Tống Văn Huề
K15 - LL&PPDH Âm nhạc
Trong nền âm nhạc truyền thống nước ta, sáo trúc là nhạc cụ độc đáo, đặc sắc có vai trò to lớn làm phong phú thêm cho các khí nhạc dân tộc. Trong giai đoạn hiện nay, việc giữ gìn những nét riêng về văn hoá là điều vô cùng quan trọng. Tại các kỳ Đại hội, Đảng ta vẫn luôn có những chủ trương bảo tồn, khôi phục và phát triển các giá trị văn hoá dân tộc. Các lĩnh vực âm nhạc truyền thống cũng được chú trọng giữ gìn bảo tồn và phát triển trong đó có dạy và học sáo trúc.
1. Tên gọi và cấu tạo
Tên gọi sáo trúc chỉ một loại chất liệu thuộc họ hàng nhà tre, nứa, trúc để chế tác ra cây sáo, thực tế trong các trường đào tạo bộ môn sáo trúc, cây sáo này còn được gọi là sáo ngang. Như vậy thực chất việc dạy và học bộ môn sáo trúc chính là dạy và học sáo ngang. Cây sáo ngang ngày nay thường làm bằng chất liệu bằng nứa, trúc, ngoài ra còn có thể chế tác từ nhựa, sắt, inox, thuỷ tinh…
Sáo trúc trải qua quá trình hình thành, phát triển hoàn thiện tới ngày nay có cấu tạo gồm lòng sáo, lỗ thổi, lỗ bấm, lỗ định âm và nút chặn. Lòng sáo có cấu tạo là lòng ống tròn hình trụ có chiều dài khoảng từ 40 cm đến 80 cm, đường hính từ 0,8 cm đên 2,2 cm, cỡ ống to nhỏ, dài ngắn khác nhau tuỳ theo từng loại sáo. Lỗ thổi thường có hình elip, ngay cạnh lỗ thổi được bịt bằng nút bấc gọi là nút chặn, phía đầu cây sáo cách lỗ thổi khoảng 0,8 đến 1,5 cm tuỳ thuộc vào từng loại sáo người chế tác điều chỉnh cho phù hợp, cạnh phía đuôi cây sáo là lỗ định âm, lỗ bấm sẽ nằm trong giữa lỗ thổi và lỗ định âm. Trên thực tế đối với từng loại sáo trúc, lỗ định âm sẽ quyết định đến tên gọi của chúng, lỗ định âm sẽ là âm trầm nhất của sáo và là tên của loại sáo đó. Từ lỗ định âm người ta khoét các lỗ bấm chính về phía lỗ thổi theo công thức Gam đô trưởng như vậy sẽ tạo ra cây sáo trúc 6 thế bấm với 7 bậc âm từ Đô 1 đến Đô 2 là: C, D, E, F, G, A, H.
Hình ảnh cấu tạo và số đo tương đối chính xác của cây sáo trúc 6 lỗ [4, tr.152] như sau:
Cây sáo Đô là cây sáo có nốt trầm nhất là nốt Đô (nốt Đô nằm trên dòng kẻ phụ ở dưới khuông nhạc mang khoá Sol ). Cây sáo Đô là cây sáo có rất nhiều chức năng thông dụng, trong quá trình giảng dạy, cây sáo Đô, bộc lộ được nhiều ưu điểm, thuận tiện nên thường được thầy trò sử dụng trong quá trình dạy học bộ môn sáo trúc.
Hình ảnh vị trí các điểm tì, tựa trên cây sáo 6 lỗ [4, tr152]:
Hình ảnh vị trí phân công các ngón tay bấm mở hệ thống các lỗ bấm trên cây sáo 6 lỗ [4, tr.152]:
Hiện nay ngoài cây sáo trúc 6 lỗ (6 thế bấm) thì sáo trúc 10 lỗ cũng được sử dụng rộng rãi, đặc biệt là trong đào tạo và biểu diễn bộ môn sáo trúc do tính ưu việt của nó. Cây sáo trúc 10 lỗ ngoài 7 bậc chính thể hiện trong Gam thì còn thể hiện được các bậc phụ (thăng, giáng) nên trong biểu diễn sáo trúc chuyên nghiệp, nhất là độc tấu thường sử dụng sáo trúc 10 lỗ.
