Giảng viên Nguyễn Thị Thùy Linh
Khoa Văn hóa Nghệ thuật – Trường ĐHSP Nghệ thuật TW
Ngành kinh doanh khách sạn xuất hiện từ lâu đời khoảng 1200 năm về trước, khái niệm đầu tiên là “nhà trọ” xuất hiện từ khi đồng tiền được sử dụng như một phương tiện trao đổi. Một trong những thành phần quan trọng của cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch là cơ sở lưu trú và ăn uống. Trong các loại hình cơ sở lưu trú thì khách sạn (hotel) là loại hình phát triển với tốc độ nhanh trên thế giới. Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) năm 2010 khách du lịch quốc tế trên toàn cầu đạt 940 triệu lượt khách, thu nhập từ du lịch đạt 919 tỷ USD, chiếm hơn 30% xuất khẩu dịch vụ thương mại của thế giới (UNWTO, 2011). Sự phát triển của hoạt động du lịch đã kéo theo sự phát triển của ngành công nghiệp khách sạn và các loại hình lưu trú khác. Du khách đi ra ngoài nơi ở thường xuyên của mình đều cần đến các nghiệp vụ về lưu trú, ăn uống và nghỉ ngơi.
Ở thời kỳ cổ đại, khi loài người lần đầu tiên mạo hiểm đi xa bộ lạc của mình, họ phải tự lo chỗ ăn ngủ. Hầu hết những khách du lịch thưở ban đầu này là những người lính hoặc những ngưởi đi buôn bán, trao đổi hàng hóa, họ có thể dựng trại ở bất cứ nơi nào họ muốn. Những địa điểm đầu tiên trên thế giới mà cơ sở lưu trú được nhắc đến trong những văn bản cổ nằm ở vùng Viễn Đông, Hy Lạp và Babylon. Các phòng trọ thời kỳ đó chỉ là những căn phòng được trang bị rất thô sơ nhằm phục vụ chỗ qua đêm cho khách lữ hành.
Tại Hy Lạp cổ đại, các cơ sở lưu trú dành cho lữ khách có thể có từ nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp cổ “Xenia”. Nó không chỉ có nghĩa là nơi lưu trú mà còn là sự bảo vệ, che chở cho khách tham quan lạ. Trong thời này, cơ sở lưu trú vẫn là một phần của những chốn linh thiêng. Người ta coi nữ thần Athena “là nữ thần bảo hộ cho những người khách lạ và từ đó đã ra đời cái tên “Xenia Athena”.
Dưới thời đế chế La Mã (27 TCN - 395) cùng với việc phát triển một hệ thống đường bộ rộng lớn xuyên suốt từ châu Âu đến Trung Á. Hệ thống các cơ sở lưu trú ven đường, các quán trọ nhỏ đã được xây dựng dọc các đường giao thông chính, mở rộng từ Tây Ban Nha đến Thổ Nhĩ Kỹ. Ở Anh và châu Âu nhiều cơ sở lưu trú được xây dựng tại các vị trí đẹp, gần các con suối tự nhiên. Những quán trọ thời kỳ này được gọi là “Cauponas” thường đi kèm với quán rượu được gọi là “Tabernas”.
Thời Trung cổ, thương mại và lữ hành bắt đầu phát triển, các tu viện, các nhà thờ, các nhà khách của giáo hội nổi lên thay thế cho các nhà trọ. Tiền cúng của các người lữ hành được xem là một nguồn thu đáng kể cho giáo hội thời bấy giở. Cuộc thập tự chinh kéo dài 200 năm đã làm trỗi dậy giai cấp trung lưu và các hoạt động thương mại khắp châu Âu, các nhà trọ vì thế cũng phát triển ra khắp châu Âu và các khu vực lân cận. Marco Polo (1254 - 1324) trong khi thám hiểm qua Ba Tư (Persian) đã ghi nhận lại các hoạt động của các nhà khách trong thế giới Hồi giáo. Ông ghi nhận có khoảng 10.000 nhà trọ trên đường đi qua và cứ khoảng 25 dặm lại có một nhà trọ như thế.
