Nội san

HOẠT ĐỘNG TU BỔ VÀ TÔN TẠO DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA MIẾU NGÀ Ở XÃ VIỆT TIẾN, HUYỆN VĨNH BẢO, THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

21 Tháng Mười Hai 2022

Phạm Văn Quyền

Học viên K12 - Quản lý văn hóa

           

Di tích lịch sử văn hóa Miếu Ngà ở xã Việt Tiến, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng là một di tích tiêu biểu và có giá trị văn hóa đặc sắc. Tuy nhiên, với vị thế là di tích lịch sử văn hóa quốc gia nhưng hoạt động tu bổ, tôn tạo của di tích chưa được các cấp chính quyền chú trọng và đầu tư. Qua khảo sát, phân tích thực trạng hiện nay của di tích, tác giả bài viết đã đánh giá hiện trạng của di tích Miếu Ngà đồng thời đưa ra những vấn đề hạn chế trong công tác tu bổ, tôn tạo của di tích. Đây cũng chính là căn cứ để đề xuất các biện pháp để bảo vệ và phát huy các giá trị của di tích trong thời gian tới. 

 

Hiện nay trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng có tới 15/22 di tích cấp quốc gia xuống cấp nghiêm trọng cần được tu bổ, tôn tạo. Cùng với đề nghị trung ương, thành phố hỗ trợ, giúp đỡ kinh phí, huyện Vĩnh Bảo tăng cường vận động người dân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ, đóng góp kinh phí tu bổ, tôn tạo các di tích, phấn đấu trong năm 2022 hoàn thành tu bổ, tôn tạo ít nhất 3 di tích cấp quốc gia. Trong số 17 di tích chưa được cấp kinh phí tu bổ, tôn tạo, có tới 15 di tích xuống cấp nghiêm trọng. Đáng kể là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia miếu Ngà ở thôn 7, xã Việt Tiến thờ tướng quân Nguyễn Chính thời nhà Trần, được công nhận di tích cấp quốc gia từ năm 1994. Hiện toàn bộ phần mái của di tích bị hỏng, tường bao, cổng xiêu vẹo có nguy cơ đổ sập. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân (UBND) xã Việt Tiến Nguyễn Văn Vận cho biết: Từ khi được công nhận đến nay đã gần 30 năm, nhưng di tích này chưa được tu bổ, tôn tạo. Trước tình trạng di tích bị xuống cấp nghiêm trọng, người dân xã Việt Tiến nhiều lần đề nghị trung ương, thành phố cấp kinh phí phục vụ tu bổ, tôn tạo. Người dân xã Việt Tiến nói chung, thôn 7 nói riêng cũng như các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài xã sẵn sàng công đức để công trình được tu bổ, tôn tạo [phỏng vấn ngày 30/8/2022].

Để bảo tồn được giá trị của di tích, hoạt động kiểm kê, mô tả các hiện vật là một trong những nhiệm vụ chính. Vì vậy, năm 2007 Bảo tàng Hải Phòng phối hợp cùng với Phòng Văn hóa và Thông tin của huyện Vĩnh Bảo, Ban Quản lý di tích đã tiến hành kiểm kê và mô tả các di vật, cổ vật có trong di tích Miếu Ngà. Số hiện vật được thống kê như sau:

Cuốn thư: 1 chiếc. Cuốn thư được treo ở trên quá giang vì đầu tiên của Miếu, cuốn thư hình cuốn sách mở, hai đầu cuộn tròn như ống quyển, chính giữa đắp nổi bài minh bằng chữ hán gồm 37 chữ, chia thành 10 hàng dọc, hàng nhiều chữ nhất là 6 chữ và hàng ít chữ nhất là 2 chữ. Nền 2 bên trang trí hoa văn liếp đan và cánh sen dẹo. Đỉnh trán chạm thủng lưỡng long chầu hoa cúc mãn khai, rồng do lão cúc (cây cúc già) hoá thành và ở tư cách này hoa cúc được đồng nhất với mặt trời. Xung quanh hoa cúc có 4 lá xoè rộng tạo thành tua mây, trên mỗi lá cúc tua máy gắn 3 hạt tròn tinh tú. Đội cuốn thư là hổ phù ngậm chữ thọ lớn. Bàn tốc hổ phù là các lá cúc dài và tay xoè sang hai bên là các cành cúc nẩy lộc. Như vậy, hổ phù ở đây cũng được cách điệu hoá, có đầu to nổi khối như gắn từ ngoài vào, trán cao, mũi sư tử, mắt tròn 1 bi, hai con hổ phù có đầu rồng chầu lại với kích thước rộng 80 cm, dài 1,5m và niên đại đầu thế kỷ 20.

