Giảng viên: Vũ Việt Hoàng
Trung tâm tin học và Ngoại ngữ - trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương
1. Đặt vấn đề
Hiện nay, tại các trường học, các cấp học GV sử dụng máy tính nhằm hỗ trợ cho công tác giảng dạy và chuẩn bị tài liệu cho giảng dạy. Khi giảng dạy GV sử dụng thiết bị máy chiếu để phát các slide bài giảng sinh động, dễ tiếp thu cho SV. Còn khi muốn lên giáo án, thầy cô có thể sử dụng bộ Microsoft Office để xử lý văn bản, soạn giáo án, bảng tính hay slide trình chiếu hoặc soạn các câu hỏi trắc nghiệm. Vì vậy, SV ngành sư phạm phải được trang bị và nắm chắc các kiến thức, kĩ năng cơ bản về Tin học. Tin học cơ bản là môn học có những đặc thù riêng, liên quan chặt chẽ với sử dụng máy tính, đặc trưng quan trọng của môn Tin học là kiến thức lí thuyết đi đôi với thực hành. Phương pháp dạy học thực hành dựa trên cơ sở sự quan sát giảng viên làm mẫu và SV thực hành dưới sự hướng dẫn của giảng viên hiện nay có một số hạn chế nhất định. Vận dụng phương pháp giảng dạy học tích cực trong giảng dạy môn Tin học cơ bản tại Trường Đại học sư phạm Nghệ thuật Trung ương để nhằm nâng cao hiệu quả dạy và học của giảng viên và SV.
2. Khái quát về môn Tin học cơ bản
Môn học trang bị cho SV kiến thức cơ bản về các kiến thức và kĩ năng cơ bản để khai thác, sử dụng phần mềm soạn thảo văn bản. Cung cấp cho SV một số kiến thức, kỹ năng cơ bản và thiết thực về Công nghệ thông tin: Mạng máy tính và Internet, phòng và chống virus, tổ chức và quản lý các tài nguyên của máy tính, sử dụng hệ điều hành và xử lý các lỗi thông thường, trình duyệt web, thư điện tử, phần mềm soạn thảo văn bản, phần mềm bảng tính điện tử, phần mềm trình chiếu.
Đối với nhà trường, môn Tin học cơ bản là một môn học mang tính khoa học và ứng dụng cao, ngoài việc phải truyền đạt cho SV hiểu các khái niệm, ý nghĩa của vấn đề thuần túy của công nghệ thông tin cơ bản, SV cần nâng cao kỹ năng thực hành, sử dụng thành thạo các phần mềm ứng dụng để từ đó vận dụng được vào nhiều chuyên ngành đào tạo khác nhau.
Ngay từ đầu năm thứ nhất, nhiều nhà trường đã tiến hành giảng dạy môn Tin cơ bản miễn phí cho tất cả SV với mong muốn cho SV được hệ thống hóa lại những kiến thức về tin học được học tại trường phổ thông cũng như nâng dần mức độ chuyên sâu và kỹ năng giúp SV có được công cụ hỗ trợ đắc lực cho quá trình học tập, nghiên cứu của mình với mong muốn khi tốt nghiệp ra trường, SV không những vững kỹ năng chuyên ngành mà còn thông thạo tin học và ngoại ngữ.
Môn Tin học cơ bản giữ vai trò chủ đạo trong việc chuẩn bị cho SV khả năng tìm kiếm, tiếp nhận và mở rộng tri thức cũng như sáng tạo trong thời đại thông tin, hỗ trợ đắc lực trong quá trình học tập và tự học của SV. Đồng thời, Tin học cơ bản cũng tạo cơ sở vững chắc trong việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, triển khai phương thức giáo dục mới và hiện đại.
3. Vận dụng một số phương pháp dạy học tích cực trong môn Tin học cơ bản
3.1. Vận dụng phương pháp trực quan
Môn Tin học cơ bản là bộ môn gắn liền với máy tính và các thiết bị, phần mềm tin học. Đây là môn có ứng dụng nhiều công nghệ mới, thiết bị mới và đặc biệt cần có nhiều chi phí để để mua sắm trang thiết bị học tập. Phần lớn SV chưa có đủ điều kiện để tự trang bị cho mình các đồ dùng học tập cần thiết. Chính vì vậy việc học tập môn Tin học cơ bản chỉ dừng lại ở mức độ học lý thuyết sẽ khiến SV khó hiểu và khó nắm bắt, ghi nhớ kiến thức... Bên cạnh đó, môn Tin học cơ bản còn có nhiều thuật ngữ chuyên môn có sử dụng cả ngôn ngữ Tiếng Việt và ngôn ngữ tiếng Anh. Để giải quyết vấn đề trên ta cần kết hợp giữa việc học lí thuyết với thực hành với sử dụng các hình ảnh minh họa trực quan giảng dạy để học sinh dễ nhận biết, ghi nhớ và nắm bắt các kiến thức hơn.
Muốn sử dụng phương pháp dạy học trực quan thành công thì việc đầu tiên GV phải làm là thiết kế các thông điệp trực quan đòi hỏi nhiều sức lực và trí lực nhưng lại là công việc đem lại nhiều lợi ích. Việc thiết kế các tài liệu dạy học trực quan mới có thể tạo nên sự thay đổi, và khi SV chú ý sẽ cho nhiều điều bổ ích. Người thiết kế phải quan tâm tới khía cạnh giảng dạy, tính trực giác và đặc biệt quan tâm tới những kĩ năng học tập của SV trong nghiên cứu và thực hành. Người giáo viên phải biết phân tích chọn lựa các loại hình trực quan sao cho phù hợp với nội dung bài học.
3.2. Vận dụng phương pháp dạy học theo nhóm
Là phương pháp dạy học trong đó SV dưới sự hướng dẫn của GV làm việc cùng nhau trong những nhóm nhỏ để hoàn thành mục đích học tập chung của cả nhóm đặt ra. Như vậy giảng viên sẽ chia SV thành những nhóm học tập nhỏ phù hợp với điều kiện của lớp học và môn học. Mỗi thành viên trong nhóm học tập này vừa có trách nhiệm tự học tập, vừa có trách nhiệm hỗ trợ các thành viên khác trong nhóm hoàn thành mục tiêu học tập chung của cả nhóm. Làm việc theo nhóm là cách học cho phép tất cả các thành viên trong nhóm giải quyết một cam kết làm việc được mô tả rõ ràng, không được GV dẫn dắt trực tiếp mà chỉ nhờ vào sự hợp tác chặt chẽ và sự phân công công việc trong nhóm. Vì vậy, mỗi thành viên trong nhóm tự ý thức được phải cố gắng hết mình không phải chỉ vì thành tích cá nhân mà còn vì thành công của cả nhóm. Học tập trong môi trường nhóm sẽ thúc đẩy sự tích cực suy nghĩ của cá nhân, tạo sự gắn kết trong một “cộng đồng”. Trong khi làm việc nhóm, những mâu thuẫn sẽ nảy sinh và đòi hỏi SV phải giải quyết “xung đột”. Từ đó họ sẽ có khả năng giải quyết những mâu thuẫn, thuyết phục người khác trong những hoàn cảnh có thể bắt gặp trong cuộc sống sau này.
Tinh thần học tập và khả năng lắng nghe người khác cũng chính là điều mà SV cần phải tiếp thu, học hỏi. Những kĩ năng này thực sự rất quan trọng khi họ bước ra môi trường làm việc, đây sẽ là tiền đề tốt để sinh biết cách làm việc trong một môi trường tập thể...
Việc giảng dạy Tin học đòi hỏi sự linh hoạt rất cao của các GV. Không thể áp đặt kiến thức của GV hay sách giáo trình chuẩn. Để giúp SV hứng thú, phát huy tính tích cực và sáng tạo với môn Tin học cơ bản, phương pháp dạy học theo nhóm là một giải pháp hiệu quả; giúp SV cố gắng tìm hiểu và phát biểu trong nhóm của mình để trình bày cho cả lớp, đồng thời tinh thần hợp tác trong nhóm sẽ được phát huy và hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên trong nhóm.
3.3. Vận dụng phương pháp trò chơi
Dạy học dựa trên trò chơi là một phương pháp gây nhiều hứng thú cho SV nhưng đòi hỏi tính sáng tạo cao của người dạy. Để có thể vận dụng tối ưu phương pháp này cần phân biệt các mức độ sử dụng trò chơi trong dạy học và đáp ứng các yêu cầu của việc tổ chức thực hiện phương pháp.