Thời kỳ Phục Hưng, khi vua Henry VIII khởi xướng việc bãi bỏ các nhà khách trong các tu viện, thu hồi lại đất của giáo hội, việc mở các tuyến xe liên quốc gia cũng như tình hình kinh tế xã hội được cải thiện tại châu Âu đã tác động rất tốt đến việc kinh doanh nhà trọ. Những năm 1600, các nhà trọ bắt đầu được xây dựng tại Mỹ. Nhà trọ không là nơi ở của chủ nhân và việc phục vụ trong khách sạn không được xem là đầy tớ nhưng được coi là một nghề. Các nhà trọ trong thời kỳ này chính là tiền thân của khách sạn hiện nay.
Các nhà trọ nhỏ đã được mở rộng trong thế kỷ thứ 17 và thế kỷ 18. Khi các tuyến đường sắt xuất hiện những quán trọ thường lấy tên các quán rượu. Sự ra đời của cách mạng công nghiệp tại một số nước châu Âu dẫn đến sự thay đổi nhanh chóng trong lĩnh vực du lịch. Khách sạn đầu tiên ở Mỹ là “City hotel” được khai trương năm 1794 tại New York với 37 phòng khách. Tuy nhiên, khách sạn đầu tiên trên thế giới có các dịch vụ sang trọng gần với khách sạn hiện đại nhất là “Tremont House” được xây dựng ở Boston năm 1829 có ba tầng 170 phòng với các phòng riêng có khóa, trong phòng có hệ thống nước rửa, xà bông được cung cấp miễn phí và các nhân viên được huấn luyện chuyên nghiệp. Năm 1874, William Chapmam Ralston đã xây dựng khách sạn “Palace” sang trọng, cao 7 tầng với 800 buồng tại San Prancisco. Nó được coi là khách sạn sang trọng nhất thời kỳ này.
Vào đầu những năm 1900, để đáp ứng nhu cầu của của khách hàng trung lưu, thượng lưu, khách thương gia và khách công vụ. Một loạt khách sạn sang trọng đã được xây dựng. Thời kỳ này cũng ra đời một loại hình khách sạn mới - Khách sạn thương vụ (bussiness hotel). Nổi bật nhất là việc Ellssworrth M. Statler xây dựng khách sạn hiện đại Buffalo Statler tại New York vào năm 1908 (sau này sáp nhập lại với tập đoàn Hilton nổi tiếng thế giới). Ông được xem là cha đẻ của ngành khách sạn hiện đại tại Mỹ.
Cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20 được coi là “kỷ nguyên vàng” của kỹ nghệ khách sạn. Rất nhiều khách sạn lớn được xây dựng tại thủ đô các nước. Các khách sạn tại các khu nghỉ mát không ngừng được mở rộng và hoàn thiện. Khách sạn được trang bị hệ thống nước nóng, trong phòng ngủ có hệ thống sưởi ấm... chất lượng phục vụ cũng trở thành hình thức cạnh tranh có hiệu quả. Khoa học kỹ thuật được áp dụng vào trong ngành kinh doanh khách sạn, đồng thởi các chuỗi khách sạn cũng bắt đầu hình thành.
Thời kỳ suy thoái của những năm đầu thế kỷ XX và Chiến tranh thế giới thứ nhất đã làm cho ngành khách sạn bị chững lại. Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất nhiều khách sạn đã được xây dựng ở những thành phố lớn và các nơi công cộng xa trung tâm. Năm 1927, khách sạn “Stevens” được khai trương tại Chicago với 3000 phòng (sau này được đổi tên là Chicago Hilton) được coi là khách sạn lớn nhất thời kỳ đó. Giai đoạn giữa hai cuộc chiến được đánh dấu bằng sự phát triển của công nghiệp xe hơi và sự xuất hiện của motel tại Mỹ vào năm 1927. Hai tập đoàn khách sạn nổi tiếng thế giới Hilton và Sheraton được thành lập trong thời kỳ này.
Thế chiến thứ hai gây tổn thất nặng cho ngành công nghiệp khách sạn trên thế giới. Nhiều khách sạn bị phá hủy, bị trưng dụng làm bệnh viện hoặc phục vụ cho các nhu cầu khác.
Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai công nghiệp khách sạn phát triển rực rỡ không chỉ ở châu Âu, châu Mỹ mà trên thế giới. Châu Á cùng có những bước phát triển vượt bậc trong ngành khách sạn với Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan. Thởi kỳ này cũng đánh dấu sự phát triển và cạnh tranh của các tập đoàn khách sạn nổi tiếng như Hilton, Sheraton, Marrriott, Holiday Inn, Hayatt... và sự ra đởi khu giải trí Disney Land cùng sự phát triển của khu Las Vegas.
Ở Việt Nam, theo một số nghiên cứu chính thức, thì đến đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp đã phát triển các hoạt động du lịch Việt Nam thông qua việc họ tổ chức cho những nhà khoa học Pháp đi khắp Việt Nam tìm kiếm những địa điểm có tài nguyên du lịch đặc trưng, khí hậu mát mẻ để xây dựng những khu nghỉ dưỡng cho quan chức thực dân, ví dụ như: Hạ Long, Sa Pa, Tam Đảo, Mẫu Sơn, Ba Vì, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Bạch Mã, Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu...và cho đến tận ngày nay, những địa danh được ngưởi Pháp chọn làm nơi nghỉ dưỡng vẫn là những trung tâm du lịch, những điểm du lịch hấp dẫn, nổi tiếng và thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan và nghỉ dưỡng. Cùng với lịch sử phát triển của dân tộc, sự hình thành và phát triển ngành du lịch nói chung, ngành khách sạn nói riêng luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm và xác định vị trí trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước phù hợp với yêu cầu cách mạng.
Trên phương diện tổng thể, chúng ta có thể phân lịch sử hình thành và phát triển hoạt động kinh doanh du lịch nói chung, và kinh doanh khách sạn nói riêng ở Việt Nam thành những giai đoạn với những đặc trưng cơ bản sau:
Giai đoạn đất nước còn tạm thời bị chia cắt, trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, từ năm 1960 đến 1975, du lịch ra đởi nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ các đoàn khách của Đảng và Nhà nước, khách du lịch vào nước ta theo các Nghị định. Để thực hiện mục tiêu này, hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị đinh số 26/CP, ngày 09/07/1960, thành lập Công ty Du lịch Việt Nam trực thuộc Bộ Ngoại thương. Quản lý nhà nước về du lịch thuộc chức năng của Bộ Ngoại thương với một Phòng chuyên trách 4 người; năm 1969 chức năng này chuyển về Phủ Thủ tướng; sau đó chuyển sang Bộ Công an. Trong điều kiện rất khó khăn của chiến tranh và qua nhiều cơ quan quản lý, ngành Du lịch đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi thử thách, từng bước mở rộng nhiều cơ sở Du lịch ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Tam Đảo, Hoà Bỉnh, Thanh Hoá, Nghệ An... Ngành Du lịch đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, phục vụ an toàn, có chất lượng; một lượng lớn khách của Đảng và Nhà nước, các đoàn chuyên gia các nước Xã hội chủ nghĩa anh em vào giúp Việt Nam thực hiện 2 nhiệm vụ là xây dựng Xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước; đồng thởi đón tiếp phục vụ, đáp ứng nhu cầu du lịch, tham quan nghỉ mát của cán bộ, bộ đội và nhân dân.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, hoạt động du lịch dần trải rộng ra các miền Tổ quốc. Ngành Du lịch bước vào xây dựng bộ máy tổ chức và đội ngũ lao động, phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, trong đó có các cơ sở lưu trú, chuẩn bị điều kiện chuyển dần sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ở giai đoạn này, ngành Du lịch hoạt động trong điều kiện đất nước vừa phải qua cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc lâu dài, phải tập trung sức hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế và phá thế bao vây cấm vận của Mỹ; đồng thời lại phải tiếp tục cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương phía Bắc và Tây Nam. Từ năm 1975 đến 1990, hoà vào khí thế chung của đất nước đã được thống nhất, ngành Du lịch đã làm tốt nhiệm vụ tiếp quản, bảo toàn và phát triển các cơ sở Du lịch ở các tỉnh, thành phố vừa giải phóng; lần lượt mở rộng, xây dựng thêm nhiều cơ sở mới từ Huế, Đà Nang, Bình Định đến Nha Trang, Lâm Đồng, thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, cần Thơ... từng bước thành lập các doanh nghiệp du lịch nhà nước trực thuộc Tổng cục Du lịch và Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu. Tháng 6 năm 1978, Tổng cục Du lịch Việt Nam được thành lập trực thuộc Hội đồng Chính phủ, đánh dấu một bước phát triển mới của ngành Du lịch.
