Nguyễn Thị Thuý
Học viên K15 – LL & PPDH Âm nhạc
\
Ngày nay xã hội có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực, người dân, đặc biệt ở các thị trấn thành phố đã nhận thức được vai trò quan trọng của âm nhạc đối với việc đào tạo và xây dựng con người mới trong xã hội hiện đại. Vì thế, không ít phụ huynh muốn cho con mình theo học một môn học nghệ thuật nào đó như múa, guitar, đàn phím điện tử... trong đó piano là bộ môn được quan tâm hơn cả. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau dẫn đến việc dạy học piano cho học sinh (HS) Trung tâm Năng khiếu Âu Cơ còn gặp không ít khó khăn. Bài viết này xin được đề cập đến vấn đề vận dụng một số phương pháp tích cực vào dạy học piano cho HS tại Trung tâm Năng khiếu Âu Cơ.
1. Phương pháp dạy học giải quyết vấn đề
Đây là phương pháp đang được sử dụng và mang lại hiệu quả nhất định trong dạy học piano cho HS tại Trung tâm. Phương pháp này được áp dụng ngay vào những bài học mới trong tiến trình dạy học, không chỉ dạy học lý thuyết mà còn áp dụng vào dạy đọc nhạc và luyện tập thực hành piano. Phương pháp giải quyết vấn đề sẽ tạo điều kiện cho HS tự phát triển được năng lực của bản thân, giúp các em phát hiện vấn đề, tăng tính tự giác, tích cực, chủ động, sáng tạo để giải quyết vấn đề, thông qua đó HS chính lĩnh được kiến thức về kỹ năng học piano.
Chẳng hạn với lý thuyết, trường hợp giới thiệu về khuông nhạc, có thể đưa ra các câu hỏi: Khuông nhạc gồm bao nhiều dòng kẻ? Khuông nhạc có mấy khe?... Cách đặt vấn đề thông qua câu hỏi như vậy, đòi hỏi HS phải động não, tư duy, huy động kiến thức đã học và bằng trực quan để tập trung vào trả lời. Trong các câu hỏi, HS trả lời đúng GV sẽ có những lời khen ngợi, động viên; trường hợp trả lời chưa đúng hoặc sai, GV phải gợi mở để HS phát huy được năng lực giúp giải quyết tốt vấn đề đặt ra.
Sau khi HS trả lời câu hỏi, GV trình chiếu hoặc cho xem khuông nhạc có trong sách, chỉ dẫn, giải thích trực tiếp để các em cảm nhận tốt hơn thông qua trực quan.
Ví dụ 1:
Dòng kẻ nhạc Khe nhạc
Khóa nhạc
Tương tự với phần dạy lý thuyết ở phần đọc nhạc, GV nêu câu hỏi thông qua bài thực hành. Chẳng hạn, khi thực hành bài The flat sign, yêu cầu HS quan sát toàn bài, sau đó đặt một số câu hỏi: bài sử dụng nhịp gì? Có mấy loại khoa nhạc? có những trường độ nào trong giai điệu của bài? các nốt nhạc có gì đặc biệt? hãy đọc tên các nốt nhạc trong bài?...
Ví dụ 2:
[Trích]
Sau khi HS trả lời, để củng cố và cung cấp thêm kiến thức cho HS, GV có thể đưa ra đáp án cho các câu hỏi.
Đặt ra những câu hỏi như vậy, ngoài tác dụng giúp HS củng cố lại phần lý thuyết đã học, còn phát huy được tính chủ động và tích cực của HS khi tập bài thực hành. Đây cũng là một trong những cách thức gợi mở để giúp HS phát huy năng lực trong học tập.
2. Phương pháp thực hành luyện tập
Thực hành luyện tập là một trong những phương pháp không thể thiếu trong dạy học piano. HS cần rèn luyện, thực hành liên tục, từ lúc vỡ bài cho đến khi hoàn thành tiểu phẩm, ca khúc..., thậm chí sau khi hoàn thành xong vẫn cần luyện tập. Qua thực hành luyện tập, HS cảm thụ được những kiến thức, hiểu được về nhịp điệu, tiết tấu, sắc thái... có trong bài.
Thực hành luyện tập đồng thời là một trong những khâu có vai trò quan trọng trong dạy học piano. Thực hành luyện tập diễn ra theo các bước: làm mẫu - thực hành - luyện tập, GV cũng có thể thực hiện đan xen đến khi hoàn thiện tiểu phẩm, ca khúc, bài tập đó. Ban đầu HS chưa thể thực hiện được kỹ thuật nào đó có trong bài, hoặc chơi sai giai điệu, chưa đúng tiết tấu... Thông qua việc GV phải làm mẫu, hướng dẫn thực hành, luyện tập, HS sẽ có thể tự điều chỉnh được, khắc phục được những lỗi sai và thực hiện đúng yêu cầu. Trước khi vào tiết học, GV cần đặt ra những mục tiêu, yêu cầu cụ thể để HS nắm rõ được việc mình cần phải thực hiện, và trên cơ sở đó GV lựa chọn các phương pháp dạy học cho phù hợp. Việc cho HS thực hành luyện tập cũng cần dựa trên mục tiêu đã xây dựng, để có những hình thức luyện tập và mức độ luyện tập cho phù hợp.
Chẳng hạn, khi dạy xong bài Nhật ký của mẹ của Nguyễn Đức Chung, sẽ tổ chức thực hành bằng nhiều hình thức khác nhau như độc tấu, song tấu, đồng diễn giữa GV với HS hoặc giữa HS với HS. Đối với HS mới học piano, việc đọc đi, đọc lại một số nốt nhạc cơ bản và thực hiện trên đàn một cách liên tục cũng là một hình thức thực hành luyện tập. Chẳng hạn như bài The Train trong cuốn John Thompson’n, HS được làm quen với nốt Đô, Rê, hai nốt này được viết ở các hình nốt tròn, trắng và đen.
Ví dụ 3:
[Trích]
Việc thực hành liên tục hai nốt như vậy, sẽ giúp HS có phản xạ nhanh trong việc đọc nốt và thực hiện lại trên đàn một cách thuần thục.
Cũng có thể áp dụng phương pháp thực hành luyện tập vào quy trình kiểm tra bài cũ, để đánh giá được mức độ tập luyện bài ở nhà của HS. Trong quá trình thực hiện luyện tập, yêu cầu HS cần thực hiện trôi chảy từng đoạn và tập luyện liên tục cho tới khi không bị vấp, điều này sẽ tạo thói quen cho HS hình thành các kỹ năng trước khi trình bày một tiểu phẩm, ca khúc... một cách hoàn chỉnh và độc lập.
Đặc thù là bộ môn tự chọn là không được học thường xuyên, nên việc tạo thói quen và nề nếp tập luyện thực hành trên lớp, hay ở nhà là việc cần thiết. Ngoài giờ học GV cần có kết nối với phụ huynh HS để có những hướng dẫn, yêu cầu, phương hướng cụ thể khi tập luyện bài ở nhà, tạo cho các em thói quen tự giác, chăm chỉ trong việc tự học để đạt được hiệu quả hơn. Do đặc điểm tâm sinh lý, ở lứa tuổi này HS chưa có ý thức tự giác tập luyện. Để đạt được hiệu quả tối ưu trong phương pháp thực hành luyện tập, ngoài việc truyền thụ kiến thức, niềm yêu thích môn học, thì GV cần khơi dậy và tạo sự hứng thú cho các em trong mỗi giờ học.
3. Phương pháp trình bày tác phẩm
Trong dạy học âm nhac, phương pháp trình bày tác phẩm dùng để làm mẫu hay hát mẫu. Mục đích là diễn tả lại một cách chuẩn xác về giai điệu, tiết tấu, nội dung, sắc thái cần đạt để HS cảm nhận và thực hiện theo. Trong dạy học piano, phương pháp trình bày tác phẩm là GV đàn mẫu cho HS nghe tác phẩm sắp được học. HS sẽ hình dung và có cảm nhận ban đầu về tiểu phẩm, tác phẩm. Với phương pháp này, GV cần chuẩn bị kỹ lưỡng, nắm chắc nội dung cần đạt được của tác phẩm để thể hiện thật chính xác và tạo ấn tượng cho HS. GV có thể trình bày toàn bộ tác phẩm trước khi vào bài học để làm mẫu/thị phạm, hoặc trong quá trình dạy học và hướng dẫn thực hành khi HS bị mắc lỗi, gặp khó khăn (tiết tấu khó, chưa thể hiện đúng sắc thái cần đạt trong tác phẩm) thì GV có thể đàn một câu nhạc hay nét nhạc ngắn nào đó để giúp HS lưu ý và thực hiện cho chính xác hơn.
Chẳng hạn, khi dạy chương 3 - Sonatine, Op.36.No.1 của Muzio Clementi, GV cần làm mẫu cả bài, thể hiện đúng tính chất vui tươi, nhip độ nhanh để cho HS có thể hiểu và nắm được nội dung chung của toàn bài, đồng thời khơi gợi hứng thú và yêu thích cho HS. Trong quá trình dạy, đối với những câu nhạc khó thì GV cần làm mẫu nhiều lần và từng câu một. Như ở câu 1, GV cần thể hiện sắc thái (p) với âm lượng nhỏ, nhẹ nhàng; câu 2, GV cần thể hiện sắc thái (f), với âm lượng to hơn, mạnh hơn, giúp HS có thể cảm nhận được sự giống và khác nhau về tiết tấu và giai điệu, sắc thái giữa hai câu.
Ví dụ 4:
[Trích ]
Như vậy, phương pháp này rất phù hợp đối với HS khi học piano, bởi nó giúp HS nắm chắc được tinh thần chung của tác phẩm, đồng thời giúp các em hạn chế mắc lỗi trong quá trình học và thực hành luyện tập. Không chỉ vậy, thông qua việc nghe các tác phẩm mà GV trình bày, HS còn hình thành được năng lực cảm thụ âm nhạc (là một trong những năng lực đặc thù của môn âm nhạc năm 2018).
4. Phương pháp trò chơi
Để tạo không khí học tập thoải mái và tạo động lực cho HS trong mỗi tiết học, chúng tôi đã áp dụng phương pháp trò chơi vào trong dạy học. Với phương pháp này, sẽ phát huy tính tích cực hào hứng của HS trong quá trình học tập.
Thực tế cho thấy, trong 1 tiết học nếu GV biết sắp xếp thời gian hợp lý để tổ chức trò chơi cho HS thì sẽ thu hút được việc học của các em. Đối với bộ môn piano có đặc thù chủ yếu là thực hành, vì thế GV cần phải biết chọn và tổ chức trò chơi sao cho phù hợp với từng bài học cụ thể. Qua đó, muốn tiến hành trò chơi có kết quả, tạo được sự chú ý, hào hứng cho HS, đồng thời còn có tác dụng giáo dục, giải trí, thư giãn và ứng dụng nội dung bài học. GV cần thực hiện theo các bước:
Chọn trò chơi; chuẩn bị những kiến thức cần hỏi và nội dung trò chơi; giới thiệu và giải thích trò chơi; điều khiển trò chơi, nhận xét, đánh giá.
Với phương pháp này chúng tôi sẽ áp dụng sau phần hoàn thiện bài, như: phần luyện tập gam, etude hoặc các bài tập về Hanon, để nhằm mục đích tạo cho các em hứng thú hơn và yêu thích hơn về luyện ngón.
Chẳng hạn, với bài tập Etude số 11, chúng tôi đưa thể lệ chơi như sau:
HS có tối đa 5 phút để trình bày Etude này, mỗi HS không vấp tối đa quá 3 lần và chơi theo thứ tự lần lượt. Trong quá trình chơi, GV đặt máy đếm nhịp để đo tốc độ mà HS hoàn thành được, HS nào chơi với tốc độ nhanh nhất, hoàn thành bài sớm và mắc ít lỗi nhất sẽ là người chiến thắng. Hoặc cũng là Etude đó những chơi với một cách khác, chẳng hạn: GV cho toàn bộ HS chơi cùng nhau và đặt máy đếm nhịp với tốc độ mà GV yêu cầu (có thể từ chậm đến nhanh dần), HS có nhiệm vụ chơi từ đầu tới cuối mà không mắc lỗi hoặc không dừng lại sẽ là người chiến thắng. Đối với những trò chơi này, GV chỉ tổ chức sau khi HS đã hoàn thiện và thuộc bài nhuần nhuyễn để đảm bảo trò chơi diễn ra thuận lợi và đạt hiệu quả cao.
KẾT LUẬN
Tóm lại có rất nhiều phương pháp dạy học khác nhau và những cách tiếp cận khác nhau, mỗi GV sẽ có những kinh nghiệm riêng của mình để xác định những phương hướng đó, trên đây là một số phương pháp mà chúng tôi đề xuất đưa vào nhằm nâng cao chất lượng dạy học piano cho HS tại Trung tâm Năng khiếu Âu Cơ. Việc phối hợp các phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng dạy học cần có sự linh hoạt và chủ động, đặc biệt là biết kết hợp và vận dụng phù hợp cho từng đối tượng HS, để phát huy hết khả năng, năng lực của các em và mang lại kết quả nhất định trong dạy học piano nói chung.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Nguyễn Minh Anh (2008), Sự phát triển nghệ thuật piano Việt Nam, luận án Tiến sĩ Nghệ thuật học, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Hà Nội.
- Nguyễn Lăng Bình (Chủ biên), Đỗ Hương Trà (2021), Dạy và học tích cực - Một số phương pháp và kỹ thuật dạy học, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội
- Nguyễn Văn Cường, Bernd Meier, (2012), Lý luận dạy học hiện đại, một số vấn đề về đổi mới phương pháp dạy học, Đại học Postdam, Cộng hòa liên ban Đức, Postdam - Hà Nội.
- Lê Dũng (2001), Piano cho thiếu nhi phần 1,2,3, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
- Hoàng Dũng - Ngô Ngọc Thắng (2008) dịch và chú giải, Methode Rose, Nxb Đà Nẵng.
- Ngô Nam (1994), Phương pháp dạy học âm nhạc, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội.