Nội san

NHỮNG GIÁ TRỊ TIÊU BIỂU CỦA DI TÍCH LỊCH SỬ ĐỊA ĐIỂM CHIẾN THẮNG BIÊN GIỚI NĂM 1950, HUYỆN THẠCH AN, TỈNH CAO BẰNG

18 Tháng Năm 2023

Nông Thị Liễu

                                                                              Học viên K11 Quản lý Văn hóa

Di tích lịch sử Địa điểm Chiến Thắng Biên giới năm 1950 tại huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng có giá trị đặc biệt quan trọng gắn liền với sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và sự phát triển trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, là chiến dịch duy nhất trong lịch sử kháng chiến chống pháp được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra mặt trận chỉ huy trận đánh, tạo tinh thần động viên, cổ vũ mạnh mẽ đến dân công và bộ đội tham gia chiến dịch. Thể hiện ý chí quyết tâm một lòng đánh đuổi quân xâm lược của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Với vị trí, vai trò, ý nghĩa lịch sử quan trọng của di tích, di tích đã được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt. Bằng các phương pháp nghiên cứu tác giả đã tổng kết 4 giá trị tiêu biểu của di tích. Đó là: Giá trị lịch sử, giá trị lưu niệm danh nhân, giá trị khoa học và giá trị giáo dục. Việc nghiên cứu và xác định rõ những giá trị của di tích Địa điểm Chiến Thắng Biên giới năm 1950 sẽ giúp cho công tác bảo tồn và phát huy di tích đạt hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó cũng hỗ trợ các nhà quản lý văn hóa có kế hoạch cụ thể trong hoạt động quản lý di tích và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý của di tích này.

1. Giá trị lịch sử

Thắng lợi của chiến dịch Biên giới mở ra một bước ngoặt chuyển cuộc kháng chiến của ta từ hình thái chiến tranh du kích tiến lên chiến tranh chính quy kết hợp với chiến tranh du kích ở trình độ cao hơn.

Chiến dịch Biên giới đã làm phá sản kế hoạch quân sự, chính trị của Pháp. Vòng vây biên giới bị đập tan, hành lang Đông - Tây bị chọc thủng, kế hoạch Rơ - ve cơ bản bị sụp đổ. Thất bại ở biên giới đã gây đảo lộn lớn đối với chiến lược, chiến thuật của Pháp, làm quân Pháp choáng váng, hốt hoảng bố trí lại lực lượng, thay đổi chiến thuật, thay đổi chỉ huy…Thất bại ở biên giới là thất bại chưa từng có trong lịch sử chiến tranh xâm lược của đế quốc Pháp.

Chiến thắng Biên giới đánh dấu một bước tiến nhảy vọt của quân đội ta về nghệ thuật chiến dịch. Lần đầu tiên, từ những đợt hoạt động, những chiến dịch nhỏ, ta tiến lên mở một chiến dịch quy mô lớn, đánh tập trung chính quy, hiệp đồng binh chủng. Trong chiến dịch Biên giới ta đã chọn đúng khu vực tác chiến chủ yếu việc chọn Đông Khê là mục tiêu mở màn chiến dịch là sự lựa chọn thận trọng, đảm bảo chắc thắng trận đầu. Đây cũng là sự lựa chọn phù hợp với phương châm chiến dịch là đánh điểm diệt viện, lấy đánh địch ngoài công sự là chính. Sự phát triển của nghệ thuật chiến dịch trong chiến dịch Biên giới còn thể hiện ở chỗ: ta đã biết tập trung ưu thế binh hoả trong các trận then chốt để đánh chắc thắng; vận dụng tốt phương châm “đánh điểm diệt viện” tạo thế liên tục trong quá trình chiến dịch, chuyển hoá thế trận tốt, xử trí tình huống tập trung, chia cắt diệt từng bộ phận dẫn tới diệt toàn bộ địch; giữ vững phát huy quyền chủ động trong suốt quá trình chiến dịch và có sự chuẩn bị trước cho bộ đội chiến đấu dài ngày.

Chiến dịch biên giới có một ý nghĩa đặc biệt trong cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Nó đánh dấu một thất bại chiến lược của địch, là bước nhảy vọt của kháng chiến, tạo nên một chuyển biến mới về cục diện chiến trường, tạo thế và lực mới cho quân dân ta giành nhiều thắng lợi to lớn hơn.

