Nội san

MỘT SỐ BIỆN PHÁP DẠY HỌC HÁT DÂN CA CHO HỌC SINH TRƯỜNG THCS BA ĐÌNH, HÀ NỘI THEO ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC

06 Tháng Ba 2023

 Nguyễn Thị Chinh

Học viên K12 Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc

 

Trường THCS Ba Đình, Hà Nội là một trường nằm trong tốp đầu của quận, đặc biệt là về các phong trào văn hoá văn nghệ và về chất lượng dạy học âm nhạc. Giáo viên và học sinh của trường thường xuyên nhận được sự tin tưởng và nhiệm vụ của quận, thành phố cho việc chuẩn bị, dàn dựng và tham gia các tiết mục, chương trình văn nghệ. Giáo viên âm nhạc của trường cũng là giáo viên cốt cán của quận. Vì vậy mà trình độ chuyên môn tương đối vững vàng.

1. Dạy học phát triển năng lực của học sinh thông qua dàn dựng

Chương trình dàn dựng và biểu diễn dân ca có tác dụng sẽ giúp học sinh tổng hợp được kiến thức âm nhạc nói chung, dân ca nói riêng, ngoài ra các loại hình nghệ thuật khác như biểu diễn, trang trí, múa... công tác tổ chức, làm việc nhóm... năng lực cá nhân của từng học sinh được phát triển. Bởi trong thực tế, không thể trong lớp học, tất cả học sinh có năng lực như nhau, mà mỗi học sinh đều có những điểm mạnh, thậm chí là những khả năng đặc biệt. Nên dạy học phát triển theo năng lực của học sinh là một phương pháp dạy học hay, phù hợp với xu thế thời đại đồng thời đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn.

Như vậy, sử dụng phương pháp dạy học gì? Và dạy như thế nào trong nội dung dàn dựng và biểu diễn hát dân ca cho học sinh THCS Ba Đình để phát huy năng lực của học sinh cần được giáo viên nghiên cứu lựa chọn , tổ chức dạy học sao cho hiệu quả.

Muốn thực hiện được phương pháp dạy học này, trước hết giáo viên cần có ý tưởng chương trình, đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ và xây dựng nội dung chương trình. Biết cách sắp xếp nội dung chương trình có trình tự trước sau. Lên kế hoạch cụ thể để thực hiện nội dung (thời gian, địa điểm, nhân sự, cách thức tổ chức). Tập hợp các giả thuyết về thuận lợi, khó khăn, những tình huống mong muốn và tình huống không mong muốn...

Tổ chức dàn dựng phải có nhiều thành phần tham gia, cần có tổng chỉ huy và có thủ pháp liên hệ chặt chẽ giữa các khâu, các đối tượng, các nhân sự với nhau thành một chỉnh thể thống nhất. Nhất là giáo viên phải có khả năng bao quát chuyên môn để vừa điều hành, giám sát, chỉ đạo, kiểm tra, chỉnh sửa, hoàn thiện nhiều loại hình nghệ thuật tổng hợp lại. Giáo viên cũng phải có năng lực quản lí điều hành tốt để điều tiết luyện tập của các nhóm nhỏ, nhóm lớn, cá nhân... sau đó xâu chuỗi, và tổ hợp chương trình lại để tiến hành các bước tiếp theo như tổng duyệt và biểu diễn.

Các bước thực hiện trong dàn dựng và biểu diễn cần thưc hiện theo trình tự:

- Xây dựng ý tưởng

- Lên kịch bản (kịch bản tổng thể, kịch bản chi tiết).

- Tổ chức dàn dựng

- Duyệt chương trình

- Biểu diễn chương

- Đánh giá rút kinh nghiệm chương trình

Thứ nhất, xây dựng ý tưởng: Tổng thể chương trình, đạo diễn, diễn viên hát, nhạc công, âm nhạc, ánh sáng, thiết kế mỹ thuật, biên đạo múa, khán giả... Muốn làm được bước này, giáo viên phải nắm được tình hình và các nhóm năng lực và khả năng năng lực nhóm đó như thế nào?

