BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐHSP NGHỆ THUẬT TW
Số: 1339/TB-ĐHSPNTTW-SĐH
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 28 tháng 8 năm 2015
|
THÔNG BÁO
V/v Tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ
Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn Mỹ thuật năm 2015
______________
Căn cứ Thông tư số 15/2014/TT-BGDĐT ngày 15/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ;
Căn cứ Thông báo số 173/TB-BGDĐT ngày 01/04/2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015;
Căn cứ Quyết định số 3192/QĐ-BGDĐT ngày 28/8/2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tào về việc cho phép Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đào tạo chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn Mỹ thuật trình độ thạc sĩ;
Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW thông báo tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn Mỹ thuật năm 2015 với các yêu cầu cụ thể như sau:
I. CÁC MÔN THI TUYỂN
- Môn 1: Ngoại ngữ.
- Môn 2: Kiến thức Lý luận và phương pháp dạy học Mỹ thuật.
- Môn 3: Hình họa.
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐIỀU KIỆN DỰ THI
Đối tượng dự thi đào tạo trình độ thạc sĩ là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đáp ứng được các điều kiện sau:
1. Về văn bằng
a) Đã tốt nghiệp đại học ngành đúng, ngành phù hợp với ngành, chuyên ngành đăng ký dự thi;
b) Đã tốt nghiệp đại học ngành gần với ngành, chuyên ngành đăng ký dự thi và đã học bổ sung kiến thức;
c) Văn bằng đại học do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp phải thực hiện thủ tục công nhận theo quy định hiện hành.
2. Yêu cầu về kinh nghiệm công tác chuyên môn
- Đối với những người có bằng đại học thuộc ngành đúng, ngành phù hợp tốt nghiệp đạt loại khá trở lên được phép dự thi ngay trong năm tốt nghiệp.
- Đối với những người có bằng đại học thuộc ngành gần tốt nghiệp đạt loại khá trở lên được dự tuyển ngay sau khi đã bổ sung các học phần và chứng chỉ theo yêu cầu.
- Trường hợp khác, sau khi tốt nghiệp một năm.
3. Lý lịch bản thân rõ ràng, không trong thời gian thi hành kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên và không trong thời gian thi hành án hình sự, được cơ quan quản lý nhân sự nơi đang làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi cư trú xác nhận.
4. Có đủ sức khoẻ để học tập. Đối với con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học theo quy định thủ trưởng cơ sở đào tạo xem xét, quyết định cho dự thi tuyển sinh tuỳ tình trạng sức khoẻ và yêu cầu của ngành học.
5. Nộp hồ sơ đầy đủ, đúng thời hạn theo quy định của nhà trường.
III. ĐIỀU KIỆN TRÚNG TUYỂN
1. Thí sinh thuộc diện xét trúng tuyển phải đạt 50% của thang điểm đối với mỗi môn thi, kiểm tra (sau khi đã cộng điểm ưu tiên, nếu có).
2. Căn cứ vào chỉ tiêu đã được thông báo cho từng ngành, chuyên ngành đào tạo và tổng điểm hai môn thi của từng thí sinh (không cộng điểm môn ngoại ngữ), hội đồng tuyển sinh xác định phương án điểm trúng tuyển.
3. Trường hợp có nhiều thí sinh cùng tổng điểm hai môn thi (đã cộng cả điểm ưu tiên, nếu có) thì xác định người trúng tuyển theo thứ tự ưu tiên sau:
a) Thí sinh là nữ ưu tiên theo qui định tại Khoản 4, Điều 16, Nghị định số 48/2009/NĐ-CP ngày 19/5/2009 về các biện pháp đảm bảo bình đẳng giới;
b) Người có điểm cao hơn của môn chủ chốt của ngành, chuyên ngành;
c) Người được miễn thi ngoại ngữ hoặc người có điểm cao hơn của môn ngoại ngữ.
