Tin tức

"Đại học" hay "trường đại học": Vấn đề nằm ở năng lực quản trị, mức độ tự chủ

09 Tháng Hai 2023

GDVN- Cần phải rà soát, quy định cụ thể hơn để có sự thống nhất trong cách gọi cũng như hoạch định chính sách phát triển hợp lí giáo dục đại học Việt Nam. 

Thứ nhất, “Đại học” và “trường đại học” là hai thuật ngữ đã từng được bàn luận cách đây trên 20 năm, kể từ khi ra đời các khái niệm “đại học quốc gia” và “đại học vùng”. Và sau đó đến năm 2009, những thuật ngữ trên mới chính thức được đưa vào Luật Giáo dục sửa đổi.

Cách đây hơn 10 năm, một lần nữa câu chuyện đại học và trường đại học tiếp tục được bàn luận khi xây dựng Luật Giáo dục đại học. Mô hình đại học quốc gia và đại học vùng với các trường đại học thành viên trực thuộc đã được quy định bởi Luật Giáo dục đại học (năm 2012).

"Đại học" hay "trường đại học": Vấn đề nằm ở năng lực quản trị, mức độ tự chủ ảnh 1

Ảnh minh họa: nguồn: HUST

Năm 2018, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học tiếp tục khẳng định về những mô hình trong đào tạo đại học này; và sau đó Nghị định số 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, trong đó, có nội dung hướng dẫn về việc để một trường đại học chuyển đổi thành đại học.

Năm 2022, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chính thức “lên” Đại học Bách khoa Hà Nội. Sự kiện này thu hút sự quan tâm của cả xã hội và một lần nữa gây ra những tranh luận về những điểm khác nhau giữa trường đại học và đại học.

Thứ hai, tranh luận là cần thiết và cũng không thể khác. Bởi lẽ, qua tranh luận nhiều thứ mới vỡ lẽ. Những tưởng khái niệm “đại học” và “trường đại học” sau trên 20 năm bàn luận đã được thông suốt, thế nhưng thực tế thì ngay cả nhiều người trong các trường đại học vẫn còn mơ hồ.

Mặt khác, trong quá trình phát triển của giáo dục đại học Việt Nam đã từng có trường đại học ra đời được mấy năm rồi giải tán; nhiều trường cao đẳng “lên” đại học rồi gặp khó khăn; một số trường cao đẳng (có đào tạo sư phạm) từng đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước, chưa phát triển lên thành đại học, nhưng giờ, hướng phát triển cũng chưa biết sẽ như thế nào… Cho nên, các bên có liên quan có trách nhiệm luôn đặt ra câu hỏi là điều dễ hiểu!

Khi một vấn đề còn nhiều cách hiểu khác nhau thì chắc chắn sẽ còn nhiều điểm khó. Sẽ là rất tích cực nếu tranh luận với tinh thần xây dựng. Đồng thời sẽ quan trọng hơn nếu làm tốt công tác truyền thông. Rất cần giải thích, thuyết phục để tất cả cùng hiểu, cùng thực hiện, cùng xây dựng vì một nền giáo dục đại học hiện đại, bền vững.

Thứ ba, cho đến nay, các trường đại học ở Việt Nam có lịch sử hình thành và phát triển rất khác nhau, có trường trên trăm năm tuổi, có trường chỉ mới có vài năm. Một số trường đại học hiện gọi là lớn mạnh, nhưng so với thế giới thì chưa thể so sánh, nhất là ở khía cạnh bền vững.

Chúng ta cũng đã chứng kiến có trường đang phát triển vượt bậc trong một thời gian ngắn nhưng bỗng chững lại. Có trường, có ngành từng rất có tiếng, nay tuyển sinh rất khó và chưa thể biết tương lai sẽ ra sao. Sứ mệnh và tầm nhìn của một số trường thay đổi theo lãnh đạo… Từ thực tế như vậy, kiến thiết một nền giáo dục đại học Việt Nam rất cần nhiều hơn sự quan tâm của toàn xã hội và cả hệ thống chính trị.

Thứ tư, chúng ta từng chứng kiến, có giai đoạn các trường đa ngành tách ra thành các trường với nhóm ngành hẹp cho dễ phát triển chuyên sâu; có khoa lớn tách ra thành những khoa nhỏ; có ngành rộng tách ra thành các chuyên ngành hẹp… Rồi có lúc, lại có nơi “tái cấu trúc” theo cách gộp lại…

Xu hướng phát triển giáo dục đại học nhìn chung là đa ngành; các ngành đào tạo có xu thế phát triển theo hướng “liên ngành”, “xuyên ngành”... Chính vì vậy, nhiều trường đại học đã có kế hoạch phát triển lên đại học, cũng là sự lựa chọn hợp lí cho chiến lược phát triển bền vững, chứ không phải là vì danh hay để hưởng các quyền lợi gì khác. Luật cho phép, phù hợp với xu hướng, đồng thời các trường có nguồn lực, có năng lực quản trị tốt thì đổi mới để phát triển là rất cần thiết.

Thứ năm, tuy nhiên có một thực tế là các khái niệm "đại học", "trường đại học", "trường trực thuộc", "trường thuộc đại học", "trường thuộc trường"… ngay cả tiếng Việt cũng đã khó hiểu cho nhiều người, việc dịch sang tiếng Anh càng gây ra tranh cãi.

Cần phải rà soát, quy định cụ thể hơn để có sự thống nhất trong cách gọi cũng như hoạch định chính sách phát triển hợp lí.

Thứ sáu, xu hướng phát triển chung là hướng đến hội nhập quốc tế. Do vậy, giáo dục đại học cũng cần chủ động hoà nhập vào “sân chơi” chung của giáo dục đại học quốc tế từ cách gọi, quản trị đại học và quản lí nhà nước về giáo dục đại học. Hiện nay, một số quy định về quản lí nhà nước tưởng chừng rất cụ thể như quy mô tuyển sinh, số ngành, hay tỉ lệ giảng viên/sinh viên, tỉ lệ diện tích, tỉ lệ học sau đại học… để phân tầng hay nâng bậc vẫn mang tính rào cản hơn là khuyến khích kiến tạo, đổi mới sáng tạo.

 

Nếu xu thế chung là đa dạng, vậy có nhất thiết phải rạch ròi một đại học/ trường đại học chỉ định hướng nghiên cứu hoặc chỉ định hướng ứng dụng hay không? Có nhất thiết phải có 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ, quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người [1]… thì mới được chuyển đổi thành đại học hay không?

Hoặc có thực sự phù hợp nếu để các trường đại học tự phát triển và nâng lên thành đại học?

Hoặc để các doanh nghiệp, các tập đoàn mạnh về tài chính, có nguyện vọng phát triển trường đại học là xem xét chấp thuận việc họ tham gia thành lập các trường đại học tư thục hay không?

Thứ bảy, vấn đề của chúng ta là cần phân định quản lí nhà nước về giáo dục đại học và quản trị của các cơ sở giáo dục đại học. Xét về mục tiêu của việc nâng trường đại học lên đại học thực chất không phải ở cách gọi hay phát triển về quy mô mà chính là ở nâng cao năng lực quản trị, mức độ tự chủ. Vậy, nếu không cần thay đổi cách gọi thì liệu có cơ chế nào khuyến khích để nâng cao năng lực quản trị và để các trường phát triển mạnh hơn, bền vững hơn không?

Xét về chiến lược phát triển nguồn nhân lực của đất nước, chúng ta cần có quy hoạch, sắp xếp hệ thống cơ sở giáo dục đại học, quy mô đào tạo, các lĩnh vực hình đào tạo… đảm bảo tính đại diện, tính bao phủ đối với không gian phát triển quốc gia, đồng thời trên cơ sở đó phân bổ hợp lí nguồn lực để phát triển bền vững và cân xứng.

Từng giai đoạn cần có những chính sách ưu tiên, khuyến khích đối với một số loại hình, nhóm ngành đào tạo cụ thể. Chẳng hạn như một số ngành cần phải thu học phí cao để đầu tư nâng cao chất lượng, nhưng cũng có những ngành phải miễn giảm học phí và thậm chí khuyến khích học bổng để thu hút người học, người giỏi... Cần sử dụng các chính sách của nhà nước để thúc đẩy phát triển giáo dục đại học đi kèm với các công cụ hành chính kiểm soát để quản lí nhà nước về giáo dục đại học.

Tốt nhất là khuyến khích bằng các chính sách thuế hợp lí đối với các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế đầu tư, chia sẻ nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư các phòng thí nghiệm, các giảng đường hiện đại tại các cơ sở giáo dục đại học…. Hạn chế để các doanh nghiệp đầu tư mở trường đại học nhưng mục tiêu chỉ “đào tạo nghề”. Điều đó không phải là cách tốt để phát triển chất lượng đại học mà có khi “làm hỏng” giáo dục đại học.

Thứ tám, đã là đại học hay trường đại học dù có khác nhau ở tên gọi thì sứ mệnh cũng phải đảm bảo: (1) sáng tạo tri thức, (2) truyền bá tri thức và (3) phục vụ cộng đồng, xã hội.

Các đại học quốc gia, đại học vùng, các trường đại học trọng điểm quốc gia cần phải được đầu tư đúng tầm để thực hiện các nhiệm vụ quốc gia, nhiệm vụ vùng. Xét cho cùng, nguồn lực lao động chất lượng cao sẽ quyết định đến chất lượng phát triển của đất nước. Nếu quy hoạch mạng lưới đại học hợp lí và các chính sách của nhà nước phù hợp sẽ thúc đẩy phát triển bền vững đất nước và ngược lại.

Chúng ta cần theo đúng xu thế phát triển của thời đại và hội nhập với “sân chơi” chung toàn cầu, tất nhiên giáo dục đại học cần phải đi trước, dẫn đường. Việc chuyển đổi mô hình quản trị đại học theo các quy định của pháp luật chưa hẳn sẽ phát triển và đạt được các mục tiêu mong đợi nếu như chưa thực sự quan tâm đến sự thông suốt về tư tưởng của các bên liên quan. Nếu chú tâm áp đặt bằng các quy định về hành chính, bằng các chế tài mà ít quan tâm đến phát triển năng lực quản trị, văn hoá tổ chức,… thì rất dễ “chạy đua” mang tính thời đoạn và sẽ rất khó bền vững lâu dài.

Giáo dục đại học Việt Nam rất cần phát triển bền vững để kiến tạo đất nước hùng cường và hạnh phúc!

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Nghi-dinh-99-2019-ND-CP-huong-dan-thi-hanh-Luat-Giao-duc-dai-hoc-sua-doi-432145.aspx

Võ Văn Minh

Nguồn: https://giaoduc.net.vn/dai-hoc-hay-truong-dai-hoc-van-de-nam-o-nang-luc-quan-tri-muc-do-tu-chu-post232823.gd