Học viên: Hoàng Ngọc Nhung
K8. LL&PP DH MỸ THUẬT
Trong quá trình dạy học bộ môn mỹ thuật, phát huy tính tích cực của học sinh là nhu cầu cần thiết. Có nhiều phương pháp để giáo viên sử dụng để phát huy tính tích cực của học sinh, nhưng sử dụng phương pháp nào để mang lại hiệu quả cao và tạo hứng thú cho người học đó là điều mà giáo viên phải cân nhắc và lựa chọn để đưa vào giảng dạy. Phương pháp dạy học theo dự án là một phương pháp dạy học đáp ứng được tối đa những điều kiện để phát triển phương pháp dạy học tích cực cho bộ môn mỹ thuật.
Nhiệm vụ trong mỗi dự án sẽ được học sinh thực hiện với tinh thần tự giác, tự học hay nói chung là tinh thần tự giác cao trong toàn bộ quá trình học tập. Tinh thần tự giác của học sinh sẽ bắt đầu từ ngay những bước đầu thực hiện dự án, từ việc xác định mục đích của dự án, lập kế hoạch thực hiện dự án, đến việc thực hiện dự án, kiểm tra, điều chỉnh, đánh giá quá trình và kết quả thực hiện. Học tập theo dự án không chỉ đánh giá cao tinh thần trách nhiệm cá nhân mà cả cách làm việc theo nhóm cũng được tổ chức rất tốt và là hình thức cơ bản của dạy học dự án.
Khi áp dụng phương pháp dạy học dự án trong trường Phổ thông Song ngữ Liên cấp Wellspring, mỗi bài học, chủ đề sẽ được thực hiện theo các nguyên tắc như sau:
1. Đảm bảo mục tiêu của môn học
Để thực hiện dạy học theo phương pháp dự án điều đầu tiên phải đảm bảo mục tiêu của môn học. Đây là nguyên tắc nhất quán và xuyên suốt trong toàn bộ quá trình dạy học kể cả dạy học theo hướng tích cực nói chung và theo dự án nói riêng. Mục tiêu này được quy định rõ trong chương trình môn học vì vậy giáo viên cần xác định rõ và thực hiện theo chuẩn kiến thức, kỹ năng và thái độ. Cụ thể như sau:
Mục tiêu về kiến thức: Chủ đề, nội dung của dự án phải nằm trong nội dung của môn học. Nhiệm vụ học tập cần phải phù hợp với mức độ nhận thức, phù hợp với lứa tuổi và phù hợp với sự phát triển của học sinh. Học sinh được lựa chọn và được tạo điều kiện để xây dựng kế hoạch học tập theo dự án. Nhiệm vụ học tập cần rõ ràng, không mơ hồ. Khuyến khích học sinh giúp đỡ nhau, tạo điều kiện để học sinh tham gia và trao đổi về nhiệm vụ học tập.
Mục tiêu về kỹ năng: Trên cơ sở chiếm lĩnh được tri thức của bài học, học sinh đưa những kiến thức từ sách vở áp dụng vào thực tế. Trong khuôn khổ nhất định, học sinh được tự do xác định quá trình thực hiện và xác định giá trị của sản phẩm.
Mục tiêu về thái độ: Xác định rõ thái độ cần hình thành cho học sinh thông qua các hoạt động dạy học dự án tại trường Phổ thông Song ngữ Liên cấp Wellspring. Nghiên cứu toàn bộ chương trình để đưa ra những định hướng phù hợp.
2. Đảm bảo phù hợp với mức độ nhận thức và phát triển của học sinh
Trong phương pháp dạy học theo dự án, mỗi một học sinh sẽ được giao một nhiệm vụ nhất định để cùng thực hiện mục tiêu của dự án. Và nhiệm vụ học tập này cần phải phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh. Nhiệm vụ học tập cần phân hóa theo cấp độ học tập, trình độ phát triển, khả năng khác nhau của mỗi học sinh. Nhiệm vụ học tập cần được thỏa thuận rõ ràng về yêu cầu của giáo viên với học sinh. Nhiệm vụ học tập cần rõ ràng, không mơ hồ. Khuyến khích học sinh giúp đỡ nhau, tạo điều kiện để học sinh tham gia và trao đổi về nhiệm vụ học tập.
