Nguyễn Thị Mai Phương
K11 Quản lý văn hóa
Đình làng là một trong những di sản lịch sử văn hóa thuộc loại hình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng quan trọng trong đời sống văn hóa của người Việt. Ngôi đình là nơi dân làng thờ cúng thần thành hoàng làng, có thể có nguồn gốc từ những vị thần tự nhiên, hoặc là những anh hùng dân tộc, hay những người có công xây dựng làng xã...
1. Giới thiệu về Đình Hoàng Xá
Đình Hoàng Xá giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa cộng đồng và sự phát triển văn hóa của thôn Hoàng Xá nói riêng, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa nói chung. Đình là một trong những di sản lịch sử văn hóa thuộc loại hình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân Hoàng Xá. Đình thờ thành hoàng làng là Quý Minh Đại Vương - một trong Tam vị Thánh Tản vào thời cuối thời Vua Hùng. Đình luôn là nơi sinh hoạt văn hóa- xã hội, là một biểu tượng của tính cộng đồng làng xã của người dân Hoàng Xá. Không chỉ là không gian thiêng để thực hiện các nghi lễ tạ ơn các phúc thần, đình còn là nơi hội họp quyết định những công việc lớn nhỏ trong làng. Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội đình Hoàng Xá vẫn giữ được những giá trị di tích lịch sử-văn hóa.
Đình Hoàng Xá thuộc địa phận thôn Hoàng Xá, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Nội được xây dựng từ thế kỷ XVII, đã được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia theo quyết định 313/QĐ/23/4/62. Diện mạo đình hiện nay có thay đổi so với thời kỳ sơ khai vì đã nhiều lần được trùng tu, tôn tạo. Đình thờ thành hoàng làng là Quý Minh Đại Vương - một trong Tam vị Thánh Tản vào thời cuối thời Vua Hùng. Đức thánh Quý Minh Đại Vương, theo truyền thuyết dân gian, là người có công trấn ải Sơn Nam, là một "thượng đẳng thần” được các triều vua ban chiếu sắc phong, được nhân dân khắp nơi thờ phụng. Người dân thờ thành hoàng làng Quý Minh Đại Vương với mong muốn sự sinh sôi, phồn thịnh. Tên đình được lấy theo tên ngôi làng mà nó tọa lạc, đó là Hoàng Xá.
Cổng đình Hoàng xá
2. Những giá trị của đình Hoàng Xá
Giá trị lịch sử
Đình Hoàng Xá vừa là không gian vật chất, vừa là không gian tín ngưỡng, trong đó chứa đựng và lưu giữ các dấu ấn của từng thời kỳ lịch sử phát triển vùng đất và con người ở đây. Nó như một “kho” lưu giữ các thành quả lao động sáng tạo của cộng đồng về văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Sự tồn tại của ngôi đình cũng như một minh chứng lịch sử về quá trình xây dựng, bảo vệ, giữ gìn và phát triển cộng đồng làng- xã, được thấy qua niên đại xây dựng ngôi đình, qua việc ghi chép về những “hiệp thợ” dựng đình hay trùng tu nó, qua nội dung thần sắc kể về công lao của thần thành hoàng làng. Những hình chạm khắc và mô típ trang trí bên trong đình cũng góp phần làm rõ thêm lịch sử nghệ thuật kiến trúc và chạm khắc của người Việt. Tất cả đều là một nguồn sử liệu gián tiếp phản ánh lịch sử phát triển cộng đồng tại thị trấn Vân Đình nói riêng và huyện Ứng Hòa nói chung, góp phần phản ánh sắc thái đa dạng của văn hóa Hà Tây xưa cũng như của vùng châu thổ sông Hồng.
Giá trị kiến trúc- nghệ thuật
Đình Hoàng Xá là một công trình kiến trúc nghệ thuật gần gũi với đời sống văn hóa của một làng quê truyền thống. Đây là một trong những ngôi đình cổ chứa đựng những tri thức dân gian về nghệ thuật kiến trúc và chạm khắc tiêu biểu của cư dân khu vực đồng bằng sông Hồng thế kỉ XVIII.
