Nội san

GIỚI THIỆU MỘT SỐ LÝ THUYẾT TRONG TƯ VẤN HƯỚNG NGHIỆP

13 Tháng Mười Hai 2022

 

                                                        Nguyễn Mai Hương

                                                                   Khoa Giáo dục đại cương

Để chuẩn bị bước vào đời, các bạn học sinh, sinh viên thường trăn trở với các câu hỏi về ý nghĩa và mục đích cuộc sống, về cách xây dựng một kế hoạch sống có hiệu quả, về việc lựa chọn nghề nghiệp cho phù hợp và có ý nghĩa... Để giải đáp các câu hỏi này, khả năng nhận thức, đánh giá cũng như khả năng thực tiễn của mỗi cá nhân rất khác nhau, thể hiện đặc biệt rõ khoảng cách giữa sự phát triển tự phát và sự phát triển có hướng dẫn của giáo dục với nghĩa rộng của khái niệm này. Ở nước ta hiện nay khi mà các giá trị xã hội có nhiều biến động, không ít thanh niên chưa xác định được ý nghĩa của cuộc sống, không có định hướng nghề nghiệp rõ nét và do đó cũng không thể lập được cho bản thân một kế hoạch cụ thể nghề nghiệp là một vấn đề đa diện. Muốn tiến hành hướng nghiệp có hiệu quả thì phải hiện thực hóa tất cả các mắt xích của nó, bắt đầu từ các lý thuyết hướng nghiệp.  Bài viết này giới thiệu 3 lý thuyết hướng nghiệp cũng là 3 cách tiếp cận khác nhau sẽ cung cấp những kiến thức cơ bản các bạn học sinh – sinh viên có quyết định đúng đắn khi chọn nghề và phát triển năng lực nghề nghiệp của bản thân.

1. Lý thuyết mật mã Holand

          Mặc dù không phải lý thuyết ra đời đầu tiên nhưng lý thuyết có sức tổn tại lâu bền nhất và được sử dụng nhiều nhất cho đến nay là lý thuyết của Holland. Tác giả đưa ra một số luận điểm rất có giá trị trong hướng nghiệp:

Nếu một người chọn được công việc phù hợp với tính cách của họ thì họ sẽ dễ dàng phát triển và thành công trong nghề nghiệp. Nói cách khác, những người làm việc trong môi trường tương tự như tính cách của mình hầu hết sẽ thành công và hài lòng với công việc.

Hầu như ai cũng có thể được xếp vào 1 trong 6 kiểu tính cách và có 6 môi trường hoạt động tương ứng với 6 kiểu tính cách, đó là: Nhóm kĩ thuật; Nhóm nghiên cứu; Nhóm nghệ thuật; Nhóm xã hội; Nhóm quản Lý; Nhóm nghiệp vụ.

Nội dung cơ bản của 6 nhóm tính cách theo Lý thuyết mật mã Holland được thể hiện trong hình dưới đây:

Trong thực tế, tính cách của nhiều người không nằm trọn trong một nhóm tính cách mà thường là sự kết hợp của 2 nhóm tính cách, có khi còn nhiều hơn, ví dụ: Nghiên cứu - Kỹ thuật, Nghệ thuật - Xã hội… Do đó, khi tìm hiểu bản thân có thể phải xem xét nhiều hơn một nhóm tính cách để thực sự xác định được nhóm nào phù hợp với mình hơn cả.

          Các trường hợp đặc biệt

- Một người thuộc cả sáu nhóm: Thông thường những người có đặc điểm này phải mất một thời gian dài mới tìm được công việc mình thực sự yêu thích. Cũng có trường hợp, họ sẽ làm một số công việc cùng một lúc.

