ThS. Lò Mai Trang
Giảng viên Khoa Thiết kế đồ họa
Chữ là một sự chuyển thể sống động của ngôn từ, mở ra câu chuyện đằng sau mà ngôn từ muốn diễn tả, tính cách mà nó muốn thể hiện. Chữ xuất hiện trên tất cả các ấn phẩm đồ hoạ, và đặc biệt xuất hiện trên bao bì khiến khách hàng đưa ra lựa chọn, khiến khách hàng mua hàng và khéo léo điều hướng sự chú ý của khách hàng. Nó là một phần không thể thiếu trong thiết kế bao bì. Bởi một bao bì có thể không có hình ảnh nhưng không thể không có chữ, dù ít nhất là một cái tên sản phẩm hay tên thương hiệu. Chữ giúp truyền đạt rất nhiều thông tin sản phẩm, thông điệp thương hiệu tới người tiêu dùng, ví dụ như tên của sản phẩm, nhà sản xuất, ngày sản xuất, thành phần và thông tin an toàn, hướng dẫn sử dụng, bảo quản,…. Do vậy chữ là một yếu tố quan trọng quyết định sự thành công trong việc kết nối với người mua hoặc người dùng của bao bì.
Độ rộng, độ sâu và tính linh hoạt của nghệ thuật typography khiến nó trở thành một phần không thể thiếu trong việc thiết lập nhận diện thương hiệu, và là yếu tố quyết định khả năng giao tiếp thành công của bao bì. Sự đa dạng trong kiểu chữ và phong cách mang đến cho designer một kho tài nguyên đáng kinh ngạc để sử dụng và sáng tạo ra các ý tưởng mới; bởi vì các đặc điểm cá tính của các kiểu chữ có thể được quy đổi trực tiếp thành cá tính của sản phẩm. Các chữ cái không chỉ giao tiếp thông qua nội dung mà còn thông qua cách nó được trình bày. Các yếu tố đặc thù của riêng từng kiểu chữ và phong cách khác nhau sẽ đóng góp một phần vào nội dung giao tiếp, khiến cho người đọc có thể diễn giải nó theo những cách khác nhau. Trong đó, màu sắc của chữ đóng góp một vai trò khá quan trọng. Màu sắc chữ có thể coi là trợ thủ đắc lực của thương hiệu. Có vô số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những màu sắc cụ thể có ảnh hưởng nhất định lên khách hàng. Theo một số nghiên cứu, màu sắc thậm chí còn tác động đến hành vi và thói quen mua hàng mạnh mẽ hơn tâm lý và mang sức mạnh thuyết phục. Có đến 84,7% người được hỏi cho rằng màu sắc là yếu tố đầu tiên khiến họ mua sản phẩm. Sau 90 giây đầu tiên nhìn thấy bất kỳ sản phẩm nào, có đến gần 90% đánh giá dựa trên màu sắc. Trong thực tế, quảng cáo màu cũng giúp tăng lượng người đọc lên tới 40% và con số 80% người cho rằng màu sắc giúp làm tăng độ nhận diện thương hiệu đáng kể. Như chúng ta đã biết, chữ cùng với hình ảnh là một trong những yếu tố góp phần tạo nên hiệu quả trong thiết kế bao bì. Màu sắc của chữ giúp cho bao bì sản phẩm trở nên nổi bật, dễ nhận biết thương hiệu, truyền tải thông điệp, giúp phân cấp thông tin, khiến thông tin trở nên mạch lạc, rõ ràng hơn, và người đọc dễ dàng nắm bắt thông tin một cách nhanh chóng.