Ví dụ: giáo viên có thể khảo sát nhanh về năng lực của học sinh theo nhóm: Nhóm thực hiện trang phục - đạo cụ, Nhóm hát - biểu diễn;… Từ đó lên ý tưởng và kế hoạch để sao cho đạt được kết quả tốt.

Thứ hai, xây dựng kịch bản tổng thể, chi tiết: giáo viên phải xây dựng kịch bản tổng thể như:

(1) Lập danh sách bài hát dân ca, sắp xếp thứ tự trước sau của các bài hát phù hợp với nội dung của chương trình.

(2) Lên kế hoạch và sắp xếp tổ chức chương trình luyện tập.

(3) Địa điểm luyện tập riêng, luyện tập chung.

(4) Tổ chức luyện tập, tổng duyệt, biểu diễn...

Thứ ba, phân công nhiệm vụ: giáo viên cần phân công và gợi mở cho nhóm trưởng, giao nhiệm vụ cụ thể cho nhóm trưởng và cá nhân trong nhóm.

Ví dụ: tổ trưởng lo tổng thể tiết mục; các thành viên tìm hiểu về từng thành tố âm nhạc như: hát, múa, đạo cụ,… như thế nào cho đúng, hay và phù hợp.

Hoặc yêu cầu nhóm học sinh (nhóm khán giả và nhóm MC) sưu tầm và tổng hợp các bài dân ca. Giáo viên giao nhiệm vụ, gợi mở cho từng nhóm học tập theo phương pháp khám phá. Ví dụ như nhóm là khán giả cần tìm hiểu nội dung bài hát dân ca của các khối lớp 6, 7, 8 có bao nhiêu bài, gồm những bài nào? Nội dung, ý nghĩa của các bài ra sao để có những kiên thức khi giao lưu, biểu diễn sẽ trao đổi và hỏi đáp cùng các nhóm khác?

Thứ tư, tổ chức luyện tập: Đây là khâu quan trọng bởi, quá trình luyện tập chính học sinh đã được học trải nghiệm và được sáng tạo. Hơn nữa, nếu tổ chức luyện tập sơ sài, cẩu thả, hời hợt thì các tiết mục sẽ không để lại ấn tượng, đồng nghĩa với chất lượng học tập của học sinh không cao; tất cả các khâu hát, múa, diễn đều phải được luyện tập theo đúng kế hoạch đề ra.

Giáo viên cần tích cực kiểm tra, đôn đốc, giám sát và động viên học sinh trong suốt quá trình luyện tập. Tránh tình trạng lập danh sách, gửi cho các nhóm nhưng lại bỏ, không kiểm tra, không đôn đốc và xem xét có vấn đề gì về chuyên môn giáo biên sẽ điều chỉnh, phối hợp sửa chữa kịp thời...

 Thứ 5, ghép tổ, ghép nhóm: Các nhóm trưởng chịu trách nhiệm thông báo, tổ chức, triển khai cho nhóm của mình tới một địa điểm cụ thể để ghép nhóm, ghép tổ để học sinh nắm vững được nội dung đã luyện tập. Qua đó học sinh cũng được gặp gỡ, trao đổi, thảo luận với nhau như một hình thức củng cố bài. Giáo viên sẽ biết được khả năng của các nhóm, cá nhân thực hiện ở mức độ nào mà có biện pháp nâng cao kiến thức ca hát, múa... của học sinh

Thứ 6, tổng duyệt chương trình: giáo viên tổ chức tổng duyệt toàn bộ chương trình. Khi tổng duyệt, giáo viên cần thông báo địa điểm, thời gian, nhất là các nội dung tổng duyệt cụ thể để học sinh nắm được.

Địa điểm nơi tổng duyệt cần có không gian giống với trình diễn, với tiết mục được triển khai như biểu diễn và đảm bảo được đủ cơ sở vật chất như sân khấu, không gian biểu diễn, âm thanh, ánh sáng, trang trí... (nếu thực hiện chương trình lớn).

