thủ pháp luật, biết vận dụng pháp luật vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Những tình huống pháp luật được đưa ra từ sách báo, thực tế, hay hư cấu có nội dung gắn với lý thuyết nhưng cũng rất hấp dẫn và đầy kịch tính, gần gũi với đời sống của học sinh, sinh viên.
Để nâng cao chất lượng dạy và học môn Pháp luật đại cương ở Trường ĐHSP Nghệ thuật TW nhìn chung có nhiều con đường và phương pháp khác nhau để đổi mới phương pháp dạy học pháp luật. Tuy nhiên, đổi mới phương pháp dạy học bằng sử dụng tình huống là một biện pháp hữu hiệu. Đặc biệt trong điều kiện thực tiễn hiện nay của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW đã và đang áp dụng học chế tín chỉ. Một trong những yêu cầu đối với sinh viên của học chế tín chỉ là phải tự học, tự nghiên cứu tài liệu ở nhà. Sử dụng tình huống giảng dạy cũng giúp phát huy mạnh mẽ tính tích cực của sinh viên. Vì thế học chế tín chỉ cũng rất phù hợp việc áp dụng phương pháp mới, nhất là các phương pháp giảng dạy tích cực. Sau đây là một vài vấn đề cốt lõi về việc xây dựng tình huống trong dạy học môn Pháp luật đại cương cho sinh viên Trường ĐHSP Nghệ thuật TW.
1. Khái niệm tình huống dạy học
Tình huống dạy học là tình huống trong đó có sự ủy thác của người giáo viên. Sự ủy thác này chính là quá trình người giáo viên đưa những nội dung cần truyền thụ vào trong các sự kiện của tình huống và cấu trúc các sự kiện sao cho phù hợp với logic sự phạm, để khi người học giải quyết nó sẽ đạt được mục tiêu dạy học.
Để một tình huống trở thành THDH phải thoả mãn các điều kiện sau:
+ Tạo ra vấn đề: Tạo ra một vấn đề không có câu trả lời đúng, đảm bảo để tình huống đó thể hiện những thách thức thực sự đối với học viên và kích thích những suy nghĩ, kỹ năng phản bác của họ thông qua các câu trả lời đa dạng và có lý.
+ Nhân vật phải có tính hiện thực: Xác nhận các nhân vật mà sinh viên có thể liên hệ tới và trong trường hợp những tình huống buộc phải ra quyết định thì xác định ai là người phải giải quyết vấn đề và ra quyết định.
+ Đưa ra một thách thức: Tình huống đưa ra có tính phức tạp vừa đủ để buộc sinh viên phải suy nghĩ và thực sự vận dụng các kỹ năng trí tuệ của mình để giải quyết. Không nên để cho sinh viên cảm thấy dễ dàng xác định vấn đề hoặc đưa ra giải pháp ngay mà không cần phân tích, suy xét.
+ Sử dụng thông tin: Bắt buộc sinh viên phải sử dụng thông tin trong tình huống để giải quyết vấn đề. Sinh viên được yêu cầu tìm kiếm, đánh giá, sử dụng thông tin.
+ Thông tin đầy đủ: Tình huống phải chứa đựng thông tin đầy đủ để giúp sinh viên đưa ra những lý luận và phân tích có chiều sâu, giúp sinh viên tránh được những phân tích hoặc lý luận suông, nông cạn.