Trong giai đoạn này, ngành Du lịch đã góp phần tích cực tuyên truyền giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam với bạn bè thế giới và tổ chức cho nhân dân đi du lịch giao lưu hai miền Nam - Bắc, thiết thực góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc. Thông qua du lịch, thế giới hiểu rõ thêm quan điểm, nguyện vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam sau chiến tranh muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển, góp phần phá thế bao vây cấm vận của Mỹ. Về mặt kinh tế - xã hội, ngành Du lịch đã phát triển thêm một bước, hoạt động có kết quả tốt, đặt nền móng cho ngành Du lịch bước vào giai đoạn mới.
Giai đoạn từ 1990 đến nay, cùng với sự nghiệp đổi mới đất nước, ngành Du lịch đã khởi sắc, vưon lên đổi mới quản lý và phát triển, đạt được những thành quả ban đầu quan trọng, ngày càng tăng cả quy mô và chất lượng, dần khẳng định vai trò, vị trí của mình. Chỉ thị 46/CT-TƯ của Ban Bí thư Trung ưong Đảng khoá VII tháng 10 năm 1994 đã khẳng định “Phái triển du lịch là một hướng chiến lược quan trọng trong đường lối phát triển kinh tế - xã hội nhằm góp phần thực hiện công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước”. Cơ chế chính sách phát triển du lịch từng bước được hình thành, thể chế hoá bằng văn bản quy phạm phát luật, tạo môi trường cho du lịch phát triển, nâng cao hiệu lực quản lý.
Sau 2 năm sáp nhập vào Bộ Văn hoá - Thông tin, rồi vào Bộ Thương mại, tháng 11 năm 1992 Tổng cục Du lịch được thành lập lại, là cơ quan thuộc Chính phủ. Tổng cục Du lịch đã nhanh chóng củng cố, ổn định tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, khắc phục khó khăn, vươn lên về mọi mặt để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố. Trong quá trình cải cách hành chính, đến nay bộ máy quản lý nhà nước về du lịch ở Trung ương có Tổng cục Du lịch, ở địa phương có 15 sở Du lịch, 2 sở Du lịch - Thương mại, 46 sở Thương mại - Du lịch và 01 sở Ngoại vụ - Du lịch.
Lịch sử hình thành và phát triển kinh doanh khách sạn ở Việt Nam được ghi nhận trong hơn 50 năm qua là một lịch sử còn khá non trẻ so với các ngành kinh tế khác, tuy nhiên với tốc độ phát triển ngành du lịch nói chung và khách sạn nói riêng như hiện nay, cùng với các dự báo về tốc độ phát triển ngành du lịch ở Việt Nam của các chuyên gia du lịch, hứa hẹn nhiều tiềm năng cho kinh doanh du lịch và khách sạn ở Việt Nam.
Tài liệu tham khảo
1. Trịnh Xuân Dũng (1999) Giáo trình Quản trị kinh doanh khách sạn, Nxb ĐHQG.
2. Nguyễn Văn Mạnh, Nguyễn Đình Hòa (2013), Giáo trình Quản trị kinh doanh khách sạn, Nxb Đại học Kinh tế Quốc Dân.
3. Dennis L. Foster (1999), Giới thiệu về ngành kinh doanh khách sạn (tài liệu dịch), Nxb quốc tế.
4. Nguyễn Văn Đính, Hoàng Thị Lan Hương (2007), Công nghệ phục vụ trong khách sạn, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân.
5. Lục Bội Minh, Quản lý khách sạn hiện đại, (bản dịch) NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1998.
6. John R. Walker (1996), Introduclion to Hospitality, Prentice Hall, New.
7. H.B. Van Hoof, M.E. McDonald, L. Yu, G.K. Vallen (1996.), A Host of portimities: An Introduction to Hospitality Management – Irwin
8. S. Medlik, H. Ingram (2006), “The Business of Hotel”, Butterworth Heinemann 2006.
6. Constantinos s. Verginis and Roy c. Wood (2002), “Accommodalon Management: Perspectives for the International Hotel Industry”, Thomson 2002.