Khi lựa chọn màu sắc cho chữ trong thiết kế bao bì, yếu tố đầu tiên ta cần chú ý tới là dấu ấn của thương hiệu. Thương hiệu và màu sắc là hai yếu tố có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nếu như bộ màu nhận diện chỉ có một hoặc hai màu, thì việc thể hiện nó sao cho hấp dẫn và khác biệt sẽ thật khó. Vậy nên, để đa dạng hoá màu sắc mà vẫn giữ được nét riêng của thương hiệu là việc nên chú ý tới. Thông thường bảng màu của thương hiệu sẽ bao gồm màu chính và màu bổ trợ. Màu bổ trợ có thể hiểu là một tập hợp màu có thể đi kèm với màu chính (là màu nhận diện của thương hiệu) nhằm sinh động hoá và khiến việc thiết kế bao bì cũng như chữ trên bao bì trở nên dễ dàng, linh hoạt. Chẳng hạn như thương hiệu thức ăn nhanh Monol, mặc dù đỏ và vàng là hai màu nhận diện chính, thế nhưng bảng màu phụ trợ vẫn được sử dụng đồng nhất: màu xanh lá cây cho sản phẩm tươi, nhấn mạnh tính tươi mới của thực phẩm và màu xanh dương cho những đồ uống lạnh. Trong phần thông tin về màu chính và những màu phụ trợ cũng có những yêu cầu rất chặt chẽ: màu nào dùng cho chữ, màu nào dùng cho nền, khi dùng nền này thì được phép sử dụng màu gì. Bên cạnh đó, mỗi lĩnh vực, mỗi ngành nghề hay mỗi dòng sản phẩm đều có cách thể hiện ngôn ngữ riêng. Việc vận dụng màu sắc chủ đạo trên bao bì có khả năng phát tín hiệu nhận biết giúp người tiêu dùng biết được sản phẩm thuộc ngành hàng nào, loại sản phẩm gì. Với sản phẩm đồ ăn, màu sắc của chữ sẽ giúp phân biệt hương vị, chủng loại của đồ ăn, đồ uống. Chẳng hạn trong thiết kế bao bì sữa của thương hiệu TH true milk, phần bố cục, màu sắc của các hộp sữa ở các loại đều được giữ nguyên giống nhau, chỉ riêng phần chữ tên các vị sữa là được thay đổi màu và nổi bật trên bao bì. Điều này tạo điểm nhấn cho bao bì giúp người dùng dễ phân biệt, nhanh chóng chọn lựa được sản phẩm mong muốn. Với một số bao bì thuộc các lĩnh vực đặc thù như y tế thì màu sắc của chữ mang tính nhận biết sản phẩm rất cao bởi các doanh nghiệp thường có những sản phẩm tương tự nhau, mang cùng mục đích sản xuất và cùng đối tượng khách hàng hay bệnh nhân… Để không bị đánh đồng và nhầm lẫn với những sản phẩm khác, màu sắc của bao bì thuốc cũng như cách sử dụng màu sắc của chữ cần có sự khác biệt. Đây được coi là yếu tố dễ gây ấn tượng nhất, bởi ngoại trừ bác sĩ, nhân viên y tế, thì những khách hàng, bệnh nhân đôi khi không nhớ được cả tên gọi hay đặc điểm loại thuốc mà chỉ phân biệt chúng dựa vào màu sắc của bao bì. thông thường các màu được chọn để thiết kế sẽ là các màu tương đồng theo cùng tone với toàn bộ bao bì hơn là các cặp màu tương phản. Những tone màu xanh lá, xanh dương, nâu, vàng, cam nhạt là những màu rất hay được sử dụng vì chúng đem lại cảm giác dịu mắt, không tương phản mạnh và tăng sự tin tưởng. Hay đối với các bao bì dành cho trẻ em, màu sắc của chữ sẽ giúp tạo sự thu hút, bắt mắt và nổi bật hơn cho bao bì ngành hàng này. Màu sắc chữ của loại bao bì này thường sẽ rất nhiều màu đi kèm với các hiệu ứng.
Bên cạnh đó khi lựa chọn màu sắc cho chữ trong thiết kế bao bì cũng cần tính đến sự phù hợp với sản phẩm, với văn hoá vùng miền. Màu sắc của chữ phù hợp với văn hoá vùng miền giúp cho hiệu quả trong trong việc bán hàng tăng lên đáng kể. Chẳng hạn như theo nghiên cứu khoa học màu đỏ có khả năng kích thích tuyến yên, làm tăng nhịp đập của tim và khiến cho người ta thở gấp. Phản ứng nội tạng của cơ thể khi tiếp xúc với màu đỏ khiến cho chúng ta cảm thấy năng nổ, mạnh mẽ, kích thích. Chính vì lý do đó, các thương hiệu đồ ăn nhanh như KFC, McDonal’s thường chọn màu đỏ cho thiết kế chữ, thiết kế bao bì của họ. Tuy nhiên việc lựa chọn màu sắc chữ phù hợp với sản phẩm thôi là chưa đủ. Lựa chọn màu sắc cho chữ còn cần phải xét đến các sự phù hợp trong bối cảnh văn hoá. Ví dụ như vẫn là màu đỏ, trong văn hoá Ấn Độ, màu đỏ thể hiện quyền lực, còn ở Nam Phi, nó lại khiến người ta liên tưởng đến chết chóc. Ở Thái Lan người ta thường chọn mặc màu đỏ vào ngày sinh nhật của các vị thần để tỏ lòng tôn kính. Ở Trung Quốc, Việt Nam hay Nhật Bản, màu đỏ từ xa xưa đã là biểu tượng của sự may mắn, tiền tài, hạnh phúc. Điều đó cho thấy việc lựa chọn màu sắc cho chữ trong thiết kế bao bì ngoài việc phải chú ý đến sự phù hợp sản phẩm còn cần phù hợp với văn hoá vùng miền.