2. Nguồn thông tin xây dựng tình huống
Môn Pháp luật đại cương nguồn thông tin sử dụng để xây dựng tình huống tương đối đa dạng và đặc thù. Chủ yếu tập trung vào các nguồn sau:
- Thứ nhất, từ các quyết định hoặc bản án đã có hiệu lực pháp luật của các cấp Tòa án. Ưu điểm của nguồn thông tin này là ta có một bộ hồ sơ hoàn chỉnh về quá trình giải quyết vụ việc từ khi bắt đầu đến khi kết thúc. Vì vậy, người viết tình huống có nguồn dữ liệu dồi dào và khả năng lựa chọn rộng. Người viết có thể khai thác nhiều vấn đề trong cùng một hồ sơ vụ án để phục vụ cho nhiều nội dung giảng dạy khác nhau trong chương trình. Nếu muốn xây dựng tình huống để giảng dạy cho một bài hoặc nhiều bài, người viết tình huống nên sử dụng dữ liệu từ một hồ sơ vụ án hoàn chỉnh; khi xây dựng tình huống cho một một nội dung trong bài học, người viết có thể chọn lọc một phần dữ liệu trong hồ sơ đó phù hợp với mục đích và yêu cầu của bài giảng. Nguồn phản ánh một cách chân thực và sống động nhất thực tế xã hội. Tuy nhiên, hạn chế của nguồn thông tin này là khó tiếp cận.
- Thứ hai, từ kinh nghiệm thực tiễn của giảng viên. Trên cơ sở giảng viên đã giảng dạy môn học này cho sinh viên, đã đưa ra các tình huống (ví dụ) ngắn trong những bài giảng trên lớp, từ đó điều chỉnh nội dung tình huống cho phù hợp với nội dung bài giảng.
- Thứ ba, Từ các phương tiện thông tin đại chúng như báo giấy, báo điện tử, tạp chí..... Nguồn thông tin này vừa đa dạng, vừa đáp ứng được tính thời sự của tình huống.
3. Ý nghĩa của việc sử dụng tình huống trong giảng dạy môn Pháp luật đại cương
Môn học Pháp luật đại cương là một môn học có nội dung liên quan đến nhiều ngành luật, các nội dung này có khả năng gắn kết với thực tế rất cao vì thế lựa chọn sử dụng tình huống để giảng dạy môn Pháp luật đại cương là phù hợp. Giảng dạy theo tình huống là một phương pháp tiên tiến, đã được một số cơ sở giáo dục về pháp luật áp dụng. Phương pháp này giúp cho sinh viên không phải tiếp nhận những kiến thức lý thuyết pháp luật vốn rất trừu tượng, khô khan mà đi thẳng vào việc giải quyết các vấn đề diễn ra trong thực tế đời sống, từ đó sinh viên không những có thể nhớ kiến thức lý thuyết lâu hơn mà còn biết vận dụng lý thuyết để giải quyết các tình huống pháp luật. Mặt khác:
Thứ nhất, phương pháp tình huống làm cho sinh viên chủ động hơn và tham gia nhiều hơn vào quá trình học luật. Ví dụ các sinh viên được giao các án lệ về nhà nghiên cứu trước và sau đó trên lớp sẽ trao đổi với giáo viên cũng như góp ý với bạn cùng lớp về những vấn đề liên quan tới những án lệ đó. Như vậy sinh viên có sự chuẩn bị từ trước khi đến lớp về vấn đề mình sẽ học và như vậy việc học của họ sẽ chủ động hơn. Ở trên lớp giáo viên gọi từng sinh viên để trình bày về những án lệ đã giao cho họ sẽ làm cho sinh viên tham gia nhiều hơn vào quá trình học.
Thứ hai, phương pháp tình huống làm cho sinh viên hứng thú với việc học hơn. Đây là ưu điểm nổi trội của phương pháp này so với các phương pháp truyền thống áp dụng trước đó ở Mỹ là phương pháp “thuyết giảng” và phương pháp “giáo trình”. Khi phương pháp tình huống được áp dụng, sinh viên sẽ được nghiên cứu và học luật dựa trên các vụ việc đã từng xảy ra trong thực tiễn. Tính sinh động và tình tiết rất “thực” của vụ án làm cho sinh viên hứng thú hơn với việc học.