Các địa điểm di tích lịch sử Chiến thắng Biên giới năm 1950, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng là những di tích lịch sử đặc biệt quan trọng đánh dấu bước phát triển vượt bậc của quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Là nơi diễn ra trận đánh công kiên và các trận đánh vận động đầu tiên mang cấp chiến dịch, có sự hiệp đồng của các binh chủng đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam. Nơi diễn ra những trận đánh quyết định cho chiến thắng chiến dịch Biên giới làm thay đổi cục diện trên chiến trường góp phần to lớn tạo tiền đề cho công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta giành thắng lợi.

Các địa điểm di tích lịch sử Chiến thắng Biên giới năm 1950, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng gắn với sự trưởng thành và phát triển của quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và sự nghiệp hoạt động cách mạng thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị tổng tư lệnh tối cao, vị cha thân yêu của các lực lượng vũ trang Việt Nam, lần đầu tiên cũng là lần duy nhất trực tiếp ra mặt trận chỉ đạo chiến dịch, động viên quân dân chiến đấu. Gắn liền với cuộc đời hoạt động của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Tổng tư lệnh Quân đội Quốc gia và Dân quân Việt Nam, Chỉ huy trưởng và Bí thư Đảng uỷ Mặt trận trực tiếp chỉ đạo chiến dịch. Thắng lợi trong chiến dịch Biên giới năm 1950 khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc mở chiến dịch Biên giới năm 1950.

Những địa điểm di tích lịch sử Chiến thắng Biên giới là những bài học kinh nghiệm quý báu về nghệ thuật quân sự đã được vận dụng thành công trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đặc biệt nổi bật của sự kế thừa, vận dụng và phát huy những kinh nghiệm về nghệ thuật chiến dịch tiến công trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử năm 1954, đã làm thay đổi cục diện chiến tranh, mang lại niềm tự hào cho dân tộc ta. Thắng lợi đã minh chứng tính đúng đắn của đường lối chiến tranh toàn dân, toàn diện, trường kỳ dựa vào sức mình là chính mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến. Bài học về phát huy nội lực, xây dựng lực lượng kháng chiến, xây dựng quân đội để làm nên chiến thắng chiến dịch Biên giới 1950 vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa hiện nay.

2. Giá trị lưu niệm danh nhân

Theo điều 4, Luật Di sản Văn hóa có ghi: “Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan; có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng...”. Theo các nội dung trên thì tất cả các điểm di tích đều có giá trị rất quý giá qua những câu chuyện, những bức tranh ảnh, tác phẩm văn chương, những công trình nghiên cứu khoa học, lịch sử... đều giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các anh hùng dân tộc.

Khu di tích QGĐB địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 còn là nơi tưởng nhớ khắc ghi công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Nơi nhân dân thể hiện lòng tôn kính, ngưỡng mộ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cũng là nơi giáo dục truyền thống lịch sử, tinh thần yêu nước của dân tộc đối với thế hệ trẻ; con cháu muôn đời ngưỡng mộ noi theo và được trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, tạo nên đạo lý có tính truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” từ đó thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết trong mỗi người, nguyện phấn đấu, rèn luyện để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Hàng năm, các địa điểm di tích lịch sử Chiến thắng Biên giới 1950 đón tiếp, hướng dẫn nhiều lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, học tập và nghiên cứu. Đặc biệt là các đoàn cựu chiến binh, binh đoàn, quân khu, các đơn vị lực lượng vũ trang thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam đến học tập về truyền thống cách mạng đấu tranh hào hùng của Quân đội ta. Di tích được đầu tư tôn tạo đã góp phần vào việc bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa lịch sử, tôn vinh truyền thống đấu tranh cách mạng của dân tộc, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh Cao Bằng nói riêng và cả nước nói chung.

3. Giá trị khoa học

Các địa điểm di tích lịch sử chiến thắng Biên giới huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng là nơi giúp các nhà nghiên cứu khoa học về lịch sử dân tộc, lịch sử quân sự đến nghiên cứu, học tập và nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn. Là công trình quân sự dã chiến, là chiến tích ghi dấu chiến công tiêu biểu của Quân đội Nhân dân Việt Nam thông qua những hình ảnh trực quan và một số tư liệu, tài liệu liên quan còn được lưu giữ và trưng bày tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến thắng Biên giới. Đây cũng là bảo tàng sống động về không gian và thời gian lưu giữ những địa danh, hiện vật liên quan đến Chiến dịch Biên giới năm 1950 và quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Quân đội Nhân dân Việt Nam trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Làm sống lại những năm tháng hào hùng trên quê hương cách mạng, gợi nhớ về các chiến sỹ anh hùng, liệt sỹ góp sức mình tạo nên trang sử vẻ vang của dân tộc.

4. Giá trị giáo dục

Việt Nam là một quốc gia coi trọng việc giáo dục và giáo dục luôn được coi trọng việc giáo dục luôn được coi là quốc sách hàng đầu. Giáo dục ở đây không chỉ là giáo dục trong gia đình, trên nhà trường mà còn giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc từ các địa điểm di tích lịch sử - văn hóa. Các di tích, địa danh lịch sử luôn có giá trị to lớn và mang ý nghĩa quan trọng không chỉ là nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt để tưởng nhớ sự hy sinh anh dũng của các anh hùng, liệt sỹ. Những nơi ấy còn là bài học lịch sử quý giá, thiết thực nhất góp phần giáo dục truyền thống yêu nước thể hiện lòng biết ơn của thế hệ hôm nay với sự hy sinh của lớp người đi trước.

Với địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 là “Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống lịch sử cho quân và dân địa phương, là nơi giáo dục về truyền thống cách mạng đối với đồng bào chiến sỹ cả nước là địa chỉ đỏ giáo dục về lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc. Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 có một giá trị giáo dục hết sức quan trọng giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống  đấu tranh cách mạng quật cường của dân tộc. Từ những trang sử vẻ vang nơi đây, giáo dục thế hệ trẻ ý thức bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đồng thời góp phần giữ gìn và lưu truyền cho các thế hệ mai sau xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Trong những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nội dung các dân tộc tỉnh Cao Bằng nói chung và huyện Thạch An nói riêng đã quyết tâm bảo tồn, phát huy tốt các giá trị di tích, di sản giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch, bồi đắp và phát huy niềm tự hào về truyền thống quê hương cho các thế hệ nhân dân Việt Nam.

Ngoài những giá trị lịch sử, văn hoá quan trọng, các địa điểm di tích lịch sử chiến thắng Biên giới 1950 huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng còn là địa điểm lý tưởng để du khách có thể tham quan, thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên. Tự mình trải nghiệm, chinh phục những cung bậc hùng vĩ của núi rừng, chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên đẹp, nên thơ nơi biên cương của Tổ quốc. Đồng thời cũng là điểm đến của những chuyến tham quan du lịch về nguồn, vừa tìm hiểu về lịch sử đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc, vừa kết hợp thưởng ngoại du lịch sinh thái đầy ý nghĩa.

Với những giá trị đó di tích Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 có vị trí, ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng nói riêng cũng như toàn thể nhân dân cả nước nói chung. Vì vậy cần tập trung phát huy có hiệu quả các giá trị của di tích đồng thời đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân và góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

                                                Tài liệu tham khảo

1. Đặng Văn Bài (2005), “Tiếp cận thực trạng công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích theo tinh thần của Luật Di sản văn hoá”, Một con đường tiếp cận di sản văn hoá, Nxb thế giới, Hà Nội.

2. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cao Bằng (1930 - 2020), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Cao Bằng, Nxb chính trị Quốc gia.

3. Bộ Quốc phòng - Tỉnh ủy Lạng Sơn (2010), Chiến thắng Biên giới Thu Đông 1950 - Bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống thực dân pháp.

4.  Nguyễn Huy Tưởng (2015), Chiến dịch Biên giới - Ký sự Cao Lạng, nhật ký chiến tranh, Nxb Thanh niên.

5. Viện sử học, Tỉnh ủy Cao Bằng (2009), với công trình nghiên cứu Lịch sử tỉnh Cao Bằng.

6. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng (2017), Lý lịch di tích xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.

7. Đặng Văn Việt (1947), Đường số 4 rực lửa, Nxb Thanh niên.