ThS.Vũ Mai Hiên
Giảng viên Khoa Thiết kế thời trang và Công nghệ may
Nhân trắc học là một môn khoa học dùng các phương pháp toán học và thống kê để nhận định và phân tích sự đo đạc các kích thước của cơ thể con người nhằm tìm hiểu các quy luật về sự phát triển hình thái con người. Đồng thời ứng dụng các quy luật đó vào giải quyết những yêu cầu thực tiễn của khoa học, kỹ thuật, thiết kế sản xuất các sản phẩm tiêu dùng phục vụ cho con người. Ngoài ra, về mặt lý luận nhân trắc học còn cho phép chúng ta đề ra các quy luật về sự phát triển cơ thể con người, về phân loại các dạng người và các nhóm chủng tộc loài người, và về nguồn gốc loài người,...
Trên thế giới hiện nay có rất nhiều phương pháp nghiên cứu nhân trắc học. Từ phương pháp cổ điển đến phương pháp hiện đại. Từ những nghiên cứu cơ bản, đặc điểm của cơ thể người, qua đó lựa chọn phương pháp nghiên cứu nhân trắc học một cách hiệu quả. Các đặc điểm nhân trắc là cơ sở để lựa chọn và xác định các mốc lấy số đo sử dụng trong may công nghiệp. Đồng thời dựa vào đặc điểm của cơ thể, các hoạt động, các tư thế cơ bản trong cuộc sống phân loại được hình dáng cơ thể người. Từ khái niệm về nhân trắc học, đặc điểm hình thái cơ thể người, phương pháp xây dựng hệ thống cỡ số, đặc điểm hệ thống cơ số cho người lớn và trẻ em sẽ giúp xây dựng một số hệ thống cỡ số trang phục nhằm ứng dụng rộng rãi trong thiết kế.
Việc nghiên cứu và thiết kế sản phẩm quần và áo cơ bản nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong quá trình sử dụng sản phẩm, thỏa mãn yêu cầu của người sử dụng. Đó là sự phù hợp giữa kích thước, hình dạng của sản phẩm với cơ thể người, đảm bảo người mặc có thể cử động dễ dàng khi mặc, ngoài ra còn phải đảm bảm sự thoải mái và tiện nghi về sinh lý cho con người khi sử dụng sản phẩm. Qua đó, cho ta thấy việc nghiên cứu nhân trắc cơ thể người nói chung và nhân trắc học may mặc nói riêng là vô cùng quan trọng, cần thiết và mang tính cấp bách.
Bốn loại phép đo xác định độ vừa vặn của cơ thể và quần: độ lớn, diện tích bề mặt, các biện pháp theo chu vi (circumferences), và các khu vực cắt (mặt cắt ngang).
Nguồn: https://www.researchgate.net/publication/220670311_Application_of_3D_body_scanning_technology_to_human_measurement_for_clothing_Fit
Với Kỹ thuật 3D việc điều chỉnh mẫu dễ dàng, được thể hiện qua hình ảnh mặt cắt cơ thể: (a) chu vi đường cong tại 2 vị trí theo kết quả ban đầu, (b) chỉnh sửa chu vi các đường cong (màu xanh lá cây) thành một hình dạng mẫu mới (màu đỏ), và (c) kết quả mẫu có chu vi đường cong tại 2 vị trí đã được hiệu chỉnh lại, hạn chế tiếp xúc không mong muốn của quần áo đưới với con người.
Điểm vừa vặn rất quan trọng trên cơ thể quét , hình ảnh một phần được xác định bởi hình cắt ngang ở vùng bụng, hông, háng, và đùi
Ở Việt Nam, hiện nay tại các công ty mặc mặc, các trường đào tạo thiết kế, các viện,… sử dụng các phương pháp thiết kế rất phong phú và đa dạng, nhưng những phương pháp này vẫn mang tính thủ công, kinh nghiệm và thiếu khoa học. Chưa áp dụng triệt để vấn đề thiết kế mẫu dựa trên nghiên cứu đặc điểm nhân trắc của cơ thể người mặc. Năm 1974, Nguyễn Quang Quyền đã cho ra cuốn “Nhân trắc học và sự ứng dụng trong nghiên cứu trên người Việt Nam” . Đây là tài liệu quan trọng giới thiệu các bước tiến hành nghiên cứu, các mốc đo thông dụng trên người, trên xương, các dụng cụ đo đạc và một số nét thống kê ứng dụng trong nghiên cứu nhân trắc; được xem là tài liệu quan trọng hướng dẫn cho nhiều nhà nghiên cứu trẻ sau này đi vào lĩnh vực nhân trắc học Việt Nam.