Cửa đình Hoàng Xá theo hướng Tây Bắc, với thế đất “Tả kỳ hữu kiếm” - nghĩa là bên trái có cờ, bên phải có kiếm, tạo nên sự uy nghiêm của ngôi đình. Cổng chính của đình được xây dựng theo kiểu Nghi môn tứ trụ biểu, câu đối được đắp nổi ở ba mặt trụ. Mặt trụ hướng ra phía ngoài có câu đối.
“新千石民籍美站李冲天容院真 / 七十二祖三凌祭远地大王混”
Phiên âm ra là: Sổ thiên bách tải tinh linh Việt điện xung thiên tung nhạc khí/Thất thập nhị hương trở đậu viêm bang biến địa đại vương phong- nghĩa là: “Sách trời ghi nhạc Việt Thần, Điện, Tông/ Bảy mươi hai tổ tiên đã hy sinh cho vị vua vĩ đại của vùng đất xa xôi”.
Câu đối hai mặt trụ hướng vào nhau là:
“示南国圣人,天下太平,国家和睦/北国精神百亿,国安”
Phiên âm là: Hiển thánh trấn Nam thiên tế thế an bang đồng lợi lạc/Linh thần uy Bắc địa chỉ dân hộ quốc hưởng hòa bình- nghĩa là: “Hiển thị các vị tánh của phía Nam trong thế giới hòa bình/ hòa hợp và hạnh phúc/ Địa linh nhân kiệt, hàng trăm triệu đồng bào được hưởng quốc thái dân an”
Câu đối hướng vào trong đình:
“人间圣德护洪朝日月/ 宇宙的威严和荣耀之神,山河镇”
Phiên âm là: Thánh đức trí nhân dực bảo Hùng triều quang nhật nguyệt/Thần uy đại nghĩa danh thùy vũ trụ trấn Sơn Hà- nghĩa là: “Các vị thánh của con người bảo vệ mặt trời và mặt trăng/ Vị thần uy nghi và vinh quang của vũ trụ, thị trấn Sơn Hà”. Trên đầu trụ biểu có ô lồng đèn, bên trên đắp nổi đôi lân chầu nhau. Hai bên trụ là hai cổng phụ được xây theo kiểu cổng vòm. Bên trên thiết kế mái hai tầng, lợp ngói ống, bốn góc mái tạo hình đao cong. Năm 1995, đình Hoàng Xá được tu sửa và xây thêm hai nhà giải vũ ở hai bên sân đình. Trước kia, đối diện với cổng đình Hoàng Xá là cây cầu chín gian tạo nên một tổng thể không gian đình- cầu hài hòa, trang nghiêm.
Những câu đối trên cổng đình Hoàng Xá
Trước kia, đối diện với cổng đình Hoàng Xá là cây cầu chín gian tạo nên một tổng thể không gian đình- cầu hài hòa, trang nghiêm. Sau một số lần tôn tạo, cầu chín gian đã không còn mà đã thay thế vào đó là khu tưởng niệm Hồ Chủ tịch. Tòa Đại bái của đình có diện tích rộng 200m2, được xây theo kiểu chữ công gồm 3 gian lớn và 2 gian dĩ, được dựng bằng gỗ với các hàng cột to, tròn tạo ra kết cấu bộ khung gỗ vững chắc; các gian bên trước đây được dựng bằng gỗ nhưng sau quá trình tu sửa thì nay đổi thành bốn bệ lát gạch. Trên hai mái hồi được đỡ bởi hệ thống chồng rường đặt trên thanh xà ngang to. Gian giữa là nơi tiến hành các nghi thức và là nơi tụ họp của các bô lão, sinh hoạt cộng đồng. Tòa Hậu cung gồm 1 gian và 2 dĩ có hình vuông. Hậu cung kết cấu 4 lá mái với góc đao cong. Giữa bốn cột cái đặt một sập lớn, bên trên là cỗ khám thờ hình khối hộp vuông được sơn son thếp vàng, trong khám có long ngai bài vị của Thành hoàng Quý Minh. Nằm vuông góc nối liền Hậu cung với Đại bái là tòa nhà Trung cung gồm 3 gian xây dọc có ba tầng cửa võng với trang trí Long chầu Phượng