Chiều 13-2-2009, NSND Phương Thanh – nữ diễn viên với vai diễn kinh điển nữ tướng cướp “Hiền cá sấu” trong bộ phim điện ảnh “Tội lỗi cuối cùng” của đạo diễn Trần Phương đột ngột qua đời vì một cơn tai biến quái ác. Sự ra đi của người bạn đời sau 23 năm chung sống khiến NSƯT Anh Dũng bị sốc nặng. Khi ấy ông từng tuyệt vọng thốt lên giờ mình là người tay trắng rồi, cuộc sống, của cải, vật chất... tất cả đều vô nghĩa!

 

Nhưng giông bão không buông tha người đàn ông tội nghiệp. 19 ngày sau khi vợ mất thì mẹ ông cũng qua đời. Cùng lúc mất đi hai người phụ nữ mình yêu thương và yêu thương mình nhất trên đời, vận “áo xám” khiến ông kiệt sức. Chỉ trong vòng 1 tháng, ông sút hơn 10kg, rộc rạc đi với mái đầu bạc trắng. Hai điều tồi tệ đó xảy ra với ông giống như bão, còn hơn cả bão. Vậy nhưng đứng trước cơn bão khủng khiếp đó, khi sự trống trải chiếm trọn tâm hồn người đàn ông đơn độc ấy, thì ngoài cuộc sống, thay vì đỡ ông dậy, người ta lại đẩy ông ngã tiếp.

Mỗi lần buồn, NSƯT Anh Dũng lại tìm ra mộ vợ... 

Đó là khi ông mất đi mái ấm gia đình, người ta lại nhẫn tâm đẩy ông ra khỏi nơi chốn còn lại mà ông vẫn đi về và coi như ngôi nhà thứ hai suốt 40 năm gắn bó. Cuối năm ấy, ông bị miễn nhiệm chức Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam vì lý do chưa có bằng Đại học (?1). Những lùm xùm thị phi trong nội bộ Nhà hát, rồi chuyện “anh Cả đỏ” không sáng đèn rực rỡ như xưa, bao nhiêu tội vạ người ta đổ hết sang ông. 

Ngày ấy, những người bạn thân thiết của ông biết chuyện vẫn thương ông chỉ vì khái tính quá, bị “vạ” nghe đâu cũng chỉ vì kiên quyết không đồng tình với một cô nghệ sĩ nào đó tài năng có hạn nhưng muốn được xét tặng danh hiệu NSƯT nên bị ghét, bị “bới” ra chuyện nọ chuyện kia. Nhưng thương cũng để vậy, không ai đứng ra nói đỡ cho ông. Còn ông thì không phản kháng trước những “đòn” đau ấy, chỉ nhẫn nhịn ra đi với suy nghĩ “mình làm thằng nghệ sĩ sẽ tốt hơn”.

Rồi ông chuyển sang làm chuyên viên nghệ thuật – công việc mà ông nhận ra ngay từ đầu là “có lẽ không hợp với tôi, không đúng nghề của tôi lắm” nhưng vẫn chấp nhận làm và làm cần mẫn cho tới lúc về hưu. Hình như nỗi đau đớn nhất là mất đi người thân yêu ông đã nếm trải rồi nên chẳng gì có thể làm ông đau hơn nữa. 

Đến bây giờ khi ông mất đi, nhiều người mới nhận ra và quả quyết lý do ông bị miễn nhiệm khi ấy là một sự vô lý, nói như lời NSƯT Chiều Xuân trong chia sẻ mới đây của chị thì “thời của NSƯT Anh Dũng chưa hề có hệ Đại học về sân khấu”, vả lại dù bằng cấp không cao nhưng ông đã luôn làm tròn trách nhiệm của mình, có nhiều đóng góp đáng kể với Nhà hát và nền sân khấu nước nhà.

Nữ diễn viên “Mẹ chồng tôi” tiếc nuối cho số phận hẩm hiu của người nghệ sĩ mà chị luôn quý mến cả về nghề lẫn đạo đức – một người sống nội tâm, trầm lặng nhưng cực kỳ tâm lý, người đã cùng thế hệ nghệ sĩ tiền bối của Nhà hát Kịch Việt Nam giúp những thế hệ trẻ như chị lúc đó yêu nghề hơn, biết sống vì nghề hơn. 

