Lê Thị Kim Tuyên
Học viên K10 chuyên ngành LL & PP Dạy học bộ môn Mỹ thuật
Bùi Xuân Phái là danh hoạ nổi tiếng cùng thời kỳ với các họa sĩ tên tuổi của Việt Nam như Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên. Các tác phẩm của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái đậm chất chân thật, phản ánh về tinh thần dân tộc của người Việt Nam thông qua tư duy sáng tạo, bút pháp thể hiện với đặc trưng các các nét viềm đậm để miêu tả vẻ đẹp của phố cổ Hà Nội những năm 50, 60. Đây là các tác phẩm gắn liền với tên tuổi của Bùi Xuân Phái và gần gũi, nhận được nhiều sự thán phục về tuy duy thẩm mỹ và nghệ thuật tạo hình của đông đảo công chúng. Việc lựa chọn nghệ thuật của Bùi Xuân Phái vào công tác dạy học trong chương trình đào tạo sinh viên ngành GDMN không có nghĩa là chỉ có nghệ thuật của Bùi Xuân Phái là phù hợp với việc vận dụng trong dạy học ở chương trình đào tạo giáo viên mầm non. Những đặc điểm nghệ thuật trong tranh của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái biểu đạt về màu sắc tươi, sáng, tương phản mạnh, hoặc sử dụng hình, nét tối giản, không câu nệ sự chính xác mà thường mang tính gợi gợi mở rất đa dạng, rất phù hợp với năng lực cảm thụ của trẻ.
1. Đặc điểm tạo hình trong tranh của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái
1.1 Bố cục trong tranh của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái
Bố cục trong tranh Bùi Xuân Phái có tính rất nhất quán. Yếu tố bố cục trong tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái liên quan đến các thể thức mà ông sử dụng ở mỗi đề tài hay nhóm đề tài: tranh phố cổ Hà Nội, tranh chân dung, tranh sinh hoạt, lễ hội… Nhóm tác phẩm vẽ về phố cổ thì hầu như là dạng bố cục cắt cảnh theo góc phố, sự phát hiện của họa sỹ về tính biến điệu không gian do điểm nhìn khác nhau sẽ mang lại hiệu ứng khác nhau. Bùi Xuân Phái xây dựng bố cục có nhiều điểm nhìn mới lạ, ông lựa chọn nhiều góc quan sát tạo nên bố cục và biểu cảm khác lạ trong tranh: mái nhà trong tranh được khai thác dưới các diện hình mảng khác nhau, có bức tranh khai thác chính diện của những căn nhà, có bức tranh thì nhìn một mặt mái nhà, có những bức tranh có chủ ý của tác giả khi tạo hình các mái nhà xiêu vẹo xếp chồng lên nhau… những sáng tác của ông có hình, khối biểu đạt mới mang nhiều nét, mảng mà chúng ta hay bắt gặp trong tranh trẻ mầm non, đặc biệt là tranh trẻ 5 - 6 tuổi, lứa tuổi bắt được nhịp cảm xúc, cảm quan của cuộc sống xung quanh.
Tranh Góc phố 2 (1970) với một bảng màu xanh dương nhẹ của một góc phố rêu phong và bóng dáng mờ xa hình một vài thiếu nữ trong khung cửa; Các yếu tố hình, nét, mảng được tác giả sử dụng tối đa tính công năng trong biểu cảm, bằng cách kết hợp nét, mảng mầu uyển chuyển, nét mảnh, nét mập, ngắn dài, liên tục, đứt đoạn, sáng, nhạt, đậm xen kẻ nhịp nhàng. Có thể nói bức tranh như một bản Sonat vang ngân du dương gợi cảm giác nhẹ nhàng, du dương cho người thưởng ngoạn. Tranh phố của họa sĩ Bùi Xuân Phái cùng một chủ đề là phố cổ, đều miêu tả những mái nhà xiêu vẹo với các gam màu khác nhau, nhưng điểm lại từng tác phẩm thì không có sự trùng lặp về cách tạo hình bố cục trong tranh của Bùi Xuân Phái; vẫn là những mái nhà đỏ trầm, những bức tường rêu phong nhưng không bức tranh nào giống với bức tranh nào.