Đây là dàn dựng chương trình âm nhạc tổng hợp, là sự tập hợp các tiết mục nghệ thuật ở nhiều thể loại, loại hình nghệ thuật khác nhau, đòi hỏi người giáo viên (đạo diễn chương trình) cần phải biết sắp xếp, lên kế hoạch chi tiết cho từng nội dung: Ý tưởng, chọn bài, chọn diễn viên ca, diễn viên múa; nhạc công, nhạc cụ, chọn trang phục, đạo cụ; chuẩn bị âm thanh, ánh sáng, sân khấu, MC, khán giả, khách mời (nếu có)… Tất cả đều phải cụ thể, nhịp nhàng và linh hoạt.

Để có một chương trình học tập theo phương pháp dàn dựng các bài hát dân ca cho học sinh THCS Ba Đình đạt chất lượng tốt đòi hỏi giáo viên cần có năng lực âm nhạc tốt, tâm huyết với nghề dạy học, yêu thương và trách nhiệm cao với học sinh thì mới thành công.

2. Phương pháp truyền dạy kết hợp với các phương tiện dạy học

Phương pháp truyền dạy hát dân ca là một phương pháp đặc trưng trong nhiều phương pháp dạy học hát. Phương pháp truyền dạy hát dân ca tại các trường THCS hiện nay nói chung, trường THCS Ba Đình nói riêng vẫn là chủ đạo. Chúng tôi đề xuất nên sử dụng, phát huy tối đa phương pháp truyền dạy hát dân ca cho học sinh đồng thời kết hợp với các phương tiện dạy học, cụ thể như sau:

Trong chương trình SGK hiện hành có 6 bài dân ca cổ và đặt lời mới đó là các bài: Lí cây đa (dân ca Quan họ Kinh Bắc), Đi cấy (dân ca Thanh Hóa); Lí dĩa bánh bò, Lí kéo chài, Hò ba lí (dân ca Nam Bộ) và bài Đi cắt lúa (dân ca H’rê Tây Nguyên). Như vậy có màu sắc của từng vùng Bắc Bộ, Nam Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên.

Các bước truyền dạy có thể thực hiện như sau:

Truyền dạy là phương pháp chủ đạo, đang thực hiện tại trường THCS Ba Đình. Tuy nhiên cần có hệ thống từng bước dạy cho cơ bản, nền nếp hơn, chúng tôi đề xuất các bước truyền dạy, đó là:

- Chuẩn bị: chép bài hát thành lời có gạch nhịp.

Băng đĩa, USB hay đường link trình diễn bài hát (chú ý bài hát đó phải đạt chất lượng về mặt nghệ thuật, nếu cùng đối tượng với học sinh THCS biểu diễn sẽ tốt hơn). Các nhạc cụ phù hợp (nếu được nhạc cụ dân tộc càng tốt). Khuyến khích học sinh sử dụng điện thoại thông minh hay máy ghi âm hoặc ghi hình, có mạng.

- Dạy hát:

Bước 1: Ổn định lớp học

Bước 2: Giới thiệu bài hát lồng ghép hát mẫu hoặc cho học sinh nghe một hai lần qua băng đĩa hay các phương tiện nghe nhìn khác. Trình chiếu hoặc treo tranh/hình ảnh bài hát có chép lời và gạch nhịp (đã chuẩn bị trước, tránh tình trạng lúc này giáo viên mới chép bài lên bảng, sẽ mất thời gian) và gợi mở cho học sinh suy nghĩ và khám phá kiến thức.

Bước 3: Giáo viên dạy hát từng câu, tuy nhiên trước khi dạy hát, giáo viên cần tổng hợp kiến thức khi học sinh (thực hiện ở bước 2) và dẫn dắt khéo léo đồng thời hát minh họa (hát mẫu) toàn bài một lượt. Sau đó giáo viên ngắt câu - nhấn/nhắc cho học sinh chú ý chỗ khó (có thể linh hoạt minh họa ngay).

Trước khi cho học sinh hát, giáo viên cần cho học sinh luyện thanh và vận động hình thể, đồng thời giới thiệu các tư thế hát cho học sinh nắm được.

