Phạm Thị Vân
Học viên K15 – LL & PPDH Âm nhạc
Dạy hát cho học sinh (HS) lớp 2 ở trường phổ thông mang lại nhiều lợi ích trong quá trình phát triển cả về thể chất và tinh thần. Quá trình học hát giúp cho HS tiếp thu được những kiến thức cơ bản nhất, hình thành được các năng lực chung và năng lực đặc thù môn âm nhạc, từ đó kích thích tiềm năng nghệ thuật của các em, tạo điều kiện cho các em được bộc lộ và phát triển năng khiếu của mình. Chính vì vậy, giáo viên (GV) cần nắm vững các PPDH hiện đại để áp dụng đan xen với các PHDH truyển thống sao cho hợp lý và đạt hiệu quả cao. Tuy vậy, theo cách dạy phát triển năng lực của chương trình 2018 mà Bộ GD-ĐT ban hành thì GV âm nhạc khối 2 vẫn còn khá lúng túng trong cách soạn kế hoạch bài dạy, trong các bước lên lớp dạy bài mới, trong cách dạy phát huy tính chủ động, sáng tạo của HS, trong việc hướng dẫn vận động, gõ đệm… Đặc biệt, giáo viên còn gặp nhiều khó khăn trong việc vận dụng một số phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực mà Bộ GDĐT đề ra. Bài viết dưới đây đề cập đến vấn đề vận dụng một số phương pháp dạy học theo phát triển năng lực (Dạy học giải quyết vấn đề, dạy học tự phát hiện, sử dụng trò chơi, thông qua hoạt động trải nghiệm,…) vào dạy học hát cho HS lớp 2.
1. Phương pháp dạy học giải quyết vấn đề
Trong dạy học hát, GV có thể tạo ra các tình huống có vấn đề để HS biết cách giải quyết và thông qua đó hình thành kiến thức. Khác với dạy học truyền thụ kiến thức, dạy học giải quyết vấn đề đòi hỏi HS phải tích cực suy nghĩ, tích cực hoạt động. Đối với học hát, HS phải có sự tích cực trong suy nghĩ, trong chiếm lĩnh kiến thức khi tham gia học hát, phải hiểu bản chất, ý nghĩa, kết quả của các thao tác thực hành...
Chẳng hạn, ở phần vào đầu, giới thiệu bài hát Mẹ ơi có biết, GV có thể tạo ra tình huống có vấn đề bằng cách cho HS xem tên bài hát và đặt câu hỏi: “Em đã bao giờ nghe bài hát này chưa? Em có thuộc bài hát này không?” hoặc cho HS nghe giai điệu nhưng không được xem tên bài hát và hỏi tên bài hát. Sau khi nghe bài hát có thể cho HS kể thêm một số bài hát về mẹ mà em biết để từ đó vào bài mới.
Khi vào phần dạy hát có thể đưa HS vào các tình huống có vấn đề cần giải quyết như: cho HS thảo luận nhóm để nhận xét giai điệu của bài về tính chất âm nhạc, về nội dung lời ca…, tránh việc GV luôn luôn cho HS biết nội dung kiến thức là bài Mẹ ơi có biết ca ngợi tình mẫu tử mà để HS tự rút ra ý nghĩa nội dung.
Trong phần vận dụng- sáng tạo, GV có thể lựa chọn những tình huống để HS tự giải quyết vấn đề ở một cấp độ cao hơn như: HS tự nghĩ ra một số động tác để biểu diễn phụ hoạ cho bài hát hoặc GV đưa gợi ý 1 số động tác đơn giản và khuyến khích HS sáng tạo thêm, tránh việc GV luôn hướng dẫn HS làm theo…
2. Phương pháp dạy học theo góc
Phương pháp này có thể áp dụng với HS lớp 2 để HS có thể phát huy được năng lực cá nhân theo những cách khác nhau. Trong quá trình dạy học, tuỳ theo sở thích phong cách học của các em mà chia các nhóm HS thành các góc với những phong cách, nhiệm vụ khác nhau như nhóm có nhiệm vụ hát, nhóm có nhiệm vụ vận động, nhóm gõ đệm. Các nhóm làm việc dưới sự định hướng, giám sát của GV. GV có thể đi đến vị trí của từng nhóm để theo dõi hướng dẫn HS với âm lượng vừa phải, tránh làm cho các nhóm khác mất tập trung.
