Hoạt động sinh viên

Tăng cường rèn luyện tác phong của cán bộ Đoàn Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

05 Tháng Sáu 2014

Ban chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh  

Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

 

 

Hoạt động Đoàn trong môi trường học đường nói chung và trong trường ĐHSP Nghệ thuật TW nói riêng đòi hỏi người cán bộ Đoàn trường ngoài việc nắm chắc các nguyên tắc, quy định về tổ chức và hoạt động, còn phải có kiến thức xã hội phong phú, kỹ năng ứng xử linh hoạt. Bên cạnh đó, người cán bộ Đoàn cần có lý tưởng cách mạng trong sáng, niềm tin yêu mọi người. Đặc biệt, người cán bộ Đoàn phải hiểu về những người đồng chí, đồng sự của mình.

Hoạt động của Đoàn thanh niên hay trường ĐHSP Nghệ thuật TW cần phải hướng đến nhiệm vụ quan trọng là học tập, nghiên cứu khoa học cũng như xây dựng ý thức tự quản, tự rèn luyện trong sinh viên và cán bộ trẻ.

Thái độ và tác phong của người cán bộ Đoàn thể hiện một phần hình ảnh quan trọng của tổ chức Đoàn. Do đó, người cán bộ Đoàn phải biết tự hoàn thiện tác phong và thái độ của mình theo tinh thần Chỉ thị số 01-CT/TWĐTN ngày 17/5/2013 của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn về “Tăng cường rèn luyện tác phong, thực hiện lề lối công tác của cán bộ Đoàn” và theo Hướng dẫn số 43-HD/TĐTN-BKT ngày 20/5/2014 của Thành đoàn Hà Nội về việc triển khai Chỉ thị số 01-CT/TWĐTN.

 

Ban chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường ĐHSP Nghệ thuật TW khóa IX
(nhiệm kỳ 2012 – 2014)

 

Mỗi người cán bộ Đoàn cần có thái độ và phong cách riêng để có thể mang lại sự hứng thú, ngưỡng mộ cho các đoàn viên. Bên cạnh thái độ, tác phong riêng, người cán bộ Đoàn cần biết tự rèn luyện thêm thái độ, tác phong thích hợp với vị trí, nhiệm vụ của mình, nhất là tác phong sư phạm. Đương nhiên, sự rèn luyện này cũng sẽ mang lại hữu ích cho tương lai, nghề nghiệp của người cán bộ Đoàn sau này. Một số thái độ và tác phong cần được chú ý ở người cán bộ Đoàn Trường ĐHSP Nghệ thuật trong giai đoạn phát triển mới của Nhà trường như sau:

1. Vận động - thuyết phục

Cán bộ Đoàn chính là người làm công tác thanh vận (vận động thanh niên). Vì vậy, phương pháp chủ yếu mà người cán bộ Đoàn cần áp dụng trong thực hiện nhiệm vụ là vận động, thuyết phục thông qua các hoạt động tuyên truyền, thảo luận dân chủ hay qua kết quả công việc thực tế. Sự vận động, thuyết phục nhằm đạt tới sự thống nhất trong nhận thức và hành động của từng cá nhân, tập thể đối với những công việc nên làm, phải làm…

2. Lắng nghe

Việc lắng nghe ý kiến người khác là một yêu cầu quan trọng. Qua lắng nghe, người cán bộ Đoàn có thể hiểu tâm tư, nguyện vọng của thanh niên để biết những yêu cầu mà mình đưa ra có được các thành viên tiếp nhận một cách tự giác hay không. Tuy nhiên, sự lắng nghe không có nghĩa là thụ động mà người cán bộ Đoàn phải biết giải thích, hướng dẫn, hiểu được những băn khoăn lo lắng nhằm tháo gỡ, giải quyết các vấn đề cho thanh niên.

3. Làm gương

Lời nói bao giờ cũng phải đi đôi với việc làm. Trong công việc, nhất là việc khó, người cán bộ Đoàn phải biết cùng làm và làm tốt. Đặc biệt, trong việc học tập, người cán bộ Đoàn cần phải đạt kết quả tốt.

Việc tu dưỡng, rèn luyện của người cán bộ Đoàn phải thực sự là tấm gương để đoàn viên, thanh niên noi theo và tự giác chấp hành tốt các qui định chung.

4. Nhạy bén, làm việc khoa học

Cán bộ Đoàn thanh niên trường ĐHSP Nghệ thuật TW là người thủ lĩnh đoàn thể của tầng lớp thanh niên trí thức có trình độ cao nên trong quá trình công tác phải luôn thể hiện được sự nhạy bén, tìm phương cách làm việc hiệu quả cao nhất. Người cán bộ Đoàn phải biết thu xếp công việc thật khoa học, có kế hoạch công tác tốt thông qua việc biết phân công, kiểm tra công việc.

5. Biểu dương khen thưởng

Người cán bộ Đoàn cần biết biểu dương, khen thưởng kịp thời và công bằng đối với sự đóng góp của cá nhân hay tập thể trước những diễn đàn lớn để tạo được sự khích lệ đối với các cá nhân, tập thể. Đồng thời, tạo ra sự thi đua giữa các cá nhân, tập thể để có thể phát hiện và bồi dưỡng các nhân tố mới cho phong trào.

6. Phê bình

Trong công tác phê bình và tự phê bình, người cán bộ Đoàn phải biết phê bình đúng lúc, đúng chỗ, nhẹ nhàng, không làm chạm đến lòng tự trọng của đối tượng, không làm cho đối tượng tự ái.

Đối với thái độ vô trách nhiệm của một cá nhân nào đó, người cán bộ Đoàn nên dùng sức mạnh và ý kiến tập thể để phê phán. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải hết sức độ lượng, không được định kiến, thành kiến, phải định hướng cho cá nhân, tập thể có khuyết điểm sửa chữa lỗi lầm.

7. Trung thực, thẳng thắn, gần gũi với đoàn viên thanh niên

Người cán bộ Đoàn cần biết nhận thiếu sót, khuyết điểm và tiếp thu ý kiến đóng góp xây dựng, luôn cởi mở, chân thành và hoà mình với tập thể. Đặc biệt, người cán bộ Đoàn cần mạnh dạn đấu tranh phê phán cái sai, kiên quyết bảo vệ lợi ích chính đáng của tập thể, đoàn viên, thanh niên.

8. Biết học hỏi

Người cán bộ Đoàn cần chứng tỏ mình là người đang tích cực học tập, nâng cao nhận thức mọi mặt. Cán bộ Đoàn có tinh thần cầu thị, phải luôn tự nghĩ mình còn khuyết điểm và cần được góp ý để hoàn thiện.        

 Như vậy, các hoạt động của Đoàn thanh niên đa dạng, phong phú, luôn mới mẻ nên rất cần sự nhạy bén, khả năng tổ chức công việc một cách khoa học, sáng tạo và có kế hoạch của người cán bộ Đoàn. Đặc biệt, người cán bộ Đoàn cần thường xuyên rèn luyện thái độ và tác phong của mình. Chính thái độ và tác phong người cán bộ Đoàn sẽ tạo nên sức hút của tổ chức Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đối với đông đảo đoàn viên, thanh niên của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW.