Sự kiện

Vai trò của hòa âm trong âm nhạc và trong đào tạo hệ Cao đẳng Sư phạm Âm nhạc

13 Tháng Mười Hai 2014

Trần Đức Lâm

 

         Hòa âm và hòa thanh là hai cụm từ khác nhau cùng được dùng trong âm nhạc nhưng về bản chất chỉ là một. Chúng tôi thống nhất sử dụng thuật ngữ “hòa âm” trong đề tài. Trong nhiều sách của các tác giả cả trong và ngoài nước có nêu khái niệm về hòa âm (hay hòa thanh) như sau:

         - “Hòa thanh là hệ thống xác định của một tập hợp các âm thanh dưới dạng chồng âm và hệ thống quan hệ của các chồng âm đó với nhau.” [12, tr.63].

         - “Trong âm nhạc nhiều bè, đặc biệt là âm nhạc chủ điệu, hòa âm là sự kết hợp các âm thanh cùng vang lên một lúc và sự tiếp diễn của những lối kết hợp đó” [1; tr.7].

         - “Hòa thanh là khoa học về sự hòa hợp/nối tiếp giữa các âm, chồng âm (về phương diện chiều dọc) trong một tác phẩm âm nhạc.” [3; tr.23].

         Các khái niệm nêu trên tuy không giống nhau về mặt từ ngữ nhưng cùng nêu lên bản chất của hòa âm là khoa học về sự hòa hợp hoặc tiếp nối giữa các âm, chồng âm trong tác phẩm âm nhạc.

         Cùng với sự phát triển của âm nhạc, lý thuyết về hòa âm ngày càng được củng cố và mở rộng. Ban đầu, “hòa âm” chỉ mang ý nghĩa là những mối tương quan nhất định giữa các âm thanh hình thành nên giai điệu theo chiều ngang (thời Hy Lạp cổ đại), khái niệm về hòa âm cũng thay đổi theo quá trình phát triển về tư duy và thẩm mỹ âm nhạc. Môn học Hòa âm nghiên cứu các quy luật, nguyên tắc trong cách sắp xếp, nối tiếp hợp âm, chồng âm. Để phân tích được ngôn ngữ của một tác phẩm hay phong cách của một nhạc sĩ, một trường phái âm nhạc, rất cần thiết nghiên cứu hòa âm.

1. Vai trò của hòa âm trong âm nhạc

         Hòa âm là một phương tiện biểu đạt quan trọng trong âm nhạc. Cùng với giai điệu, tiếu tấu..., hòa âm là một yếu tố, một bộ phận cấu thành không thể thiếu trong một tổng thể âm nhạc nhất định. Trong âm nhạc một bè cũng như trong các kiểu tiến hành ngôn ngữ âm nhạc khác, sự biến đổi của hòa âm không chỉ tạo nên màu sắc phong phú phù hợp với nội dung tư duy hình tượng âm nhạc, mà còn có vai trò lớn trong việc định hình cấu trúc tác phẩm. Sự phát triển, chuyển động của công năng hòa âm trong tác phẩm âm nhạc phân chia tác phẩm thành từng phần hoàn thiện và liên kết các phần đó lại thành một thể thống nhất. Khi bàn về vai trò của hòa âm, hai tác giả Phạm Tú Hương và Vũ Nhật Thăng của cuốn Sách giáo khoa hòa thanh có trích dẫn ý kiến của nhạc sĩ người Nga M.I. Glin-ka (1804 - 1857): “Nhiệm vụ của hòa âm là vẽ thêm cho người nghe những đường nét mà trong giai điệu không có và không thể có được... nó làm cho tư tưởng âm nhạc có một giá trị nhất định và nói tóm lại, nó làm cho giai điệu có tính cách sống động” [5; tr.3]. Cùng với lịch sử phát triển âm nhạc, phong cách hòa âm cũng không ngừng được thay đổi, phát triển trong xu hướng thay đổi về nhu cầu thẩm mỹ âm nhạc.