Mất đi tất cả, chỉ còn lại thế giới riêng với nghệ thuật, trở lại làm “thằng nghệ sĩ” mà ông vẫn tự nhận suốt đời làm không chán, nhưng rồi NSƯT Anh Dũng cũng không thể diễn kịch, đóng phim. Không hẳn vì sức khỏe yếu, mà còn vì ông không tài nào thuộc hết thoại. Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát kể bà từng khi làm bộ phim “Nhìn ra biển cả”, bà từng mời NSƯT Anh Dũng tham gia nhưng vì ông gặp khó khăn về lời thoại nên sau đó không thể nhận lời. 

Ngày ông còn hôn mê trên giường bệnh, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cũng vào thăm và không khỏi bàng hoàng trước cảnh một diễn viên rạng ngời ngày nào mà giờ thì cận kề cái chết. Khi ấy, ông đã thở máy và không còn biết gì cả, anh chị em cùng con cái ông túc trực quanh giường nước mắt lưng tròng. Nữ biên kịch xót xa: “Ông sinh năm 1951, tuổi Mèo, mà đàn ông tuổi này như thế là còn trẻ lắm”. Cùng quê ở xã Mễ Sở nên nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát bảo khi ấy bà vẫn mong ông khỏe lại để về quê chơi với mình như nhiều năm về trước. Cũng như nhiều người, bà quý những vai diễn xuất sắc của Dũng ở Nhà hát Kịch Việt Nam.

Trở lại với năm 2009 đầy bão tố, sau khi liên tiếp phải gánh chịu tai tương, NSƯT Anh Dũng rơi vào trầm cảm. Vốn đã kín tiếng, ông lại càng trở nên lặng lẽ hơn, cứ thui thủi trong góc riêng của mình. Mỗi lúc buồn, ông lại ra nghĩa trang Thanh Tước ngồi im lặng bên mộ vợ. Ngôi nhà nhỏ ở phố Bạch Đằng nơi vợ chồng ông chung sống, ông cũng bán đi rồi chuyển sang sống cùng con gái vì không chịu nổi cảm giác trống trải mỗi khi trở về lại thiếu vắng người đàn bà của đời mình. Thấy bố đơn độc, cô con gái động viên ông đi bước nữa vì “con chăm cha không bằng bà chăm ông” nhưng ông chỉ im lặng lắc đầu, còn nói vui về già sẽ vào viện dưỡng lão chứ sẽ ở vậy đến cuối đời. 

Suốt hơn 6 năm kể từ ngày phải gánh chịu bao biến cố ấy, NSƯT Anh Dũng gần như lui khỏi mọi hoạt động nghệ thuật, sống khép mình và tránh giao tiếp với mọi người, kể cả bạn bè thân thiết cho đến khi ra đi. Sự ra đi của ông khiến nhiều người bàng hoàng, nói như lời NSƯT Minh Châu thì nó giống như lời cảnh tỉnh với những người xung quanh bởi đôi khi sự vô tình có thể đã khiến những người như NSƯT Anh Dũng rơi vào trạng thái trầm cảm, dần dà không còn mở lòng chia sẻ hay tâm sự với ai. Cứ như vậy, ông giữ nỗi buồn, nỗi đau cho riêng mình rồi ảnh hưởng đến tinh thần và sức khỏe. 

Ai trong đời rồi cũng có lúc phải trải qua đôi lần vấp ngã và vài cơn giông tố. Người may mắn thì ít hơn, nhẹ hơn. Những lúc như thế, một ánh mắt thờ ơ, một nụ cười giễu cợt hay một cái đẩy cũng chẳng khác gì nhau. Giờ nhiều người mới nhận ra sự vô cảm ấy đã góp phần không nhỏ khiến NSƯT Anh Dũng thêm cô quạnh và đơn độc, cho tới tận khi ông ra đi.

Theo An ninh thủ đô