Đỗ Thị Mỹ Hạnh
Học viên K11- Chuyên ngành Quản lý Văn hóa
Gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của thành phố Hải Phòng, những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Nhà hát thành phố Hải Phòng nằm trên địa bàn quận Hồng Bàng – quận trung tâm của thành phố, là một biểu tượng đặc trưng về kiến trúc nghệ thuật. Có thể nói, đây là chứng nhân lịch sử, chứng kiến sự nghiệp đấu tranh anh dũng của quân và dân Hải Phòng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Với những giá trị to lớn về văn hóa, lịch sử, về kiến trúc nghệ thuật, tháng 12 năm 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định công nhận Nhà hát thành phố Hải Phòng là di tích cấp quốc gia. Cho đến ngày nay, khi thành phố đã đổi thay và phát triển mạnh mẽ, Nhà hát thành phố đã là địa điểm lý tưởng để tổ chức các hoạt động chính trị - văn hóa, du lịch tiêu biểu, đặc biệt của thành phố Hoa Phượng Đỏ. Tuy nhiên, công tác quản lý hoạt động văn hóa tại Nhà hát thành phố Hải Phòng hiện tại đang bộc lộ khá nhiều bất cập gây ảnh hưởng không nhỏ tới tiến trình phát triển của Nhà hát thành phố.
1. Khái quát về Nhà hát thành phố Hải Phòng
Nhà hát thành phố Hải Phòng tọa lạc tại số 27 phố Trần Hưng Đạo, phường Hoàng Văn Thụ nổi lên như một biểu tượng về công trình văn hóa đậm nét kiến trúc. Nhà hát bắt đầu xây dựng vào cuối thế kỷ XIX, hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 1900. Là một công trình bề thế, mang phong cách nghệ thuật của các nhà hát Châu Âu, từ buổi đầu hoạt động, Nhà hát đã là nơi sinh hoạt chính trị, văn hóa, là địa điểm biểu diễn nghệ thuật, là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa tiêu biểu của thành phố Hải Phòng.
Thời Pháp thuộc, Nhà hát thành phố Hải Phòng là địa điểm sinh hoạt chính trị văn hóa của thực dân phong kiến. Những đoàn nghệ thuật từ Pháp sang hoặc những gánh hát nổi tiếng cả nước từ Sài Gòn ra mới được phép biểu diễn ở đây. Từ sau ngày giải phóng Hải Phòng, Nhà hát thành phố là trung tâm sinh hoạt chính trị - văn hóa của thành phố, địa điểm họp Hội đồng Nhân dân – cơ quan quyền lực cao nhất của thành phố. Nhà hát cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp gỡ và nói chuyện với nhân dân Hải Phòng trong lần người về thăm thành phố Cảng vào ngày 02/6/1955.
“Nhà hát Tp. Hải Phòng là công trình kiến trúc đặc sắc, tiêu biểu cho kiến trúc Pháp ở Việt Nam và Tp. Hải Phòng đầu thế kỷ XX. Tổng diện tích Nhà hát rộng 9440 m2, trong đó khu vực 1 rộng 1548 m2, khu vực 2 rộng 7892 m2” [1, tr.9]. Đây là một chỉnh thể công trình kiến trúc rộng lớn, bề thế, hai tầng được liên kết với nhau bởi nhiều phòng (buồng), các lô và các khu vực quan trọng, được thiết kế phù hợp với chức năng dành cho biểu diễn nghệ thuật. Nhà hát có bố cục mặt bằng hình ống, bổ dọc theo chiều Bắc – Nam. Tính từ ngoài vào trong, Nhà hát thành phố có các đơn nguyên kiến trú quan trọng bao gồm: tiền sảnh, đại sảnh (tầng 2), khán đài, sân khấu, hậu đài và hai cánh gà phía mặt tiền Nhà hát. Nhà hát thành phố vốn là tổng thể của nhiều công trình hợp thành gồm: khu vực quảng trường, mặt tiền, Nhà hát, Nhà làm việc của cán bộ quản lý.
Nhìn chung, thiết kế công trình Nhà hát theo chuẩn mực Châu Âu với mái vòm, hệ thống cửa, tường cách âm, không gian các lô ghế khán giả phân bố đều, hợp lý; hệ thống âm thanh, ánh sáng chuẩn mực. Nhà hát thành phố đáp ứng các buổi hòa nhạc có quy mô cỡ lớn. Không gian nội thất Nhà hát như một bảo tàng tranh sống động, đa sắc màu, giàu truyền thống Hy – La, hoa văn trang trí dày đặc, tỉ mỉ, trau chuốt mang đặc trưng phong cách cổ điển Pháp. Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ, năm 2015 Nhà hát Tp. Hải Phòng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia.
2. Thực trạng quản lý hoạt động văn hóa tại Nhà hát thành phố Hải Phòng
Trong những năm qua, Trung tâm Tổ chức biểu diễn nghệ thuật, đơn vị quản lý trực tiếp Nhà hát đã phát huy, tận dụng tương đối tốt nguồn lực về con người, cơ sở vật chất, kinh phí chi cho việc tổ chức các hoạt động văn hóa. Đơn vị luôn bám sát các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn, tổ chức các hoạt động, chương trình, sự kiện chào mừng các ngày lễ lớn, ngày kỷ niệm của đất nước, thành phố .... thành công, mang lại hiệu ứng tích cực, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia. Với sự nhiệt tình, trách nhiệm, lòng yêu nghề, cán bộ nhân viên Trung tâm tổ chức biểu diễn nghệ thuật và Nhà hát đã xây dựng và triển khai thực hiện thành công các kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa bên trong và ngoài Nhà hát, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa của người dân, tạo điểm đến hấp dẫn cho du khách.
Bên cạnh những ưu điểm, công tác quản lý hoạt động văn hóa tại Nhà hát thành phố còn bộc lộ những hạn chế nhất định. Việc phối hợp với các đơn vị liên quan chưa hiệu quả khiến vấn đề vệ sinh môi trường xung quanh Nhà hát chưa được xử lý. Nhiều năm rồi vẫn còn tồn tại tình trạng một nhóm người tự phát trông xe máy, ô tô bên cạnh Nhà hát, ngay phía trước khu vực giữ xe miễn phí trong sân Nhà hát, thu tiền của đại biểu, quan khách tham dự các chương trình, sự kiện văn hóa trong và ngoài Nhà hát. Đơn vị vẫn còn thụ động, chưa xây dựng được kế hoạch cụ thể, chưa có phương án tuyên truyền quảng bá về các chương trình, các sự kiện tổ chức tại Nhà hát. Mức đầu tư của ngân sách nhà nước cho hoạt động văn hóa còn thấp so với các lĩnh vực khác. Cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động văn hóa nhìn chung còn kém phát triển và trong tình trạng xuống cấp, chắp vá, thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng còn thấp. Việc huy động các nguồn vốn khác đầu tư cho văn hóa còn rất hạn chế và khó khăn.
Nhìn chung, những kết quả trong quá trình tổ chức các hoạt động văn hóa, chương trình sự kiện lớn phục vụ nhiệm vụ chính trị của thành phố trong thời gian vừa qua đã chứng tỏ được sự đóng góp không nhỏ của tập thể cán bộ, viên chức, người lao động Nhà hát thành phố và Trung tâm Tổ chức biểu diễn nghệ thuật thành phố. Trong bối cảnh hiện nay, khi mà tình hình kinh tế nói chung bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid thì nguồn kinh phí phục vụ việc tổ chức các hoạt động, sự kiện cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, kinh phí hạn chế. Trong khi đó, nhu cầu thưởng thức món ăn tinh thần của người dân ngày càng lớn cùng với sự phát triển đa dạng của các sản phẩm văn hóa hiện đại thì vấn đề làm thế nào để thu hút người dân tham gia các sự kiện, hoạt động văn hóa tại Nhà hát thành phố càng trở nên cần thiết.
Từ những phân tích, nghiên cứu về thực trạng công tác quản lý những hoạt động văn hóa tại Nhà hát và những tồn tại hạn chế trong thời điểm hiện nay, tác giả đề xuất những phương hướng, giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý hoạt động văn hóa tại Nhà hát thành phố Hải Phòng.
3. Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng quản lý hoạt động văn hóa tại Nhà hát thành phố
Với những hạn chế trong công tác quản lý và tổ chức các hoạt động văn hóa tại Nhà hát thành phố Hải Phòng đã nêu trên, để Nhà hát thành phố thực sự phát huy giá trị văn hóa của nó thì Ban lãnh đạo Trung tâm Tổ chức biểu diễn nghệ thuật thành phố cần có những đổi mới trong công tác quản lý cho phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế hiện nay.
Căn cứ vào những chủ trương của Đảng, Nhà nước, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố và những văn bản chỉ đạo, định hướng chuyên môn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, Trung tâm Tổ chức biểu diễn nghệ thuật thành phố xác định những phương hướng cơ bản cho sự phát triển của Nhà hát thành phố trong thời gian tới như sau:
Việc tổ chức các hoạt động văn hóa phải đảm bảo được sự gắn kết chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, sự ổn định chính trị tại địa phương. Trung tâm cần nghiên cứu xây dựng và triển khai Đề án chuyển đổi cơ chế hoạt động tự chủ thích ứng với thực trạng hiện có của mình.
Về cơ chế, Trung tâm cần có sự đổi mới trong công tác quản lý, lãnh đạo chỉ đạo điều hành hoạt động của Nhà hát để đạt được những đổi thay tích cực đảm bảo đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của nhân dân thành phố.