          Để làm rõ hơn vai trò của hòa âm, chúng tôi xin trích dẫn một số ví dụ:

         - Hòa âm làm rõ nghĩa cho giai điệu: Trong bản Prelude No6, Op.28 của F. Chopin (1810-1849), nếu chỉ nhìn vào giai điệu (ở bè trầm) của ô nhịp đầu tiên thì có thể nói, giai điệu được tiến hành trên công năng t của h-moll, song điều đó càng được khẳng định với hợp âm t ở bè tay phải.

            Ví dụ 1:

 

          - Hòa âm góp phần xây dựng hình tượng và tăng sức biểu đạt cho giai điệu: Có thể nhận thấy điều này qua một số ca khúc của F. Schubert (1797-1828). Hòa âm phần đệm của Schubert không chỉ để nâng đỡ cho giọng hát một cách đơn thuần mà còn là nền của cảm xúc, đôi khi bổ sung cho giai điệu. Ca khúc Thần chết và cô gái với hợp âm phần đệm được bố trí đều đặn theo kiểu hợp âm giáo đường với các công năng chủ, hạ át, át về chủ cuối câu nói lên tính chất nặng nề, căng thẳng của hình tượng.

    Ví dụ 2:             Thần chết và cô gái                F. Schubert

 

 

            Bản Serenade của F. Schubert (giọng d-moll) có 4 ô nhịp mở đầu với các công năng: t - tsVI - sII65 - D. Vào 4 ô nhịp tiếp theo (bắt đầu giai điệu hát), công năng phần đệm là t - sII43 - D7 - t, không lặp lại công năng của 4 ô nhịp mở đầu, tạo nên một màu sắc mới.

            Ví dụ 3:

 

 

Sự phát triển mạnh mẽ của lịch sử âm nhạc thế giới ở các thời kỳ đã tạo nên những phong cách hòa âm hết sức đa dạng. Có thể nói rằng, lịch sử phát triển các trường phái âm nhạc gắn với lịch sử phát triển quan niệm và phong cách hòa âm. Ở trường phái âm nhạc cổ điển Viên, các nhạc sĩ sử dụng hòa âm công năng với sự hài hòa nhưng nghiêm khắc. Đến trường phái lãng mạn, với sự sử dụng các biến âm, âm ngoại... tạo nên màu sắc hòa âm phong phú hơn. Âm nhạc hiện đại của thế kỷ XX thực sự tạo nên sự phá cách trong hòa âm, góp phần làm nên sự đa dạng về phong cách và ngôn ngữ âm nhạc.

         Trong nhiều tác phẩm, nhất là âm nhạc nhiều bè, hòa âm kết hợp chặt chẽ với quá trình tiến hành giai điệu, góp phần định hình cấu trúc. Hòa âm có thể giúp “tạo nên sự thống nhất giữa các phần, trình bày một quá trình sinh động cho sự phát triển của hình thức” [4; tr.23].

         Trong âm nhạc cổ điển, hòa âm có thể cho thấy dấu hiệu các điểm ngắt, kết câu, đoạn... trong cấu trúc tác phẩm. Nhìn vào hòa âm, chúng ta có thể xác định được cấu trúc câu, đoạn, chương, phần của tác phẩm bởi các vòng kết. Dù kết nửa hay kết hẳn, chính cách hay biến cách, ly điệu hay không thì các vòng hòa âm kết vẫn mang những dấu hiệu đặc trưng của nguyên tắc công năng.

         Ví dụ 4:

 

Phân tích hòa âm đoạn nhạc trên:

 

 

         Với hợp âm D ở ô nhịp thứ 4 cho dấu hiệu kết nửa chính cách, kết hợp với các yếu tố khác về giai điệu, tiết tấu cho ta có thể xác định được cấu trúc câu 1. Ở ô nhịp 8 với nối tiếp hòa thanh D sang t (kết hẳn chính cách) có thể cho ta xác định được kết của đoạn nhạc.

         Trong âm nhạc mang tính ngẫu hứng như nhạc Blues - Jazz, sự phát triển hòa âm trong tác phẩm hết sức phong phú. Tuy nhiên, ở các cầu nối hoặc phần kết cũng luôn được thực hiện với các tiến trình hòa âm có tính dự báo cho kết thúc một cấu trúc nhất định. Cùng với lối tiến hành hòa âm của ban nhạc, nhạc công solo phát triển giai điệu ngẫu hứng trên thang âm xác định sẵn để tiến hành về kết câu, kết bài.

2. Vai trò của môn Hòa âm trong đào tạo Sư phạm Âm nhạc

Hòa âm là một môn học cần thiết trong chương trình đào tạo CĐSP Âm nhạc. Môn Hòa âm giúp cho người học có thể học chuyên sâu hơn về âm nhạc. Môn học này còn có mối liên quan chặt chẽ với nhiều môn học khác. Nếu không có kiến thức về Hòa âm, người học sẽ gặp nhiều khó khăn khi học các môn khác như: Phân tích tác phẩm, Lịch sử âm nhạc, Phối hợp xướng, Dàn dựng tổng hợp, Đệm đàn….

Sinh viên CĐSP Âm nhạc ra trường có nhiệm vụ giảng dạy âm nhạc ở các trường phổ thông, ngoài giảng dạy phải dàn dựng được chương trình âm nhạc ngoại khóa.... Để đáp ứng được những yêu cầu đó, người giáo viên âm nhạc cần có kiến thức về hòa âm. Hòa âm tạo tiền đề cho người học hình thành những kĩ năng cơ bản về phối bè cho các ca khúc để làm phong phú hơn tiết dạy học hát ở trường Trung học cơ sở cũng như trong quá trình dàn dựng chương trình văn nghệ phổ thông. Tiết dạy học hát ở trường THCS theo sách giáo khoa Âm nhạc được thiết kế với các ca khúc chỉ có phần giai điệu. Trong khi đó, trong phần Lý thuyết âm nhạc, vẫn có bài học giới thiệu về hát bè. Vì vậy, để đảm bảo tính chặt chẽ của chương trình giáo dục âm nhạc, GV bộ môn cần phải biết sáng tạo trong cách tổ chức hoạt động học hát cho học sinh bằng cách tổ chức phân bè, hát bè. Bên cạnh mục đích tạo cho học sinh thói quen và hình thành kĩ năng hát bè, hình thức hát bè còn làm cho tiết học sinh động hơn, phát triển khả năng tập trung chú ý cho học sinh. Muốn làm được điều đó, người GV cần có những kiến thức cơ bản về hòa âm, phối bè. Cùng với nhiệm vụ chính là dạy học bộ môn Âm nhạc, Giáo viên âm nhạc ở nhà trường phổ thông là người chịu trách nhiệm chính trong các hoạt động văn nghệ của nhà trường và thường xuyên gắn liền với hoạt động văn nghệ của địa phương. Các hoạt động ngoài giờ học này luôn đòi hỏi ở người giáo viên âm nhạc hai năng lực chính, đó là dàn dựng và đệm hát. Hai hoạt động này lại luôn gắn liền với năng lực hòa âm và soạn phần đệm cho hát.

         Nghe công năng hòa âm trong tác phẩm âm nhạc là một vấn đề khó khăn đối với đa số người học nhạc không chuyên. Môn Hòa âm giúp cho người học phát triển khả năng nghe nhạc, nhận thức được các bè và mối quan hệ của chúng. Khả năng nghe nhạc thể hiện một trong những năng lực cảm thụ của người hoạt động âm nhạc. Quá trình học Hòa âm gắn liền với hoạt động nghe hòa âm và phân tích hòa âm. Vì vậy, học hòa âm còn giúp cho sinh viên nâng cao kĩ năng kí - xướng âm, một kĩ năng hết sức cần thiết cho tất cả những người dạy và học âm nhạc.