Thứ ba, phương pháp tình huống rất chú trọng rèn luyện kỹ năng thuyết trình và tư duy phản biện. Khi thực hành bài giảng trên lớp, giáo viên và sinh viên trao đổi rất nhiều về tình tiết của vụ việc, lập luận của tòa án và nội dung của phán quyết. Giáo viên luôn luôn tìm cách kích thích tư duy của sinh viên, hướng sinh viên tới việc xây dựng lập luận cho quan điểm của mình..
Thứ tư, phương pháp này khá thuận lợi cho giáo viên khi chuẩn bị bài giảng. Tại các nước theo hệ thống thông luật nguồn tài liệu để phục vụ giảng dạy phương pháp tình huống rất phong phú và sẵn có với số lượng hàng chục nghìn vụ án được giải quyết tại tòa án từng bang và ở cấp liên bang hàng năm. Với nguồn tài liệu phong phú như vậy, giáo viên luật chỉ cần dành thời gian chọn lọc là có thể tìm được ngay những vụ việc tốt nhất để dạy cho học sinh của mình.
Ngoài ra, mục tiêu của môn Pháp luật đại cương là trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về một số ngành luật và quan trọng hơn là tuyên truyền pháp luật đến với sinh viên để sinh viên có thể ứng xử theo pháp luật trong mọi tình huống xảy ra trong quá trình học tập, lao động của mình. Vì thế, tuyên truyền pháp luật thông qua tình huống là một cách tuyên truyền mang lại hiệu quả rất cao. Bởi vì hầu hết các tình huống đều có phần bài học rút ra từ tình huống.
Như vậy, dựa trên những vấn đề cốt lõi về xây dựng tình huống môn Pháp luật đại cương cho sinh viên Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, tác giả đã ứng dụng xây dựng Bộ bài tập tình huống môn Pháp luật đại cương với hơn 50 tình huống từ dễ đến khó, đơn giản đến phức tạp. Mỗi bài tập tình huống đều nêu lên những tình huống thực tiễn và đưa ra các câu hỏi, yêu cầu học tập cụ thể đòi hỏi sinh viên phải vận dụng kiến thức của bài học để giải quyết yêu cầu của bài tập tình huống đưa ra. Cuối cùng, tác giả cũng đã tiến hành thực nghiệm phương pháp sử dụng tình huống trong dạy học Pháp luật đại cương năm học 2022-2023 cho sinh viên các lớp 1130007.22.03 và 1130007.22.04, kết quả cho thấy rất khả quan.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Hoàng Thị Anh (2007), Xây dựng hệ thống bài tập tình huống góp phần đổi mới phương pháp dạy học môn Tâm lý học cho sinh viên đại học, Đề tài nghiên cứu khoa học, ĐHNN – ĐHQGHN
- Nguyễn Ngọc Bảo (2000), Bước đầu sử dụng các tình huống sư phạm trong rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên Cao đẳng sư phạm Hà Tĩnh, Tạp chí Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, số 3/2000.
- Đỗ Minh Châu (2005), Tình huống Tâm lý học lứa tuổi và TLH sư phạm, NXB Giáo dục.
- Lê Thị Thanh Chung (1999), Xây dựng hệ thống tình huống có vấn đề để dạy học môn Giáo dục học, luận văn Thạc sỹ, Hà Nội.
- Nguyễn Thị Duyên, Lê Thị Lệ Hương, Nguyễn Thị Tuyết nhung (2017), Xây dựng hệ thống bài tập tình huống môn Giáo dục cho sinh viên trường ĐHSP Nghệ thuật TW, đề tài NCKH cấp Trường, mã số T2016 – 07.
- Vũ Dũng (chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb KHTN, Hà Nội, 2000
- Phan Đức Duy (2000), Sử dụng bài tập tình huống sư phạm để rèn luyện cho sinh viên kĩ năng dạy sinh học, luận án Tiến sĩ.
-----------------------------------------------------------------
[*] Khoa Giáo dục Đại cương- Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương