Nội san

TÔN VINH NGHỆ NHÂN – MỘT GIẢI PHÁP HỮU HIỆU NHẰM BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ CỦA LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG TẠC TƯỢNG BẢO HÀ Ở XÃ ĐỒNG MINH, HUYỆN VĨNH BẢO, THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

09 Tháng Mười Hai 2022

Nguyễn Thị Thu Thủy

Học viên K12 - Quản lý văn hóa

          Làng nghề truyền thống là một trong những di sản văn hóa quý giá của dân tộc ta. Nghệ nhân của làng nghề chính là những minh chứng giúp cho làng nghề được duy trì và phát triển. Làng nghề truyền thống tạc tượng Bảo Hà ở xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng có giá trị văn hóa, lịch sử, kinh tế từ lâu đời, có lịch sử hàng trăm năm. Do đó, hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của làng nghề này đã trở thành mục tiêu quan trọng của ngành văn hóa huyện Vĩnh Bảo. Việc tôn vinh nghệ nhân của làng nghề này đã trở thành một giải pháp hiệu quả góp phần vào quá trình bảo tồn và phát huy những giá trị cao đẹp của làng nghề truyền thống tạc tượng Bảo Hà.

1. Giá trị của nghệ nhân

          Trước hết, nên tìm hiểu sâu thêm về các giá trị nhiều mặt của nghệ nhân, từ đó, hiểu rõ tại sao thế giới đánh giá nghệ nhân cao như thế. Lâu nay, từ “nghệ nhân” thường được dùng để chỉ những người có tài năng nổi bật trong lĩnh vực văn hóa dân gian, khác với “nghệ sĩ” trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Về từ “nhân văn”, nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới cho rằng “nhân” là người, hiểu rộng ra thì đó là đặc trưng của con người, bản chất của con người; còn “văn” có thể là văn hóa, văn minh, văn học; “nhân văn “ là những nét đặc trưng thuộc bản chất con người kết hợp với tri thức, văn hóa, văn minh, thể hiện qua cách suy nghĩ, giao tiếp, lịch sử, truyền thống, tôn giáo, tâm linh. Như vậy, có thể hiểu chất “báu vật nhân văn” trong con người nghệ nhân là những phẩm chất tốt đẹp, bao gồm đạo đức, trí tuệ và tài năng sáng tạo gắn với quá trình và kinh nghiệm của con người nghệ nhân trong tiếp cận, khám phá, thuyết minh, cải tạo và đóng góp vào quá trình đó. Trong các làng nghề, nghệ nhân là người lưu giữ và phát triển các giá trị văn hóa thủ công mỹ nghệ truyền thống, tâm huyết với nghề và làm vẻ vang làng nghề; nghệ nhân được làng nghề tạo môi trường thuận lợi để phát huy cao nhất tài năng sáng tạo. Ngược lại, làng nghề truyền thống trở thành kho báu – bảo tàng sống của văn hóa làng nghề, thành điểm du lịch hấp dẫn được cả nước và thế giới biết đến là do có những nghệ nhân với những sản phẩm nổi tiếng của họ. Chính vì thế, trong các làng nghề, nghệ nhân luôn được cộng đồng tôn trọng, ghi công.   

          Tâm huyết với văn hóa làng nghề: đam mê, nhiệt huyết, kiên trì gìn giữ nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống; là người có trình độ kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp điêu luyện, có thâm niên trong nghề; luôn thiết kế, sáng tạo được nhiều mẫu mã, sản phẩm có giá trị cao về kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật, một số đã được công nhận là báu vật quốc gia; là những tấm gương trong xây dựng văn hóa làng nghề Việt Nam.

          Tích cực truyền nghề, đào tạo, dạy nghề cho thợ giỏi trong làng nghề và cho các địa phương lân cận trong Chương trình OCOP đang triển khai. Có những trường hợp dạy qua sách vở bài bản, lại có trường hợp “cầm tay chỉ việc”, truyền khẩu tại chỗ. Đương nhiên, mỗi nghệ nhân có “bí quyết” nghề nghiệp của mình, có những cái không thể truyền cho ai được vì nó thuộc bản năng, trí tuệ riêng của từng nghệ nhân, tạo nên bản sắc riêng của mỗi nghệ nhân; 