* Một vài nghiên cứu nhằm khảo sát đánh giá thể lực, sự tăng trưởng, phát triển về hình thái cơ thể người: Các nhà nghiên cứu nhằm tìm hiểu sự tăng trưởng và phát triển của trẻ em, thiếu niên, thanh niên mà đại diện là Lê Thị hợp, Đinh Kỷ, Nguyễn Công Khanh, Lê Nam Trà, Hàn Nguyệt Kim Chi, Đào Huy Khuê….
Năm 1992, đề tài “Đặc điểm hình thái và thể lực học sinh một trường phổ thông cơ sở ở Hà Nội” của Thẩm Thị Hoàng Điệp đã mang lại lĩnh vực nghiên cứu nhân trắc học ở Việt Nam một bước phá mới khi lựa chọn phương pháp theo dõi dọc để tiến hành theo dõi một nhóm học sinh trong 10 năm liên tục và đưa ra các quy luật phát triển của trẻ em như: quy luật phát triển về chiều cao, quy luật phát triển về cân nặng , quy luật phát triển của các kích thước vòng… Từ đó cho đến nay phương pháp này cũng đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm và áp dụng.
* Các công trình nghiên cứu ứng dụng cho ergonomics (nghiên cứu về lao động. Đây là một hướng nghiên cứu mới trong nhân trắc. Nhân trắc ergonomics đã được ứng dụng ở Việt Nam trong các công trình nghiên cứu, đánh giá mức độ phù hợp của các loại máy móc, thiết bị với người lao động Việt Nam.
Để tạo tiền đề cho việc nghiên cứu ergonomics, nhiệm vụ đề ra trước tiên là phải xây dựng các dẫn liệu nhân trắc ergonomics theo quy định thống nhất trên một số đối tượng đủ lớn đại diện cho các lớp người lao động, các lứa tuổi và các vùng dân cư khác nhau. Viện nghiên cứu Khoa học kỹ thuật Bảo hộ lao động dưới sự chỉ đạo của PGS.TS. Nguyễn An Lương và các cán bộ khoa học của nhiều trường đại học, nhiều cơ quan khoa học đã nghiên cứu xây dựng ba tập Atlas nhân trắc học người Việt Nam trong lứa tuổi lao động.
Năm 1986, tập “Atlas nhân trắc học người Việt Nam trong lứa tuổi lao động” ra đời. Trong giai đoạn 1986-1990, ra đời tập Atlas thứ 2 mang tên “Atlas nhân trắc học người Việt Nam trong lứa tuổi lao động-Dấu hiệu nhân trắc động về hoạt động của tay”. Năm 1997 tiếp tục ra đời tập Atlas thứ 3 với tên “Atlas nhân trắc học người Việt Nam trong lứa tuổi lao động-Dấu hiệu nhân trắc động khớp và giới hạn thị giác”
1945-1954 tác giả Đỗ Xuân Hợp đã cùng với một số bác sĩ và một số sinh viên tiến hành những công trình nghiên cứu nhân trắc học trên thanh niên đẻ phục vụ cho việc tuyển quân và may quân trang cho bộ độị. Tuy nhiên kết quả còn hạn chế và độ chính xác chưa cao. Năm 1994, Tiêu chuẩn Việt Nam-5781 về “Phương pháp đo cơ thể người”, Tiêu chuẩn Việt Nam-5782 về “Hệ thống cỡ số tiêu chuẩn quần áo” đã được ban hành. Năm 2001, đề tài “Nghiên cứu xây dựng hệ thống cỡ số quân trang theo phương pháp nhân trắc học” Tác giả Nguyễn Thị Hà Châu và cộng sự đã tiến hành và ứng dụng vào may quân trang cho cả nước. Đề tài này cho kết quả triệt để và độ chính xác cao do áp dụng các hệ thống kỹ thuật, nghiên cứu hiện đại xử lý thống kê toán học bằng phần mềm chuyên dụng. Cũng trong năm 2001 Tác giả Trần Thị Hường và Nguyễn Văn Lân, với đề tài cấp cơ sở “Thống kê cỡ số và thiết kế cơ bản trang phục nữ niệt Nam” và đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn Thời trang Hạnh. Ngoài ra còn một số công trình nghiên cứu khác, nhưng ở các công trình này đa phần là nghiên cứu tổng quan, tổng thể sản phẩm mà chưa đi sâu vào một số vấn đề cụ thể và chưa mang tính cập nhật do đặc điểm thể chất cơ thể nữ thay đổi theo điều hiện hiện nay, chính vì vậy chưa giải quyết rõ và chưa đưa ra được phương pháp thiết kế một cách khoa học cho sản phẩm thời trang.
Có thể thấy hoạt động của cơ thể người vô cùng phức tạp và đa dạng. Tất cả các hoạt động này đều làm thay đổi kích thước bề mặt cơ thể người, dù là chiều dài, chu vi hay diện tích, bất kì bộ phận nào của cơ thể chỉ cần có vận động thì kích thước cơ thể sẽ thay đổi theo. Do đó lượng gia giảm thiết kế tối thiểu của quần áo sẽ phải tương ứng với biên độ vận động của cơ thể tại vị trí cần xem xét. Thông thường, lượng gia giảm thiết kế, lượng dư cử động càng lớn thì vận động càng thuận tiện, song, ở một số vị trí, bộ phận của quần áo ví dụ như: đũng quần, nếu lượng gia giảm thiết kế quá lớn lại là nguyên nhân gây cản trở vận đông. Do đó, khi thiết kế và tính toán lượng gia giảm thiết kế cần chú ý các yếu tố này.
Ở các góc độ khác nhau giúp ta quan sát được hầu hết các điểm khuyết của trang phục. Từ đó khắc phục những điểm khuyết đó bằng phương pháp hiệu chỉnh mẫu, lỗi tại mỗi vị trí sẽ có những cách hiệu chỉnh khác nhau. Vì vậy, có thể tăng trị số gia giảm cử động theo chiều ngang cơ thể tại từng vùng hay toàn bộ chu vi sản phẩm. Với sản phẩm quần, một số vị trí như vòng đùi, hông, vòng gối trong quá trình thiết kế thường gặp khó khăn để có thể đảm bảo độ chính xác. Với sản phẩm áo sơ mi nữ, ngoài một số vị trí như vòng cổ, vòng ngực, vòng eo, vòng nách, đầu mang tay,... có ý nghĩa lớn trong việc đảm bảo yêu cầu về thẩm mĩ cũng như sự tiện nghi đối với người mặc. Trong quá trình thiết kế thường hay gặp rất nhiều khó khăn để có thể đảm bảo độ chính xác cho dạng đường cong vòng cổ, vòng nách cũng như đầu mang tay, đặc biệt là trong quá trình thiết kế may công nghiệp với số lượng nhiều, cỡ số đa dạng,...
Theo một số phương pháp thiết kế quần áo trong công nghiệp sản xuất hàng loạt người ta đã nghiên cứu và quy định hệ thống gia giảm cho từng phần cấu trúc quần áo như: gia giảm cho vòng ngực, gia giảm cho vòng eo, cho hạ sâu nách, cho rộng cổ và sâu cổ, cho vòng bắp tay, phần mông, đùi,…. Ngoài ra lượng cử động còn tính đến lượng dư cho độ co của vật liệu trong quá trình thực hiện công nghệ may sản phẩm. Thường thì gia giảm cho rộng lưng và rộng ngực được xác định theo bảng chuẩn cho trước, chúng phụ thuộc vào kiểu dáng quần áo và đặc tính vật liệu. Gia giảm cho rộng nách áo phụ thuộc và yêu cầu về độ rộng của tay áo. Có thể thấy, mỗi quốc gia đều có phương pháp đo, số lượng và kích thước đo riêng theo tiêu chuẩn phù hợp với đặc trưng riêng về con người, vùng miền của quốc gia đó nhưng vẫn đảm bảo được các tiêu chí chung về yêu cầu, mục đích của các thông số kích thước cần thu thập như: Các kích thước cơ bản thiết kế quần áo công nghiệp ở Mỹ, bao gồm 43 kích thước, của Nga bao gồm 43 kích thước của Úc bao gồm 17 kích thước.
