Nội san

BIỆN PHÁP VẬN DỤNG YẾU TỐ TẠO HÌNH TRONG TRANH KHẮC GỖ CỦA HỌA SĨ UTAGAWA HIROSHIGE VÀO DẠY HỌC MĨ THUẬT TẠI TRƯỜNG THCS XUÂN ĐỈNH

06 Tháng Ba 2023

Bùi Thị Hồng  

 Học viên K10 – LL & PPDH Mỹ thuật

Họa sĩ Utagawa Hiroshige là một nghệ sĩ Ukiyo-e thời Edo. Ban đầu ông bước chân vào lĩnh vực hội họa với những  bức vẽ về sách kyoka và tranh diễn viên, từ những năm 1828 ông chủ yếu vẽ tranh phong cảnh, từ những năm 1830 ông bắt đầu vẽ thêm cả hoa và chim. Những bức tranh thiên nhiên của ông thể hiện được ví như những ống len máy ảnh của thời hiện đại ngày nay vậy, ông luôn khiến người xem phải choáng ngợp với sự thể hiện của mình trên tranh, luôn quan tâm đến việc diễn tả, thể hiện lại những thời điểm thực hiện tại của tự nhiên và lựa chọn được sự độc đáo trong phối cảnh, cắt cảnh, sử dụng màu sắc. Trong tranh Utagawa Hiroshige không chỉ thể hiện kỹ thuật tạo hình với sự chắc chắn của đường nét, bố cục chặt chẽ mà các nét khắc trong tranh của ông còn có khả năng gợi không gian, gợi hình, gợi khối tinh tế. Đặc biệt là màu sắc trong tranh của ông, ông thường lấy màu xanh lam làm chủ đạo, quyện hòa với màu vàng dịu nhẹ điểm xuyết các nét đen huyền bí đã tạo nên đặc trưng riêng trong phong cách của họa sĩ Utagawa Hiroshige và đã được các nghệ sĩ Châu Âu đánh giá cao, học hỏi, ảnh hưởng phong cách từ ông. Bài viết này sẽ đề cập đến biện pháp vận dụng nghệ thuật tạo hình trong tranh khắc gỗ của họa sĩ Utagawa Hiroshige vào dạy học mĩ thuật cho học sinh khối 9 tại trường THCS Xuân Đỉnh, Hà Nội.

1. Đặc trưng yếu tố tạo hình trong tranh của hoạ sĩ Utagawa Hiroshige

Yếu tố Tạo hình trong tranh của họa sĩ Utagawa Hiroshige luôn phong phú và đa dạng với sự hấp dẫn, sinh động của màu sắc, đường nét, không gian.

Vạn vật trong vũ trụ đều có màu sắc, chính nhờ có màu sắc đã giúp cho cuộc sống của con người trở nên sinh động hơn, nhộn nhịp hơn, ý nghĩa hơn. Với cách sử dụng màu sắc thực sự tinh tế và gây được ấn tượng mạnh mẽ với bố cục màu xanh lam, Utagawa Hiroshige đã đưa được chất trữ tình phong phú vào tác phẩm của mình và đã tạo được dấu ấn riêng của phong cách Hiroshige Blue.

The Awa Whirlpool (1985) – tranh in khắc gỗ

Nguồn: [4; tr.40]

Trong tranh của Utagawa Hiroshige ta thường bắt gặp những đường định hướng ngang, dọc khác nhau một cách lôi cuốn và có hồn, ông sử dụng các đường định hướng để tạo không gian và lột tả chất. Những bức tranh của ông như những bức ảnh được chụp lại, bắt lại từng khoảnh khắc quý quá.

Sudden Shower over the Ohashi Bridge near Atake (1857) – tranh in khắc gỗ

Nguồn: [4; tr.7]

One, Distant View of Mount Daisen (1853) – tranh in khắc gỗ

Nguồn: [5; tr.167]

Utagawa Hiroshige là họa sĩ xuất sắc vẽ tranh có sự cảm nhận của không gian ở mọi góc độ, những bức tranh của ông đều cho ta cảm giác về chiều sâu không gian chân thực đến từng chi tiết, cái cách mà Hiroshige cắt bố cục, cắt góc như những bức ảnh được chụp ở thời hiện đại, thực sự lôi cuốn, độc đáo mà không phải ai ở thời kỳ Edo cũng làm được như ông. Những bức tranh của ông thường tiền cảnh được phóng to, thể hiện bề rộng của hậu cảnh ở phía xa tạo không gian rộng lớn. Chính sự sắp đặt bố cục, phối cảnh cho ta thấy được Hiroshige đã nghiên cứu, quan sát rất kĩ để có thể thể hiện một cách chân thực đến vậy.

2. Phương pháp, kĩ thuật tổ chức hoạt động dạy – học môn Mĩ thuật tại trường THCS Xuân Đỉnh

Giáo viên Mĩ thuật phải thường xuyên quan tâm và giáo dục học sinh, hướng tới học sinh biết yêu cái đẹp, cảm nhận cái đẹp từ đó nâng cao năng lực học sinh.

Giáo viên phải chủ động, linh hoạt trong hoạt động dạy học nhằm kích thích tư duy sáng tạo và năng lực học sinh thông qua những câu hỏi gợi mở để học sinh chủ động tìm hiểu kiến thức và làm chủ kiến thức.

Giáo viên nên sử dụng linh hoạt những phương pháp, kĩ thuật dạy học phù hợp cho các hoạt động dạy học nhằm phát triển năng lực cho học sinh như: Phương pháp thuyết trình, phương pháp trực quan, phương pháp thảo luận, phương pháp gợi mở, phương pháp dạy học theo dự án, phương pháp đóng vai, phương pháp kiếm tra đánh giá, phương pháp kết hợp âm nhạc, kĩ thuật mảnh ghép, kĩ thuật khăn trải bàn, công não… nhằm phát huy tính tích cực và năng lực sáng tạo, nâng cao tính thẩm mĩ, nhận thức cho học sinh.

Với mỗi đối tượng học sinh, giáo viên có thể sử dụng những phương pháp hay kĩ thuật khác nhau, có thể sử dụng độc lập các phương pháp, kĩ thuật hoặc là kết hợp các phương pháp, kĩ thuật để dạy học đạt hiệu quả và phát huy được năng lực, hình thành phẩm chất tốt đẹp cho học sinh.

Thường xuyên thay đổi hình thức tổ chức lớp học để tạo sự hứng thú cho học sinh, ngoài tổ chức dạy học trên lớp thì giáo viên nên cho học sinh tham gia hoạt động câu lạc bộ, hoạt động ngoài giờ lên lớp, tổ chức trải nghiệm khám phá, tổ chức tham quan, vẽ ngoài trời… để kích thích được sự chủ động, phát huy năng lực của học sinh thông qua những hoạt động thực tiễn.

3. Hoạt động trải nghiệm tìm hiểu tranh khắc gỗ Nhật Bản thông qua phong cách họa sĩ Utagawa Hiroshige

Tranh khắc gỗ Nhật Bản là một trong những thể loại tranh mộc bản với màu sắc tinh tế, chi tiết, tỉ mỉ được thể hiện thông qua các họa sĩ bậc thầy như Hokusai hay Utagawa Hiroshige.

Họa sĩ Utagawa Hiroshige đã tạo ra rất nhiều tác phẩm mang chất trữ tình, những bức tranh về phong cảnh, chim, hoa thơ mộng với lối diễn tả bố cục tranh táo bạo, màu sắc độc đáo thể hiện sự tự do, đường nét mạnh mẽ, phóng khoáng nhưng đầy tinh tế, không gian được mô tả rộng mở với cái nhìn từ trên cao và có chiều sâu như một bức ảnh, thước phim được thể hiện bằng chiếc máy ảnh ở thời đương đại.

