Nội san

HỌA TIẾT ĐỘNG VẬT TRÊN BỀ MẶT TRỐNG ĐỒNG NGỌC LŨ

09 Tháng Mười Hai 2022

 

                                                     Hoàng Thắng

                                                       Khoa Thiết kế thời trang và Công nghệ may

Trống đồng Ngọc Lũ thuộc văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay khoảng 2.000 - 2.500 năm; có kích thước: đường kính mặt: 79,3 cm; đường kính chân: 80 cm; cao: 63 cm; được phát hiện khi đắp đê Trần Thủy tại xã Như Trác, huyện Nam Xang (nay là huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) năm 1893, sau đó được đưa về thờ tại đình làng Ngọc Lũ (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam). Tháng 4 năm 1903, trống được Viện Viễn Đông Bác cổ sưu tầm và sau đó được lưu giữ tại Bảo tàng Louis Finot (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia). Trải qua thời kỳ hình thành và phát triển của nền văn minh Việt cổ, dân tộc ta đã có một lớp di vật tiêu biểu tượng trưng xứng đáng, đó là trống đồng. Bảo vật trống đồng Ngọc Lũ hiện đang được lưu giữ tại bảo tàng Lịch sử Quốc gia với hình dáng cân đối hài hòa, phủ kín mình những hoa văn đẹp nhất.

Họa tiết trên bề mặt Trống đồng Ngọc Lũ bao gồm một số họa tiết như hoa văn, con người và động vật và đặc biệt là họa tiết về các loài chim. Đây là loại đề tài được các nghệ nhân Lạc Việt chú ý đến rất nhiều. Ngay từ thời nền văn hóa Gò Mun, chúng ta đã thấy một hình chim được khắc họa trên đồ gốm, nhưng phải đến thời Đông Sơn trên các đồ đồng hình chim mới có nhiều. Hầu như trống đồng nào cũng có. Riêng trên mặt trống đồng Ngọc Lũ, đã đếm được 50 hình mẫu tất cả.

Hoa văn về loài cò

Đáng chú ý trước hết là hoa văn về một loài chim có mỏ, cổ, đuôi, chân đều dài, đầu nhỏ thường có mấy sợi lông từ trên đầu bay ra phía sau. Đó là loài cò nói chung. Tùy theo màu sắc hình dáng mà loài cò có nhiều tên gọi khác nhau như cò, vạc, diệc. Các nhà nghiên cứu thường gọi hoa văn này là “chim lạc”. Loại chim này được nghệ nhân Đông Sơn chú ý sáng tác nhiều nhất. Chúng thường được bố cục trong tư thế đang bay theo chiều ngược kim đồng hồ, trong các vành hoa văn trang trọng nhất của mặt trống đồng. Điều đáng chú ý nữa là trong lúc các loài chim loài thú khác chỉ có trên một số trống đồng vài loại sớm, thì hoa văn chim lạc này có mặt trên hầu hết các trống đồng loại I Heger (chỉ có 4 trống không có), là loại trống mà các nhà nghiên cứu cho rằng chúng tồn tại suốt trong thời Đông Sơn. Và chúng ta đều biết, càng về cuối các hoa văn trên mặt trống đồng càng được cách điệu mô hình hóa đi rất nhiều, những hình người, hình thuyền nhiều lúc đã không còn nhận ra được nữa, thì hoa văn hình chim này hầu như vẫn còn giữ nguyên hình ảnh thực của nó. Hoặc các trống càng về cuối trang trí càng đơn giản, các vành của trống, các vành để trơn có vành có một vài đồ án hoa văn hình kỷ hà thì riêng hoa văn hình cò này vẫn tiếp tục tồn tại.

Điều đó chứng tỏ trong tâm thức người Đông Sơn loại chim này có một vị trí hết sức đặc biệt. Họ chú trọng, họ tôn thờ. Có thể là “vật tổ” như nhiều nhà nghiên cứu đã dự đoán chăng? Điều đó cần được nghiên cứu nhiều nữa, nhưng qua dẫn dụ trên, chúng tôi thấy loài chim này có một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Đông Sơn. Dù hoa văn này đã được cách điệu và giản lược đi, nhưng nhà nghiên cứu chúng ta vẫn thống nhất đó là con chim thuộc họ cò. Cho đến nay, cò vẫn là con vật quen thuộc của người nông dân Việt Nam. Nó sống thành từng đàn trên các đầm lầy ruộng trũng của vùng đồng bằng. Nó không thể là sản phẩm của vùng trung nguyên đồi núi và đồng cỏ.

Hoa văn hình chim Lạc

Hoa văn hình cò thìa

Hoa văn này xuất hiện trên tang các trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Miếu Môn và trên một chiếc bình đồng Đào Thịnh. Đó là hình mẫu về loài chim chân cao, đuôi ngắn, cổ dài và đặc biệt phần đầu chiếc mỏ dài của nó được cấu tạo bè ra như hình cái thìa nên gọi là cò thìa. Tác giả trang trí trống đồng Ngọc Lũ cố tình cách điệu làm cho các mỏ của nó dài quá cỡ, còn tác giả trang trí trống đồng Hoàng Hạ lại cho các phần đầu của mỏ phình to để nhấn mạnh hình thìa của nó. Còn hình cò trên bình đồng Đào Thịnh thì phần thìa ở đầu mỏ gần như tách rời khỏi ra. Loại cò thìa cũng có nhiều trên đồng ruộng Việt Nam ta, nhất là vùng chiêm trũng.

Hoa văn hình cò thìa

Hoa văn hình chim công

Hoa văn này được trang trí trên tang các trống đồng Ngọc Lũ và trống đồng Miếu Môn. Đó là hình mẫu về một loài chim chân cao, mỏ ngắn, đuôi dài trên đầu có hai mào lông khá lớn và dưới mỏ cũng có hai mào dưới tròn. Rất có thể đây là hình ảnh của loài chim công vì các nghệ nhân đã cố gắng tỉa bộ lông và nhấn mạnh đến cái mào trên đầu các con vật. Tác giả trống đồng Ngọc Lũ mô tả một con công đang đứng đơn độc, hoặc con công con trèo lên lưng con mẹ. Cũng cần nói thêm, có một hình chim được khắc ở nóc mái nhà sàn trên mặt trống đồng Ngọc Lũ hình thù kiểu cách giống với hình chim công này, đó có thể là gà gô nhưng có lẽ đây là hình mẫu mà người xưa khắc trang trí trên nhà sàn công cộng của bộ lạc mình để làm biểu tượng hay vật tổ gì đó. Bởi vì cũng một hình hoa văn kiểu như thế được khắc ở nóc nhà sàn mái cong trên mặt trống đồng Khai Hóa, hoặc trên mặt trống Cổ Loa, nhưng hình khắc này lại là hình một con cá, hoặc một con bò sát. Điều đó chứng tỏ nó chỉ là mô phỏng chứ không phải con vật thật. Ngoài các hoa văn hình chim mà đặc điểm của nó có thể làm chúng ta có thể nhận ra một cách dễ dàng còn có nhiều hình chim nữa, do tính cách điệu khá cao của các nghệ nhân Đông Sơn, hoặc do tính chất chung chung của các hình mẫu, làm chúng ta khó lòng tách bạch một cách chính xác được nó là loại chim gì. Hoa văn khắc họa một đàn chim nhỏ, đầu to, mỏ quặp đang bay trên một vành của mặt trống đồng Ngọc Lũ, phải chăng đó là đàn chim vẹt.

Các loài thú cũng được nghệ nhân Lạc Việt lấy làm mẫu cho các đồ án trang trí của mình. Tuy nhiên số loại và số lượng còn có phần ít. Nếu so với di cốt còn ở các di chỉ thì kém xa về chủng loại. Các hình thú trên hoa văn thời này chủ yếu là các hình hươu, một vài hình cáo, voi, hổ. Các con vật to lớn dữ tợn này, như trên đã nói, thường được người Lạc Việt đúc, nặn thành tượng nhỏ rất nhiều để đeo làm bùa hộ mệnh hoặc trang trí trên các đồ dùng, các vũ khí như một vị thần biểu tượng cho sức mạnh và lòng dũng cảm, nhằm làm tăng thêm dũng khí cho con người trong cuộc đấu tranh với thiên nhiên để lao động sản xuất và tồn tại. Bởi vậy nên chúng ít được chọn làm đề tài hoa văn cho nghệ thuật trang trí nữa. Thú vị nhất trong các loài động vật thường được người Đông Sơn trang trí này, có cả các động vật nuôi trong nhà như bò, chó, những con vật đã được con người thuần dưỡng rất sớm.