- Một người không thuộc về nhóm nào: Những người có đặc điểm này cần phải có cơ hội trải nghiệm thêm ở những môi trường hoạt động khác nhau trước khi hiểu bản thân hơn. Có những trường hợp, các em học sinh có khả năng về mỹ thuật, âm nhạc và thủ công mỹ nghệ nhưng không được gia đình khuyến khích hoặc chưa bao giờ có cơ hội tiếp cận với những lĩnh vực này thì khó có thể biết được những sở thích và khả năng nghề nghiệp của mình.

- Một người thuộc về hai nhóm sở thích và khả năng nghề nghiệp đối lập nhau: Đây là thường cảm thấy mâu thuẫn với chính bản thân vì các đặc điểm của hai nhóm đối lập rất khác nhau. Những người này sau khi hiểu được bản thân và học được cách kết hợp, dung hòa giữa hai nhóm sẽ tìm được câu trả lời cho mục tiêu nghề nghiệp của đời mình.

Ý nghĩa và áp dụng Lý thuyết mật mã Holland được áp dụng rộng rãi đối với người bắt đầu tìm hiểu sở thích, khả năng nghề nghiệp của bản thân và có ý nghĩa quan trọng đối với các tư vấn viên cũng như người được tư vấn. Thông qua việc sử dụng kết quả nghiên cứu của lý thuyết này (trắc nghiệm sở thích), người được tư vấn sẽ nhận thức rõ hơn về bản thân, biết được bản thân thuộc nhóm nào (hay các nhóm nào) và có cơ sở để đối chiếu sở thích, khả năng của bản thân với những yêu cầu của các ngành nghề thuộc nhóm sở thích đã xác định. Từ đó, đưa ra định hướng nghề nghiệp hoặc quyết định chọn ngành học, nghề nghiệp tương lai.

2. Lý thuyết phát triển nghề nghiệp theo giai đoạn

TS. Donald Super tác giả lý thuyết này nhấn mạnh rằng, quá trình phát triển nghề nghiệp thay đổi theo thời gian và phát triển cùng với sự trải nghiệm của mỗi người trong cuộc sống. Vì vậy, hướng nghiệp là một cuộc hành trình không bao giờ chấm dứt mà xuyên suốt cuộc đời mỗi người. Trong lý thuyết phát triển nghề nghiệp theo các giai đoạn của cuộc đời giúp cá nhân:

- Xác định và giải thích quá trình phát triển nghề nghiệp qua 5 giai đoạn chính và các giai đoạn phụ trong cuộc đời mỗi người

- Định nghĩa nghề nghiệp bao gồm cả sự tương tác giữa các vai trò khác nhau của mỗi người và nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc hiểu rõ khái niệm bản thân trong quyết định nghề nghiệp, mô tả việc cân bằng giữa các ảnh hưởng bên trong và ảnh hưởng bên ngoài đối với việc chọn lựa nghề nghiệp.

- Mô hình Phát triển nghề nghiệp theo các giai đoạn cuộc đời còn được gọi là Mô hình Cầu vồng cuộc sống – nghề nghiệp Tác giả của lý thuyết này là Donald E Super (1910 – 1994) Tiến sĩ Super là một trong những chuyên gia có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực phát triển nghề nghiệp tại Mỹ và quốc tế. Ông xuất bản bài nghiên cứu về lý thuyết phát triển vào năm 1953. Vào năm 1980, ông xuất bản Mô hình phát triển nghề nghiệp theo các giai đoạn cuộc đời và mô hình này đã được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực hướng nghiệp trên quốc tế Mô hình này cũng ảnh hưởng nhiều công cụ trắc nghiệm trong lĩnh vực hướng nghiệp