          Có nhiều độ tuổi đang nối tiếp nhau, bổ sung cho nhau trong sáng tạo. Ở nước ta, nhiều nghề thủ công hình thành từ hàng trăm năm nay hoặc xa hơn nữa; nhiều thế hệ nghệ nhân đã qua đi. Hiện nay, có thể phân ra bốn lớp nghệ nhân: từ 80 tuổi trở lên; từ 60 đến dưới 80 tuổi; từ 40 đến dưới 60 tuổi; và từ 40 tuổi trở xuống. Bên cạnh các nghệ nhân lớn tuổi, đang hình thành lớp nghệ nhân ít tuổi hơn, phần lớn được học tập có bài bản trong các trường mỹ thuật công nghiệp, có điều kiện ứng dụng công nghệ hiện đại và tiếp xúc với văn hóa thế giới, là lớp nghệ nhân đang rất xung sức, hăng hái, có nhiều sản phẩm sáng tạo rất đáng hoan nghênh. 

          Từ những chất “nhân văn” trong con người nghệ nhân như trên, có thể khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của nghệ nhân trong các làng nghề và rộng ra là trong xã hội nước ta. Đành rằng trong làng nghề, mỗi người đều có vai trò không thể thiếu, đó là những lao động trực tiếp sản xuất, những chủ cơ sở sản xuất – doanh nhân bỏ vốn ra kinh doanh hoặc quản lý cơ sở … nhưng cần công nhận rằng nghệ nhân có nhiều vai trò đặc biệt như: nghệ nhân mang trong mình những giá trị văn hóa thủ công mỹ nghệ truyền thống của dân tộc, tâm huyết với làng nghề, có ý chí vươn lên, sáng tạo thêm những giá trị mới, có những sản phẩm mang dấu ấn độc đáo của cá nhân nghệ nhân, những “độc bản” làm rạng danh văn hóa làng nghề trong nước và trên thế giới; hình thành những giá trị văn hóa riêng biệt của mỗi làng nghề, để làng nghề truyền thống trở thành những “kho báu văn hóa”, thành điểm tham quan, du lịch, nghiên cứu, … đặc biệt là để mỗi làng nghề truyền thống trở thành một điểm hấp dẫn trong quá trình phát triển du lịch thành một ngành kinh tế “mũi nhọn” của nước ta - nơi mọi người đến để thưởng thức, trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc của mỗi làng nghề, từ đó tăng thu nhập, cải thiện đời sống của cư dân làng nghề.   

          Nghệ nhân đã được UNESCO tôn vinh là “Báu vật nhân văn sống”. Trong các làng nghề, nghệ nhân là người lưu giữ và phát triển các giá trị văn hóa thủ công mỹ nghệ truyền thống, làm vẻ vang làng nghề. Trong bài này, xin gợi lên một số kiến nghị về việc tôn vinh, bảo vệ, bồi dưỡng và phát huy hơn nữa đội ngũ nghệ nhân rất đáng quý của làng nghề truyền thống tạc tượng Bảo Hà.

2. Phát huy nghệ nhân làng nghề

          Thành phố Hải Phòng nằm trong vùng châu thổ sông Hồng là nơi có nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống phát triển rất sớm và nổi tiếng cả nước trong đó có làng nghề tạc tượng Bảo Hà ở huyện Vĩnh Bảo. Các làng nghề trên địa bàn thành phố nói chung và làng nghề tạc tượng Bảo Hà nói riêng đã tạo ra nhiều việc làm ở nông thôn, thu hút lực lượng lao động đáng kể, góp phần xoá đói giảm nghèo và phát huy được những nét văn hoá đặc sắc từ các làng nghề truyền thống.

          Nghệ nhân có thể hiểu là người có tài, rất giỏi nghề, có danh tiếng, được mọi người quý trọng. Hiệu nay, những người thợ như thế thường được nhân dân trong làng tự phong là nghệ nhân, chỉ có một số ít người được các địa phương bình tặng và một vài hội chợ, triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ của làng nghề truyền thống đã có sự suy tôn danh hiệu nghệ nhân gắn với sản phẩm nghề truyền thống. Nhưng tất cả chưa theo một quy chế đầy đủ thống nhất chung. Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến vấn đề này. Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2003, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2005 và Nghị định 121/2005/NĐ-CP đã có Điều quy định phong tặng danh hiệu và tiêu chuẩn cá nhân đạt danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” và “Nghệ nhân ưu tú”. Tuy nhiên, cho đến nay còn thiếu các văn bản hướng dẫn phong tặng các danh hiệu này.

