Trần Thị Thu Hiền
Học viên K13 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa
Xây dựng môi trường văn hóa (MTVH) tại các địa phương hiện nay là nhiệm vụ quan trọng, nhận được sự quan tâm của Đảng, nhà nước và chủ thể cộng đồng. Là một trong 18 xã, thị trấn của huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội, Đại Thịnh đã và đang triển khai các hoạt động xây dựng môi trường văn hóa, với mục tiêu kiến tạo môi trường văn hóa lành mạnh, phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, hạn chế những tiêu cực trong đời sống xã hội. Trong quá trình triển khai các hoạt động, bên cạnh những ưu điểm thì vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Bài viết này, tập trung phân tích những hoạt động xây dựng môi trường văn hóa ở xã Đại Thịnh hiện nay, từ đó có những đánh giá về thực trạng xây dựng môi trường văn hóa tại địa phương này.
1. Khái niệm môi trường văn hóa và xây dựng môi trường văn hóa
Khi bàn về khái niệm MTVH (cultural environment) và nội hàm của nó, trong công trình Quản lý hoạt động văn hóa (1998), nhóm tác giả Nguyễn Văn Hy - Phan Văn Tú - Hoàng Sơn Cường cho rằng: “MTVH là một tổng thể các sản phẩm văn hóa, chương trình văn hóa, hành vi văn hóa, thiết chế, phương tiện và cảnh quan văn hóa... mà cá nhân tiếp xúc trong suốt đời mình và có ảnh hưởng qua lại với mình” [6, tr.77]. Còn Lê Thị Thu Hiền cho rằng: “MTVH với vai trò là tổng thể sống động các yếu tố văn hóa vật thể và phi vật thể tác động đến đời sống cá nhân và cộng đồng, đáp ứng nhu cầu của con người và thúc đẩy con người phát triển. Nhân cách con người được hình thành và phát triển trong MTVH thông qua quá trình giáo dục và tự giáo dục. Những giá trị, chuẩn mực của MTVH sẽ được phản ánh trong thế giới quan, hệ thống tri thức xã hội, trong những chuẩn mực về pháp lý, đạo đức, thẩm mỹ… của cá nhân” [4, tr.161].
MTVH là môi trường diễn ra các hoạt động văn hóa để tạo nên giá trị và sản phẩm văn hóa đáp ứng nhu cầu văn hóa của cộng đồng dân cư. Xây dựng MTVH là một trong những nội dung quan trọng nhất trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Trong cuốn Những vấn đề lý luận và thực tiễn về đời sống văn hóa, môi trường văn hóa do Đinh Thị Vân Chi chủ biên, tác giả Nguyễn Văn Cần cho rằng: “Xây dựng MTVH là một quá trình công phu, tỉ mỉ không dừng lại ở bề nổi, mà phải có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các giá trị văn hóa sâu sắc nằm trong thế giới tinh thần, tình cảm, trí tuệ, tâm lý con người với các sản phẩm, phương tiện, phương thức và thiết chế văn hóa phục vụ và đáp ứng nhu cầu văn hóa của con người” [3, tr.125].
Từ những khái niệm, quan điểm về MTVH và xây dựng MTVH ở trên, chúng tôi hiểu về xây dựng MTVH như sau: Xây dựng môi trường văn hóa là xây dựng một không gian văn hóa thông qua các hoạt động như sau: Xây dựng cảnh quan môi trường (tự nhiên và nhân tạo); xây dựng các thiết chế văn hóa; tạo dựng các sản phẩm văn hóa và chương trình hoạt động văn hóa của cá nhân và cộng đồng (văn hóa vật thể/phi vật thể) qua các phong trào, hoạt động khôi phục, tạo dựng…; xây dựng quan hệ văn hóa giữa con người với con người và con người với tự nhiên (xây dựng văn hóa ứng xử, hành vi chuẩn mực, ý thức nới công sở và công cộng)…; tôn vinh lan tỏa những nhân cách văn hóa (biểu dương người tốt việc tốt)… trong một không gian cộng đồng xã hội.
2. Các hoạt động xây dựng môi trường văn hóa ở xã Đại Thịnh
Xã Đại Thịnh là một trong 18 xã, thị trấn của huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội, nằm ở phía đông của huyện, nơi có trung tâm hành chính huyện Mê Linh. Là vùng đất có lịch sử lâu đời và bề dày truyền thống văn hóa, Đại Thịnh được đánh giá có đầy đủ những nguồn lực về con người, cơ sở vật chất, tài chính để tập trung xây dựng MTVH lành mạnh, hiện đại, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nhận thức rõ tầm quan trọng của xây dựng MTVH trong giai đoạn hiện nay, thực hiện các văn bản của Đảng và Nhà nước các cấp về xây dựng MTVH, xã Đại Thịnh đã triển khai các hoạt động xây dựng MTVH gồm:
2.1. Triển khai các văn bản cấp trên và ban hành các văn bản hướng dẫn xây dựng MTVH tại địa phương
Trong thời gian qua xã Đại Thịnh đã tập trung chú trọng vào tuyên truyền thực hiện các nội dung Phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa” theo sự chỉ đạo của thành phố Hà Nội và huyện Mê Linh. Với vai trò nòng cốt, Ban Chỉ đạo Phong trào “TDĐKXDĐSVH” xã Đại Thịnh đã tham mưu cho Đảng ủy, HĐND, UBND xã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch để triển khai các hoạt động của Phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa”. Hằng năm Ban Chỉ đạo đều có hướng dẫn đến các thôn làng nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến chủ thể người dân và nâng cao nhận thức của người dân trong việc xây dựng MTVH xanh, sạch, đẹp, tiên tiến, hiện đại, đậm đa bản sắc dân tộc. Để đạt được mục tiêu này, Đảng ủy, HĐND - UBND xã Đại Thịnh đã ban hành 16 văn bản từ năm 2016 đến 2022 để phân công thực hiện cho các ban ngành đoàn thể liên quan và các thôn để triển khai đến nhân dân. Đa số người dân xã Đại Thịnh đều đánh giá, chính quyền xã đã ban hành các văn bản hướng dẫn xây dựng môi trường văn hóa rất tốt và tốt, tỉ lệ (67%), chỉ có 3% đánh giá là chưa tốt, chưa kịp thời.
2.2. Xây dựng cảnh quan môi trường và các thiết chế văn hóa
Thấm nhuần tư tưởng của Đảng và Nhà nước, bám sát các chỉ thị, kế hoạch của UBND Thành phố Hà Nội và huyện Mê Linh về xây dựng cảnh quan, bảo vệ môi trường, UBND xã Đại Thịnh đã xây dựng và triển khai các hoạt động xây dựng cảnh quan môi trường xã xanh, sạch, đẹp. Thống kê từ năm 2015 đến năm 2022 tình hình thu gom rác thải hàng ngày đạt từ 95% - 98% chỉ tiêu cấp trên giao; 100% hộ gia đình đều sử dụng nước sạch hợp vệ sinh. Để đạt kết quả trên, UBND xã đã thường xuyên tổ chức các đợt ra quân tổng vệ sinh môi trường chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước và các sự kiện chính trị quan trọng. Bên cạnh đó, để không gian cảnh quan sạch và đẹp, xã đã trồng hoa và cây xanh trên nhiều tuyến đường, như đoạn đường nở hoa của phụ nữ thôn Đại Bái, đoạn đường trồng hoa và cây xanh của thôn Nội Đồng....; phát động Phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Qua kết quả khảo sát thực tế hoạt động xây dựng và bảo vệ cảnh quan, có 72% đánh giá ở mức rất tốt và tốt, 20% đánh giá ở mức độ bình thường, chỉ có 8% ý kiến đánh giá chưa tốt.
Với các thiết chế văn hóa truyền thống, một số di tích đã xuống cấp, mối mọt, hư hỏng chưa được trùng tu tôn tạo nhiều năm nay. Cụ thể, năm 2016 tiến hành trùng tu tôn tạo chùa Quỳnh Lâm hạng mục tam bảo với tổng số vốn hơn 5 tỷ đồng. Năm 2019, trùng tu tôn tạo đại định và nhà bao che đình Đại Bái hạng mục đại đình và nhà bao che với tổng số vốn hơn 4 tỷ đồng. Hiện nay UBND xã đang làm các thủ tục đề nghị huyện, thành phố trùng tu, tôn tạo 3 di tích lịch sử văn hóa đã xuống cấp là đình Nội Đồng, đền thôn Thượng và đền Thiện.
2.3. Xây dựng các chương trình hoạt động văn hóa
Xây dựng các chương trình, hoạt động văn hóa của các cá nhân và cộng đồng, góp phần hoàn thành nhiệm vụ xây dựng MTVH địa phương tiên tiến, hiện đại, văn minh, sạch đẹp và đậm đà bản sắc dân tộc luôn được UBND xã Đại Thịnh đặc biệt quan tâm. Trong thời gian qua, UBND và các đơn vị, tổ chức chuyên trách về văn hóa đã tổ chức tổ chức nhiều hoạt động văn hóa và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Các hoạt động văn hóa phục vụ cho Phong trào xây dựng MTVH đều phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và nhu cầu hưởng thụ thực tế của người dân xã Đại Thịnh.
Hoạt động dịch vụ văn hoá trên địa bàn xã Đại Thịnh đã được UBND xã và các đơn vị liên quan quan tâm và thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước. Theo số liệu điều tra bằng bảng hỏi của học viên cho thấy, tỷ lệ người dân tham gia hoạt động dịch vụ văn hóa ngày càng cao. Theo đó, có 67,8% trả lời thường xuyên tham gia hoạt động dịch vụ văn hóa; 12,5% thỉnh thoảng và chỉ có 7% không tổ chức/tham gia.