1.2. Đường nét trong tranh của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái
Đường nét trong tranh họa sĩ Bùi Xuân Phái là một thành tố nổi bật tính cách nghệ thuật của ông. Đường nét trong tạo hình có nhiều hình thức: Đường nét là đường tiếp xúc giữa hình mảng; đường nét là đường biên của mảng màu khác sắc độ; đường nét là đường viền một hình, mảng; đường nét là đoạn màu sắc có độ dài, to nhỏ khác nhau, đứt đoạn hay khép kín theo các chiều, hướng… Tranh Bùi Xuân Phái thể hiện cả 3 hình thức trên. Yếu tố nét trong tranh Bùi Xuân Phái đôi khi được hợp kết với nhau theo nhiều chiều hướng, độ thưa mau, độ mập, mảnh khác nhau tạo nên như bản hòa tấu, những giai điệu, như những hợp âm trong âm nhạc. Những nét cọ trên toan sơn dầu ở nhóm tranh chân dung, phố cổ Hà Nội là những đoạn màu sắc có độ dài, to nhỏ khác nhau, đứt đoạn hay khép kín theo các chiều, tách bạch, dứt khoát tạo nên khả năng biểu cảm rất mạnh mẽ.
Nét trong tranh Bùi Xuân Phái không hẳn hoàn toàn như yếu tố nét trong tranh dân gian Việt Nam, đôi khi chính nét là những chấm phá biểu đạt một dáng người, nhân vật trong tác phẩm Ngõ Phát lộc. 3, sơn dầu (1968) [Hình 3].
Nhiều tác phẩm của ông sử dụng nét rất linh hoạt thể hiện sự mềm mại, khi thì nổi bật do sử dụng sắc độ tương phản mạnh, đôi khi nét lại chìm ẩn trong nền vẽ về một cây cột điện góc phố, mái nhà xô nghiêng, dáng chiếc xe bò thủng thỉnh ở góc phố như bức Xe bò trong phố cổ, chất liệu sơn dầu (1972) [Hình 2].
Ngôn ngữ đường nét trong tranh họa sĩ Bùi Xuân Phái có nét đặc trưng tương ứng với đặc điểm ngôn ngữ tạo hình trong tranh trẻ mầm non, trên yếu tố tương đồng ấy, giảng viên nắm bắt và khơi gợi cho sinh viên học mĩ thuật ngành GDMN biết cách khai thác các vấn đề của tạo hình để thực hiện các bài tập theo chương trình đào tạo. Họa sĩ Bùi Xuân Phái sử dụng những hình thức nét rất đa dạng, khẳng định hoặc biểu đạt tính cách, không gian, biểu cảm hình tượng trong tranh rất gần gũi với cảm nhận thẩm mỹ của trẻ mầm non.
1.3. Màu sắc trong tranh của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái
Cá tính sáng tạo nghệ thuật của họa sĩ Bùi Xuân Phái thể hiện rõ nhất ở việc dùng màu, không chỉ sự độc đáo trong phối màu mà còn là sự kết hợp màu sắc dưới dạng mảng, nét rất đa dạng về: chiều hướng và độ mảnh, mập, dài ngắn khác nhau, nhằm tạo ra một hiệu ứng chuyển động không gian rất tinh tế và sinh động. Người ta thường nói tranh vẽ phố của Bùi Xuân Phái nhuộm màu thời gian, khi xem tranh của ông, chúng ta thấy thời gian hiện hữu qua từng khung cảnh. Có những mảng tường khơi gợi trí tưởng tượng của người nghệ sĩ, tạo ra những cái đẹp bất ngờ.
Cách phối màu giàu tính biểu cảm, kỹ thuật tối giản đến mức tự nhiên như phóng bút, họa sĩ Bùi Xuân Phái gợi cho người xem cảm nhận sự hồn nhiên gần gũi với tranh trẻ mầm non mang đậm yếu tố hồn nhiên trong thể hiện màu sắc. Quá trình tiếp nhận những yếu tố nghệ thuật trong tranh họa sĩ Bùi Xuân Phái cũng là cách mà sinh viên có thể chuyển tải những kiến thức về tạo hình bao gồm ngôn ngữ tạo hình và yếu tố tạo hình thể hiện trên những bài thực hành mang hơi hướng sáng tác chuyên nghiệp. Khai tác tối đa những vấn đề trong nghệ thuật tạo hình của họa sĩ và gắn với tính tạo hình của trẻ để chúng ta thấy rằng hiệu quả của việc vận dụng là vô cùng cần thiết để tạo sự phong phú đa dạng trong nghệ thuật dạy học hiện đại ngày nay, khi mà xu hướng phát triển giáo dục luôn luôn thay đổi theo cảm quan và nhân sinh quan của mỗi khách thể khi tiếp cận nghệ thuật nói chung và MT nói riêng.
