Nguyễn Huy Hoàng
Học viên K10 – LL & PPDH Mỹ thuật
Trong dòng chảy lịch sử mỹ thuật Việt Nam thời kỳ Nguyên thủy nói chung, thời kỳ đồ đồng nói riêng, được xem là đỉnh cao của nghệ thuật chạm khắc và trang trí trên chất liệu đồng. Những đề tài chạm khắc trên trống đồng được xem như là nơi cất giữ những truyền thống văn hoá dân tộc, là sản phầm đầy trí tuệ biểu hiện cho tài năng sáng tạo, sự khéo léo và tinh xảo hiếm có của cha ông ta. Từ những họa tiết trang trí cũng ý nghĩa biểu tượng đã cho thấy tư duy triết mỹ của người xưa cần được lan truyền và dạy học mỹ thuật ở cấp trung học cơ sở. Nội dung bài viết đề cao vai trò của các họa tiết trang trí trên trống đồng Đông Sơn như hình động vật vào dạy học mỹ thuật cấp trung học cơ sở đáp ứng với chương trình giáo dục phổ thống mới và thúc đẩy sự phát triển toàn cầu hóa ở Việt Nam hiện nay.
1. Họa tiết trang trí hình động vật trên trống đồng Đông Sơn
Vẻ đẹp của trống đồng Đông Sơn không chỉ ở tạo dáng mà họa tiết trang trí đã tạo nên nét đẹp riêng biệt của mỗi chiếc trống cũng như khẳng định phong cách mỹ thuật của cả một thời kỳ phát triển của nghệ thuật Đông Sơn. Nếu tập hợp các đề tài trang trí trên các loại trống đồng Đông Sơn sẽ thấy sự đồ sộ và phong phú về các loại chủ đề và ý nghĩa biểu tượng. Hình tượng động vật trang trí trên trống đồng Đông Sơn được xây dựng bằng hệ thống tư duy thẩm mỹ của người xưa như: hình chim bay/ chim lạc, hình chim phượng, hình rồng, hình cóc, hình voi, hình hổ, cá sấu…. Đặc biệt là hoa văn về một loài chim có mỏ, cổ, đuôi, chân đều dài, đầu nhỏ thường có mấy sợi lông từ trên đầu bay ra phía sau. Đó là loài cò nói chung. Tùy theo màu sắc hình dáng mà loài cò có nhiều tên gọi khác nhau như cò, vạc, diệc. Các nhà nghiên cứu thường gọi hoa văn này là “chim lạc”. Loại chim này được nghệ nhân Đông Sơn chú ý sáng tác nhiều nhất. Chúng thường được bố cục trong tư thế đang bay theo chiều ngược kim đồng hồ, trong các vành hoa văn trang trọng nhất của mặt trống đồng. Các loài thú cũng được nghệ nhân Lạc Việt lấy làm mẫu cho các đồ án trang trí của mình. Các hình thú trên hoa văn thời này chủ yếu là các hình hươu, một vài hình cáo, voi, hổ. Các con vật to lớn dữ tợn này được coi như một vị thần biểu tượng cho sức mạnh và lòng dũng cảm, nhằm làm tăng thêm dũng khí cho con người trong cuộc đấu tranh với thiên nhiên để lao động sản xuất và tồn tại. Thú vị nhất trong các loài động vật thường được người Đông Sơn trang trí này, có cả các động vật nuôi trong nhà như bò, chó, những con vật đã được con người thuần dưỡng rất sớm.
