Nguyễn Phương Thảo
Học viên K 11 chuyên ngành Quản lý văn hóa
Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương
Điện ảnh là bộ môn nghệ thuật thứ 7 của đời sống. Trải qua nhiều thập kỷ phát triển, điện ảnh giờ đây là món ăn quen của mọi nhà, mọi người. Tuy nhiên, mang tính chất của một môn nghệ thuật, điện ảnh cũng bám rễ, song hành và chịu ảnh hưởng sâu sắc từ đời sống, phản ánh đời sống, đồng thời cũng định hướng cho sự phát triển xã hội thông qua tác động đến người xem.
Có thể xem công tác phát hành và phổ biến phim chiếm một nửa hoạt động của ngành Điện ảnh, có vai trò quan trọng trong đời sống giải trí của xã hội, có tác dụng trong việc định hướng giáo dục, chính trị, tư tưởng và thẩm mỹ cho công chúng, nâng cao đời sống văn hóa cho người dân ở khắp mọi miền đất nước. Bên cạnh đó, công tác phát hành và phổ biến phim còn giữ vai trò to lớn trong việc phát triển nền Điện ảnh dân tộc, bởi nếu không có công tác này thì các tác phẩm Điện ảnh sản xuất ra có hay đến mấy cũng không đến được với người xem và không phát huy được tác dụng đối với xã hội.
Theo xu hướng phát triển chung của nền kinh tế nước ta hiện nay, hoạt động phát hành và phổ biến phim cũng phát triển theo quy luật thị trường, có cả mặt tiêu cực và tích cực. Việc quản lý hoạt động phát hành, phổ biến phim trong thời kỳ hội nhập, đặc biệt là thời kỳ công nghệ số hiện nay đòi hỏi các nhà quản lý phải đưa ra nhiều giải pháp để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
1. Phát hành và Phổ biến phim
Theo Điều 3 Luật Điện ảnh số 05/2022/QH15 “Phát hành phim là việc trao đổi, mua, bán, cho thuê, xuất khẩu, nhập khẩu phim”; “Phổ biến phim là việc đưa phim đến người xem thông qua các hình thức chiếu phim trong rạp chiếu phim, tại địa điểm chiếu phim công cộng, tại trụ sở cơ quan ngoại giao, cơ sở văn hóa nước ngoài được thành lập tại Việt Nam, trên hệ thống truyền hình, không gian mạng và phương tiện nghe nhìn khác”.
Phát hành phim là khâu lưu thông phân phối phim và truyền tải thành quả của quá trình sản xuất đến người tiêu dùng, bao gồm hệ thống phát hành phim trung ương và phát hành phim thuộc các tỉnh, thành phố hoặc các chủ phim trong cả nước. Khâu này thực hiện chức năng phát hành phim trong nước và phát hành phim (xuất khẩu phim) ra nước ngoài; nhập khẩu phim để phục vụ mạng lưới phổ biến phim trong nước
Ở nước ta trước kia, khâu phát hành phim tập trung chủ yếu vào Công ty Xuất nhập khẩu và Phát hành phim Việt Nam (Fafim Việt Nam). Trước sự hạn chế nguồn phim cho người dân xem, năm 2002, Chính phủ cho phép tư nhân được sản xuất và phổ biến phim. Quyết định này đã mở ra một thời kỳ mới cho điện ảnh Việt Nam mà trước đó chỉ có các hãng phim quốc doanh mới có quyền sản xuất và chỉ có Fafim mới có quyền nhập phim. Kể từ 2009 đến nay, hệ thống phát hành của Fafim đã hoàn toàn tê liệt, thay vào đó là các hãng tư nhân, liên doanh nhập khẩu phim, tự sản xuất và tự phát hành phim trong nước ra hệ thống rạp, cửa hàng, đại lý, truyền hình, Internet và phát hành ra nước ngoài. Các thành phần kinh tế khác trong xã hội có đủ điều kiện, có bản quyền phim hợp pháp cũng được phép kinh doanh phát hành phim.
Phổ biến phim do các Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng thuộc các tỉnh, thành phố đảm nhiệm hoặc các chủ kinh doanh chiếu phim, cửa hàng đại lý băng, đĩa hình, bằng các hình thức chiếu phim tại các rạp, bãi chiếu phim ngoài trời, chiếu phim lưu động, bán hoặc cho thuê băng đĩa hình tại các cửa hàng, đại lý, truyền hình, các hình thức phổ biến trên các nền tảng số trên không gian mạng...
Phổ biến phim là đầu ra của hoạt động điện ảnh, là cầu nối giữa người sản xuất phim với khán giả, khâu cuối cùng thể hiện hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội của cả quá trình hoạt động điện ảnh về số lượng người xem; thu bán vé và thu cho thuê phim tại các cửa hàng để bù đắp chi phí và thu lợi nhuận cho khâu sản xuất phim, phát hành phim và chiếu phim… Hiện nay, với cơ chế mở rộng hoạt động kinh doanh tổng hợp, xu hướng gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, nên có nhiều cơ sở hoạt động điện ảnh bao gồm cả ba khâu sản xuất, phát hành và phổ biến phim hoạt động đạt được hiệu quả kinh tế đáng kể, góp phần định hướng sản xuất phim phù hợp với nhu cầu và thị hiếu lành mạnh của khán giả.
2. Nguồn lực cơ sở vật chất và tài chính
Luật Điện ảnh và “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã khẳng định công nghiệp điện ảnh là một bộ phận quan trọng, không thể tách rời của công nghiệp văn hóa. Theo đó, “Các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo Điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.”, “Phát triển công nghiệp văn hóa gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế.”… Như vậy, chúng ta thấy rằng Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến hoạt động của Điện ảnh, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và tài chính cho điện ảnh, thành lập Quỹ hỗ trợ các hoạt động Điện ảnh do nhà nước quản lý nhằm mục đích đầu tư cho cơ sở vật chất kỹ thuật điện ảnh.
Thực trạng hiện nay, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho công tác phát hành và phổ biến phim xuống cấp. Các rạp chiếu bóng do nhà nước quản lý xuống cấp trầm trọng, thiết bị vẫn phải đi thuê ngoài trong khi đó tại thành phố các nhân ngày càng nhiều với cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy chiếu hiện đại và chất lượng. Ngoài 2D còn có các loại hình 3D, 4 cảm giác mới lạ, đáp ứng thị hiếu của giới trẻ. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho rạp không thể cạnh tranh với các tư nhân khách nên lượng khách đến mua vé xem phim thưa thớt dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp”. Về thì phim nhà nước vừa ít, vừa chỉ đảm bảo phục vụ chính trị là chủ yếu. Trung tâm cũng đã chủ động trong việc tìm kiếm khai thác phim từ các đối tác tư nhân. Tuy nhiên, đa số phim tư nhân lại là phim nước ngoài, cộng thêm sức ép doanh thu, chi phí quảng cáo và phim lại luôn đi sau các cụm rạp tư nhân nên không còn sốt. Vì vậy mà không thu hút được khán giả.
Từ năm 2011 đến nay, Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa không còn hỗ trợ cho lĩnh vực điện ảnh nên việc đầu tư trang thiết bị cho rạp chiếu phim, máy chiếu lưu động, xe chiếu bóng lưu động... tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong điều kiện kinh tế, ngân sách của nhiều địa phương còn khó khăn nên chưa thể đầu tư cho điện ảnh. Bên cạnh đó, các Tập đoàn nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam đầu tư bài bản với nguồn kinh phí rất lớn đã chiếm nhiều lợi thế, dẫn đến việc cạnh tranh thiếu lành mạnh và mong muốn thôn tính để thống lĩnh thị trường điện ảnh Việt Nam thông qua việc mua lại các doanh nghiệp trong nước.
3. Quản lý hoạt động phát hành, phổ biến phim trong thời kỳ hội nhập, đặc biệt là thời kỳ công nghệ số
Ở góc độ quản lý xã hội, chính đời sống đô thị ở Việt Nam nói chung đang đặt ra nhiều vấn đề mới cho các nhà hoạch định chính sách, quản lý văn hóa đô thị phải quan tâm. Một trong những vấn đề đó là đáp ứng và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của cư dân đô thị, một nhu cầu thiết yếu của đời sống đô thị nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi mà yêu cầu phải phát triển văn hóa đồng bộ với phát triển kinh tế. Đối với cụm rạp chiếu phim ở các đô thị, mặc dù được trang bị, đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, chất lượng dịch vụ được nâng cao tốt hơn nhưng giá vẫn còn cao so với người có thu nhập thấp như công nhân, lao động phổ thông, học sinh, sinh viên… nên đã phần nào hạn chế số lượng người lao động đến rạp xem phim.
Cùng với sự trợ giúp nổi bật của công nghệ 4.0 trên các nền tảng trực tuyến, các tác phẩm điện ảnh được phủ sóng rộng rãi hơn, không phụ thuộc vào thời gian và khoảng cách, đồng thời cũng thích ứng các quy định về giãn cách xã hội; khán giả có thể lựa chọn linh hoạt về khung giờ, địa điểm với hàng trăm, hàng nghìn sự lựa chọn phong phú trong các kho phim có sẵn. Chỉ trong một cú nhấp chuột đã có thể đưa cả rạp chiếu phim về nhà hay tới bất cứ đâu với chi phí thấp hơn nhiều so với việc ra rạp.
