Sáng ngày 11/5, tại trường Đại học Thủ Dầu Một, Câu lạc bộ Khối đào tạo giáo viên nghệ thuật phối hợp với Trường ĐHSP Nghệ thuật TW và Trường Đại học Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương tổ chức Hội thảo quốc gia “Nguồn lực đầu tư cho các trường đại học, cao đẳng thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trong bối cảnh tự chủ”.
Toàn cảnh Hội thảo Khoa học tại trường ĐH Thủ Dầu Một
Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ khối đào tạo giáo viên nghệ thuật; đại diện lãnh đạo chủ chốt các trường thành viên Câu lạc bộ khối đào tạo giáo viên nghệ thuật, Đại diện các trường đại học, cao đẳng đào tạo văn hóa nghệ thuật trên cả nước.
Đoàn Chủ tịch điều hành Hội thảo
Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học thông qua những bài viết xoay quanh các vấn đề cơ chế, chính sách cần hoàn thiện tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc đầu tư nguồn lực cho giáo dục đại học, cao đẳng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; đầu tư các nguồn lực như con người, ý tưởng, công nghệ, tài chính cho giáo dục đại học, cao đẳng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trong bối cảnh tự chủ đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS.NGƯT. Đào Đăng Phượng - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Nghệ thuật TW nhấn mạnh, tự chủ đại học ngày càng đóng vai trò quan trọng phát huy năng lực nội tại của các cơ sở giáo dục đại học, đồng thời cũng nhằm để đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu phát triển nhân lực trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng. Tự chủ đại học là quá trình phát triển cần có bước chuẩn bị, có lộ trình và điều kiện để chuyển đổi từ nhận thức đến hành động trong hệ thống giáo dục đại học và toàn xã hội. Sự đổi mới tư duy của các trường đại học đào tạo ngành văn hóa nghệ thuật là yếu tố quyết định thành công của tự chủ đại học. Tuy nhiên, thực tế đặt ra nhiều vấn đề và nút thắt cần tháo gỡ trong việc tự chủ với các trường đại học đào tạo ngành văn hóa nghệ thuật. Thông qua Hội thảo, Ban tổ chức mong muốn nhận được sự tham gia thảo luận nhiệt tình, tâm huyết của các đại biểu để Hội thảo đạt được mục tiêu đề ra.
Tại Hội thảo, các tác giả đã trình bày 6 bài tham luận tập trung vào các vấn đề như: Nhận diện biểu tượng logo thương hiệu đào tạo các trường đại học, cao đẳng thuộc khối Văn hóa Nghệ thuật trong bối cảnh tự chủ (TS. Đỗ Xuân Phú - Trường Đại học Nghệ thuật - Đại học Huế); Các nguồn lực ngoại sinh có thể được sử dụng để đầu tư cho giáo dục đại học của Việt Nam trong quá trình thực hiện mô hình quản trị theo cơ chế tự chủ hiện nay (TS. Nguyễn Hùng Mậu, giảng viên Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng); Triển khai mô hình PPP trong giáo dục đại học lĩnh vực văn hoá nghệ thuật (ThS. Nguyễn Thị Hiệp, giảng viên Trường Đại học Công nghệ TP.HCM) ….
Theo đánh giá của ban chuyên môn, các bài tham luận tham gia Hội thảo “Nguồn lực đầu tư cho các trường đại học, cao đẳng thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trong bối cảnh tự chủ” đã thể hiện sự quan tâm và tính đa dạng phong phú trong tiếp cận các vấn đề nghiên cứu, nhận diện thách thức và đề xuất các giải pháp trên lộ trình tự chủ của các trường đào tạo ngành văn hóa nghệ thuật.
Phát biểu của TS. Phan Thị Duyên - Đại diện BGD và ĐT tại Hội thảo
Hội thảo khoa học quốc gia “Nguồn lực đầu tư cho các trường đại học, cao đẳng thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trong bối cảnh tự chủ” là sự tiếp nối thành công của các hội thảo trước về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của Câu lạc bộ Khối đào tạo giáo viên nghệ thuật. Đây là một trong những diễn đàn quan trọng để các trường đại học, cao đẳng có đào tạo VHNT trên cả nước có cơ hội trao đổi, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong đào tạo, hợp tác, kết nối. Với mong muốn mỗi Nhà trường là một thế mạnh góp phần vào chặng đường phát triển giáo dục nghệ thuật nước nhà trong hiện tại và tương lai.
Một số hình ảnh biểu diễn nghệ thuật và tham luận tại Hội thảo:
BTT