Phương pháp dạy học ở đại học ngày càng được cải tiến theo hướng tích cực hóa hoạt động nhận thức - học tập của SV. Bên cạnh việc tổ chức cho SV tự học, làm việc nhóm, tập luyện nghiên cứu khoa học… thì việc sử dụng trò chơi trong quá trình dạy học cũng là một cách thức hữu hiệu để kích thích sự tích cực nhận thức của SV trên lớp học.
Dạy học dựa trên trò chơi là một phương pháp gây nhiều hứng thú cho SV nhưng đòi hỏi tính sáng tạo cao của người dạy. Để có thể vận dụng tối ưu phương pháp này cần phân biệt các mức độ sử dụng trò chơi trong dạy học và đáp ứng các yêu cầu của việc tổ chức thực hiện phương pháp.
Trò chơi có thể được tổ chức khi bắt đầu giảng bài để thu hút sự chú ý, tạo không khí vui tươi, tích cực trong lớp học, có thể sử dụng để dạy kiến thức mới, củng cố hoặc vận dụng kiến thức.
Trong quá trình dạy môn Tin học cơ bản, GV có thể lựa chọn nhiều trò chơi khác nhau. Tuy nhiên, để sử dụng trò chơi dạy học có hiệu quả đòi hỏi GV phải lựa chọn trò chơi phù hợp, linh hoạt, khéo léo kết hợp các loại trò chơi khác nhau để đạt được ý đồ dạy học của mình. Điều này yêu cầu GV phải nắm vững tác dụng của mỗi loại trò chơi. Tùy theo mục đích của việc sử dụng trò chơi mà GV lựa chọn trò chơi cho phù hợp.
4. Kết luận
Lựa chọn, thiết kế và vận dụng phương pháp dạy học phù hợp với đặc trưng của mỗi học phần trong chương trình đào tạo đại học nói chung và đối với học phần Tin học cơ bản nói riêng là khâu quan trọng của quá trình tổ chức hoạt động dạy và học, là điều kiện cơ bản đảm bảo chất lượng giảng dạy của GV tại trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.
Một số phương pháp dạy học nêu trên là những gợi ý giúp GV giảng dạy học phần Tin học cơ bản có cơ sở khoa học và những định hướng cần thiết trong tổ chức dạy và học học phần này trong chương trình đào tạo các ngành nghề của Trường Đại học sư phạm Nghệ thuật Trung ương, góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo của nhà trường.
Tóm lại, có rất nhiều biện pháp đổi mới phương pháp dạy học với những cách tiếp cận khác nhau, trên đây chỉ là một số biện pháp chung. Ngoài ra, phương pháp dạy học còn mang tính chủ quan. Mỗi GV với kinh nghiệm riêng của mình cần xác định những phương hướng riêng để cải tiến phương pháp dạy học phù hợp và có hiệu quả đối với từng ngành học, từng lớp học, từng nhóm đối tượng SV khác nhau.
Tuy nhiên, để duy trì được kết quả trên còn phụ thuộc nhiều vào: cơ sở vật chất, năng lực của SV cũng như động cơ, ý thức, thái độ, hứng thú với môn học,… Vì vậy khi triển khai dạy học theo những nội dung đổi mới phương pháp trên cần phải có sự kiên trì, liên tục và không ngừng cải tiến để phù hợp với đối tượng cũng như bài học để đạt được hiệu quả mong muốn.
Tài liệu tham khảo
1. Phạm Thu Oanh (2014), “Vận dụng một số phương pháp dạy học hiện đại trong giảng dạy ở bậc đại học nhằm nâng cao năng lực tự học cho sinh viên”, Tạp chí Giáo dục, số 345.
2. Trần Bá Hoành (2006), Đối mới phương pháp dạy học, chương trình và sách giáo khoa, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
3. Trần Văn Hạo – Lê Đức Long (2007), Phương pháp dạy học môn tin học, Nxb Trường Đại Học Sư Phạm Tp.HCM
4. Nguyễn Lăng Bình (Chủ biên) (2019), Dạy và học tích cực – Một số phương pháp dạy và kĩ thuật dạy học, Nxb Đại Học Sư Phạm, Hà Nội.