          Những điểm trên đây đã khẳng định vị trí, vai trò của nghệ nhân trong công cuộc phát triển làng nghề bền vững ở nước ta, và rộng ra là yêu cầu phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đẩt nước. Do đó, đòi hỏi Nhà nước cần có những chủ trương, chính sách và các hội, hiệp hội liên quan đến nghệ nhân (như Hiệp hội Làng nghề Việt Nam) cần cùng với cơ quan nhà nước xây dựng và triển khai nhằm bảo vệ, tôn vinh và phát huy nghệ nhân làng nghề một cách thiết thực, hiệu quả.  Xin nêu lên bốn nhóm biện pháp như sau.

          Trước hết, đó là bảo vệ, cũng có nghĩa là gìn giữ, không để suy giảm và cũng là tạo điều kiện phát huy nghệ nhân, giúp họ tiếp tục lan tỏa ảnh hưởng trong xây dựng văn hóa làng nghề. Có một số việc cần triển khai như sau: hệ thống hóa các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với nghệ nhân, thúc đẩy việc thực hiện và kiến nghị những bổ sung cần thiết để hình thành khung pháp lý đủ mức khuyến khích các thế hệ nghệ nhân tha thiết với nghề, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc;  tạo môi trường thuận lợi để nghệ nhân tiếp tục sáng tác nhiều sản phẩm có mẫu mã kiểu dáng mới, với chất lượng ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường; giúp nghệ nhân đăng ký sở hữu trí tuệ, bảo hộ kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm, cùng cơ sở sản xuất đăng ký và bảo vệ thương hiệu; tạo thuận lợi cho các nghệ nhân thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh (như về vốn, thuế, mặt bằng …); trong đó có loại doanh nghiệp mà nghệ nhân chỉ sản xuất và bán một sản phẩm riêng của mình (trên thế giới, cũng có những cơ sở như thế tồn tại từ hàng chục năm nay, có sản phẩm nổi tiếng khắp nước và được du khách nước ngoài đến tìm mua); hình thành những tổ chức xã hội quy tụ các nghệ nhân cùng ngành nghề hoặc cùng địa bàn, để họ có nơi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, bổ sung kiến thức; là nơi để họ phát biểu tâm tư, nguyện vọng; cũng là tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nghệ nhân.

           Tổ chức tôn vinh các nghệ nhân. Đó là thực hiện những hoạt động ghi nhận, biểu dương, nhằm tri ân nghệ nhân vì những gì họ đã cống hiến cho làng nghề và cho toàn dân tộc. Tôn vinh đúng mức có tác động khuyến khích, thúc đẩy các thế hệ nghệ nhân cố gắng vươn lên trên con đường sáng tạo.

          Tuy nhiên, từ thực tiễn tôn vinh, phong tặng nghệ nhân hiện nay, có một số vấn đề cần được đặt ra để suy nghĩ. Đó là: số lượng nghệ nhân được Nhà nước phong tặng còn quá ít so với số lượng nghệ nhân xứng đáng, có thể do tiêu chuẩn quá khắt khe, thủ tục quá rườm rà; cũng không loại trừ sự thấp kém về kiến thức và cách làm việc thiếu công tâm, khách quan của những người có thẩm quyền xét duyệt; việc xét duyệt thường qua các cấp hành chính nhà nước từ dưới lên trên, cũng có thể gọi là “hành chính hóa” việc phong tặng, thường khó sát với thực tế, vì vậy, nên giao cho các hội, hiệp hội xã hội - nghề nghiệp xét duyệt và đề xuất, có những người cùng nghề tham gia, chắc sẽ sát thực tế hơn; việc tôn vinh cũng không nên chỉ dừng lại ở những danh hiệu ưu tú và nhân dân, mà nên đề xuất tặng thưởng các loại huân chương đối với những nghệ nhân xứng đáng; các làng nghề cần chú ý thực hiện thường xuyên các biện pháp tôn vinh, phát huy, chăm lo đời sống của nghệ nhân trong làng; trong các phòng truyền thống của làng nghề, nên có một vị trí trang trọng nêu gương các nghệ nhân đã được phong tặng; cuối cùng, cũng cần chê trách một số hội, hiệp hội đã ra giá với nghệ nhân, thực chất là “thương mại hóa” việc phong tặng, bán các danh hiệu để kiếm tiền, làm xấu đi ý nghĩa cao đẹp của tôn vinh.  