Hình ảnh vị trí, các nốt phụ trên cây sáo 10 lỗ [4, tr.152]:
Như vậy, hiện nay có hai loại sáo trúc đang được sử dụng là sáo trúc 6 lỗ bấm và sáo trúc 10 lỗ bấm, về cơ bản thì cấu tạo của hai loại sáo này tương đối giống nhau. Sáo 10 lỗ khác sáo 6 lỗ là có thêm 4 lỗ bấm phụ là các điểm tì ngón út và ngón cái của tay trái và tay phải phụ trách thêm các thế bấm phụ trách các nốt thăng và giáng trong Gam trên cây sáo .
2. Các kỹ thuật cơ bản để trình diễn sáo trúc
Đối với các môn học nhạc cụ, việc thực hiện kết hợp tốt các kỹ thuật cơ bản của môn học chính là biểu đạt hiệu quả của việc học môn học đó. Dạy học sáo trúc hiện nay, chủ yếu vẫn là các phương pháp truyền thống theo lối thực hành, truyền ngón truyền nghề. Người dạy truyền dạy các kỹ thuật cơ bản của sáo trúc như: cách thổi sáo, kỹ thuật về hơi, lưỡi ngón…áp dụng trong các bài tập kỹ thuật, tiểu phẩm, tác phẩm. Vậy nên để học tốt môn học này, việc hiểu và nắm rõ tên gọi, đặc điểm cấu tạo và khái quát các kỹ thuật cơ bản của môn học là vấn đề quan trọng giúp phát huy tối đa hiệu quả trong quá trình học tập.
Kỹ thuật trong sáo trúc được hiểu là kỹ năng, kỹ sảo, là những kinh nghiệm luyện tập lặp đi lặp lại hình thành lên kỹ năng, kỹ xảo mà cá nhân có được thông qua quá trình thực hành học tập. Trong bộ môn sáo trúc có nhiều các kỹ thuật kết hợp được sử dụng trong quá trình biểu diễn, diễn tấu các tác phẩm, tuỳ thuộc vào tác phẩm, khả năng biểu đạt mà người thổi sáo áp dụng kết hợp các kỹ thuật khác nhau. Ngoài tư thế thổi sáo và kỹ thuật đặt môi thổi sáo, dựa vào một số điểm chung của các kỹ thuật thì người ta chia ra làm 3 nhóm kỹ thuật chính trong bộ môn sáo trúc gồm: kỹ thuật về hơi, kỹ thuật về lưỡi và kỹ thuật về ngón.
a. Tư thế thổi sáo và kỹ thuật đặt môi thổi sáo
Thổi sáo lúc luyện tập cũng như khi biểu diễn có nhiều tư thế, người thổi sáo có thể đứng hoặc ngồi, có cả trường hợp vừa biểu diễn vừa di chuyển. Tuy nhiên trong các trường hợp nào thì tư thế thổi sáo cũng phải thoải mái mới giúp hơi thở vận dụng linh hoạt, tiếng sáo phát ra sẽ thanh thoát có sức hút cao hơn.
Vị trí đặt sáo khi thổi cũng ảnh hưởng trực tiếp đến tiếng sáo khi phát ra, theo nhiều tài liệu vị trí đặt môi thường vuông góc với thân người, tuy nhiên trên thực tế thường người thổi sáo ít khi để sáo thật thăng bằng mà đuôi ống sáo hơi có độ cao hạ thấp một chút, nhưng luôn phải giữ đúng vị trí đặt môi vào lỗ thổi để đảm bảo âm thanh tiếng sao vang, trong trẻo không có tiếng xì. Với kỹ thuật
b. Nhóm kỹ thuật về hơi
- Lấy hơi, nén hơi, đẩy hơi (kỹ thuật về hơi thở)
Cũng giống các bộ môn nghệ thuật nhạc cụ thuộc bộ hơi, bộ môn sáo trúc sử dụng luồng hơi thổi vào sáo phát ra các bậc âm trong âm nhạc, âm thanh từ sáo phát ra được nhờ làn hơi trức tiếp từ miệng người thổi ra tia hơi đẩy mạnh nhẹ, dài ngắn…mà tạo ra tiếng sáo khác nhau. Kỹ thuật lấy hơi, nén hơi, đẩy hơi là ba kỹ thuật về hơi kết hợp đồng thời khi áp dụng. Kỹ thuật này được ký hiệu như dấu “ phẩy” và được đặt trên nốt nhạc đánh dấu chỗ cần lấy hơi.