Chẳng hạn như khi dạy xong bài hát Hoa lá mùa xuân của Hoàng Hà, GV có thể áp dụng phương pháp dạy học theo góc để ôn lại kiến thức bằng cách xếp HS hoặc cho HS chọn 1 trong 4 góc theo sở thích, năng lực và đặt tên bất kì: Sóc nâu, thỏ trắng, sơn ca, chích bông,…sau đó phân chia nhiệm vụ cho các góc. Các góc lần lượt nhận các nhiệm vụ như nêu hiểu biết về nhạc sĩ Hoàng Hà, hát lại bài hát kết hợp gõ đệm theo phách và thể hiện đúng tính chất vui tươi, trong sáng, một góc sáng tạo ra các động tác phụ hoạ cho bài, góc còn lại sẽ vẽ tranh theo nội dung bài hát,…
Thời gian thích hợp để HS làm việc theo góc là 10-15p. Trong thời gian đó, GV cần đi từng nhóm nhỏ để đảm bảo HS không làm việc riêng và hỗ trợ HS kịp thời khi HS gặp khó khăn, vướng mắc. Sau khi hết thời gian, GV sẽ cho lần lượt các nhóm báo cáo kết quả và các nhóm khác nhận xét, đóng góp ý kiến và cuối cùng GV sẽ đánh giá và chốt lại nội dung kiến thức trọng tâm.
Phương pháp này giúp tạo hứng thú, xây dựng không khí sôi nổi cho lớp học. HS được chọn góc theo sở thích và phong cách khiến việc học trở nên thoải mái, hấp dẫn, kích thích sự tìm tòi, cũng như tính tích cực, chủ động cho HS.
3. Phương pháp trò chơi
Đây là phương pháp rất phù hợp để áp dụng trong quá trình dạy hát bởi ưu thế trong việc phát huy tính tích cực nhận thức của HS.
Hiện nay có nhiều dạng trò chơi: trò chơi dân gian; trò chơi thể thao - vận động; trò chơi phát triển trí não; trò chơi âm nhạc... Để tham gia vào các trò chơi trên đòi hỏi người chơi phải có kiến thức về nhiều lĩnh vực khác nhau phù hợp với từng loại trò chơi, có kiến thức về cách chơi và đặc biệt phải có sự say mê với trò chơi đó.
Có thể tổ chức trò chơi khi bắt đầu mỗi tiết học để khởi động, tạo tâm thế tích cực, kích thích sự chủ động của HS trong giờ học. Có thể cho HS chơi trò chơi giữa tiết học để tạo không khí sôi nổi cho HS, tránh nhàm chán, hoặc dùng với mục đích lĩnh hội kiến thức mới. Đồng thời còn có thể tổ chức trò chơi trước khi kết thúc tiết học để tổng kết lại nội dung bài, giúp cho HS hệ thống lại kiến thức một cách sinh động và hiệu quả.
Chẳng hạn, có thể áp dụng trò chơi ở đầu tiết học, giúp HS nhận biết được chủ đề của bài hát Mẹ ơi có biết ở SGK âm nhạc lớp 2 như sau:
* Trò chơi “Ô cửa bí mật”
- Chuẩn bị: GV chuẩn bị 4 câu hỏi đố vui tương ứng với 4 ô cửa được coi là bí mật. Khi HS trả lời đúng mỗi câu hỏi tương ứng với 1 ô cửa này sẽ mở ra 1 góc của bức hình có nội dung liên quan đến chủ đề tình mẫu tử. Lần lượt cho đến khi 4 ô cửa mở ra bức tranh hoàn thiện. Lúc này GV sẽ dẫn dắt vào nội dung, chủ đề của bài mới.
- Luật chơi: GV chia lớp thành hai đội, đội chơi trước sẽ được chọn câu hỏi bất kỳ, sau đó đội trả lời đúng sẽ được quyền chọn câu tiếp theo. HS sẽ có thời gian suy nghĩ là 10 giây, nếu không trả lời được thì quyền trả lời sẽ thuộc về đội còn lại. Đội nào trả lời được nhiều câu hỏi hơn sẽ là đội chiến thắng.
* Trò chơi “Rung chuông vàng”
Giáo viên cũng có thể áp dụng trò chơi “Rung chuông vàng” ở bước tìm hiểu bài hát Mẹ ơi có biết như sau:
- Chuẩn bị: Sau khi HS đã được nghe bài hát, GV chuẩn bị 4 câu hỏi liên quan đến bài hát như tính chất âm nhạc, nội dung, nhịp bao nhiêu,…Và chuẩn bị chuông nhỏ để phát cho các đội.
- Luật chơi: GV chia lớp làm 4 nhóm và phát chuông cho các nhóm. Câu hỏi sẽ được GV chiếu lên màn hình với các đáp án để HS chọn. Sau khi GV đọc xong câu hỏi, đội nào rung chuông sớm nhất sẽ được quyền trả lời. Nếu đội đó trả lời sai, các đội còn lại sẽ được quyền rung chuông để tiếp tục trả lời. Lần lượt như vậy, đội nào trả lời được nhiều câu hỏi nhất sẽ là đội chiến thắng.
4. Phương pháp dạy học thông qua hoạt động trải nghiệm
Thông qua quan sát, tiếp xúc sự vật, hiện tượng, tham gia vào sự kiện nào đó mà người ta có khái niệm trải nghiệm. Mục tiêu của phương pháp này là thông qua thực hành, thông qua làm, qua trải nghiệm thực tiễn, nhằm tạo môi trường cho người học, hình thành ở người học năng lực kết nối kiến thức cũ với kiến thức mới, gắn lý thuyết với thực hành, giúp cho người học hưng phấn và cảm thấy quá trình học tập nhẹ nhàng, lý thú và có hiệu quả.