           Phát huy nghệ nhân: cũng tức là làm cho tài năng sáng tạo, tính gương mẫu của nghệ nhân được lan tỏa, ảnh hưởng rộng khắp làng nghề, được cư dân làng nghề thực sự coi là báu vật của mình; để sự gắn bó, tâm huyết của mỗi nghệ nhân đối với làng nghề được thấm sâu trong cư dân làng nghề; và hơn nữa, để nghệ nhân tích cực truyền nghề, dạy nghề, mở thêm nhiều nghề mới cho nông thôn. Có thể nêu một số việc cần làm như: giúp nghệ nhân thường xuyên nâng cao kiến thức và tay nghề bằng nhiều cách như: cập nhật những kiến thức khoa học kỹ thuật mới, dùng kỹ thuật vi tính trong thiết kế sản phẩm; giúp họ bổ sung những kiến thức về các lĩnh vực liên quan (hội họa, mỹ thuật …); giúp nghệ nhân tổng kết những kinh nghiệm của riêng từng người trong quá trình lao động sáng tạo, cũng có thể soạn thành các bài giảng, coi như tài sản lưu lại cho đời sau; khuyến khích nghệ nhân tích cực tham gia các chương trình khuyến công của Nhà nước; mở nhiều lớp dạy nghề (với nhiều hình thức tại trường lớp hoặc tại làng nghề) để nghệ nhân truyền bá kiến thức cho lớp người kế tiếp; giúp nghệ nhân thực hiện việc “cấy nghề”, tạo nghề mới tại những làng xã cần phát triển các nghề tiểu thủ công. 

          Cuối cùng là chăm lo đời sống vật chất của nghệ nhân. Quan trọng nhất là những biện pháp tăng thêm thu nhập cho họ, như: giúp nghệ nhân trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm do Nhà nước hoặc tổ chức xã hội tổ chức; hướng dẫn họ bán hàng trực tuyến qua internet; cũng có thể giúp họ tổ chức các cuộc triển lãm cá nhân, trực tiếp giới thiệu và bán sản phẩm; nghệ nhân có thể bán những sản phẩm “độc bản” có chữ ký của mình ngay tại các cuộc hội chợ, điểm du lịch; tổ chức cho nghệ nhân trình diễn quy trình chế tác sản phẩm ngay tại các điểm du lịch hoặc hướng dẫn du khách trải nghiệm bằng cách trực tiếp tham gia sản xuất sản phẩm, lại có thể ký tên trên sản phẩm đó làm kỷ niệm; cử một số nghệ nhân có nhiều kiến thức, nắm được tình hình làng nghề làm hướng dẫn viên du lịch, có bồi dưỡng thêm những kiến thức về nghề này; cuối cùng, không thể thiếu là trợ giúp gia đình họ khi có khó khăn, chăm sóc nghệ nhân khi họ ốm đau, bệnh tật, phúng viếng chu đáo khi họ qua đời.

          Tóm lại, đang có khá nhiều việc cần triển khai để bảo vệ và phát huy nghệ nhân - những “báu vật” đang lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của làng nghề và của dân tộc ta. Trên đây là một số kiến nghị rút ra từ thực tiễn, rất mong được sự quan tâm của các cơ quan nhà nước, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Hiệp hội Làng nghề Hải Phòng và các tổ chức xã hội khác có liên quan.

 

                                              TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Dương Bá Phượng (2001), Bảo tồn và phát triển làng nghề trong quá trình công nghiệp hóa, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
  2.  Quốc hội nước CHXHCNVN (2001), Luật Di sản văn hóa.
  3.  Lê Xuân Tâm (2014), “Phát triển làng nghề tỉnh Bắc Ninh trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới”, Luận án Tiến sỹ kinh tế.
  4.  Nguyễn Hữu Thắng (2010), “Phát triển làng nghề, doanh nghiệp làng nghề và xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế”, Luận án Tiến sỹ kinh tế.
  5. Ngô Đức Thịnh (2014), Giá trị văn hóa Việt Nam - truyền thống và biến đổi, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.