4. Công dân nước ngoài có nguyện vọng học thạc sĩ tại Việt Nam được Hiệu trưởng căn cứ vào ngành đào tạo, kết quả học tập ở trình độ đại học; trình độ ngôn ngữ theo yêu cầu của chương trình đào tạo và trình độ tiếng Việt để xét tuyển; trường hợp có điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam với chính phủ nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế về việc tiếp nhận công dân nước ngoài đến Việt Nam học tập ở trình độ thạc sĩ thì áp dụng qui định của điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận hợp tác đó.
IV. DANH MỤC NGÀNH ĐÚNG, NGÀNH PHÙ HỢP, NGÀNH GẦN
1. Ngành đúng, ngành phù hợp
- Ngành đúng: Sư phạm Mỹ thuật
- Ngành phù hợp: Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật.
2. Ngành gần
- Đồ họa, Hội họa, Điêu khắc, Thiết kế Công nghiệp, Thiết kế Đồ họa, Thiết kế Thời trang, Thiết kế Nội thất, Thiết kế Mỹ thuật Sân khấu điện ảnh, Mỹ thuật truyền thống,...
- Các trường hợp khác do Hội đồng tuyển sinh quyết định.
* Ghi chú:
- Các học phần bổ sung kiến thức do Hội đồng tuyển sinh quyết định trên cơ sở đối chiếu giữa Chương trình đào tạo đại học của người học và Chương trình đào tạo đại học cùng ngành của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW.
- Đối với đối tượng có bằng tốt nghiệp đại học không chính quy phải học Chương trình bổ sung kiến thức tương đương đại học chính quy của chuyên ngành dự thi.
V. ĐIỀU KIỆN MIỄN THI NGOẠI NGỮ
Thí sinh có năng lực ngoại ngữ đúng với yêu cầu môn thi ngoại ngữ của cơ sở đào tạo thuộc một trong các trường hợp sau được miễn thi môn ngoại ngữ:
1. Có bằng tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ được đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài, được cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng theo quy định hiện hành;
2. Có bằng tốt nghiệp đại học chương trình tiên tiến theo Đề án của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đào tạo chương trình tiên tiến ở một số trường đại học của Việt Nam hoặc bằng kỹ sư chất lượng cao (PFIEV) được ủy ban bằng cấp kỹ sư (CTI, Pháp) công nhận, có đối tác nước ngoài cùng cấp bằng;
3. Có bằng tốt nghiệp đại học ngành ngôn ngữ nước ngoài;
4. Có chứng chỉ trình độ ngoại ngữ tối thiểu bậc 2/6 (A2 theo Khung Châu Âu) trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương (Phụ lục II) và trong thời hạn 2 năm từ ngày cấp chứng chỉ đến ngày đăng ký dự thi, được cấp bởi một cơ sở được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép hoặc công nhận hoặc của Trung tâm Ngoại ngữ - Trường ĐHSP Nghệ thuật TW. Thủ trưởng cơ sở đào tạo thẩm định và chịu trách nhiệm về tính xác thực của chứng chỉ ngoại ngữ trước khi công nhận.
VI. ĐỐI TƯỢNG VÀ CHÍNH SÁCH ƯU TIÊN
1. Đối tượng ưu tiên
a) Người có thời gian công tác liên tục từ 2 năm trở lên (tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi) tại các địa phương được quy định là Khu vực 1 trong Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy hiện hành. Trong trường hợp này, thí sinh phải có quyết định tiếp nhận công tác hoặc điều động, biệt phái công tác của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;
b) Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh;
c) Con liệt sĩ;
d) Anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động;
đ) Người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú từ 2 năm trở lên ở địa phương được quy định tại mục a.
e) Con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học, được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh công nhận bị dị dạng, dị tật, suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt, học tập do hậu quả của chất độc hoá học.
2. Chính sách ưu tiên
Người dự thi thuộc đối tượng ưu tiên quy định tại mục 1 (bao gồm cả người thuộc nhiều đối tượng ưu tiên) được cộng vào kết quả thi mười điểm cho môn ngoại ngữ (thang điểm 100) nếu không thuộc diện được miễn thi ngoại ngữ và cộng một điểm (thang điểm 10) cho một trong hai môn thi còn lại.