Không nằm ngoài xu hướng phát triển của công nghiệp điện ảnh toàn cầu, điện ảnh Việt Nam tích cực xây dựng, phát triển các nền tảng chiếu phim trên không gian mạng. Chủ động xây dựng, phát triển cộng đồng người xem trên Internet kết hợp với các nền tảng phát triển điện ảnh, gắn với phát triển công nghiệp văn hoá, trong đó có công nghiệp điện ảnh.
Việc xây dựng một nền tảng số chính thức của Nhà nước để phát hành và phổ biến phim trực tuyến sẽ góp phần giáo dục truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng, giới thiệu văn hóa đất nước, con người Việt Nam thông qua các tác phẩm điện ảnh có giá trị về nội dung và tư tưởng; lan tỏa rộng rãi tinh thần "Người Việt yêu phim Việt".
Ngày 18/10/2021, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2649/QĐBVHTTDL về việc xây dựng Đề án "Trung tâm phát hành phim trực tuyến"; trong quá trình hoàn thiện xây dựng, Đề án đổi tên thành "Trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến". Quyết định trên đã kịp thời đáp ứng những chỉ đạo, định hướng lớn trong Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tổ chức vào tháng 11/2021; các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 theo Quyết định số1909/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 12/11/2021.
Đề án có ý nghĩa quan trọng nhằm đưa đến khán giả những tác phẩm điện ảnh Việt Nam có giá trị nội dung và nghệ thuật bằng công nghệ thông tin, đáp ứng nhu cầu thưởng thức điện ảnh trên nền tảng trực tuyến ngày càng phổ biến trong thời đại công nghệ 4.0 phát triển. Đề án mang tầm vóc đặc biệt quan trọng trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn chuyển đổi số quốc gia hiện nay, đáp ứng những tác động tích cực từ Luật Điện ảnh 2022 mới được Quốc hội ban hành.
Ngành điện ảnh là một lĩnh vực công nghiệp văn hóa vốn đã ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ về âm thanh, hình ảnh trong quá trình sản xuất các sản phẩm điện ảnh từ lâu. Ngày nay, trong giai đoạn công nghệ số bùng nổ, các công nghệ số không chỉ hỗ trợ cho quá trình sản xuất âm thanh, hình ảnh mà tham gia vào hầu hết các khâu của quá trình sản xuất mỗi tác phẩm điện ảnh: từ xây dựng kịch bản, sản xuất nội dung, hoàn thiện tác phẩm, quảng bá, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, phát hành, phân phối, lưu trữ... Các kênh số (truyền hình số, internet...) cũng đang là một phương thức ngày càng trở nên phổ biến trong cách khán giả thưởng thức các tác phẩm điện ảnh, bên cạnh phương thức truyền thống là các rạp chiếu phim.
Việc chuyển đổi số trong điện ảnh là cần thiết. Ngoài tác phẩm điện ảnh và các tư liệu hình ảnh thì còn có các tài liệu (văn bản, hồ sơ) liên quan đến các tác phẩm điện ảnh, bao gồm các thông tin như lý lịch phim, thời hạn phát hành, phổ biến phim, tình trạng kỹ thuật, bản quyền sử dụng, nơi lưu trữ, các ràng buộc về pháp luật có liên quan đến việc hợp tác, sản xuất, mua, bán, trao đổi, quyền sở hữu, quyền tác giả…vv… cũng cần đồng bộ số hóa.
