Lương Thị Thanh Hải
Khoa Giáo dục đại cương
Tư duy phản biện là tư duy có suy xét, phân tích, đánh giá và tìm hiểu thông tin với thái độ hoài nghi tích cực, sau đó lập luận và chứng minh lập luận ấy bằng những thông tin đã được kiểm chứng để đưa ra một kết luận cuối cùng mang tính thuyết phục, phù hợp với thực tiễn và quy luật logic nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra. Tư duy phản biện nếu được quan tâm đúng hướng sẽ có vai trò to lớn đối với việc phát triển trí tuệ của người học trước yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn hiện nay. Tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW, Tâm lý học là học phần đóng vai trò quan trọng trong rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên ngành Sư phạm Âm nhạc/ Sư phạm Mỹ thuật. Tư duy phản biện giúp sinh viên đánh giá, đưa ra quyết định hợp lí và có thể giải quyết được các vấn đề về ứng dụng Tâm lý học trong hoạt động dạy – học Âm nhạc/ Mỹ thuật. Thực tiễn dạy học phần Tâm lý học cho thấy, nhiều sinh viên vẫn còn thụ động, ngại trao đổi, ít đặt câu hỏi và tranh luận. Vì vậy, nếu giảng viên nắm vững kỹ thuật thiết kế các dạng câu hỏi trong dạy học học phần Tâm lý học thì sẽ giúp sinh viên hình thành và phát triển các năng lực tư duy phản biện, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo, từ đó nâng cao hiệu quả dạy - học, đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục theo tư tưởng “học để biết, học để làm, học để cùng chung sống và học để khẳng định mình”.
1. Tư duy phản biện
Tư duy phản biện (Critical thinking) là một khái niệm phức tạp và có nhiều cách hiểu khác nhau:
Vũ Văn Ban, Bùi Ngọc Quân (2017) cho rằng tư duy phản biện là tư duy có suy xét, phân tích, đánh giá và tìm hiểu thông tin với thái độ hoài nghi tích cực, sau đó lập luận và chứng minh lập luận ấy bằng những thông tin đã được kiểm chứng để đưa ra một kết luận cuối cùng mang tính thuyết phục, phù hợp với thực tiễn và quy luật logic nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra.
Bùi Ngọc Quân (2019) đưa ra nhận định tư duy phản biện là khả năng tiếp cập vấn đề một cách đa chiều, dựa trên kiến thức đã biết, tìm ra lập luận sai, dẫn chứng không chính xác, từ đó lập luận logic và đưa ra cách giải quyết hiệu quả vấn đề của chủ thể nhận thức.
Tác giả Nguyễn Thị Lệ Thanh (2020) đánh giá tư duy phản biện là một loại hình tư duy biện chứng gồm phân tích, đánh giá những thông tin đã có theo các cách nhìn khác nhau, qua đó làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của vấn đề.
Ngô Vũ Thu Hằng (2018) cho rằng: Tư duy phản biện bao gồm các kĩ năng diễn giải, phân tích, suy luận, đánh giá, giải thích và tự điều chỉnh.
Như vậy, có thể thấy rằng, tư duy phản biện không phải là sự hoài nghi thiếu căn cứ, càng không phải là cố đi ngược lại ý kiến của số đông mà đó là quá trình suy xét vấn đề ở nhiều góc độ khác nhau dựa trên các lập luận, căn cứ đúng đắn rõ ràng, từ đó đưa ra kết luận hợp lí hơn, giải pháp hữu hiệu hơn cho một vấn đề. Và các kỹ năng cốt lõi cấu thành nên tư duy phản biện sẽ bao gồm: diễn giải, phân tích, suy luận, giải thích, đánh giá và tự điều chỉnh
Ngô Vũ Thu Hằng (2018) đã đưa ra các chỉ báo để đánh giá, đo lường tư duy phản biện trên cơ sở thang nhận thức của Bloom như sau:
- Diễn giải - Làm rõ ý, nghĩa của thông tin được đưa ra.
- Phân tích - Phân chia một đối tượng, sự vật, quá trình thành những yếu tố hợp thành theo một logic nhất định.
- Suy luận - Từ những điều đã biết dẫn đến một nhận định, kết luận phù hợp về một vấn đề.
- Giải thích - Tạo ra luận điểm thông qua các bước có quan hệ với nhau.
- Dự đoán - Vận dụng kiến thức tổng hợp để đưa ra một giả thuyết giải thích vấn đề một cách hợp lý.
- Đánh giá - Vận dụng kiến thức tổng hợp để phản biện/ đánh giá một vấn đề (Phán xét giá trị, tính tin cậy hay ưu điểm, nhược điểm của vấn đề được đưa ra).
- Tự điều chỉnh - Nhìn nhận những sai sót, khuyết điểm trong suy nghĩ, quan điểm của cá nhân để điều chỉnh, hoặc thay đổi suy nghĩ, hành vi một cách phù hợp.
2. Thiết kế câu hỏi rèn luyện tư duy phản biện cho sinh viên và vận dụng trong dạy học “Tâm lý học”
Trong chương trình đào tạo ngành Sư phạm Âm nhạc/ Mỹ thuật, học phần Tâm lý học được xây dựng với 4 tín chỉ, bao gồm 52 giờ lý thuyết và 08 giờ thực hành/ thảo luận. Học phần Tâm lý học cung cấp cho người học những tri thức cơ bản, hệ thống về các hiện tượng tâm lý người; những tri thức cơ bản về: lý luận chung về sự phát triển tâm lý trẻ em; điều kiện phát triển và những đặc điểm tâm lý cơ bản lứa tuổi học sinh tiểu học, học sinh trung học cơ sở (thiếu niên) và học sinh trung học phổ thông (đầu thanh niên); những vấn đề cơ bản của tâm lý học dạy học, tâm lý học giáo dục. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết, tác giả chỉ đề cập đến vấn đề thiết kế câu hỏi rèn tư duy phản biện phần tri thức “Bản chất các hiện tượng tâm lý người” và vận dụng trong dạy học Tâm lý học .
Ví dụ minh hoạ: Thiết kế câu hỏi rèn tư duy phản biện trong dạy dạy học nội dung “Bản chất các hiện tượng tâm lý người”
Bước 1: Xác định mục tiêu của chủ đề học tập. Ở bước này, giảng viên xác định rõ các yêu cầu cần đạt về kiến thức, kỹ năng, thái độ và năng lực, đặc biệt chú trọng đến các mục tiêu rèn kỹ năng diễn giải, suy luận, phân tích, giải thích, đánh giá và tự điều chỉnh.
+ Về kiến thức: SV trình bày được khái niệm, biểu hiện, nguyên nhân của tính chủ thể trong tâm lý người; nêu được những khía cạnh của vấn đề bản chất xã hội – lịch sử của tâm lý người; nhận dạng và giải thích được các hiện tượng tâm lý người theo quan điểm duy vật biện chứng.
+ Về kỹ năng: SV phát triển các kỹ năng diễn giải, suy luận, phân tích, giải thích, đánh giá và tự điều chỉnh; phát triển các kỹ năng tìm kiếm, xử lý và vận dụng kiến thức về bản chất các hiện tượng tâm lý người trong dạy học Âm nhạc/Mỹ thuật; kỹ năng hoạt động nhóm, kỹ năng thảo luận nhóm.
+ Về thái độ: SV có thái độ tích cực, tự giác và biết hợp tác trong học tập; có ý thức vận dụng tri thức Tâm lý học vào cuộc sống và rèn luyện năng lực sư phạm, kỹ năng giao tiếp, tu dưỡng phẩm chất đạo đức của người giáo viên.
+ Về năng lực: SV phát triển năng lực thiết kế được kế hoạch dạy học, giáo dục và giao tiếp với học sinh ở các độ tuổi khác nhau, với các đặc trưng tâm lý khác nhau và phát triển năng lực chung – năng lực vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực tự học, năng lực hợp tác
Bước 2: Phân tích nội dung bài học, xác định nội dung kiến thức có thể mã hoá thành câu hỏi rèn luyện tư duy phản biện
Kiến thức về khái niệm, biểu hiện, nguyên nhân của tính chủ thể trong tâm lý người, về những khía cạnh của bản chất xã hội - lịch sử của tâm lý người là nội dung trọng tâm. Để đạt mục tiêu bài học, sinh viên có thể phân tích được nguyên nhân khiến tâm lý người này khác với người kia, giải thích sự khác biệt về chất giữa tâm lý người và tâm lý động vật…từ đó, có khả năng dự đoán, đánh giá các vấn đề liên quan đến tính chủ thể và bản chất xã hội của tâm lý người, đưa ra được các lưu ý đối với quá trình dạy học, giáo dục.
Bước 3: Diễn đạt câu hỏi rèn luyện tư duy phản biện dựa vào các chỉ báo của các thành phần cấu trúc trong tư duy phản biện
- Diễn giải:
+ Dựa trên những hiểu biết về cơ sở sinh lý não, hãy lý giải vì sao nguồn gốc xã hội là cái quyết định tâm lý người.
+ Trong các nguyên nhân gây nên tính chủ thể của tâm lý người, nguyên nhân nào là quan trọng nhất? Tại sao?
- Phân tích:
Hãy thiết lập sơ đồ mô tả bản chất các hiện tượng tâm lý người, bao gồm bản chất về tính chủ thể và bản chất xã hội - lịch sử của tâm lý người. Tại sao, tâm lý người là khác về chất so với tâm lý động vật.
