BBT
Được sự đồng ý của Ban giám hiệu cùng Hội đồng thảo luận luận văn Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, chiều ngày 02/12/2015, khoa Sau đại học đã tổ chức Lễ bảo vệ luận văn Thạc sĩ cho hai học viên Vũ Thị Kiều Ngân và Nguyễn Minh Đức – khóa III (2013 - 2015) chuyên ngành Lí luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc.
Buổi Lễ bảo vệ luận văn do GS.TSKH. Phạm Lê Hòa - Chủ tịch Hội đồng chấm luận văn Thạc sĩ - điều hành cùng với sự tham gia của các thành viên gồm: PGS.TS. Trịnh Hoài Thu (Phản biện 1), PGS.TS. Nguyễn Phúc Linh (Phản biện 2), PGS.TS. Nguyễn Đăng Nghị (Ủy viên) và TS. Đỗ Thị Minh Chính - Thư ký Hội đồng.
PGS.TS. Nguyễn Phúc Linh nhận xét luận văn của học viên Vũ Thị Kiều Ngân
Sau một khoảng thời gian nghiên cứu với sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS. Phạm Trọng Toàn, học viên Vũ Thị Kiều Ngân đã hoàn thành luận văn Thạc sĩ với đề tài “Dạy học hát Iếu ở Trường Trung học Cơ sở Đồng Yên - Hà Giang”.
Học viên Vũ Thị Kiều Ngân trong phần bảo vệ luận văn Thạc sĩ
Hát lếu là một thể loại dân ca đặc sắc trong kho tàng nghệ thuật dân gian của người Tày ở xã Đồng Yên, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Là một người con của quê hương, Vũ Thị Kiều Ngân có mong muốn được bảo tồn những giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc của các làn điệu dân ca lếu. Bên cạnh những khái niệm khái quát về hát lếu như: tên gọi, nguồn gốc, vai trò hát Iếu trong đời sống cộng đồng,.... luận văn còn tập trung chủ yếu tới vấn đề thực trạng phân môn hát và một số biện pháp dạy học hát Iếu ở Trường THCS Đồng Yên như: Thực trạng truyền dạy hát Iếu; Vị trí, vai trò của hát Iếu; Lựa chọn bài hát Iếu vào chương trình dạy học; Đưa hát Iếu vào sinh hoạt ngoại khóa;... đó là những đóng góp cơ bản của luận văn do học viên Vũ Thị Kiều Ngân thực hiện.
Học viên Nguyễn Minh Đức trình bày luận văn trước Hội đồng
Cũng nghiên cứu trong lĩnh vực âm nhạc, học viên Nguyễn Minh Đức lại có cách lựa chọn đề tài riêng và nhận được sự đánh giá cao của Hội đồng chấm luận văn với đề tài: “Dàn dựng tác phẩm hợp xướng Việt Nam về đề tài Phật giáo”, dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Phạm Trọng Toàn.
Dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn, học viên đã giới thiệu tổng quan về nghệ thuật hợp xướng, khái quát về lịch sử hình thành âm nhạc Phật giáo và quá trình du nhập, phát triển Phật giáo ở Việt Nam. Từ đó, luận văn đưa ra một số biện pháp dàn dựng như: tuyển chọn tác phẩm, yêu cầu trong dàn dựng và rèn luyện kỹ năng hát hợp xướng, biện pháp dàn dựng tác phẩm hợp xướng, đề xuất giải pháp phát triển nghệ thuật biểu diễn,.... Có thể nói đây là một đề tài khó, tuy nhiên, học viên đã khá thành công trong hướng nghiên cứu của mình và theo nhận xét của Hội đồng thì đề tài có thể phát triển ở những bậc nghiên cứu cao hơn.
PGS.TS. Phạm Trọng Toàn – Cán bộ hướng dẫn khoa học của hai học viên nhận xét luận văn
Dưới sự hướng dẫn tận tình của PGS.TS. Phạm Trọng Toàn cùng với tinh thần làm việc nghiêm túc, hai học viên đã bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ. Hội đồng chấm luận văn đánh giá những đóng góp trong nghiên cứu của Vũ Thị Kiều Ngân và Nguyễn Minh Đức có ý nghĩa thực tiễn cao, có thể dùng làm tài liệu giảng dạy tại cơ sở hoặc là tài liệu tham khảo cho các đề tài có cùng hướng nghiên cứu. Bên cạnh đó, Hội đồng chấm luận văn cũng góp ý về việc xác định rõ phương pháp nghiên cứu sử dụng trong luận văn cho phù hợp, nên khu trú phạm vi đề tài, chú ý các lỗi vi tính, lỗi chính tả, mã hóa hệ thống tài liệu tham khảo, cách trích dẫn,..... để luận văn hoàn thiện hơn.
Sau quá trình làm việc nghiêm túc, Hội đồng nhất trí đánh giá luận văn của hai học viên Vũ Thị Kiều Ngân và Nguyễn Minh Đức đều đạt loại Xuất sắc với số điểm lần lượt là 9,0 và 9,2.
Hai tân Thạc sĩ chụp ảnh lưu niệm cùng Hội đồng chấm luận văn Thạc sĩ