Ngoài ra những quy luật căn bản về màu sắc cũng cần được đảm bảo. Chẳng hạn như sự tương phản giữa chữ và nền, giữa chữ và hình; sắc độ đậm - nhạt, sáng - tối của chữ, hay tỉ lệ màu. Thông thường trong một bao bì, phần chữ sẽ được thiết kế để đảm bảo sao cho đủ ít nhất 2 sắc độ. Việc này là cần thiết để phân cấp thông tin cho nội dung trên bao bì. Các màu sắc của chữ sẽ được phân vai trò khác nhau như màu chủ đạo, màu nhấn, màu phụ trợ. Tỉ lệ màu là tương quan giữa màu chính là các màu đi kèm trong thiết kế bao bì. Để một màu trở thành một điểm nhấn, nó phải được xuất hiện trên một nền màu khác có độ tương phản cao với màu nhận diện. Các phần chữ thông tin thông thường như thông tin về sản phẩm, hướng dẫn sử dụng, thông tin về thương hiệu,… thường là những đoạn nội dung dài nên sẽ sử dụng các màu chữ có độ tương phản với nền tốt, dễ đọc, và kết hợp hài hoà với màu sắc tổng thể của bao bì. Còn với các dòng nội dung thông tin cần được chú ý, và nổi bật như thông tin về định lượng, đặc trưng sản phẩm,.. thì thường được đặt các màu nhấn mạnh. Thông thường chữ sử dụng màu nhấn mạnh sẽ là những màu tương phản với màu chủ đạo của bao bì, hoặc có tính đối kháng về sắc độ, quang độ, cường độ. Khi các đoạn nội dung được phân cấp bằng kiểu chữ, kích thước, khoảng cách và đặc biệt là màu sắc sẽ giúp cho việc hiển thị thông tin trên bao bì trở nên rõ ràng, mạch lạc, dễ nắm bắt hơn rất nhiều.
Nói tóm lại, nghệ thuật chữ giống như linh hồn của một tác phẩm thiết kế đồ họa. Đặc biệt trong thiết kế bao bì,chữ giữ vai trò đặc biệt quan trọng giúp người cho người tiêu dùng nắm được thông tin sản phẩm, giúp khuếch trương thương hiệu và mang lại tính thẩm mỹ cho bao bì. Do vậy một nhà thiết kế đồ họa phải nắm vững được những nguyên lý cơ bản khi sử dụng chữ trong thiết kế đồ họa nói chung và thiết kế bao bì nói riêng. Khi nắm vững được kiến thức cơ bản về nghệ thuật chữ đồng nghĩa với việc nắm chắc 50% thành công trong thiết kế. Bên cạnh các yếu tố về lựa chọn kiểu chữ, phối hợp kiểu chữ, phối hợp chữ với hình ảnh thì màu sắc của chữ trong thiết kế bao bì cũng đóng vai trò khá quan trọng. Nó góp phần nhận biết, truyền tải thông điệp của thương hiệu, thể hiện cá tính của sản phẩm, giúp việc phân cấp thông tin mạch lạc hơn. Chính vì vậy, khi sử dụng màu sắc cho chữ cần lưu ý đến sự phù hợp với sản phẩm, thương hiệu, văn hoá vùng miền, yếu tố chính phụ, điểm nhấn,… để đạt được tối đa hiệu quả trong thiết kế chữ trên bao bì sản phẩm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Ngọc Dũng chủ biên (2003), Giáo trình Đồ họa (tập II – Đồ họa Ứng dụng ), Viện Đại học Mở, Hà Nội.
2. Thất Diệu Kì (2002), Hàng loạt những ứng dụng thiết kế đồ hoạ Trung Quốc,Nxb Mỹ thuật Quảng Tây.
3. Nguyễn Quân (2004), Ngôn ngữ của hình và màu sắc, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
4. Nguyễn Trân (1999), Nghệ thuật Đồ họa, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội.
5. Lê Huy Văn (2003), Cơ sở và phương pháp luận Design, Nxb Xây dựng, Hà Nội.
6. Lê Huy Văn, Trần Văn Bình (2005), Lịch sử Design, Nxb Xây dựng, Hà Nội.