Về xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực, đơn vị cần chú trọng tuyển chọn, đào tạo, sử dụng đội ngũ viên chức, người lao động nhiệt tình, tâm huyết. Đồng thời, lãnh đạo đơn vị chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức đơn vị, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công việc. Bên cạnh đó, lãnh đạo đơn vị quan tâm, tạo điều kiện để cán bộ nhân viên được bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, các kỹ năng thích ứng tình hình mới, đảm bảo đáp ứng yêu cầu chuyên môn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chính quyền phối hợp với tổ chức công đoàn thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống cho cán bộ, viên chức, người lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống để mọi người yên tâm, gắn bó với nghề, cống hiến hết mình cho Nhà hát;
Về chuyên môn, Trung tâm cần tiếp tục phát huy sự đa dạng các hoạt động văn hóa, nâng cao hiệu quả của các hoạt động văn hóa và các dịch vụ văn hóa, đáp ứng nhu cầu của tổ chức, công dân. Trung tâm triển khai xây dựng chương trình, kế hoạch dài hạn để khuyến khích việc tổ chức cho các đoàn nghệ thuật Trung ương, tỉnh bạn và các đoàn nghệ thuật trên địa bàn thành phố biểu diễn tại Nhà hát thành phố và Quảng trường Nhà hát phục vụ nhân dân.
Ngoài ra, Trung tâm còn xây dựng chương trình liên kết phát triển du lịch, phối hợp xây dựng chuỗi điểm du lịch để Nhà hát thành phố và khu vực quảng trường Nhà hát trở thành một điểm dừng chân, đón khách du lịch tham quan, tìm hiểu kiến trúc nghệ thuật bên trong Nhà hát. Lãnh đạo Nhà hát chủ động phối hợp với các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn thành phố nghiên cứu, xây dựng Chương trình tìm hiểu lịch sử, tổ chức hát Quốc ca tại địa chỉ đỏ - nơi diễn ra và chứng kiến các giai đoạn lịch sử hào hùng của thành phố góp phần giáo dục lịch sử, tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ tương lai.
Trung tâm sẽ triển khai phương án huy động các nguồn lực đầu tư cho con người, cơ sở vật chất đảm bảo các điều kiện tổ chức các hoạt động văn hóa hấp dẫn, lôi cuốn nhân dân tham gia tạo không khí vui tươi phấn khởi trong quần chúng nhân dân. Hoạt động hiệu quả sẽ góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân thành phố, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần xây dựng, phát huy bản sắc con người Hải Phòng trong tình hình mới.
Ban lãnh đạo Nhà hát cần xây dựng và báo cáo các cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án đảm bảo hoạt động của Nhà hát thành phố khi triển khai cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đáp ứng thực tiễn, trong điều kiện khó khăn, ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài. Lãnh đạo trung tâm thay đổi phương thức kiểm tra, giám sát, đánh giá thi đua khen thưởng, đảm bảo tính thực tiễn, kịp thời động viên khuyến khích viên chức, nhân viên, người lao động.
4. Kết luận
Về cơ bản, công tác quản lý các hoạt động văn hóa tại Nhà hát thành phố đã đạt được những thành tựu đáng kể, hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, chính trị, góp phần vào việc xây dựng và phát triển văn hóa thành phố. Tuy nhiên, công tác quản lý hoạt động văn hóa tại Nhà hát Tp. còn bộc lộ nhiều bất cập khiến giá trị của công trình chưa được xứng tầm với vị thế của di tích cấp quốc gia. Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, cuộc sống ngày càng phát triển với nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật giải trí đa dạng, phong phú. Để có thể tồn tại và phát triển trong tình hình mới, các hoạt động văn hóa tại Nhà hát thành phố cần phải được tổ chức, dàn dựng với một phương thức, cách thức mới lôi cuốn, hấp dẫn người dân. Những phân tích về thực trạng công tác quản lý các hoạt động văn hóa tại Nhà hát thành phố cho thấy: Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, rất cần có sự quan tâm chỉ đạo, tập trung đầu tư nguồn lực, tạo đà cho Nhà hát phát triển; đồng thời cần triển khai đồng bộ các giải pháp thiết thực, phù hợp với thực tiễn để nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động văn hóa tại Nhà hát. Quản lý hiệu quả các hoạt động văn hóa tại Nhà hát thành phố là góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, để “ Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc..” như Bộ Chính trị đã nhấn mạnh tại Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bảo tàng Hải Phòng (2015), Lý lịch di tích Nhà hát Tp. Hải Phòng.
2. PGS.TS Phạm Duy Đức, PGS.TS Vũ Thị Phương Hậu (đồng chủ biên) (2019), Văn hóa trong Chính trị và Văn hóa trong kinh tế ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội.
3. Trần Thị Minh (2014), Phát triển văn hóa với tư cách nền tảng tinh thần của xã hội, Nxb CTQG, Hà Nội.
4. GS.TS Ngô Đức Thịnh, Hệ giá trị văn hóa Việt Nam (2019), Nxb Tri thức, Hà Nội.
5. Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (2021), Tài liệu lớp bồi dưỡng kiến thức phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.