Nhang án gỗ: 01 chiếc. Nhang án được làm tựa bàn gỗ, 04 chân mặt phẳng, bốn góc mặt nhang án đựng tai vuông hình thước thợ, mặt ngoài chạm nổi long mã, chân nhang áng chia làm nhiều ô trang trí đối xứng nhau gồm hình chữ nhật, vuông, lục giác. Mặt trước và sau có 13 ô, hai mặt bên mỗi mặt là 9 ô, chạm thủng các đề tài: Rồng, Phượng, hòm thư, đồ bát bửu, long mã, Uý cầu, hổ phù ngậm chữ thọ, tứ linh, (Long ly quy phượng). Phượng múa hoa cúc mãn khai, hoa thị 04 cánh, dơi ngậm chữ phúc, rùa đội lá sen.

Nhang án có kích thước: Cao 1,4m, rộng 1m, dài 2m; Niên đại: Thời Nguyễn (đầu thế kỷ 20).

Long ngai và bài vị. Hai chiếc được làm giống hệt nhau, trong ngai gồm 02 phần: Thân ngai và đế ngai. Thân ngai được tua bởi tay ngai cong hình cánh cung, hai bên gần đầu rồng nhìn thẳng nối tay ngai với mặt đế, mỗi bên có 03 chấn song con tiện, mỗi chấn song con tiện có thân rồng quấn quanh, lưng ngai là vách gỗ cong hình lòng thuyền chạm thủng (Lưỡng long chầu nguyệt). Phượng múa, long mã đi trên mây, rùa đội lá sen, rồng mây hội tụ, để làm theo kiểu “Chân quỷ dạ cái”. Mặt để phía trước hai góc dựng tài hình thước thợ, chạm thủng hình long mã.

Vách đế chạm thủng lưỡng long chầu nguyệt, phượng xoè cánh múa, chân ngai tạo đầu rồng ngậm lá cúc ván dạ cá chạm nổi hổ phù ngậm chữ thọ, hai bên có đôi rùa nhỏ cõng hà để bài vị đặt trên long ngai.

Tượng hạc và rùa hạc: được thể hiện đứng trên lưng rùa cao tới 2m, hạc có mỏ lớn, mắt phượng, cổ cao và sau gáy có hàng lông dọc, chân thẳng, bàn chân có 04 móng kiểu chân cò, thân gà trống mập mạp, cánh ốp hơi xèo sang 2 bên, đuổi phượng, lông cánh và lông đuôi tạo hình lá cúc cách điệu. Tượng rùa được làm đơn giản mang tính biểu tượng là chính. Trong tư cách này tượng hạc và rùa nhằm mục đích bắc cầu cho sự trường tồn của thánh nhân.

Câu đối: Hai đôi. Câu đối hình lòng Máng, hai đầu tạo hình lá hoa, chính giữa lá hoa gắn nổi hình mặt nguyệt tròn, xung quanh bay ra bẩy đao lửa, mảnh đẹp hay long mã hý cầu, diềm ngoài câu đối chạm thủng mỗi bên ba con dơi ngậm chữ phúc, dải mây và hoa lá cách điệu. Diềm trong chạm nổi tứ quý gồm: thông, mai, cúc, trúc. Câu đối đắp nổi hàng chữ hán nội dung ca ngợi công lao của thánh thần và sự linh ứng của toà miếu cổ. Kích thước câu đối: Cao 2,35m, rộng 30cm

Khám gỗ: 1 chiếc khám được làm như một ngôi lầu nhỏ, mái phẳng, ba mặt nong ván gỗ che kín, mặt trước mở thoáng tạo hai lớp y môn viền cửa là các mép gỗ cong hình lợi chậu, đỉnh trán chạm nổi lưỡng long chầu nguyệt, vách bên chạm nổi phượng múa, rùa đội lá sen, lớp y môn ngoài chạm thủng lão long hoá, long châu hoa cúc mãn khai, hoa cúc có 7 lá nhô ra như các tua mây. Thân rồng nở nhiều hoa cúc và vách bên chạm thủng cây tùng già.

Lớp y môn ngoài chạm thủng tùng, cúc, trúc, mai, cuốn thư, cúc, hoa  phượng, trúc hoá long, cây lựu già hoá long mã, đế khám được tạo dáng chân quỳ dạ cá, chân xoắn hình ốc, bên ngoài có lá cúc lật, diềm quanh chân chạm nổi lưỡng long chầu hổ phù, phượng hòm thư, rùa dội lá sen, dải mây hoá rồng, đế bát bửu long mã. Kích thước rộng: 1,8m, dài 2m và cao 2,8m.

Ngoài ra còn có: Bát bửu 1 bộ, Giá đựng gươm đao: 1 đôi; Hậu bành 1 chiếc; Giằng gỗ: 1 chiếc; Sập gỗ: 1 chiếc; Chéo sứ: 1 đôi; Lục bình sứ: 1 đôi.