Ký hiệu:
Lấy hơi…………………………
- Kỹ thuật rung hơi:
Kỹ thuật rung hơi là một trong số các kỹ thuật diễn tấu quan trọng ở các nhạc cụ truyền thống nói chung, ở sáo trúc nói riêng. Rung hơi là lối thể hiện phong cách âm nhạc đặc biệt là trong âm nhạc cổ truyền, dân gian Việt Nam. Kỹ thuật rung hơi được coi là phần hồn, cốt lõi để thể hiện phong cách âm nhạc. Để tạo ra được tiếng sáo có độ rung theo ý muốn, trước hết ta phải điều khiển làn hơi đẩy vào lỗ thổi, có cường độ mạnh nhẹ khác nhau và cách đều, tác động này làm cho cơ môi rung nhẹ liên tục khiến âm thanh tiếng sáo dao động uốn lượn như làn sóng.
Ký hiệu:
Rung hơi………………………
- Kỹ thuật chuyền hơi:
Kỹ thuật chuyền hơi là sự kết hợp của hai động tác: vừa đẩy hơi qua đường miệng vừa hít hơi vào qua đường mũi, theo một vòng vận động liên tục để kéo dài tiếng sáo không bị đứt đoạn trong một hoặc một thời gian thổi sáo.
Kỹ thuật chuyền hơi là một kỹ thuật khó bình thường ít người sử dụng, kỹ thuật này chỉ dùng khi người biểu diễn phô diễn kỹ thuật, khoe ngón…để thực hiện được kỹ thuật này người thổi sáo phải dày công kiên trì luyện tập công phu mới có kết quả. Để chỉ chỗ cần chuyền hơi, người ta ghi hình vòng khuyên gần giống dấu ngã hơi lệch dáng bên phải nốt nhạc
Ví dụ:
c. Nhóm kỹ thuật về lưỡi
- Kỹ thuật đánh lưỡi đơn
Trong bộ môn sáo trúc, để có thể chủ động bật ra tiếng sáo rõ ràng, chắc khẻo, người thổi sáo phải dùng hơi đẩy kết hợp với động tác bật lưỡi (đánh lưỡi) để tạo ra âm thanh theo ý muốn.
Đây là kỹ thuật cơ bản đầu tiên khi luyện tập kỹ thuật về lưỡi. Quá trình luyện tập cần phải cẩn thận bởi việc tập kỹ thuật đánh lưỡi đúng kỹ thuật thì mới có thể luyện tập được kỹ thuật lưỡi kép sau này.
Ví dụ: Tu, Tu, Tu, Tu,…..Tu, Tu, Tu, Tu
/ / / / / / / /
- Kỹ thuật đánh lưỡi kép:
Kỹ thuật đánh lưỡi kép không chỉ là kỹ thuật khó của bộ môn sáo trúc mà còn là kỹ thuật khó chung cho các nhạc cụ hơi dân tộc cũng như các nhạc cụ hơi của dàn nhạc phương tây.
Kỹ thuật đánh lưỡi kép là kỹ thuật cơ bản mà những người học sáo bắt buộc học trong quá trình học sáo trúc chuyên nghiệp, kỹ thuật này giúp người học có thể đánh nhanh, chạy ngón nâng tốc độ ở các tác phẩm viết cho sáo trúc, cũng như là điểm khác so với những người không chuyên.
Ký hiệu:
Lưỡi kép …………………………
- Kỹ thuật phi lưỡi (rung lưỡi)
Kỹ thuật phi lưỡi (rung lưỡi) là kỹ thuật trong sáo trúc làm cho nốt nhạc réo rắt, rộn ràng gây hiệu quả cao trong âm nhạc.
Ký hiệu:
Phi lưỡi ………………………
d. Nhóm kỹ thuật về ngón
- Kỹ thuật vuốt ngón: vuốt lên, vuốt xuống
Vuốt ngón là một kỹ thuật độc đáo của sáo trúc cũng như ở một số nhạc cụ truyền thống khác, vuốt ngón là rất quan trọng vì nó làm cho các nốt nhạc được vuốt trở lên mềm mại, ngọt ngào. Nhạc cụ sáo chỉ thổi cho đúng nốt nhạc ta sẽ thấy các nốt nhạc trở nên thô cứng không có tình cảm, nhất là các bài nhạc cổ truyền, dân ca thì lại càng cần thiết.
Ký hiệu:…………
Hoặc:………...
- Kỹ thuật láy ngón: láy ngắn (láy rền), láy dài
Láy ngắn là kỹ thuật độc đáo trong bộ môn sáo trúc, láy ngắn còn có tên gọi là láy rền hay là mổ ngón, đây là kỹ thuật thường dùng trong các bài dân ca và nhạc cổ, hoặc trong các tác phẩm sáng tác có phong cách dân gian. Kỹ thuật láy ngắn tạo hiệu quả rất lớn, cho cảm giác nảy hạt giống hát dân gian. Kỹ thuật này ở sáo trúc không phải nốt nào cũng có thể áp dụng được, chủ yếu ở nốt Rê (Rê 3 không làm được) và nốt Son (Son 3 không làm được).
Ký hiệu:……….
Hoặc:……….
- Kỹ thuật láy dài (Trille- Tr)
Láy dài là kỹ thuật láy ngón tạo ra cảm giác cao, phóng khoáng thường dùng để diễn tả khung cảnh bao la, trùng điệp của núi rừng hoặc là đồng quê bến nước con đò. Đây cũng là kỹ thuật mang lại hiệu quả và thường hay được dùng trong sáo trúc.
Ký hiệu: ……….
- Kỹ thuật lướt ngón
Kỹ thuật lướt ngón là một kỹ thuật trong sáo trúc, lướt ngón là lướt từ một nốt cố định đến một nốt cố định khác. Hoặc từ nốt không cố định lướt đến một nốt cố định, và ngược lại từ nốt cố định đến một nốt khác không cố định.
Ký hiệu:………
Hoặc:……….
Thực tế cho thấy người thổi sáo khi biểu diễn cần phải khéo léo kết hợp các kỹ thuật đồng thời, thì mới đạt được kết quả hiệu quả nhất, tốt nhất. Vậy nên trong quá trình học người học rất cần luyện cách sử lý kết hợp các kỹ thuật diễn tấu trong cùng thời gian, để có thể đạt được hiệu quả trong quá trình diễn tấu. Ví dụ: vừa láy ngón kết hợp phi lưỡi, hoặc vừa luyến nốt kết hợp kỹ thuật đẩy hơi…
3. Kết luận
Âm nhạc là bộ môn nghệ thuật dùng âm thanh để diễn đạt tình cảm, cảm xúc của con người. Đối với mỗi quốc gia trên thế giới, âm nhạc truyền thống bao giờ cũng giữ vị trí đặc biệt quan trọng. Đó là những di sản vô cùng quý báu, là những tinh hoa sáng tạo nghệ thuật của bao thế hệ đóng góp cho sự phát triển nền văn hoá âm nhạc dân tộc trong tương lai. Trong nền âm nhạc truyền thống nước ta, sáo trúc là nhạc cụ độc đáo, đặc sắc có vai trò to lớn làm phong phú thêm cho các khí nhạc dân tộc. Hiện nay, đối với các môn nhạc cụ nói chung và môn nhạc cụ sáo trúc nói riêng thì yếu tố các kỹ thuật cơ bản của môn nhạc cụ luôn là một trong những vấn đề quan trọng của môn học. Để học tốt môn học này, người học cần nắm chắc được đặc điểm nhạc cụ và các kỹ thuật cơ bản của bộ môn, thì mới phát huy tối đa hiệu quả trong quá trình học tập, cũng như vận dụng linh trong quá trình biểu diễn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Hồng Thái (2000), Sách học sáo Trúc, Nhạc viện Hà Nội - Viện Âm nhạc xuất bản.
2. Nguyễn Hồng Thái (2003), Sáo trúc căn bản và nâng cao, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
3. Đức Tuỳ (1973), Sách tự học sáo trúc, Nhà xuất bản Âm nhạc.
4. Phạm Hữu Dực (2018), Dạy sáo trúc cho sinh viên Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, luận văn thạc sĩ lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc, Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.