Như vậy, có thể khẳng định hình thức phát hành, phổ biến phim trực tuyến là một trong những cơ hội để Điện ảnh Việt Nam thực hiện được những mục tiêu với nhiều ý nghĩa: Thông qua hoạt động quảng bá những tác phẩm về đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, có giá trị nội dung, tư tưởng và nghệ thuật sống mãi với thời gian, Nhà nước khẳng định vai trò dẫn dắt, định hướng sự phát triển của điện ảnh trong bối cảnh bùng nổ của các doanh nghiệp điện ảnh tư nhân, thể hiện sự phát triển và xu thế xã hội hóa mạnh mẽ trong điện ảnh; về lâu dài có thể gia tăng nguồn tài chính để tái đầu tư sản xuất, phục vụ đời sống tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
Bên cạnh đó, công tác phổ biến phim tại các rạp chiếu phim ở nước ta cũng được trang bị máy chiếu phim kỹ thuật số chuẩn 2K, 4K, âm thanh suround 7.1. Do đó, chất lượng hình ảnh, âm thanh đạt tính hiệu ứng cao, thu hút đông đảo khán giả đến rạp. Tuy nhiên, việc đầu tư thiết bị máy chiếu phim kỹ thuật số phù hợp với công nghệ hiện đại tập trung ở các đơn vị tư nhân và ở các cụm rạp/rạp chiếu phim tại các thành phố lớn. Đa số các rạp chiếu phim của các đơn vị sự nghiệp điện ảnh tại các địa phương do nhà nước quản lý cũ nát, xuống cấp trầm trọng, thiết bị kỹ thuật lạc hậu không đáp ứng được với yêu cầu hiện tại trong công tác phổ biến phim. Hiện chỉ có một số ít các rạp chiếu phim của các đơn vị điện ảnh do nhà nước quản lý được đầu tư thiết bị máy chiếu phim kỹ thuật số phù hợp với công nghệ hiện đại.
Cũng như các quốc gia khác trong khu vực và quốc tế, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu cho Việt Nam, các quá trình triển khai hoạt động sản xuất phim mới được ứng dụng công nghệ 4.0, đồng thời áp dụng số hoá với việc phát hành và phổ biến hiện nay, và sẽ là sự thúc đẩy trong xây dựng công nghệ và kiến trúc rạp chiếu.
Để lĩnh vực điện ảnh số Việt Nam là trọng tâm của công nghiệp văn hoá và Việt Nam trở thành điểm đến sáng tạo trong khu vực, cần thực hiện các giải pháp cơ bản như sau:
Một là, Cần có các chính sách hỗ trợ và khuyến khích từ Chính phủ để triển khai chuyển đổi số lĩnh vực điện ảnh, thương mại hoá điện ảnh số.
Hai là, Cần thực hiện đổi mới sáng tạo từ doanh nghiệp công nghệ số để gia nhập và phát triển hệ sinh thái điện ảnh số.
Ba là, Khuyến khích tinh thần sáng tạo từ mỗi người trong việc thụ hưởng, khai thác và phát triển sản phẩm của điện ảnh số.
Bốn là, bố trí kinh phí đầu tư mới, xây dựng, ban hành kế hoạch nâng cấp hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nền tảng, ứng dụng số, khai thác vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ thông qua việc nâng cấp các phương tiện thiết bị kỹ thuật (phần cứng, phần mềm) một cách đồng bộ trong các khâu, đáp ứng được việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật trong việc kiểm soát thông minh hỗ trợ một cách có hiệu quả tạo ra phương thức mới trong công tác quản lý nhà nước về phát hành, phổ biến phim.
Điện ảnh Việt Nam nằm vững khai thác tiềm năng, lợi thế của chuyển đổi số để thay đổi tư duy, hành động để tìm ra cách thức riêng chinh phục thị hiếu người xem, làm cho điện ảnh đến gần hơn với công chúng, tác động tích cực vào công chúng và chiếm được thị phần lớn hơn, tạo nguồn lực từng bước xây dựng nền điện ảnh Việt Nam hiện đại, nhân văn, mang bản sắc dân tộc… Trong hành trình phát triển hệ sinh thái điện ảnh số, doanh nghiệp công nghệ số đóng vai trò chủ đạo trong hành trình đưa Việt Nam trở thành quốc gia sáng tạo, chính phủ tạo bệ đỡ và chất xúc tác, còn giáo dục là nền tảng để tạo ra những con người có trí tuệ và khả năng để phát triển lĩnh vực điện ảnh số, phát triển kinh tế số trong lĩnh vực điện ảnh và là yếu tố quan trọng đưa công nghiệp văn hoá thành một ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Website Cục Điện ảnh - cucdienanh.vn.
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2023), Đề án Trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến (Dự thảo).
- Luật Điện ảnh số 05/2022/QH15.
- https://viettimes.vn/nen-dien-anh-viet-nam-phai-lam-gi-trong-thoi-dai-cntt-154792.html.
- https://vnexpress.net/cuc-dien-anh-muon-kiem-soat-phim-phat-hanh-tren-internet-3969899.html.
- https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/nhieu-co-hoi-va-thach-thuc-voi-dien-anh-trong-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-4-1491857720.
- https://www.cucdienanh.vn/hoi-thao-khoa-hoc-quan-ly-phat-hanh-pho-bien-phim-tai-viet-nam-thuc-trang-va-giai-phap_n440.html.