vũ. Phía ngoài tòa Trung cung có các bức hoành phi “Thánh cung vạn tuế”, “Thân tích vô cương” … (Hiện nay các hoành phi và cửa võng này đã không còn). Trên bộ khung của đình có những bức chạm khắc mang giá trị nghệ thuật cao. Giá trị của nó nằm ở cách xây dựng hình tượng, cách bố cục, xử lý không gian, cách diễn tả đường nét, hình mảng, hình khối, các motip trang trí. Trên các ván dong, cánh gà, bức cốn, đầu dư, chồng rường... các nghệ nhân đã thể thiện các đề tài chạm khắc đình làng vô cùng phong phú, được bố cục chặt chẽ, hợp lý, khéo léo và vô cùng tinh tế. Với kết cấu, thủ pháp tạo hình độc đáo, linh hoạt đã khẳng định tay nghề của những nghệ nhân dân gian. Hình ảnh các con vật, tiên nữ, rồng, nhạc công, mây... rất đa dạng. Với đôi tay tài hoa của các nghệ nhân, những nét đục, chạm, khắc khỏe khoắn, dứt khoát nhưng cũng toát lên sự mềm mại, uyển chuyển, hài hòa, thể hiện được những ước vọng của nhân dân thời bấy giờ. Các nghệ nhân đã sử dụng thủ pháp nghệ thuật đồng hiện chạm khắc trên một tấm cốn trong đình làng Hoàng Xá với hình ảnh người cưỡi ngựa ra trận, mây, hình ảnh rồng, voi đi cày thể hiện ước vọng mưa thuận gió hòa, được mùa bội thu. Hình tượng rồng nổi bật với đường nét bờm râu đao mác tua tủa thể hiện sự tôn nghiêm, sức mạnh. Đề tài Long Ly, Long Vân, Độc long... vẫn chiếm đa số. Hình ảnh Rồng được khắc họa với nhiều tư thế khác nhau mang dấu ấn thời Lê Trung Hưng. Hình ảnh mây được diễn tả bằng những vân xoắn rất mềm mại...Hình ảnh, đường nét trong các tác phẩm chạm khắc ở đình Hoàng Xá mang những giá trị nghệ thuật cao.
Một số hình ảnh chạm khắc
Giá trị tín ngưỡng
Theo lời kể của cụ Đặng Đình Thiêm- một nhà giáo, người ghi lại sử sách trong làng: Truyền thuyết vào đời Hùng Vương thứ 18, Hùng Duệ Vương là một vị vua cuối cùng của nước Văn Lang. Trong một gia đình có hai anh em sống ở động Lăng Xương, phủ Gia Hưng, đạo Sơn Tây; người anh là Nguyễn Cao Hành, người em là Nguyễn Ban. Hai ông đã cao tuổi mà vẫn chưa có con nối dõi. Hai ông rất buồn phiền nên đã than thở tâm sự cùng nhau và quyết định cùng nhau phân phát của cải trong ngày giỗ tổ để làm phúc, tích đức cầu có được người thừa tự. Mấy năm sau, vào một ngày mùa xuân hai ông lên thăm núi Tản Lĩnh. Ở đây hai ông đã gặp một Tiên lão và trút bầu tâm sự. Tiên lão đã bảo hai ông táng phần mộ tổ lên núi Thu Tinh. Với sự giúp đỡ của Tiên lão, hai ông đã làm theo và quả thật một năm sau hai bà vợ đều mang thai. Ông bà Nguyễn Cao Hành sinh được một người con trai đặt tên là Tuấn. Ông bà Nguyễn Ban sinh đôi hai trai to khỏe, dáng mạo kỳ khôi đặt tên là Sùng và Hiển. Nguyễn Hiển sau này có công giúp nước và được lập đình thờ khi Ngài hóa thân thành Đức Thánh Quý Minh Đại Vương. Ngài là một "thượng đẳng thần", được các nhà vua qua nhiều triều đại ban sắc phong.
Cụ Đặng Đình Thiêm
Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng cũng như ghi chép của cụ Đặng Đình Thiêm kể về thục lệ của làng trước năm 1945 thì vào giữa đêm 23 tháng chạp hàng năm các vị cao niên cùng đội tuần đinh tổ chức rước Thành hoàng từ quán về đình. Vì đêm khuya, trời tối chỉ có đuốc dẫn đường kèm theo vào đó là tiếng tù và khiến người dân sợ không dám ra đường. Hôm 24 tháng chạp diễn ra lễ thay áo mã thờ tại đình Hoàng Xá. Đến ngày rằm tháng giêng lễ tế Thành hoàng được tổ chức với mong muốn ngài che chở, mong mưa thuận gió hòa. Thành hoàng sẽ ngự tại đình gần hết tháng giêng, dân làng chọn ngày tốt rước ngài về quán. Trong ngày này, dân làng mở hội, tổ chức tễ lễ, làm cỗ và chia xuất theo đinh. Ngày nay, sau những thay đổi của cuộc sống, lệ làng xưa cũng đã khác. Hàng năm, cứ đến ngày rằm tháng giêng làng Hoàng Xá, huyện Ứng Hòa, thị trấn Vân Đình lại long trọng tổ chức lễ hội Đức Thượng Đẳng Thành Hoàng làng. Chính hội làng được tổ chức vào ngày 15 tháng giêng, nhưng từ chiều ngày 14 Ban tổ chức lễ hội của làng cùng các cụ hội người cao tuổi đã thành kính làm Lễ Yết thần thành hoàng làng ở đình. Làng có tục, 3 năm mới tổ chức lễ rước- hội lớn, hàng năm chỉ làm hội lệ trong ngày 15 tháng giêng, nhưng các trò chơi thì năm nào cũng được tổ chức. Lễ hội được tổ chức nhằm cầu ước mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống bình an và cũng thể hiện sự đoàn kết toàn dân. Song song với phần lễ là phần hội diễn ra hết sức sôi động với các điệu hát quan họ, ca trù diễn ra tại sân đình hay ở ao sen của làng... Các trò chơi dân gian đặc sắc như: cờ người, kéo co, bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt vịt...
Một số hình ảnh sinh hoạt văn hóa tại đình Hoàng Xá
3. Kết luận
Tổng thể kiến trúc- nghệ thuật đình Hoàng Xá là những tác phẩm tài hoa của các nghệ nhân thời xưa, vừa mang nét kiến trúc độc đáo, đồng thời lại hòa đồng, gần gũi với đời sống của người dân. Những hình chạm khắc gần gũi, gắn liền với những sinh hoạt hàng ngày phản ánh đời sống xã hội, phong tục tập quán, hội hè, tín ngưỡng của dân làng. Đây cũng là nơi thể hiện sự linh thiêng của tín ngưỡng thờ thần phù trợ cộng đồng, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân. Đình không chỉ là nơi thờ Thành hoàng làng mà còn là nơi diễn ra những hoạt động văn hóa cộng đồng. Qua lịch sử hình thành và tồn tại của di tích, trải qua thời gian, đình Hoàng Xá đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, tụ hội đủ các chức năng của thiết chế văn hóa làng xã mà cao nhất là lễ hội đình Hoàng Xá đã đóng vai trò kết nối công đồng nhân dân với nhau. Trải qua chặng đường dài của lịch sử hình thành và phát triển của cộng đồng và theo tháng năm, đình Hoàng Xá đã đóng vai trò kết nối cộng đồng nhân dân trong và ngoài vùng, mang nét văn hóa riêng.
Hiện nay, Việt Nam đang trong thời kì phát triển khoa học kĩ thuật và hội nhập văn hóa với thế giới, tri thức con người ngày càng phát triển đã thúc đẩy phát triển văn hóa xã hội, có thể làm cho mọi người nhận thức sâu sắc hơn về giá trị của văn hóa trong quá khứ qua các di tích lịch sử văn hóa nói chung và di tích đình Hoàng Xá nói riêng. Qua đó, việc tìm hiểu, nghiên cứu các giá trị đó giúp chúng ta nâng cao hiểu biết, trau dồi đạo đức, niềm tự hào dân tộc, hướng về cội nguồn dân tộc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ban tuyên giáo tỉnh Hà Tây (2004), Lịch sử tỉnh Hà Tây 1930- 2010, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
2. Trần Lâm Biền (2013), “Đình làng Việt (Châu Thổ Bắc Bộ)”, Nxb Hồng Đức, Hà Nội.
3. Nguyễn Vĩnh Phúc, Nguyễn Duy Hinh (2005), Thần tích Hà Nội và tín ngưỡng thị dân, Nxb Hà Nội.
4. Hà Văn Tấn (1998), Đình Việt Nam, Nxb Tổng hợp, Hà Nội.
5. Đặng Văn Tu, Nguyễn Tá Nhí (2007), Địa Chí Hà Tây, Sở Văn hóa - thông tin Hà Tây.