         Cùng các môn học âm nhạc khác (Lý thuyết âm nhạc cơ bản, Lịch sử âm nhạc...), môn Hòa âm góp phần nâng cao thẩm mỹ âm nhạc. Khi học môn Hòa âm, người học không chỉ đơn thuần tiếp thu về lý thuyết hòa âm hay khoa học nối tiếp hòa âm. Các bài phân tích hòa âm còn cung cấp một lượng kiến thức về các tác phẩm, các tác giả, trường phái…., từ đó giúp sinh viên nhận thức rõ hơn về cái hay, cái đẹp trong nội dung hình tượng âm nhạc của một tác phẩm cụ thể. Bằng phương pháp tích hợp sư phạm trong dạy học Hòa âm, giảng viên thông qua các bài phân tích hòa âm, có thể mở rộng kiến thức về quan điểm sáng tác, bối cảnh xã hội, ý nghĩa... của bài phân tích.

         Như vậy, với các vai trò và chức năng trên, hòa âm là một trong những nhân tố giữ vị trí quan trọng để làm tăng khả năng biểu đạt của âm nhạc. Ngôn ngữ hòa âm trong một tác phẩm âm nhạc thể hiện sự tư duy sâu sắc của người nhạc sĩ, nhạc công. Trong đào tạo sư phạm âm nhạc, hòa âm là cơ sở quan trọng để giúp sinh viên có được năng lực và sự tự tin khi bước vào thực tiễn dạy học và hoạt động xã hội sau này. Năng lực hòa âm (bao gồm khả năng phối, nghe, phân tích, cảm thụ... hòa âm) là một yếu tố cần phải có của người giáo viên âm nhạc nói chung, giáo viên âm nhạc ở trường THCS nói riêng để thực hiện tốt nhiệm vụ dạy học của mình.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

 

 

1.  Hoàng Hoa (2007), Giáo trình Hòa âm ứng dụng, sách dùng cho các trường Cao đẳng sư phạm, Nxb ĐHSP. 7

2.          Hoàng Hoa, Trương Ngọc Bích (2012), Tuyển chọn bài tập phân tích hòa thanh, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Hà Nội.

3.          Phạm Lê Hòa (2013), Giáo trình phân tích tác phẩm âm nhạc, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

4.          Phạm Tú Hương (2005), Lý thuyết âm nhạc cơ bản, Nxb ĐHSP.

5.          Phạm Tú Hương, Vũ Nhật Thăng (1993), Sách giáo khoa hòa thanh, Nhạc viện Hà Nội, Nxb Âm nhạc.

6.          Phạm Minh Khang (2005), Giáo trình hòa thanh bậc đại học, Nhạc viện Hà Nội.

7.          Đỗ Hải Lễ (1993), Hòa âm, Trường CĐSP Nhạc Họa TW

8.          Hoàng Long, Hoàng Lân (2005), Phương pháp dạy học âm nhạc, Nxb ĐHSP, Hà Nội.

9.          Nguyễn Thị Nhung (2005), Hình thức và thể loại âm nhạc 1, Nxb ĐHSP.

10.      Nguyễn Thị Nhung (2005), Hình thức và thể loại âm nhạc 2, Nxb ĐHSP.

11.      Tú Ngọc, Nguyễn Thị Nhung, Vũ Tự Lân, Nguyễn Ngọc Oánh, Thái Phiên, Âm nhạc mới Việt Nam tiến trình và thành tựu,  Nxb Viện Âm nhạc.

12.      B. Kianôp, X. Vaxcrêxenxki (1986), Phối khí cho dàn nhạc và ban nhạc nhẹ (Ext’rat), người dịch: Vũ Tự Lân, Nxb Văn hóa, Hà Nội.