Ở các góc độ khác nhau giúp ta quan sát được hầu hết các điểm khuyết của trang phục. Từ đó khắc phục những điểm khuyết đó bằng phương pháp hiệu chỉnh mẫu, lỗi tại mỗi vị trí sẽ có những cách hiệu chỉnh khác nhau.
Mặc thử áo lên người mẫu 3D trong các hình dáng mẫu khác nhau: Hình a-c: Thử áo lên người mẫu 3D trong một loạt các hình dạng. Hình d-f: Quan sát độ phù hợp của mẫu khi ở các tư thế khác nhau.
Để có thể ứng dụng trong thiết kế may mặc và trong sản xuất may công nghiệp trên cơ sở kích thước của các cỡ vóc chuẩn, phải chọn phương pháp thiết kế với hệ công thức đảm bảo độ chính xác cao, sử dụng các công thức cấp I, ít dùng đến kinh nghiệm cụ thể như trong cắt may đơn chiếc. Mỗi phép dựng hình cấu trúc sản phẩm phải được nghiên cứu và lý giải một cách khoa học trên cơ sở nhân trắc chuyên ngành. Hệ công thức được xây dựng dựa trên cơ sở các kích thước đo trực tiếp, số lượng các kích thước đo cỡ vóc chuẩn khá nhiều (sử dụng 25 – 30 kích thước cho thiết kế). Hệ kích thước đo này có thể sử dụng cho mọi chủng loại quần áo. Qua đây cho ta thấy việc nghiên cứu nhân trắc học may mặc trong thiết kế thời trang chính là sự lựa chọn, quyết định các thông số kích thước đo và có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nó không chỉ phục vụ cho việc nghiên cứu cơ bản đặc điểm cơ thể người, sự phát triển cơ thể theo thời gian, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến các quá trình nghiên cứu tiếp theo, quá trình thiết kế, tạo mẫu để mang lại sản phẩm không những đẹp về mặt thẩm mỹ, an toàn sức khỏe, tiện nghi về chức năng, mục đích sử dụng, đồng thời vẫn mang lại hiệu quả về kinh tế, thời gian đặc biệt là trong giảng dạy, học tập và sản xuất may công nghiệp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Quang Quyền (1974), “Nhân trắc học và ứng dụng nghiên cứu trên người Việt Nam”, NXB Y Học.
2. “Atlat Nhân trắc học người Việt Nam trong lứa tuổi lao động” NXB Khoa học và Kỹ thuật Hà nội 1986
3. TCVN 5782-1994, “Cơ sở tiêu chuẩn quần áo và các kích thước”.
4. TCVN 5781-1994, “Phương pháp đo cơ thể”.
5. Hoàng Trọng – Chu Nguyễn Mộng Ngọc, “Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS”, NXB Thống kê.
6. Morris Campbell (2010): “The Development of a Hybrid System for Designing and Pattern Making In-Set Sleeves”.
7. Luo Xianqun (2009) : “Feminine clothing construction design”
8. Gedwoods Quebec (2009) : “Drafting sleeve for Basic bodice Block
9. Leena Lahteenmaki (1998): “Drafting Patterns For Basic Sleeve
10. The 3D Body Scanner, http://www.bodyscan.human.cornell.edu
11. Female Figure Identification Technique for Apparel http://www.tx.ncsu.edu/jtatm/volume4issue1/articles/Istook/Istook_full_105_04.pdf