Tượng cóc trên trống đồng Đông Sơn được tạo hình như những pho tượng nhỏ gắn trên tang trống hoặc trên mặt trống: “Tượng cóc thường có 4 con, bố trí ở rìa cạnh mặt trống và quay gược chiều kim đồng hồ. Cái đẹp của những khối tượng cóc thể hiện ở sự đăng đối, vừa thấy được quy luật đối xứng trục qua tâm trống, vừa thấy đối xứng tịnh tiến qua hướng quay của cóc trên mặt trống” (1). Như thế, ngoài việc trang trí tượng cóc làm đẹp cho chiếc trống người xưa còn biết tạo điểm nhấn mang tính thẩm mỹ và gắn với tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp từ những buổi ban đầu. Tượng cóc trên các trống đồng Đông Sơn thường rất tả thực khi được thể hiện cùng các họa tiết trang trí khác. Cáᴄh ѕắp хếp ᴄáᴄ hoạ tiết trên mặt trống đồng rất tinh хảo, thể hiện ѕự ѕắp хếp ᴠà ᴠẽ rất thông minh, tài tình ᴄủa người Việt хưa các họa tiết trang trí hình động vật được miêu tả rất sinh động họa tiết trang trí hình động vật trên trống đồng Đông Sơn không chỉ mang đến các nghĩa đen thể hiện trên hình ảnh được khắc, chạm. Giá trị về kiến thức của con người lúc bấy giờ còn được thể hiện ẩn dụ thông qua các hình ảnh khác 1 cách khéo léo.
2. Khai thác sự độc đáo của họa tiết trang trí hình động vật trên trống đồng Đông Sơn vào dạy học mỹ thuật cấp THCS
Họa tiết hoa văn trên bề mặt trống đồng có nhiều loại vô cùng đa dạng và phong phú đó là những ngôi sao, các biểu tượng nhạc cụ, các loại trang phục cổ xưa, hình ảnh nhà sàn dân tộc, các hoạt động đời sống con người như múa, đánh trống,… Trong đó, chúng ta không thể không kể tới hình ảnh các loài động vật được trang trí trên trống đồng rất tinh xảo, với kỹ thuật điêu luyện của các nghệ nhân Đông Sơn. Những hoạt tiết trên mặt trống đồng không đơn giản là các hình ảnh để trang trí mà còn có ý nghĩa sâu sắc về văn hoá, truyền thống và niềm tự hào dân tộc.
Cách điệu họa tiết hình động vật trên trống đồng Đông Sơn đưa vào bài tập trang trí cơ bản cho học sinh khối 6 là một trong những giải pháp hiệu quả đưa vốn cổ vào thực tế dạy học cho học sinh qua các chủ đề. Qua đó, giúp học sinh hiểu được sự sáng tạo trong nghệ thuật của nhân dân ta, từ đó có thể ứng dụng vào bài học nghệ thuật trang trí hiện đại một cách sáng tạo, đầy ngẫu hứng nhưng vẫn bộc lộ bản sắc văn hoá Việt Nam. Các thế hệ nghệ nhân Đông Sơn đã để lại những kinh nghiệm quý báu về các thể thức bố cục khác nhau. Nhiều kinh nghiệm đã được truyền lại cho các thế hệ sau theo kiểu truyền nghề hoặc viết thành sách. Ngày nay những kinh nghiệm đó đã trở thành những kiến thức cơ bản đặt nền móng cho nhận thức khác lạ và mới mẻ hơn mà bất kỳ học sinh nào cũng không thể bỏ qua. Muốn tạo ra được một bài vẽ đẹp, trước hết các em phải quan tâm đến sự sắp xếp hợp lý các yếu tố trong một bố cục. Như vậy thế nào là sắp xếp hợp lý? Sắp xếp hợp lý có nghĩa là nhìn tổng thể một bố cục với những yếu tố cần nêu, cần đề cập. Những giá trị của các thể bố cục theo hình tròn, đường diềm, hình đối xứng trong trống đồng Đông làm cho giá trị của trống càng được nâng cao và mối quan hệ của các hình thể với nhau không thể tách khỏi mối quan hệ tương phản chính – phụ. Ngay trong các mảng chính phụ, việc sắp xếp các vị trí cũng rất quan trọng. Mối quan hệ của hình với hình là mối quan hệ của sắp đặt các vị trí, các dòng giao nhau, cắt nhau, là vị trí của hình so với đường khung của một bố cục. Một bố cục chỉ làm cho ta thỏa mãn khi các lực của nó được sắp xếp hợp lý. Bởi khi quan sát một hình thể bao giờ chúng ta cũng phải xác định cho hình đó một tâm điểm để từ đó sắp xếp bố cục với không gian bao quanh. Đó là điều mà các nghệ nhân Đông Sơn đã làm được trên nghệ thuật chạm khắc về trống đồng. Như chúng ta đã biết dạy học mỹ thuật không nhằm đào tạo các em trở thành những hoạ sĩ, mà nhằm giáo dục thẩm mĩ là chủ yếu, tạo điều kiện cho học sinh tiếp xúc, làm quen và thưởng thức cái đẹp, tập tạo ra cái đẹp và biết vận dụng cái đẹp vào sinh hoạt, học tập hàng ngày và những công việc cụ thể mai sau. Vì vậy, là giáo viên dạy mỹ thuật cần phải biết lựa chọn những nội dung, phương pháp dạy phù hợp kích thích các em phát huy khả năng trí tưởng tượng niềm hứng thú, để tạo ra những sản phẩm nghệ thuật hoàn hảo cả về nội dung và hình thức thể hiện. Đặc biệt với mục tiêu qua các giờ học mỹ thuật giáo dục thẩm mĩ cho các em thông qua di sản văn hóa dân tộc, thích ứng phù hợp với đời sống hiện đại.
3. Kết hợp phương pháp dạy học tích cực môn mỹ thuật kết hợp các họa tiết trang trí trên trống đồng Đông Sơn
Dạy học tích hợp là đưa những nội dung giáo dục có mối liên hệ với nhau vào quá trình dạy học các môn như: tích hợp giáo dục đạo đức, lối sống; giáo dục chủ quyền quốc gia về biên giới, biển, đảo; giáo dục pháp luật; giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông… vào các môn học như: ngữ văn, địa lí, hóa học, giáo dục công dân, sinh học….
Dạy học liên môn là giáo viên phải xác định các nội dung kiến thức có sự tương đồng đến hai hay nhiều môn học để dạy học, tránh việc học sinh phải học đi học lại nhiều lần một nội dung kiến thức ở nhiều môn học không giống nhau. Đối với những kiến thức liên môn nhưng có một môn học chiếm ưu thế thì có thể sắp xếp dạy trong chương trình của môn học đó và không dạy lại ở các môn học còn lại.
Với nội dung bám sát với thực tiễn khách quan kết hợp với các phương pháp trực quan, sinh động, các bài giảng trở nên có sức hút đối với các em học sinh hơn, xóa bỏ cảm giác nhàm chán, buồn ngủ khi áp dụng cách học truyền thống cũ. Từ đó, tạo động lực cho các em thỏa sức sáng tạo, tư duy, giúp các em có hứng thú, tập trung học tập hơn.
Đổi mới phương pháp dạy học không có nghĩa là loại bỏ những phương pháp truyền thống như đàm thoại, thuyết trình, luyện tập mà cần bắt đầu bằng việc cải tiến để nâng cao hiệu quả và hạn chế nhược điểm của các phương pháp dạy học truyền thống. Để nâng cao hiệu quả của các phương pháp này mỗi giáo viên trước hết cần nắm vững những yêu cầu và sử dụng một cách thuần thục các kỹ thuật của chúng trong việc chuẩn bị cũng như tiến hành bài dạy trên lớp, kỹ thuật đặt các câu hỏi và xử lý tình huống các câu trả lời trong đàm thoại, hay kỹ thuật làm mẫu trong luyện tập. Tuy nhiên, các phương pháp truyền thống có những hạn chế tất yếu, vì thế bên cạnh các phương pháp trên cần kết hợp sử dụng các phương pháp dạy học mới để tăng cường tính tích cực nhận thức của học sinh trong đàm thoại, thuyết trình theo quan điểm dạy học giải quyết vấn đề.