Nhiệm vụ học tập trong dự án cũng phải gắn liền các mối quan tâm của học sinh với thế giới xung quanh. Tận dụng mọi cơ hội để học sinh tiếp xúc với thực tế, các tình huống thực của cuộc sống. Giáo viên có thể sử dụng video, tranh ảnh để đưa học sinh gần gũi với thực tế hơn để giúp học sinh thực hiện nhiệm vụ tốt hơn, khai thác các vấn đề vượt ra ngoài giới hạn của môn học.
Trong thời gian tham gia dự án, hạn chế tối đa thời gian chết, thời gian chờ đợi. Tạo ra các thời điểm hoạt động và trải nghiệm liên tục, tích cực cho mỗi nhóm/ học sinh. Thay đổi xen kẽ các nhiệm vụ và hoạt động học tập. Đảm bảo sự hỗ trợ đúng mức đúng thời điểm.
3. Đảm bảo tinh thần học tập thoải mái
Học sinh được lựa chọn và được tạo điều kiện tham gia các hoạt động theo sở thích. Học sinh được tham gia đánh giá cũng như xây dựng kế hoạch học tập theo dự án. Trong khuôn khổ một số nhiệm vụ nhất định, học sinh được khuyến khích tự do xác định quá trình thực hiện và xách định giá trị của sản phẩm. Học sinh được tạo điều kiện tham gia vào các hoạt động học tập.
Tinh thần học tập khi tới trường của học sinh cũng rất cần được quan tâm. Cảm giác khi học sinh học tập tại trường mà có cảm giác như được ở nhà. Được quan tâm, được tự do thể hiện bản thân. Biết rõ bản thân có thể mắc lỗi và biết sửa lỗi là yếu tố mang lại tiến bộ và sự phát thiển. Sự hỗ trợ tích cực từ phía nhà trường, từ giáo viên là rất cần thiết khi cho học sinh khi các em có khoảng thời gian dài ở trường.
Sự quan tâm, chia sẻ tạo ra một cộng đồng gắn kết chắc chắn cũng sẽ mang đến những năng lượng tích cực và cảm giác thoải mái khi làm việc với nhau. Ngoài việc truyền tải kiến thức, giáo viên thực sự quan tâm đến hoàn cảnh, sở thích, tính cách của học sinh thì công việc giảng dạy sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Văn hóa gia đình đóng vai trò quan trọng trong cộng đồng học tập. Trên quan điểm này chúng ta thấy rằng trường học như một phần mở rộng của gia đình, do đó cần rút ngắn khoảng cách giữa nhà trường và gia đình. Khuyến khích sự tham gia của phụ huynh trong các hoạt động học tập của học sinh.
Hình thức tổ chức dạy học cũng là điều kiện giúp học sinh có được cảm giác thoải mái khi học tập. Học sinh được học tập phù hợp với nhu cầu của mình, sự cở mở tạo ra một môi trường tích cực, không chán nản không lo âu. Sự tự tin và khả năng thể hiện bản thân giúp học sinh có tiếng nói riêng của mình, bảo vệ lẽ phải, coi trọng bản thân và tôn trọng những người xung quanh. Giáo viên cần thiết kế lên kế hoạch hoạt động học tập sáng tạo, linh hoạt phù hợp với hoàn cảnh tạo ra nhiều không gian và điều kiện để kích thích sự tham gia học tập tích cực của học sinh, đem đến niềm vui và hứng thú trong học tập.
Những định hướng này sẽ làm thay đổi tư duy của người dạy và thay đổi thái độ học tập tiếp thu kiến thức của người học. Tạo ra một môi trường học tập lý tưởng mà ở đó người học là trung tâm.
4. Đảm bảo tính thực tiễn
Việc sử dụng phương pháp dạy học dự án trong dạy học bộ môn mỹ thuật tại trường Phổ thông Song ngữ Liên cấp Wellspring cần đảm bảo tính thực tiễn. Nội dung, nhiệm vụ học tập trong dự án phải gắn liền các mối quan tâm của học sinh với thế giới xung quanh. Dạy học trong nhà trường phải gắn liền với xã hội. Tận dụng mọi cơ hội để học sinh tiếp xúc với thực tế, các tình huống thực của cuộc sống. Cần xác định chính xác giá trị thực tiễn của các kiến thức trong nội dung của từng bài, từng chủ đề để xây dựng kế hoạch dạy học dự án cho tương ứng. Đảm bảo với thực tiễn cũng như đảm bảo quy trình dạy học phải theo nguyên tắc việc học đi đôi với hành, lý thuyết gắn liền với thực tế.