Nhìn chung các di vật còn lại ở Miếu Ngà không nhiều và đều mang phong cách nghệ thuật nhà Nguyễn. Hầu hết các di vật này đều được sơn son thiếp vàng lộng lẫy và là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị cần được bảo tồn.

Tháng 7 năm 2022, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Vĩnh Bảo đã khảo sát di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Miếu Ngà. Hiện trạng của di tích như sau: tường bị ngấm thấm, mái ngói bị xô lệch, rơi rụng, hệ khung vì kèo bằng bê tông cốt thép;  hệ hoành rui bằng gỗ đã mục mọt, ngấm, thấm nước; cửa vào hậu cung bị mọt; hệ vì hậu cung bằng gỗ ẩm thấp; hoa văn con giống hiên mái bị rơi rụng, đắp vỡ không đúng qui cách; nghi môn tứ trụ đã bị nghiêng; hệ thống tường bao che mục mọt; sân miếu bị thụt lún;…

Theo đại diện lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Bảo, trước thực trạng nhiều di tích trên địa bàn, nhất là di tích cấp quốc gia xuống cấp nghiêm trọng cần sớm tu bổ, tôn tạo. Giữa năm 2021, UBND huyện giao phòng Văn hóa và Thông tin chủ trì phối hợp các phòng, ban chức năng huyện liên quan, chính quyền các xã, thị trấn tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng các di tích cấp quốc gia trên địa bàn. Cùng với đề xuất trung ương, thành phố cấp kinh phí tu bổ, tôn tạo. UBND huyện Vĩnh Bảo chỉ đạo phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện, chính quyền các xã, thị trấn có di tích xuống cấp tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn ủng hộ kinh phí phục vụ tu bổ, tôn tạo. Bởi trên thực tế, kinh phí tu bổ, tôn tạo rất lớn, lên tới hàng tỷ đồng mỗi di tích, trong khi kinh phí trung ương, thành phố cấp không đủ. Đối với di tích cấp thành phố, theo Nghị quyết 22 của Hội đồng nhân dân thành phố, thành phố công trợ 300 triệu đồng tu bổ, tôn tạo mỗi di tích.

Trước thực trạng này, cùng với đề xuất trung ương sớm cấp kinh phí tu bổ, tôn tạo trong năm 2022, UBND huyện Vĩnh Bảo yêu cầu phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa, thông tin và Thể thao huyện, chính quyền 3 xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đóng góp, ủng hộ kinh phí. Huyện Vĩnh Bảo phấn đấu trong năm 2022 hoàn thành tu bổ, tôn tạo 3 di tích kể trên, năm 2023 và những năm tiếp theo mỗi năm tu bổ, tôn tạo 3- 4 di tích, dự kiến đến hết năm 2030, huyện hoàn thành tu bổ, tôn tạo toàn bộ các di tích cấp quốc gia cũng như cấp thành phố trên địa bàn.

Tóm lại,  để công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích Miếu Ngà đạt hiệu quả ngày càng cao, các ngành chức năng cần nghiên cứu, khảo sát, đánh giá đúng thực trạng của di tích, trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch tổng thể bảo vệ và phát huy giá trị di tích một cách khoa học. Từng bước đầu tư có hiệu quả để trùng tu, tôn tạo, quản lý, khai thác, phát huy giá trị di tích; làm tốt việc sưu tầm, bảo quản tài liệu, hiện vật; xử lý các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường di tích. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong bảo tồn, phát huy giá trị của di tích lịch sử - văn hóa. Tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ di tích, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng.

 

                                   TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Lưu Minh Trị (2012), “Một số vấn đề về vai trò cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống Thăng Long - Hà Nội”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học - thực tiễn về vai trò cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội.
  2. Nguyễn Văn Trinh (2018), Quản lý di tích lịch sử đền – chùa Bảo Hà xã Đồng Minh huyện Vĩnh Bảo thành phố Hải Phòng, Luận văn thạc sĩ trường ĐHSP Nghệ thuật TW.
  3. Trung tâm KHXH&NV Hải Phòng (2001), Một số di sản văn hóa tiêu biểu của Hải Phòng (tập 1).
  4. Phạm Lê Trung (2016), “Một vài giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu ngôi đình làng Việt xứ Quảng”, nguồn http://portal.huc.edu.vn, truy cập ngày 26/10/2020.
  5. Nguyễn Văn Trường (2019), “Bảo tồn và phát huy lễ hội chùa Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang”, Tạp chí Giáo dục Nghệ thuật Trường ĐHSPNTTW, (số 30), tr 27.
  6. Trường Đại học văn hóa Hà Nội (2015), Bảo tồn di tích lịch sử văn hóa
  7. Hoàng Vinh (1997), Một số vấn đề bảo tồn và phát triển di sản văn hóa dân tộc, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.