Việc giáo viên phối hợp đa dạng các phương pháp và hình thức dạy học trong toàn bộ quá trình lên lớp là phương hướng vô cùng quan trọng để phát huy tính tích cực của mỗi cá nhân học sinh và nâng cao hơn nữa chất lượng dạy học. Dạy học toàn lớp, dạy học nhóm, nhóm đôi và dạy học cá thể là những hình thức xã hội của dạy học cần kết hợp với nhau một cách khéo léo, mỗi hình thức có những chức năng riêng. Vì vậy, tình trạng độc tôn của dạy học toàn lớp và sự lạm dụng các phương pháp truyền thống như thuyết trình cần được khắc phục, đặc biệt thông qua làm việc nhóm. Trong thực tiễn dạy học ở trường trung học cơ sở hiện nay, nhiều giáo viên đã cải tiến bài dạy trên lớp theo hướng kết hợp thuyết trình của với phương pháp làm việc nhóm, góp phần tích cực hoá hoạt động nhận thức của các em học sinh. Tuy nhiên như chúng ta đã biết hình thức làm việc nhóm rất đa dạng, không chỉ giới hạn ở việc giải quyết các nhiệm vụ học tập nhỏ xen kẽ trong bài thuyết trình, mà còn có những phương pháp làm việc nhóm giải quyết những nhiệm vụ phức hợp, có thể chiếm một hoặc nhiều tiết học, sử dụng những hình thức dạy học chuyên biệt như phương pháp đóng vai, nghiên cứu trường hợp, dự án. Mặt khác, việc bổ sung dạy học toàn lớp bằng hình thức làm việc nhóm xen kẽ trong một tiết học mới chỉ cho thấy rõ việc tích cực hoá “bên ngoài” của học sinh. Muốn đảm bảo việc tích cực hoá “bên trong” cần chú ý đến mặt bên trong của các cách thức dạy học, vận dụng dạy học giải quyết vấn đề và các phương pháp dạy học tích cực khác như sử dụng đan xen các trò chơi trong dạy học nhằm tạo hứng thú cho các em mà kết quả học tập vô cùng hiệu quả.
Trên thực tế, mỗi mảng hoạ tiết, hoa văn trên trống đồng Đông Sơn đều là trường hợp đặc biệt, không một công thức nào có thể thay thế được “cái nhìn bao quát” của nghệ nhân đang tiến hành phân chia các mảng trong một trật tự có tính đến các tiêu chí rất đa dạng: số lượng các yếu tố khác biệt được thể hiện, mảng khối của chúng, vị trí của chúng trên các lớp cảnh khác nhau của hình ảnh, nhịp điệu trong trang trí mang tính biểu tượng về những ý niệm vũ trụ, phong tục tập quán của đời sống con người. Tất cả các họa tiết đều mang những ý nghĩa như: vũ trụ, trời đất, sông núi, muôn loài…chỉ có thể xác nhận bằng trí tuệ con người và thống nhất một chủ đề là cuộc sống của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Đặc biệt, hoa văn trên trống đồng có nhiều loại, kiểu bố trí hợp lý trên các phần mặt, tang và thân trống tạo thành các mảng hoa văn khác nhau. Các nghệ nhân đã chủ ý sắp xếp các lớp hoạ tiết hoa văn tạo nên mảng trống, mảng trên từng bộ phận của trống làm cho mảng chính (mảng trọng tâm) tức là mảng lớn chứa đựng các mảng nhỏ hơn được hình thành trên tổ hợp các nét hoa văn thêm nổi bật và rõ trọng tâm của trống.
Từ những kinh nghiệm, kỹ thuật về sắp xếp mảng hoạ tiết trên trống đồng Đông Sơn. Khi dạy học giáo viên hướng dẫn cho học sinh khi sắp xếp, tổ chức các mảng lên mặt phẳng tranh phải xác định mình vẽ trên khung hình loại gì, hình chữ nhật đứng hay nằm ngang, hình vuông hay hình tròn…Bên cạnh đó, khi sắp xếp mảng cần phải chú ý đến một số yếu tố trong đó không thể không kể tới yếu tố cân đối. Sự cân đối ở đây là sự tổ chức sắp xếp hợp lý về tỷ lệ giữa mảng chính với mảng phụ, giữa các khoảng trống, giữa các hình trong các mảng, giữa hình với hình, về tỉ lệ và cấu trúc mảng sao cho thuận mắt.
