Phạm Thúy An
Học viên K11 - Quản lý văn hóa
Di tích lịch sử Đình Hoàng Châu nằm trên địa bàn xã Hoàng Châu, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng là một di tích có nhiều giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc và đã được công nhận là di tích cấp quốc gia. Bằng phương pháp khảo sát, điền dã và phân tích tổng hợp tư liệu, tác giả đã tổng kết thành 3 giá trị tiêu biểu của di tích. Đó là: giá trị lịch sử, giá trị văn hóa và giá trị giáo dục. Việc nghiên cứu và xác định rõ những giá trị của di tích Đình Hoàng Châu sẽ giúp cho công tác bảo tồn và phát huy di tích đạt hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó cũng hỗ trợ các nhà quản lý văn hóa có kế hoạch cụ thể trong hoạt động quản lý di tích và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý của di tích này.
1. Giá trị lịch sử
Đình Hoàng Châu là một di tích lịch sử cấp quốc gia nên các di vật trong đình đều có tính lịch sử sâu sắc. Nội dung tấm bia “Tư đạo bia ký” (Bài ký đạo Tư văn) trong khuôn viên đình Hoàng Châu tạo vào niên hiệu vua Minh Mạng thứ 10 (1829) ghi lại việc trùng tu từ chỉ và có khắc tên 4 vị là Giám sinh Quốc Tử Giám là Nguyễn Nguyễn Khắc Minh, Bùi Tiến Trạch, Vũ Tiến Tước, Bùi Quốc Hoa và hơn một trăm sinh đồ, bia cũng cho biết, hàng năm, vào mùa thu, tại đây diễn ra lễ tế Khổng Tử, tấm bia khi đó được đặt ở văn từ hàng xã. Bia thứ hai là tấm “Tư Văn bia ký” (bia hội Tư Văn) tạo vào niên hiệu vua Minh Mạng thứ 15 (1834) ghi những bậc tiền nhân của Hội Tư Văn xã Hoàng Châu. Hai tấm bia đá này là tư liệu lịch sử quý giá để các thế hệ con cháu Hoàng Châu hiểu về nguồn gốc, lịch sử hình thành vùng đất, truyền thống văn hóa của các thế hệ cha ông, từ đó ghi nhớ, tri ân công đức các bậc tiền nhân [5].
Nhiều hiện vật, đồ thờ tự, tế khí, tư liệu đã trở thành cổ vật là minh chứng cho lịch sử của đình cũng như của mảnh đất Cát Hải như sắc phong của nhiều triều đại phong kiến: Tự Đức năm thứ 6 (1852), Tự Đức năm thứ 33 (1879), Đồng Khánh năm thứ 2 (1886), Duy Tân năm thứ 3 (1909), nhang án, kiệu bát cống, bát biểu, đại tự, câu đối, bia ký,…
Đình Hoàng Châu là di tích lịch sử không chỉ thờ Mẫu Liễu Hạnh mà còn thờ chính là 2 nhân vật lịch sử: Đô Nguyên soái Tuyên Nghị chi thần, Phó Nguyên soái Duy Bùi chi thần, với nhiều công lao, đóng góp, giúp nước, giúp dân. Đây là điều khác biệt giữa di tích lịch sử đình Hoàng Châu với các di tích khác bởi đình làng Việt thường thờ thành hoàng làng là người có công với dân với nước, là những người khai phá, lập làng, dựng ấp hay sáng lập lên một nghề. Tuy nhiên tại di tích đình Hoàng Châu, ngoài thờ hai vị thành hoàng làng là nhân thần, đình còn thờ đức Thánh mẫu Liễu Hạnh. Đây là điều đặc biệt, riêng khác của đình Hoàng Châu vì thông thường, Mẫu Liễu Hạnh được thờ trong phủ, đền, miếu hoặc phối thờ trong chùa, ít khi được thờ tại đình. Song, Thánh mẫu Liễu Hạnh tại đình Hoàng Châu đã được các triều đại phong kiến ban 4 đạo sắc phong với nhiều mỹ tự: Hoẳng thí, Phổ độ, An linh, Tĩnh chính, Diệu hóa, Trang trưng, Chế thắng, Dực bảo, Trung hưng, Đế Thích tiên đình Liễu Hạnh công chúa Thượng đẳng thần. Điều này thể hiện sự trân trọng, biết ơn của nhân dân Hoàng Châu với những vị tiền nhân có công với dân, với nước, góp phần giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ sau.
2. Giá trị văn hóa
Di tích lịch sử đình Hoàng Châu mang trong mình nhiều giá trị vật thể, phi vật thể, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, chứa đựng mong ước, nguyện vọng của cư dân ven biển Cát Hải, cư dân làng Hoàng Châu về sự bình yên, hạnh phúc. Di tích chứa đựng cả giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân nơi đây.