Dạy học thông qua hoạt động trải nghiệm đối với dạy học hát có thể áp dụng một số hình thức sau đây:
*Trải nghiệm thông qua hình ảnh, video:
GV có thể đưa HS vào tình huống trải nghiệm bằng cách cho HS xem hình ảnh hoặc có thể tạo ra tình huống giả định, đó là cho HS xem video về những nội dung liên quan đến bài học.
Ví dụ: Khi học bài hát Dàn nhạc trong vườn GV có thể cho HS xem hình ảnh, video về các loài chim như chim gáy, vàng anh, chích choè,… và tiếng hót của chúng để HS có những cảm nhận cụ thể về hình dáng, đặc điểm, âm thanh của các loài chim.
So với việc trải nghiệm thực tiễn thì hoạt động này giúp GV quản lí thời gian tốt hơn, không mất nhiều công sức di chuyển,... Tuy nhiên, hiệu quả trải nghiệm không được cao, chỉ dừng lại ở việc quan sát được hình dáng, nghe âm thanh mà không được trải nghiệm bằng việc tiếp xúc, tham gia, không gậy hứng thú đối với người học.
* Trải nghiệm thông qua hoạt động tham quan:
Để HS có thêm những trải nghiệm thực tế và cảm nhận sâu sắc về nội dung bài, GV có thể kết hợp với nhà trường tổ chức các buổi tham quan. Giúp HS được thực mắt nhìn, nghe, được trao đổi và có thể tham gia trực tiếp vào hoạt động cần trải nghiệm.
Ví dụ, khi học bài Trang trại vui vẻ, GV có thể tổ chức cho HS đi tham quan các trang trại giáo dục. Tại đây, HS vừa được vui chơi, vừa được tham gia trải nghiệm nhiều hoạt động như cho bò, dê ăn, cưỡi lạc đà, đà điểu,… Đây là cơ hội vừa giúp HS cảm nhận và thể hiện được âm thanh các loài vật, vừa thúc đẩy tinh thần yêu khám phá, trải nghiệm cuộc sống cho các em.
*Trải nghiệm đóng vai:
Trong quá trình dạy học hát, GV có thể cho HS đóng vai các nhân vật trong bài, vừa hát vừa biểu diễn, giúp HS thấy hứng thú tham gia hoạt động, dễ nhớ lời ca, nhanh thuộc bài và cũng hiểu lời ca sâu sắc hơn.
Ví dụ: Khi dạy HS bài “Dàn nhạc trong vườn” của Tô Đông Hải, GV cho HS vừa hát vừa đội mũ và nhập vai các loài chim có trong bài như: Chim Gáy, vàng anh, chích choè, giúp kích thích sự chú ý của HS, HS nhớ được các loài chim với tiếng hót đặc trưng của chúng và nhanh thuộc lời mà không bị căng thẳng.
*Trải nghiệm bằng cách tham gia biểu diễn:
Trong dạy học hát, GV cần tạo cho HS một môi trường học tập tích cực và chủ động. HS được rèn luyện kỹ năng hát thường xuyên thông qua việc biểu diễn trên lớp và ngoài giờ học. Điều này giúp các em được rèn luyện cả về cách hát và kỹ năng biểu diễn trước đám đông.
GV cần phối hợp với nhà trường tổ chức các cuộc thi âm nhạc theo các chủ đề, tạo thêm nhiều sân chơi để HS có cơ hội trải nghiệm và cọ xát. Ví dụ như tổ chức các cuộc thi văn nghệ giữa các lớp trong cùng khối vào sáng thứ 2 đầu tuần theo các chủ đề: Mùa thu, tri ân thầy cô, gia đình,…
Có thể nói, tìm hiểu và vận dụng các phương pháp dạy học hát theo phát triển năng lực vào quá trình dạy hát là một nhiệm vụ quan trọng, giúp GV lựa chọn phương pháp phù hợp và áp dụng linh hoạt nhằm đạt được hiệu quả tối ưu trong dạy học hát cho HS lớp 2. Đồng thời, giúp phát huy tính tích cực, chủ động của HS và đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Lăng Bình (chủ biên) - Đỗ Hương Trà (2018), Dạy và học tích cực - một số phương pháp và kỹ thuật dạy học, in lần thứ ba, Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội.
2. Nguyễn Văn Cường, Bren Meier (2012), Lý luận phương pháp dạy học hiện đại, Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội.
3. Hoàng Long, Đỗ Thị Minh Chính (đồng chủ biên, 2021), Âm nhạc 2, Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
4. Nguyễn Thị Tố Mai (2021), Tài liệu môn Phương pháp dạy học âm nhạc, lưu hành nội bộ giảng dạy môn Phương pháp dạy học cho sinh viên ĐHSP Âm nhạc Khoa Sư phạm Âm nhạc Trường ĐHSP Nghệ thuật TW.