Ngoài ra, giáo viên cần phải cho học sinh thấy rằng: Trong bố cục, yếu tố chính phụ luôn song hành với nhau. Mảng chính là phần trọng tâm để nhấn mạnh nội dung và chủ đề của tác phẩm nhưng mảng chính khống hoàn chỉnh, có khi còn khô cứng, nếu không có sự bổ trợ của mảng phụ. Mảng phụ có thể là những mảng hình nhỏ hơn về diện tích đồng thời nhưng tụ ít hơn mảng chính, sắc độ cũng không rõ nét và ít sự biểu hiện hơn. Mảng phụ cũng có thể là các mảng trống. Những mảng trống này thực sự có tiếng nói trong tổng thể của một bức tranh. Một mảng phụ đẹp phải phải là một mảng phụ có tính liên kết và hỗ trợ các mảng khác, đặc biệt là mảng chính. Sự cân đối của các sản phẩm mĩ thuật khi và chỉ khi các mảng chính phụ cân đối với nhau về diện tích, về sắc độ, về đường nét, về chất, đặc biệt cần phải cân đối với nhau về sự ngưng tụ của hình thể được diễn tả trong tác phẩm. Sự hỗ trợ của mảng phụ sẽ làm cho bức tranh rõ hơn về phần nội dung và làm cho tác phẩm thêm hài hoà và ấn tượng.
Trong các bài vẽ của học sinh, những mảng trống và cấu trúc của mảng trống hết sức đa dạng. Những mảng trống, hay còn gọi là không gian bao quanh hoạ tiết, hình ảnh chính, là tập hợp các yếu tố phụ hoặc yếu tố giai thoại – có thể có một giá trị lớn hơn cả khoảng đặc hay còn gọi là mảng kín (tức là những yếu tố nhìn thấy, những hình thể hiện hữu). Thậm chí, những mảng trống này cho ta một ý nghĩa sâu thẳm của bức tranh. Tuy nhiên, tất cả phụ thuộc vào vị trí mà những mảng trống chiếm lĩnh trong khuôn hình và việc kết hợp khéo léo các mảng hình trong sản phẩm nghệ thuật của các em.
Hình ảnh giờ thực hành và sản phẩm mĩ thuật về hoạ tiết trống đồng Đông Sơn của học sinh lớp 6 trường TH và THCS Newton 5, TP Hà Nội.
Nguồn. Tác giả luận văn (2022)
Có thể nói, nghệ thuật trang trí trống đồng chính là sự ứng dụng của nghệ thuật tạo hình vào đời sống nhằm tạo ra những vật phẩm thêm đẹp cho cuộc sống. Vận dụng vẻ đẹp của nghệ thuật trang trí trống đồng Đông Sơn vào dạy học góp phần xây dựng lối sống, nhân cách của các thế hệ học sinh. Thông qua các phương pháp sáng tạo các hoạ tiết trang trí, các em sẽ được trang bị về kỹ năng thực hành cũng như kiến thức và sự hiểu biết để nâng cao ý thức thẩm mĩ cũng như tư duy sáng tạo. Việc tìm ra các giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học môn mĩ thuật ở trường là một việc làm cần thiết. Dạy học mĩ thuật cần phải kết hợp dạy học và cảm thụ từ thực tế cuộc sống. kết nối vốn văn hóa mỹ thuật truyền thống vào giáo dục mỹ thuật cũng là giáo dục học sinh có thị hiếu thẩm mỹ đẹp, phù hợp với sự phát triển của đất nước trong bối cảnh hiện nay
Chú thích
(1) Trịnh Sinh (2014), “Những khối tượng cóc trên trống đồng”, Tạp chí Nghiên cứu Mỹ thuật, số 01, tr.14
Tài liệu tham khảo
- Hoàng Thị Chiến (2013), “Trống đồng Thanh Hoá”, Nxb Khoa học xã hội.
- Nguyễn Du Chi, (2000), Trên đường tìm về cái đẹp của cha ông, Viện Mĩ thuật, Nxb Mĩ thuật, Hà Nội.
- Phạm Thị Chỉnh, Trần Tiểu Lâm (2006), Giáo trình mĩ thuật (tập 1), Nxb Giáo dục, Hà Nội.
- Tạ Đức (2017), Nguồn gốc và sự phát triển của trống đồng Đông Sơn, Nxb Tri Thức và nhà sách Phong Thuỷ.
- Tạ Đức (2021), Nguốn gốc và sự phát triển của kiến trúc – biểu tượng và ngôn ngữ Đông Sơn, Nxb Khoa học xã hội.