Có ba khía cạnh quan trọng trong Mô hình phát triển nghề nghiệp theo các giai đoạn cuộc đời của Super, bao gồm khái niệm bản thân, chiều dài sự nghiệp và các vai trò khác nhau trong cuộc đời mỗi người. Khái niệm bản thân: Dựa theo Super (và nhiều nhà tâm lý học khác), từ khi rất nhỏ mỗi cá nhân đã bắt đầu gầy dựng khái niệm bản thân, khái niệm này tiếp tục được vun đắp qua những năm trưởng thành và xuyên suốt cuộc đời họ. Quá trình hiểu mình này bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa mà cá nhân ấy đang sống, gia đình nơi họ sinh ra, những trải nghiệm mà họ có và những sự kiện xảy đến với họ. Khái niệm bản thân, do vậy, là sự pha trộn của cách mỗi người nhìn nhận bản thân, cách họ muốn được nhìn thấy và cách tác giả trình bày 5 giai đoạn phát triển nghề nghiệp theo 5 giai đoạn như sau:

          Lý thuyết này rất thích hợp để giúp người được tư vấn hướng nghiệp hiểu được rằng:

          - Nghề nghiệp chỉ là một trong rất nhiều vai trò mà mỗi người chúng ta phải đóng trong cuộc đời. Và, vai trò này tương tác rất chặt chẽ với những vai trò khác trong thời điểm hiện tại của mỗi người. Ví dụ: khi còn ngồi ghế nhà trường, ba vai trò quan trọng nhất là “học sinh”, “làm con” và “ bạn bè”. Khi đã ra trường, đi làm, lập gia đình, 3 vai trò quan trọng nhất lại có thể là “đồng nghiệp”, “chồng/ vợ”, “cha/mẹ”.

          - Phát triển nghề nghiệp là một cuộc hành trình liên lũy không bao giờ kết thúc. Cuộc hành trình này không có một đáp án đúng mãi mãi cho câu hỏi: “Tôi nên theo nghề gì?”. Thay vào đó, ở mỗi giai đoạn của cuộc đời, tùy vào bản thân và những cuộc gặp gỡ tình cờ, có ý nghĩa trong cuộc đời mà mỗi người sẽ có được câu trả lời cho câu hỏi: “Ở thời điểm hiện tại, công việc nào hợp với tôi nhất?”

3. Lý thuyết hỗn loạn về nghề nghiệp

          Lý thuyết Hỗn loạn về nghề nghiệp có thể nói là một trong những lý thuyết nhận được sự chú ý nhiều nhất trong cộng đồng những người hành nghề hướng nghiệp trên thế giới vào những năm gần đây, đặc biệt khi dịch COVID ập đến không hề báo trước Lý thuyết Hỗn loạn về nghề nghiệp được ra mắt vào năm 2011 bởi đồng tác giả Jim Bright và Robert Pryor. Lý thuyết này nói về sự thay đổi như một điều tất yếu trong đời sống Vì vậy, người lao động phải luôn luôn làm mới chính mình, phát minh, sáng tạo và học cách sống với những cơ hội sáng tạo ở rìa của sự hỗn loạn.

          Để dễ hiểu hơn, chúng ta cùng nhau nhìn vào bức tranh dưới đây:

Trong đó, kế hoạch nghề nghiệp mà mỗi cá nhân vạch ra cho bản thân có thể là một đường thẳng từ lúc ra trường, đi làm, cho đến ngày về hưu, khi mà mọi chuyện đều xảy ra như ta muốn/dự đoán. Trong thực tế, kế hoạch của vũ trụ dành cho chúng ta lại khác hẳn. Nói một cách đơn giản thì vào thời xưa, một cá nhân có thể làm một công việc tại một công ty cho đến ngày về hưu và biết rất rõ từng bước trong lộ trình phát triển nghề nghiệp của bản thân trong công ty ấy Ngày nay, thị trường lao động liên tục thay đổi, người lao động gặp khó khăn trong việc tìm vị trí phù hợp và công ty cũng mệt nhoài trong công tác tuyển dụng người lao động phù hợp và giữ được nhân tài Không ngừng thay đổi là điều duy nhất không thay đổi trong thị trường lao động ngày nay Đó cũng là ý cốt lõi của Lý thuyết hỗn loạn về nghề nghiệp

          Đồng tác giả Jim Bright phân tích rằng:

          - Nghề nghiệp của chúng ta phụ thuộc vào các sự kiện may rủi thường xuyên hơn nhiều so với bất kỳ lý thuyết nào khác ngoài Lý thuyết Hỗn loạn về nghề nghiệp và Lý thuyết ngẫu nhiên có kế hoạch đã đề xuất

          - Nghề nghiệp của chúng ta có thể thay đổi phi tuyến tính đôi khi những thay đổi rất nhỏ lại mang đến kết quả sâu sắc cho hành trình phát triển nghề nghiệp của một cá nhân và đôi khi việc thay đổi mọi thứ như thay đổi cả công việc lại chẳng mang lại hiệu quả nào

          - Nghề nghiệp của chúng ta không thể được dự đoán, hầu hết mọi người bày tỏ mức độ ngạc nhiên/vui mừng hoặc thất vọng khi họ đến điểm cuối cùng

          - Nghề nghiệp của chúng ta có thể thay đổi liên tục Đôi khi chúng ta trải qua sự thay đổi chậm chạp dẫn đến việc chúng ta đi chệch hướng mà không nhận ra và đôi khi sự nghiệp của chúng ta có những thay đổi mạnh mẽ (thay đổi nhanh) khiến thế giới của chúng ta đảo lộn hoàn toàn

          Bright có lời khuyên sau dành cho những ai đang trong hành trình hướng nghiệp Vì luôn có thật nhiều sự thay đổi (do các yếu tố xã hội, môi trường, kinh tế, chính trị) không đoán trước được cũng như các sự kiện may rủi có tầm ảnh hưởng quan trọng đến cuộc sống của mỗi cá nhân nên mỗi người lao động cần bồi dưỡng các năng lực hành nghề sau để gieo hạt và tạo cơ hội cho hành trình phát triển nghề nghiệp của bản thân.

          Khi lựa chọn nghề nghiệp và thậm chí đối với người làm công tác tư vấn hướng nghiệp, chúng ta dễ dàng lọt vào hai bẫy sau: Thứ nhất, lựa chọn nghề nghiệp hoặc tư vấn hướng nghiệp cho học sinh theo kinh nghiệm cá nhân. Hai là, hướng nghiệp cho học sinh theo chiều hướng của truyền thông ở thời điểm hiện tại thay vì dựa trên nền tảng khoa học Có được kiến thức vững vàng về các lý thuyết hướng nghiệp sẽ giúp các bạn học sinh, sinh viên có được nhận thức đúng đắn làm nền móng cho các hoạt động khác trong công tác hướng nghiệp cũng như liên kết được kiến thức và kỹ năng trong lĩnh vực hướng nghiệp với những lĩnh vực khác.

          Trong các lý thuyết hướng nghiệp, không phải lý thuyết nào cũng thích hợp với tất cả các đối tượng. Vì vậy, các bạn học sinh, sinh viên cần phải hiểu rõ từng lý thuyết để tìm ra và áp dụng được những lý thuyết hướng nghiệp phù hợp với đặc điểm văn hoá, đặc điểm nhận thức, trình độ… của bản thân mình và thực tế của từng vùng, miền.

Tài liệu tham khảo

1. Phoenix Ho, Lê Khương (2021), Cẩm nang cho chuyên viên giáo dục& tư vấn hướng nghiệp, NXB Thế giới

2. Phoenix Ho, (2017) Kỹ năng tư vấn cá nhân về khám phá, lựa chọn và phát triển nghề nghiệp cho học sinh Trung học - NXB Đại học Quốc Gia Hà Nội

3. Dương Thị Kim Oanh (2012), Tâm lý học nghề nghiệp, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh

4. Đào Thị Oanh (2003), Tâm lý học lao động, NXB Đại học Quốc Gia Hà Nội

5. Giản Tư Trung (2015), Đúng việc, Nhà xuất bản Tri thức.

https://huongnghiepsongan.com/luoc-su-cac-ly-thuyet-huong-nghiep/