Di tích lịch sử đình Hoàng Châu đã có từ lâu đời, hội tụ, lưu giữ đầy đủ các nét kiến trúc nghệ thuật truyền thống của người Việt, gắn với các mốc son lịch sử huyện Cát Hải. Cũng giống như những làng quê khác ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, đình Hoàng Châu chỉ là một công trình tín ngưỡng nhỏ bé, do nhân dân dựng lên để thờ phụng những nhân vật có công đánh giặc, giữ nước, mở mang bờ cõi, giúp nhân dân lao động sản xuất. Càng về sau, đình được trùng tu, tôn tạo mà trở lên khang trang, cổ kính như ngày nay. Tuy mỗi năm phải hứng chịu hàng chục cơn bão to, sóng lớn song di tích lịch sử đình Hoàng Châu vẫn giữ được các cấu kiện trang trí, chạm khắc theo nghệ thuật kiến trúc thế kỷ 18, 19. Hệ thống trụ nâng đỡ hoàn toàn được làm bằng gỗ lim. Nét đặc sắc nhất của đình Hoàng Châu đó chính là nghệ thuật chạm khắc trên gỗ, thể hiện tài hoa của nghệ nhân điêu khắc từ các thế kỷ trước với các đề tứ linh, tứ quý sinh động và vô cùng đẹp mắt,… Đến nay, đình Hoàng Châu còn bảo tồn được nhiều cấu kiện điêu khắc có giá trị. Điển hình là khám thờ trong hậu cung, đây là hiện vật được điêu khắc tinh xảo với các đề tài linh vật, lá thiêng quen thuộc. Các ngai thờ trong hậu cung, hương án tại gian tiền bái được chạm nổi, chạm bong kênh các đề tài tứ linh, được sơn son thếp vàng rực rỡ. Đôi ngựa gỗ được chạm khắc tỉ mỷ đề tài tứ linh, vân tản. Các hiện vật trên đều mang đặc trưng, phong cách nghệ thuật thời Nguyễn thế kỷ 19. Ngoài ra đình còn có 05 bộ kiệu bát cống dùng để rước Thánh trong các dịp lễ hội, trong đó 3 bộ kiệu nhỏ có niên đại cuối thế kỷ 18, 2 bộ kiệu lớn có niên đại thế kỷ 19 và một số lượng lớn đồ thờ tự, tế khí có giá trị về lịch sử, mỹ thuật, văn hóa.
Hàng năm, tại đình Hoàng Châu đều diễn ra Lễ hội Xa mã - Rước kiệu nhằm thể hiện sự biết ơn những vị thần, thành hoàng làng, những người có công lao với đất nước, với mảnh đất này, thể hiện mong ước về một mùa ra khơi thắng lợi, mưa thuận, gió hòa, tôm cá dồi dào, đồng thời thể hiện tính cố kết cộng đồng cao, cùng nhau tham gia, tổ chức thành công lễ hội, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp, độc đáo, đặc sắc và riêng có của lễ hội từ đó góp phần giữ gìn những truyền thống tốt đẹp của địa phương.
3. Giá trị giáo dục
Di tích và lễ hội gắn với di tích bản thân đã tạo nên những giá trị văn hóa tốt đẹp, nhưng khi những giá trị văn hóa đó đi vào đời sống của người dân thì có sức truyền cảm và giáo dục vô cùng to lớn. Di tích lịch sử đình Hoàng Châu và Lễ hội Xa Mã - Rước kiệu được tổ chức hằng năm đã có ý nghĩa giáo dục đối với các thế hệ trẻ ngày nay trên huyện đảo Cát Hải.
Lễ hội là một bảo tàng văn hóa, một thứ bảo tàng tâm thức lưu giữ các giá trị văn hóa, các sinh hoạt văn hóa. Đó có thể là các trò chơi, các tín ngưỡng, các hình thức diễn xướng dân gian v.v... Trong văn hóa làng, lễ hội là một thành tố có ý nghĩa to lớn về giáo dục. Điều đặc biệt ở lễ hội Xa Mã - Rước kiệu là tinh thần đoàn kết của cư dân vùng biển đảo và cầu mong mưa thuận gió hòa. Việc tham gia vào lễ hội niềm tự hào vừa là niềm tự hào của ngư dân làng biển đảo về những tháng ngày giữ nước hào hùng trong lịch sử dân tộc. Đó là ý nghĩa chân chính mà mỗi người dân Cát Hải bao đời hướng tới.
Lễ hội Xa Mã - Rước kiệu hàng năm là dịp để thế hệ trẻ, thế hệ tương lai của vùng biển đảo được ôn lại bài học lịch sử hào hùng của cha ông về dựng nước và giữ nước, qua đó, cảm nhận được giá trị của cuộc sống hiện tại, trân trọng những gì quê hương đang có và tự thấy bản thân cần phấn đấu, cần nỗ lực học lập, tích luỹ kiến thức nhiều hơn để xây dựng quê hương giàu đẹp, xứng đáng là con cháu của mảnh đất anh hùng. Đó là bài học sống động và quý giá nhất, có ý nghĩa giáo dục cao nhất mà không một giáo cụ trực quan nào có thể so sánh được.
Như vậy, Đình Hoàng Châu không chỉ có giá trị lịch sử mà còn gắn với các lớp văn hóa của vùng đất và có ý nghĩa giáo dục to lớn cho thế hệ trẻ. Với những giá trị trên, đình có vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân huyện đảo Cát Hải, khẳng định bản sắc văn hóa của vùng biển đảo Đông Bắc của tổ quốc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Ngô Đăng Lợi (2010), Một số di sản văn hóa tiêu biểu của Hải Phòng, tập 1, Nxb Hải Phòng, Hải Phòng.
- Đoàn Văn Minh (2002), Đức Thánh Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng, Nxb Hải Phòng, Hải Phòng.
- Đoàn Trường Sơn, Phạm Xuân Thanh, Vũ Tiến Bảy (2010), Lịch sử Đảng bộ huyện Cát Hải, Nxb Văn hóa Thông tin.
4. Dương Văn Sáu (2008), Di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Hải Phòng (2014), Hồ sơ di tích đình, chùa Hoàng Châu, xã Hoàng Châu, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng, bản đánh máy, Hải Phòng.
6. Sở Văn hóa và Thể thao, Bảo tàng Hải Phòng (2017), Hồ sơ lý lịch khoa học lễ hội Xa Mã – Rước Kiệu, đình Hoàng Châu, xã Hoàng Châu, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng, bản đánh máy, Hải Phòng.
7. Ngô Đức Thịnh (2014), Giá trị văn hóa Việt Nam - truyền thống và biến đổi, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.