- Suy luận
Tâm lý cá nhân hình thành, phát triển và biến đổi cùng với sự phát triển của lịch sử cá nhân, lịch sử dân tộc và cộng đồng, bởi vậy việc đem áp dụng các phương pháp giáo dục của thời kì trước để giáo dục trẻ em của thời kì hiện đại không còn phù hợp. Giả sử, khi bạn muốn xin bố mẹ cho mua xe máy để đi học nhưng bố mẹ bạn nói thời bố mẹ toàn đi bộ đi học, giờ có xe đạp đi là tốt lắm rồi. Bạn sẽ nói gì để thuyết phục bố mẹ bạn về việc này (không bàn đến điều kiện kinh tế)?
- Giải thích:
Giả sử, trong lớp bạn chủ nhiệm có một số học sinh dạng “hoà nhập” có lực học “thấp” hơn so với các học sinh còn lại, bạn cố gắng dành một phần thời gian trên lớp để giảng riêng cho các em học sinh này. Một số phụ huynh khác trong lớp có đề nghị bạn cứ tập trung thời gian dạy cho tất cả các học sinh khác, học sinh hoà nhập tiếp thu được chút nào thì hay chút đó. Bạn sẽ giải thích như thế nào cho nhóm này về việc bỏ lại ở phía sau những học sinh “đặc biệt” này không phải là một việc làm đúng.
- Dự đoán:
+ Dự đoán các hậu quả gì có thể xảy ra nếu con người bị tách khỏi các mối quan hệ xã hội loài người.
+ Sẽ đưa đến hậu quả gì nếu trong dạy học giáo viên không phân loại được học sinh?
- Bước 4: Giảng viên thiết kế kế hoạch bài học “Bản chất các hiện tượng tâm lý người” có sử dụng câu hỏi rèn tư duy phản biện cho sinh viên.
Giảng viên thiết kế kế hoạch bài học nội dung “Bản chất các hiện tượng tâm lý người” trong đó có sử dụng các dạng câu hỏi đã được thiết kế ở bước 3; xác định rõ khâu nào trong quá trình dạy học có thể sử dụng câu hỏi rèn tư duy phản biện. Cần lưu ý việc lựa chọn hình thức tổ chức và phương pháp dạy học thích hợp, chú trọng sử dụng các phương pháp/ kỹ thuật dạy học tích cực như công não, thảo luận nhóm, kỹ thuật phòng tranh…
3. Kết luận
Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với chất lượng nguồn nhân lực. Rèn luyện kỹ năng tư duy phản biện cho sinh viên trong giáo dục đại học trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Việc nắm rõ kỹ thuật xây dựng và quy trình vận dụng câu hỏi rèn luyện tư duy phản trong dạy học Tâm lý học góp phần thúc đẩy phát triển tư duy sáng tạo, năng lực giải quyết vấn đề cho sinh viên Trường ĐHSP Nghệ thuật TW nói chung, sinh viên ngành Sư phạm Âm nhạc/ Mỹ thuật nói riêng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục của nước ta hiện nay.
Tài liệu tham khảo
1. Vũ Văn Ban, Bùi Ngọc Quân (2017), Rèn luyện khả năng tư duy phản biện cho sinh viên trong quá trình dạy học bậc đại học, Tạp chí Khoa học, Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, số 14, tr 125 – 132.
2. Bùi Ngọc Quân (2017), Một số vấn đề phát triển năng lực tư duy phản biện của sinh viên đại học hiện nay, Tạp chí Khoa học, Đại học Sư phạm Hà Nội, số 62, tr 165 – 173.
3. Ngô Vũ Thu Hằng (2018), Giáo dục tư duy phê phán cho học sinh để nâng cao hiệu quả giáo dục phổ thông, Tạp chí Khoa học, Đại học Quốc gia Hà Nội, tập 34, số 1, tr 58 – 63.
4. Lê Thanh Sơn, Đoàn Đức Lương (2018), Giáo trình Kỹ năng tư duy phản biện, NXB Đại học Huế
5. Nguyễn Thị Lệ Thanh (2020), Xây dựng các tình huống có vấn đề trong dạy học đọc hiểu văn bản nhằm phát triển tư duy phản biện cho học sinh ở trường trung học phổ thông, Tạp chí Khoa học, Đại học Sư phạm Hà Nội, số 65, tr 12 - 21.
6. Đặng Thị Dạ Thuỷ, Nguyễn Thị Diệu Phương (2020), Thiết kế câu hỏi rèn tư duy phản biện cho học sinh trong dạy học học phần “Sinh thái học”(Sinh học 12), Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt tháng 4, tr 143 – 148.
7. Ngô Thị Hải Yến (2020), Phát triển kĩ năng tư duy phản biện cho sinh viên trong thời đại công nghiệp 4.0, Tạp chí Khoa học và Công nghệ QUI, số 54, tr 39 – 42.