Trong quá trình vận dụng phương pháp dạy học dự án, giáo viên cần làm rõ được ý nghĩa thực tiễn của tri thức khoa học để người học lĩnh hội được kiến thức môn học và có thể vận dụng vào thực tiễn trong đời sống. Vì vậy khi xây dựng chương trình học cần xác định rõ nhiệm vụ HS cả về kiến thức cần lĩnh hội và cả việc vận dụng kiến thức đó vào thực tế.
Để đảm bảo nguyên tắc tính thực tiễn khi vận dụng phương pháp dạy học dự án tại trường Phổ thông Song ngữ Liên cấp Wellspring Hà Nội đòi hỏi người giáo viên cần đảm bảo được các yếu tố cơ bản như sau:
Dựa vào điều kiện cơ sở vật chất thực tế để triển khai phương pháp dạy học theo dự án. Điều kiện cơ sở vật chất của trường đáp ứng đầy đủ để học sinh có thể phát triển theo phương pháp học dự án. Giáo viên cần chú trọng đến cách thức giao nhiệm vụ, chia nhóm và phân công nhiệm vụ phù hợp với đối tượng học sinh.
Ngoài ra người giáo viên cần xác định giá trị thực tiễn trong kiến thức của bộ môn để xây dựng chủ đề cho dự án. Trong quá trình vận dụng phương pháp dạy học theo dự án cần làm rõ được ý nghĩa thực tiễn của kiến thức để học sinh có thể lĩnh hội được đúng và đủ những kiến thức đó và có thể vận dụng những kiến thức đó áp dụng vào thực tiễn trong cuộc sống của chính bản thân mình. Nhiệm vụ của người học cần được xác định rõ rang cả về kiến thức cần lĩnh hội và việc vận dụng kiến thức đó vào thực tế của đời sống.
Khi xây dựng kịch bản cho dự án, giáo viên cần xây dựng các tình huống, trường hợp cụ thể để học sinh giải quyết dựa trên năng lực của mình. Vì vậy nhiệm vụ cần được xây dựng phù hợp với đặc điểm và trình độ nhận thức của học sinh, không quá khó cũng không quá dễ dàng.
5. Đảm bảo phát huy được tính tích cực, tự giác của học sinh
Khi tham gia vào quá trình học tập theo dự án, học sinh là đối tượng chính của hoạt động dạy học, là chủ thể của quá trình nhận thức, chủ thể của tri thức, hoạt động theo mục tiêu đã đề ra. Trong dạy học dự án HS tự học, tự làm việc với nhau, GV là người hỗ trợ và kiểm soát chung cho cả quá trình. HS tự giải quyết nhiệm vụ học tập mang tính phức hợp không chỉ về mặt lý thuyết mà đặc biệt là giải quyết trên cơ sở thực tế, thực hành, vận dụng kiến thức đã học vào thực tế.
Chính vì vậy khi tổ chức hoạt động dạy học theo dự án giáo viên cần đảm bảo sự phát huy cao độ tính tự giác của học sinh. Học sinh chủ động, tích cực, độc lập trong quá trình lĩnh hội kiến thức dưới sự hướng dẫn, đồng hành của giáo viên. Quá trình học tập diễn ra theo hoạt động nhóm, người học ý thức được đầy đủ mục đích, nhiệm vụ của mình từ đó nỗ lực cùng các thành viên khác trong nhóm để giải quyết nhiệm vụ chung của cả đội. Đó chính là sự tích cực tư duy, tích cực tìm tòi, sáng tạo của học sinh để giải quyết vấn đề.
6. Đảm bảo quy trình dạy học theo dự án
Học theo dự án có thể thực hiện theo 3 bước như sau:
Bước 1: Lập kế hoạch
Giáo viên cần cho học sinh cùng tham gia để cùng xác định các nhiệm vụ như sau:
- Lựa chọn chủ đề.
- Xác định mục tiêu cần đạt được.
- Xác định nhiệm vụ cần làm.
- Dự kiến sản phẩm.
- Cách triển khai để hoàn thành dự án.
- Thời gian thực hiện và hoàn thành dự án.
Trong bước này phân công và thống nhất nhiệm vụ của từng nhóm, từng cá nhân HS. Thống nhất về thời gian hoàn thành từng giai đoạn. Thống nhất về lịch làm việc nhóm, có thể online, ofline, có thể trong giờ và ngoại khóa… Học sinh sẽ tìm hiểu về các vấn đề cần được giải quyết, những thắc mắc và cùng giải quyết những câu hỏi sẽ được đưa ra.
Giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh lập sơ đồ tư duy để thực hiện những chủ để nhỏ của từng nhóm, xác định các vấn đề cần nghiên cứu. Lập kế hoạch chi tiết trên Excel hoặc Word để trưởng nhóm và giáo viên cùng theo dõi.
Bước 2: Thực hiện dự án
Thu thập thông tin: Học sinh sẽ bắt đầu đi tìm câu trả lời cho các câu hỏi nghiên cứu. Việc thu thập thông tin được tiến hành theo nhiệm vụ được phân công: nghiên cứu tài liệu trong thư viện, nghiên cứu tài liệu qua internet, khảo sát thực tế, phỏng vấn, gặp gỡ chuyên gia, tìm hiểu và khám phá từ các tư liệu nguồn khác nhau. Giáo viên đóng vai trò hỗ trợ để học sinh có thể khai thác sâu các yếu tố cho dự án, giúp học sinh có những bước đi sâu và nghiêm túc khi tham gia dự án.
Xử lý thông tin: Sau khi thu thập được thông tin từ các nguồn khác nhau, học sinh bắt đầu xử lý các tài liệu thu thập được. Đây có thể coi là bước phát triển. Học sinh sẽ kết hợp những thông tin đơn lẻ để có cái nhìn tổng quát về vấn đề đã khám phá và tìm hiểu. Các bước sẽ được thực hiện tuần tự: Học sinh tiếp cận thông tin, làm rõ các thông tin và tái tạo lại những gì đã trải nghiệm sau đó sẽ cá nhân hóa thông tin đó. Thông tin được tổng hợp có thể là báo cáo trên giấy tờ, báo cáo bằng tranh ảnh, video hoặc các dạng sản phẩm sáng tạo khác.
Bước 3: Tổng hợp và báo cáo kết quả
Bước cuối cùng là đánh giá kết quả cho cả quá trình học tập. Học sinh tự rút ra những bài học, kinh nghiệm sau khi hoàn thành dự án. Đánh giá dựa trên cơ sở mục tiêu định hướng ban đầu, đánh giá mang tính xây dựng tích cực giúp nhau tiến bộ.
Giáo viên chốt lại cuối cùng, chỉ ra những ưu điểm cần phát huy và những gì học sinh cần cố gắng hơn nữa. Có khen thưởng cho cá nhân hoặc nhóm tinh thần xuất sắc trong cả quá trình chứ không chỉ đánh giá dựa vào kết quả cuối cùng.
Kết luận
Học sinh là chủ thể của mọi hoạt động, học sinh có thể làm chủ, tự chiếm lĩnh kiến thức. Phương pháp dạy học theo dự án lấy sự chủ động tìm tòi, sáng tạo, tư duy của học sinh làm nền tảng. Hoạt động của học sinh gồm các hoạt động với tư liệu dạy học, sự trao đổi, tranh luận với bạn bè và trao đổi với giáo viên trong quá trình tiếp thu bài học.
Giáo viên có vai trò tổ chức, kiểm tra định hướng hoạt động hoạc tập của học sinh một cách hợp lý. Giáo viên sẽ không truyền đạt hết thông tin mà chỉ giúp học sinh tìm tòi và khám phá kiến thức. Giáo viên cùng học sinh thảo luận đưa ra được chủ đề cần giải quyết. Trong phương pháp dạy học theo dự án đòi hỏi giáo viên phải có trình độ chuyên môn tốt, nhiệt tình, chủ động và linh hoạt trong quá trình giảng dạy.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Lê Thị Phương Thảo (2004), Bài giảng bồi dưỡng dạy học dự án, Chương trình Intel – Dạy học hướng tới tương lai.
- Nguyễn Quốc Toản (chủ biên), Hoàng Kim Tiến (2007), Phương pháp dạy – học Mỹ thuật, Nxb Đại học SP Hà Nội.
- Đỗ Hương Trà (2007), “Dạy học dự án và tiến trình thực hiện”, Tạp trí Giáo dục, số 157
- Viện IRED tuyển chọn và giới thiệu (20012), John Dewey về Giáo dục, Nxb Trẻ.