Sau đó dạy hát từng câu, nối các câu lại với nhau, nếu chỗ luyến láy khó, giáo viên có thể mời một học sinh khá, giỏi để dạy mẫu (chỉ tập trung dạy chỗ khó, luyến láy...). Sau đó giáo viên triển khai theo kiểu đại trà (dạy 1 em, sau thêm 2 em, đến dạy 1 bàn, rồi cả dãy, đến cả lớp...). Trong trường hợp nhiều học sinh chưa thực hiện được chỗ khó, giáo viên có thể yêu cầu học sinh mở máy ghi âm hoặc ghi hình ghi lại khi cô hát mẫu chỗ khó (chú ý, giáo viên phải hát thật chuẩn và hay) để học sinh có tư liệu về nhà mở ra học tiếp.

Bước 4: Nhận xét và thảo luận: giáo viên có nhận xét nhưng lồng ghép khen - “chê” (tuy nhiên giáo viên nhớ khen nhiều hơn “chê”, có tính hài hước, dí dỏm và xây dựng, động viên học sinh... để học sinh có hứng thú học tập).

Bước dạy này khi nhận xét, thảo luận không nhất thiết phải mời học sinh đứng lên, ngồi xuống, hoặc nhận xét toàn bài vừa mất thời gian, vừa tản mạn kiến thức. Giáo viên có thể linh hoạt với các thủ pháp khác nhau.

Cách dạy như vậy bắt buộc học sinh phải tập trung lắng nghe bạn hát, đồng thời phát huy được khả năng phân tích, đánh giá, tổng hợp của nhiều học sinh khác, phát huy được năng lực khác nhau của học sinh... 

Cứ như vậy, giáo viên tạo không khí lớp học bằng những câu hát, sự góp ý, thảo luận sinh động. Cuối giờ giáo viên có thể mời 1 học sinh khá, 1 học sinh trung bình cùng hát với cô lần 1, lần 2 cả lớp cùng hát (như một hình thức tổng hết bài).

Bước 5: Giáo viên dặn dò, ra bài tập yêu cầu học sinh về nhà học thuộc bài, và học sinh có thể mở đoạn ghi âm xem lại, tham khảo, học sao cho hiệu quả, đồng thời sáng tạo các động tác diễn xướng mà học sinh thấy phù hợp với lời ca, vẻ đẹp về hình thức biểu hiện hình thể.

Giáo viên nhắc nhở học sinh về nhà học bài, và cũng yêu cầu học sinh không được phát tán những tư liệu cô hát mẫu lên các trang mạng. Khi nắm bắt tốt được kiến thức rồi, học sinh có thể xóa đi hoặc tổng hợp lại để thành kho học liệu cho riêng mình.

KẾT LUẬN

Dạy học hát dân ca như thế nào là phù hợp với tình hình thực tiễn? Giáo viên cần có những phương pháp dạy học phù hợp để phát triển khả năng, năng lực của học sinh. Dạy học hát dân ca thông qua dàn dựng và phương pháp truyền dạy kết hợp sử dụng phương tiện dạy học giúp học sinh phát triển khả năng, năng lực biểu diễn của mình bao gồm hát, múa, dàn dựng,… Học sinh cũng phát triển đươc khả năng tư duy và hiểu được kiến thức về dân ca Việt Nam, thấy được sự đặc sắc và phong phú của dân ca. Từ đó học sinh yêu thích dân ca, biết được dân ca có nhiều giá trị văn hóa dân tộc và sẽ có nhận thức tốt về trách nhiệm bản thân với thể loại âm nhạc dân tộc, biết quý trọng và góp phần tích cực vào việc học tập và bảo tồn, phát huy, phát triển dân ca của dân tộc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. A. Xokhor (1976), Vai trò giáo dục của âm nhạc, Nxb Văn hóa, Hà Nội.

2. Nguyễn Ngọc Bảo (1995), Phát triển tính tích cực, tự lực của học sinh trong quá trình dạy học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hà Nội.

3. Phan Trần Bảng (2001), Phương pháp dạy học Âm nhạc trong nhà trường phổ thông, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

4. Bộ giáo dục và Đào tạo (2006), Chương trình giáo dục phổ thông môn Âm nhạc, Hà Nội.

5. Nguyễn Hữu Châu - Nguyễn Văn Cường- Trần Bá Hoành- Nguyễn Bá Kim- Lâm Quang Thiệp (2007), Đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo giáo viên THCS, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, Hà Nội