Tranh khắc gỗ Nhật Bản là sự thể hiện những quan điểm, cách nhìn nhận cái đẹp độc đáo riêng của người Nhật thông qua phong cách thể hiện của các họa sĩ.

Từ những đặc điểm của tranh khắc gỗ Nhật Bản, nghệ thuật tạo hình trong tranh khắc gỗ của họa sĩ Utagawa Hiroshige, những nghiên cứu về thực trạng dạy học và tâm sinh lý lứa tuổi học sinh THCS, học viên nhận thấy việc vận dụng phong cách họa sĩ Utagawa Hiroshige vào bài học “Tìm hiểu tranh khắc gỗ Nhật Bản” thuộc chủ đề “Sơ lược về một số nền mĩ thuật Châu Á” trong chương trình lớp 9 là hợp lý. Thông qua hoạt động trải nghiệm học sinh sẽ tìm hiểu thêm về dòng tranh khắc gỗ Nhật Bản giúp học sinh lĩnh hội kiến thức, hoàn thành nhiệm vụ học tập, phát huy năng lực sáng tạo, cảm thụ thẩm mĩ, nâng cao phẩm chất yêu nước, tự hào dân tộc, yêu thiên nhiên, biết rung cảm trước cái đẹp của thiên nhiên.

Học sinh trải nghiệm tìm hiểu tranh khắc gỗ Nhật Bản thông qua phong cách họa sĩ Utagawa Hiroshige qua chủ đề: “Sơ lược về một số nền mĩ thuật Châu Á”; Bài 1: “Tìm hiểu về tranh khắc gỗ Nhật Bản” qua các hoạt động. Tổ chức ứng dụng hoạt động tìm hiểu tranh khắc gỗ Nhật Bản thông qua phong cách họa sĩ Utagawa Hiroshige vào trang trí túi xách, trang trí trang phục, in tranh giả chất liệu khắc gỗ ứng dụng vào dạy học trải nghiệm tại lớp 9A1 (lớp thực nghiệm) và lớp 9A6 (lớp đối chứng).

Ở hoạt động khởi động, giáo viên cho học sinh chơi trò chơi có liên quan đến chủ đề nhằm tạo tâm lý thoải mái, vui vẻ, hứng khởi để dần dẫn dắt các em học sinh vào bài học tìm hiểu tranh khắc gỗ Nhật Bản thông qua phong cách họa sĩ Utagawa Hiroshige qua hình thức tranh trí túi xách, in tranh giả chất liệu khắc gỗ, trang trí trang phục.

Trong hoạt động khám phá – nghiên cứu lý thuyết nền giáo viên giới thiệu với học sinh một số tác phẩm tranh in khắc gỗ của họa sĩ Utagawa Hiroshige như: Courtesan Observing Prints (tạm dich: Thiếu nữ ngắm tranh), (1820 – 1822) [H1.17; PL1; tr.99]

A Sudden Shower on the Ohashi Bridge near Atake (tạm dịch: Mưa rào bất chợt trên cây cầu Osashi gần Atake), (9 / 1857) [H1.8; PL1; tr.94]

The Awa Whirlpood (tạm dịch: Xoáy nước Awa), (10 / 1855) [H1.1 ; PL1; tr.91]

Isises at Horikiri (tạm dich: Hoa diên vĩ ở Horikiri),(5 / 1957) [H1.16; PL1; tr.98]

GV khuyến khích học sinh khám phá về bố cục, màu sắc, đường nét, không gian trong tranh của họa sĩ Utagawa bằng những câu hỏi gợi mở. Từ những gợi mở đó, học sinh sẽ tìm hiểu và trả lời. Giáo viên sẽ chốt lại kiến thức để học sinh nắm được những giá trị về màu sắc, đường nét, không gian trong tranh của họa sĩ từ đó hiểu biết thêm về dòng tranh khắc gỗ của Nhật Bản. Giáo viên chia nhóm và tổ chức cho học sinh thảo luận nhóm để tìm hiểu về màu sắc, đường nét, không gian, chủ đề trong tranh khắc gỗ Nhật Bản. Từ các hoạt động trên giáo viên chốt lại kiến thức, dẫn dắt học sinh đến hoạt động thử nghiệm – đánh giá.

Giáo viên cho học sinh trải nghiệm in tranh trang trí túi xách, trang phục, in tranh giả chất liệu khắc gỗ để hiểu rõ thêm về dòng tranh khắc gỗ Nhật Bản, văn hóa Nhật Bản và ứng dụng được vào cuộc sống. Sau khi cho học sinh trải nghiệm, giáo viên tổ chức cho các em chia sẻ - thảo luận về sản phẩm của mình thông qua thuyết trình, giới thiệu sản phẩm, giáo viên tổ chức cho các nhóm thảo luận, đánh giá chéo, đặt câu hỏi và phản biện, cuối cùng là để nhóm trưởng báo cáo kết quả đánh giá.

Từ những trải nghiệm, giáo viên yêu cầu học sinh rút ra được những nét đặc trưng của dòng tranh khắc gỗ Nhật Bản, đưa ra một số câu hỏi gợi mở để học sinh thảo luận, tìm hiểu. Khuyến khích học sinh đọc, tìm hiểu thêm về dòng tranh khắc gỗ Nhật Bản thông qua phong cách họa sĩ Utagawa Hiroshige.

Một số tác phẩm của học sinh lớp thực nghiệm 9A1 trường THCS Xuân Đỉnh.

Ứng dụng in tranh phong cảnh Nhật Bản trang trí túi xách

Nguồn: Tác giả [2022]

                   

   

Tranh phong cảnh giả chất liệu khắc gỗ - Sản phẩm của HS nhóm 4 - Trường THCS Xuân Đỉnh.

Nguồn: Tác giả (2022)

 

 

Kết luận

Trong quá trình thực nghiệm, học viên đã ứng dụng những giá trị nghệ thuật trong tranh của họa sĩ Utagawa Hiroshige vào dạy học, trải nghiệm cho các giờ học mĩ thuật ở trường và thu được những thành quả nhất định thông qua việc đánh giá, đối chứng góp phần khẳng định những ưu điểm của việc vận dụng linh hoạt các yếu tố tạo hình trong tranh Utagawa Hiroshige vào dạy học mĩ thuật ở phổ thông.

Từ những nghiên cứu nghệ thuật trong tranh họa sĩ Utagawa Hiroshige và vận dụng vào dạy học mĩ thuật ở trường THCS Xuân Đỉnh, học viên đã xác định rõ ràng hướng triển khai cụ thể cho chủ đề dạy học nhằm khai thác ưu điểm của màu sắc, đường nét, bố cục tranh tranh khắc gỗ của họa sĩ vào thực tiễn, đặc biệt là tổ chức hoạt động “Trải nghiệm tìm hiểu tranh khắc gỗ Nhật Bản thông qua phong cách họa sĩ Utagawa Hiroshige vận dụng vào in trang trí túi xách, trang phục” có thể coi là một trong những điểm mới, góp phần vào đổi mới phương pháp dạy học mĩ thuật tại trường THCS Xuân Đỉnh trong giai đoạn hiện nay.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ GD&ĐT và dự án Việt – Bỉ (2010), Dạy học tích cực – Một số phương pháp và kĩ thuật dạy học, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
  2. Nguyễn Quốc Toản (2012), Giáo trình phương pháp dạy - học Mĩ thuật, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
  3. Nguyễn Thu Tuấn (2017), Phương pháp dạy học Mĩ thuật, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
  4. Adele Schlombs (2016), Hiroshige, dòng nghệ thuật 2.0, Nxb Taschen, Đức.
  5. Lorenz Bichler – Melanie Trede (2010), Hiroshige, Nxb Taschen, Đức.