Nội san

ỨNG DỤNG KỸ THUẬT DRAPPING CHO HỌC PHẦN THIẾT KẾ KỸ THUẬT TRANG PHỤC NGÀNH THIẾT KẾ THỜI TRANG

23 Tháng Mười Một 2022

Đỗ Thu Huyền

Khoa TKTT&CNM

        Ở Việt Nam và trên thế giới hiện nay, thiết kế thời trang đang phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu rực rỡ. Tuy nhiên, sự cạnh tranh trong lĩnh vực thời trang ngày càng tăng đòi hỏi các nhà thiết kế cần nâng cao chất lượng sản phẩm. Chính vì vậy mà việc thiết kế một sản phẩm thời trang phù hợp là vô cùng quan trọng.

Môn học Thiết kế kỹ thuật trang phục chuyên ngành Thiết kế thời trang trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương có khối lượng 02 tín chỉ bao gồm 20 tiết lý thuyết, 8 tiết thực hành và 02 tiết tự học. Sinh viên nắm được các phương pháp thiết kế từ mẫu cơ bản sau đó triển khai thiết kế mẫu thời trang dạo phố, dạ hội và váy cưới. Sinh viên biết được cách lựa chọn các loại chất liệu sao cho phù hợp với loại trang phục và mẫu đã phác thảo. Sau đó sẽ lựa chọn các loại nguyên phụ liệu để trang trí hoàn thiện mẫu đã thiết kế.

Trước đây, môn Thiết kế kỹ thuật được giảng viên hướng dẫn cách lên mẫu từ mẫu phác thảo và dừng lại ở bản rập vải mộc, không được thực hiện lên vải thời trang và may hoàn chỉnh. Điều đó khiến sinh viên đôi lúc không thể phát hiện lỗi thiết kế của mình. Việc dừng lại ở bản rập vải mộc cũng khiến sinh viên không rèn luyện được lỹ năng may trên vải thời trang, với các loại vải có in họa tiết và trang trí, hoặc các loại vải với chất liệu co dãn hoặc vải trượt trơn, đòi hỏi kỹ thuật may cao, không làm ảnh hưởng tới thiết kế. Chính vì vậy, với việc thực hiện phương pháp Drapping và hướng dẫn sinh viên may bằng vải thời trang, hoàn thiện sản phẩm may sau khi kết thúc mỗi bài tập là việc thay đổi tốt hơn, vì sinh viên được trau dồi them các kỹ năng lựa chọn chất liệu, lựa chọn họa tiết cho các thiết kế của mình. Bên cạnh đấy, sinh viên còn nắm được các kỹ thuật may kỹ, tay nghề được nâng cao.

Tài liệu chuyên khảo về môn Thiết kế kỹ thuật trang phục hiện tại ở khoa Thiết kế thời trang rất ít, chỉ có tài liệu nội bộ là bài giảng, tài liệu tham khảo không chuyên môn. Tài liệu của các môn chuyên ngành vốn dĩ không nhiều, chính vì thế việc tiếp cận các tài liệu chuyên ngành này là rất khó đối với sinh viên ngành Thiết kế thời trang. Hầu hết sinh viên đều sử dụng các tài liệu được đăng tải lên internet, các trang tìm kiếm chứ không qua các tài liệu in ấn. Chính vì vậy, các nguồn tài liệu chính thống và không chính thống rất khó phân biệt đúng sai, và rào cản ngôn ngữ đôi khi cũng khiến sinh viên hiểu sai và khó thực hiện theo. Tuy nhiên, ngoài những rào cản trên thì tài liệu trên internet nếu biết cách khai thác và tìm hiểu đúng nguồn sẽ là một nguồn tài nguyên kiến thức giúp ích cho việc học của sinh viên. Chính vì thế sinh viên ngoài tài liệu sách, báo còn cần phải tham khảo tài liệu trên internet rất nhiều vì chù yếu các kiến thức và tài liệu đều trên internet.

Trang thiết bị học tập cúa sinh viên ngành thời trang đôi khi cũng là yếu tố quyết định việc sinh viên đó có yêu thích môn học hay không, và bên cạnh đó nó cũng ảnh hưởng đến một phần tài chính của mỗi cá nhân sinh viên. Đối với các trường dân lập, các trường tư nhân đào tạo về thời trang, sinh viên thường sẽ có điều kiện hơn so với các trường công lập, và với sinh viên trường ĐHSP Nghệ Thuật TW thì sinh viên thời trang chưa phải là có điều kiện, chính vì thế, việc chi vào các khoản về trang thiết bị để học, chưa kể các trang thiết bị đó không dùng được quá nhiều lần, có nghĩa là sinh viên chỉ có thể dùng được vài lần là phải thay mới, tạo ra áp lực về việc mua sắm trang thiết bị học tập. Qua đó, có thể thấy sinh viên thiết kế thời trang còn có rất nhiều lý do ảnh hưởng đến quá trình học tập, từ những lý do tưởng như rất nhỏ này.

Draping là kỹ thuật dựng rập 3D trên manocanh, đây là kỹ thuật không thể thiếu đối với nhà thiet kế thời trang. Kỹ thuật Draping rất được các nhà thiết kế thời trang chuyên nghiệp trên thế giới ưa chuộng bởi kỹ thuật này giúp thực hiện một mẫu thiết kế theo đúng ý tưởng ban đầu và họ có thể sáng tạo được đa dạng các kiểu dáng mới, hoàn chỉnh và chuẩn xác nhất cho một sản phẩm sau khi đã được hoàn thành. Đây là kỹ thuật thiết kế rập thời trang mà không cần dùng công thức phức tạp như kỹ thuật rập 2D (Pattern Making). Cách thức thực hiện kỹ thuật Draping trước tiên dựng mẫu, ốp vải, định vị và ghim vải theo các đường trục cơ bản trên thân manocanh để phát triển cấu trúc của thiết kế, tạo hình, tạo khối, cắt gọt mẫu trực tiếp và điều chỉnh cho chính xác – đúng dáng trang phục mong muốn. Sau đó, vải sẽ được gỡ khỏi mannocanh để sang dấu và may thành sản phẩm.

Với thể loại trang phục dạo phố, phần corset được xây dựng ở phần thân trên làm lớp lót, sau đó phủ vải ra ngoài và sử dụng các phương pháp xếp dún, xếp ly để tạo khối cho vải. Qua bài tập này, sinh viên được thực hiện làm quen với các phương pháp drapping trực tiếp, qua đó, sinh viên tự tìm tòi, hiểu về cách thức thực hiện, và sáng tạo dựa trên những kỹ thuật cơ bản để cho ra những kích thước khác nhau, hình thái khác nhau.

Với thể loại trang phục váy dạ hội, sinh viên được tiếp cận với cách cắt xéo vải, đắp vải và tạo dún vải, thực hiện trên chất liệu satin mỏng nhẹ, trơn trượt nhưng lại không co dãn cũng là một phần thử thách giúp sinh viên nâng cao tay nghề, khả năng tư duy cũng như các kỹ năng khác.

Với thể loại váy cưới là bài tập tổng hợp giúp sinh viên thỏa sức được sáng tạo từ các kỹ thuật corset, xếp ly, xếp dún, tạo độ phồng cho vải. Sinh viên được tiếp xúc và sử dụng kết hợp nhiều chất liệu trên cùng một sản phẩm, mục đích của từng loại vải, qua đó, sinh viên nắm được tính chất của các loại vải và dung đúng mục đích, phát huy được ưu nhược điểm của chi tiết sản phẩm. Từ đó, từ khâu phác thảo, tìm chất liệu và ra sản phẩm sẽ đúng ý đồ của tác giả hơn. Sinh viên cũng học hỏi và trau dồi được các kỹ năng tốt hơn, nâng cao tay nghề tốt hơn.

Trong những năm gần đây, khi ngành công nghiệp thời trang phát triển, phương pháp Draping đã được nhân rộng tại nhiều nước. Được sử dụng phổ biến trên thế giới, draping giúp nhà thiết kế dễ dàng tinh chỉnh dựa trên ý tưởng ban đầu, giúp việc thực thi hóa ý tưởng dễ dàng hơn và mang nhiều nhiều cảm hứng. Draping còn được nhiều nhà haute couture trên thế giới như Chanel, Dior, Gucci, Versace, Ralph & Russo… áp dụng trong quá trình thiết kế.

Môn học Thiết kế kỹ thuật trang phục chuyên ngành Thiết kế thời trang trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương giúp sinh viên nắm được các phương pháp thiết kế mẫu từ mẫu cơ bản sau đó triển khai thiết kế mẫu thời trang dạo phố, dạ hội và váy cưới. Sinh viên biết được cách lựa chọn các loại chất liệu sao cho phù hợp với loại trang phục và mẫu đã phác thảo. Sau đõ sẽ lựa các loại nguyên phụ liệu để trang trí hoàn thiện mẫu đã thiết kế, … Với kỹ thuật Drapping, sinh viên được tiếp cận với những kỹ thuật nâng cao hơn, đòi hỏi cao hơn cả về kỹ năng và kiến thức, hỗ trợ tối đa cho sinh viên vào việc thực hành lên mẫu sản phẩm.

Việc giảng dạy những kiến thức chuyên ngành một cách có hệ thống là điều hết sức quan trọng. Điều này đòi hỏi người thầy giỏi về chuyên môn để có thể truyền cho sinh viên những khái niệm từ cơ bản đến nâng cao. Trong quá trình giảng dạy thực tế trong những năm qua, Bộ môn Công nghệ may cũng đã chỉnh sửa đề cương, liên tục cập nhật những kiến thức mới liên quan đến bài giảng. Để đáp ứng nhu cầu thực tiễn việc cấp thiết hiện nay đặt ra cho Bộ môn cần có tài liệu giảng dạy một cách có hệ thống. Chính vì vậy, đề tài này sau khi được nghiệm thu sẽ trờ thành tài liệu kham khảo cho môn Thiết kế Kỹ thuật trang phục cũng như hỗ trợ các môn khác chuyên ngành Thiết kế thời trang.

  

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Bộ môn Thiết kế Thời trang, (2013) “Phương pháp tạo mẫu trang phục ứng dụng đào tạo chuyên ngành TKTT trường ĐHSPNghệ thuật TW”
  2. Trần Thủy Bình (2005), “ Giáo trình mỹ thuật trang phục”, NXB Giáo dục.
  3. Lê Thị Mai Hoa ( 2005), “Giáo trình Công nghệ may”, NXB Giáo dục  
  4. Nguyễn Hạnh (1999), “Nghệ thuật Phối màu”, NXB Mỹ thuật
  5. Juki Corporation (2003), “The Binran- How to make up a plant of apparel manufacturing factory”, Juki Laboratory
  6. Thái Văn Bôn, Nguyễn Thị Hạnh - Nghề thêu rua - NXB Giáo dục
  7. Triệu Thị Chơi - Kỹ thuật đan móc -Sở Giáo Dục TP.HCM - 1980
  8. Triệu Thị Chơi, Tôn Kim Ngầu, Trần Thị Như - Kỹ thuật đan móc len sợi: Thực hành đan móc len sợi - NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.
  9. Quỳnh Hương - Đan móc thời trang - NXB Phụ nữ - 1997