2.4. Thực hiện văn hóa ứng xử
Thực hiện văn hóa ứng xử nơi công sở
Thông qua khảo sát, cho thấy hoạt động xây dựng văn ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại xã Đại Thịnh có những chuyển biến tích cực. Cụ thể, kết quả khảo sát bằng bảng hỏi cho thấy, 92,5% người dân đánh giá cán bộ xã có văn hóa ứng xử phù hợp, đúng mực với người dân tại nơi bằng thái độ niềm nở, tận tình và có tinh thần trách nhiệm đối với công việc.
Thực hiện văn hóa ứng xử nơi công cộng
Xây dựng MTVH, quy tắc ứng xử nơi công cộng chính là thể hiện sự giao lưu của cộng đồng người, nơi thể hiện rõ cách ứng xử của mỗi cá nhân trong cộng đồng người. Để xây dựng văn hóa ứn xử nơi công cộng, UBND xã Đại Thịnh đã ban hành Kế hoạch số 46/KH-UBND ngày 01/4/2022 về triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn xã Đại Thịnh giai đoạn 2021-2025. Thông qua khảo sát hoạt động xây dựng văn hóa ứng xử nơi công cộng của người
2.5. Tôn vinh, lan tỏa nhân cách văn hóa
Phong trào “Người tốt việc tốt, các gương điển hình tiên tiến, tập thể tiên tiến, mô hình hay” là một trong những phong trào có bề dày truyền thống tại huyện Mê Linh nói chung và xã Đại Thịnh nói riêng. Hiện nay, Phong trào tiếp tục được triển khai hiệu quả và sáng tạo. Ủy ban nhân dân xã đã xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục hồ sơ xét tặng danh hiệu “Người tốt việc tốt”, “Gương điển hình tiên tiến”. Đồng thời, tập trung đổi mới công tác phát hiện, bồi dưỡng và khen thưởng “Người tốt việc tốt, các “Gương điển hình tiên tiến”, nhằm khơi dậy và phát huy hiệu quả tinh thần tương thân, tương ái, trách nhiệm với cộng đồng của các tầng lớp người dân.
2.6. Công tác kiểm tra, khen thưởng trong xây dựng MTVH
Trong quá trình xây dựng MTVH ở xã Đại Thịnh công tác thanh tra, kiểm tra, thi đua khen thưởng có vai trò quan trọng. Nội dung công tác thanh tra, kiểm tra, thi đua khen thưởng về VHVN- TDTT, thực hiện quy tắc ứng xử nơi công sở và công cộng; xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa; bảo vệ môi trường sinh thái và xây dựng cảnh quan văn hóa; xây dựng các thiết chế văn hóa.
3. Kết luận
Xây dựng MTVH là nhiệm vụ quan trọng, tạo nên môi trường sống lành mạnh, phong phú với những giá trị văn hóa nhân văn, tiến bộ là nhiệm vụ trọng yếu để bảo tồn các giá trị văn hóa, đáp ứng yêu cầu bền vững đất nước hiện nay. Việc xây dựng MTVH tại xã Đại Thịnh là thực tiễn đáp ứng nhu cầu văn hóa của con người, góp phần tạo ra những không gian văn hóa lành mạnh, con người mới có nhân cách, đạo đức, tri thức, năng lực và bản lĩnh trong quá trình hội nhập đất nước. Không gian MTVH lành mạnh là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và củng cố an ninh quốc phòng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ban chấp hành Đảng bộ xã Đại Thịnh (nhiệm kỳ 2010-2015) (2014), Lịch sử cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Đại Thịnh (1930-2012), Nxb Thời Đại, Hà Nội.
2. Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa xã Đại Thịnh (2015), Báo cáo kết quả 15 năm thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” xã Đại Thịnh, Đại Thịnh .
3. Đinh Thị Vân Chi chủ biên (2015), Những vấn đề lý luận và thực tiễn về đời sống văn hóa, môi trường văn hóa, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
4. Lê Thị Thu Hiền (2019) Giáo trình Đường lối văn hóa của Đảng cộng sản Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội.
5. Đỗ Huy (2002), Xây dựng môi trường văn hóa ở nước ta hiện nay từ góc nhìn giá trị học, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
6. Nguyễn Văn Hy - Phan Văn Tú - Hoàng Sơn Cường, (1998), Quản lý hoạt động văn hóa, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội
7. Bùi Hoài Sơn (2021), “Cơ sở lý luận về môi trường văn hóa và xây dựng môi trường văn hóa”, Kỷ yếu Hội thảo Xác định khái niệm xây.
8. Nguyễn Hữu Thức (2005), Về Văn hóa và xây dựng đời sống văn hóa, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.