VII. HỒ SƠ ĐĂNG KÝ DỰ TUYỂN
1. Đơn xin dự thi: Ghi rõ nghề nghiệp cụ thể và nơi làm việc hiện nay, có xác nhận của nơi sử dụng lao động (nếu là cán bộ trong biên chế hoặc hợp đồng của các cơ quan trong và ngoài nhà nước);
2. Sơ yếu lý lịch (dán ảnh, đóng dấu giáp lai) có xác nhận của cơ quan công tác. Nếu là thí sinh tự do thì phải có xác nhận của chính quyền địa phương;
3. Công văn giới thiệu đi dự thi của Thủ trưởng cơ quan quản lý đối với những người đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quốc doanh và ngoài quốc doanh. Đối với cán bộ đi học, sau khi trúng tuyển phải bổ sung thêm Quyết định cử đi học. Đối với người chưa có việc làm cần được địa phương nơi cư trú xác nhận nhân thân tốt và hiện không vi phạm pháp luật;
4. Giấy chứng nhận đủ sức khỏe để học tập theo quy định (01 bản chính của bệnh viện đa khoa quận huyện trở lên, không quá 3 tháng);
5. Bằng tốt nghiệp đại học và bảng điểm (01 bản công chứng);
6. Giấy khai sinh (bản sao công chứng);
7. Giấy tờ có giá trị pháp lý về đối tượng ưu tiên (nếu thuộc diện ưu tiên);
8. Chứng chỉ và bảng điểm bổ sung kiến thức đối với ngành gần (01 bản sao công chứng);
9. Chứng chỉ ngoại ngữ đối với các trường hợp miễn thi ngoại ngữ (01 bản sao công chứng);
10. Giấy xác nhận văn bằng tương đương của Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục đối với trường hợp văn bằng tốt nghiệp đại học do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp (01 bản sao công chứng);
11. Ảnh cỡ 3 x 4 (03 ảnh ghi rõ họ tên, ngày sinh, nơi sinh vào mặt sau của mỗi ảnh, không quá 3 tháng);
12. Phong bì dán tem, ghi rõ địa chỉ của thí sinh (02 phong bì dán tem 3000đ);
13. Bản cam kết thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với quá trình đào tạo theo quy định của cơ sở đào tạo.
VIII. THỜI GIAN NỘP HỒ SƠ, ÔN TẬP, THI TUYỂN VÀ CÔNG BỐ KẾT QUẢ
1. Thời gian nhận hồ sơ và thi tuyển
- Thời gian bán và nhận hồ sơ: từ ngày 01/9/2015.
- Các lớp bổ sung kiến thức: dự kiến bắt đầu từ ngày 01/10/ 2015.
- Dự kiến ôn tập: từ ngày 20/10/2015.
- Dự kiến thi tuyển: đầu tháng 12 năm 2015.
2. Thời gian công bố kết quả: dự kiến cuối tháng 12 năm 2015.
3. Khai giảng khóa học và thời gian đào tạo
- Thời gian dự kiến khai giảng khóa học: tháng 1/2016.
- Thời gian đào tạo: từ tháng 1/2016 đến tháng 1/2018.
IX. ĐỊA CHỈ LIÊN HỆ VÀ ĐĂNG KÝ NỘP HỒ SƠ
- Khoa Sau đại học, tầng 3, nhà E, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW, Km 9 đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.
- Email: khoasdh@spnttw.edu.vn
- Tel: 04.62516423 - Mobile: 01667.801.188;
- Website: www.spnttw.edu.vn
Nơi nhận:
- Ban giám hiệu (để b/c);
- Bộ GD&ĐT (để b/c);
- Các đơn vị trong trường;
- Thí sinh dự thi;
- Lưu VT, K.SĐH./.
|
HIỆU TRƯỞNG
(Đã ký)
GS.TSKH. Phạm Lê Hòa
|