Hoa văn hình hươu

Trong các động vật hoang dã, hình ảnh con hươu được người Đông Sơn khắc họa trang trí lên các đồ đồng nhiều nhất. Đó là hình hươu trên các trống đồng Ngọc Lũ. Có lẽ con vật này có nhiều và là nguồn thức ăn chính và quan trọng của người Lạc Việt. Trong lúc hổ, báo, voi, lợn rừng là những loài vật hung dữ, săn bắt khó khăn thì hươu nai là đối tượng dễ dàng và an toàn hơn.

Trên trống đồng Ngọc Lũ có khắc họa những đàn hươu chân cao, đuôi ngắn, hai sừng dài, mỗi sừng có 4 nhánh, thân hình thon nhỏ vừa phải. Cứ một con đực tiếp đến lại một con cái, giăng thành hàng chạy theo chiều ngược kim đồng hồ trên mặt băng chính của trống. Có điều hơi lạ là con cái cũng có đôi sừng dài như con đựa. Theo các nhà sinh vật học thì chỉ có loài hươu tuần lộc ở xứ Bắc lạnh giá mới có đặc điểm này. Trước đây những nhà khoa học chủ trương văn hóa Đông Sơn có nguồn gốc xứ Bắc đã viện vào điều này làm chứng cớ. Nhưng họ cố tình lờ đi một điều là hình của hươu trên trống Đông Sơn khác xa những con tuần lộc to lớn, lông dày và bộ sừng đồ sộ nhiều nhánh. Con hươu trên các trống đồng Ngọc Lũ vẫn là loài động vật xứ nhiệt đới của đất nước ta. Rất có thể làm thêm sừng cho cả con cái để tạo cái đẹp chung cho trang trí chăng?

 

Hoa văn hình hươu (nguồn Internet)

Thân của các con hươu khắc họa trên trống đồng Đông Sơn được tô điểm bằng nhiều chấm nhỏ nên cho đó là loài hươu sao. Những hoa văn này bố cục hơi gò bó trong những băng hẹp nên hình mẫu có phần gượng ép, con nào cũng giống con nào với cả bằng dài dễ dẫn đến sự chán nản cho người xem.

Trên mặt cũng như trên thân trống đồng Lạc Việt nói chung hay trống đồng Ngọc Lũ nói riêng có rất nhiều hình ảnh, trong đó có hình chim. Không có một tài liệu nào của người xửa giải thích về các hình vẽ, hoặc những ẩn dụ trong các hình vẽ, khắc trên trống đồng. Các sử sách cổ cũng không giả thích hình chim trên trống đồng Lạc Việt là chim gì. Nói cách khác, những hình vẽ trên trống đồng Là hình “câm”. Các giải thích của những học giả đời sau cũng chỉ là những phỏng đoán, những giả thuyết mà thôi và không ai giải mã được đầy đủ ý nghĩa của những hình vẽ này. Ngoài ra, hình vẽ trên các trống đồng Lạc Việt hoàn toàn không có màu sắc. Màu sác các loại chim rất quan trọng vì có nhiều thứ chim có ngoại hình giống nhau, nếu không có màu sắc thì không thể phân biệt được.

Thời Đông Sơn người ta chưa biết vẽ tranh theo ý nghĩa độc lập và trọn vẹn của hình thức này. Dù tập trung tinh hoa cao độ để biểu đạt vũ trụ luận một cách thành công trên mặt trống đồng thì các phân cảnh người múa, đàn hươu, đàn chim… chỉ mới là những phiến đoạn dù sinh động nhưng không trọn vẹn quang cảnh như ta quan niệm ngày nay. Không có cảnh trí thiên nhiên, hầu như vắng bóng thực vật, thiếu mọi côn trùng… nhưng ta vẫn thấy bóng dáng của đất nước Việt cổ thời nguyên thủy sinh động và giàu sản vật. Chim và thú nhiều vô biên mà lại sống hồn nhiên bên cạnh con người.

                                                 Tài liệu tham khảo

  1. Đào Duy Anh (1957), Văn Hóa Đồ Đồng Và Trống Đồng Lạc Việt, Nxb Hà Nội.
  2. Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Vinh (1975), Những trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam, Viện nghiên cứu lịch sử Việt Nam, Thư viện tỉnh Sơn La.
  3. Phạm Minh Huyền (1996), Văn hóa Đông Sơn tính thống nhất và đa dạng. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.