2. Giá trị nghệ thuật trong tranh của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái
Nghệ thuật khác biệt mang đậm cá tính sáng tạo để có thể tạo ra một thương hiệu “Tranh phố Bùi Xuân Phái” chính là ở thủ pháp sáng tạo độc đáo mà người xem chỉ có thể nhận biết được như một tín hiệu rất riêng trong tranh của ông. Đó là một thủ pháp khác lạ trong: Cái nhìn (góc nhìn và quan niệm về sự nhìn của ông về thế giới tự nhiên và xã hội); thủ pháp tạo hình, khối, mảng nét (hồn nhiên nhiều khi lệch lạc tưởng như là sự ngây thơ); thủ pháp phối mầu (ưa tính đối lập mạnh mẽ trong chi tiết, nhưng lại rất hài hoà cân bẳng trong tổng thể).
Tình yêu và niềm đam mê với hội họa đã giúp cho họa sĩ Bùi Xuân Phái thêm nghị lực vượt qua những năm tháng muôn trùng khó khăn. Không chỉ là khó khăn về kinh tế mà còn là sự đe dọa của chiến tranh, bom đạn. Cùng với đó là những tác động từ thói đạo đức giả, nghệ thuật giả tạo, chủ nghĩa cơ hội diễn ra thời kỳ nhân văn giai phẩm từ 1954-1960. Theo học viên thì việc ông tự khép mình, tự độc thoại bằng MT, cũng chính từ bối cảnh nghiệt ngã này mà người nghệ sỹ đã tạo ra cho mình một cá tính riêng, đó là phong cách Bùi Xuân Phái. Dành trọn tâm trí, sức lực tình cảm cho sáng tạo nghệ thuật, mặc dù khó khăn về vật tư, họa phẩm ông có chất liệu nào thì vẽ chất liệu ấy, không nề hà miễn là hiệu quả biểu hiện của tác phẩm mang lại niềm khoái cảm cho chính ông và người xem.
Bùi Xuân Phái không bao giờ tự thỏa mãn với mình trong sáng tạo nghệ thuật, ông cho rằng một họa sỹ chân chính là người biết học hỏi không ngừng. Là một họa sỹ suốt đời khám phá những vẻ đẹp tạo hình của từng góc phố cổ ở Hà Nội, ông cũng cho thấy sự đồng điệu về một vẻ đẹp mộc mạc, thanh tao, nhưng duyên dáng, lung linh của cảnh và người ở đất Hà Thành vốn rất gắn bó với ông. Ông tự cho mình là một nghệ sỹ có nghĩa vụ là lao động sáng tạo mang lại cho người xem một sự một đồng điệu, thông cảm sự chia sẻ trân trọng, có thể xem đó cũng là thái độ, trách nhiệm của người nghệ sỹ chân chính mà ông luôn hướng đến “Chính cái hay nhất của anh mới làm quần chúng thích được ” [26; Tr. 28]. Hay “Cái đẹp trong tranh phải là của chính anh sáng tạo chứ không phải bắt chước người khác; Giá trị nghệ thuật của anh phải do người xem khẳng định…”.
Phong cách sáng tác của họa sĩ Bùi Xuân Phái được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn khởi đầu 1950 đến 1960 và giai đoạn 1960-1988.
Giai đoạn 1950 - 1960
Đây là thời ông có những nỗi niềm trắc ẩn, tâm trạng sáng tác của ông mang nhiều nét trầm lắng; đa số tranh phố cổ ông vẽ trước năm 1960 có gam màu xanh dương nhạt, hòa sắc với màu nâu xám, lạnh. Những tranh phố thời kỳ này vẫn mang dạng tìm kiếm một phong cách cần định hình. Vẫn góc phố cũ của Hà Nội, người xem dễ dàng xác thực được ông vẽ đi vẽ lại nhiều lần, có điều phố cổ của ông cũng như chân dung một thiếu nữ, đối với ông, mỗi khoảng khắc lại mang một tinh thần khác biệt. Lối khai thác cái “hồn” bên trong của cảnh vật này vốn đã được thi hào Nguyễn Du sử dụng ẩn dụ nhiều lần trong tác phẩm Truyện Kiều. Phong cách ấn tượng Pháp cuối thế kỷ XIX cũng đã coi trong cái “hồn” của thiên nhiên ở các không gian, góc nhìn khác nhau. Nghệ thuật là tấm gương phản chiếu tâm hồn nghệ sỹ, đúng vậy giai đoạn sáng tác từ 1950- 1960 Bùi Xuân Phái có thể xem như một giai đoạn trải nghiệm, ông dành hết tâm sức, tình yêu Hà Nội, hoài niệm những cảnh, tình, hình tượng, biểu tượng đẹp cổ kính của đất Thăng Long còn nhiều dấu vết còn lại ngày nay. Cái khát vọng tưởng như siêu hình về Hà Nội trong ông như vượt quá khả năng tự thân của nghệ thuật mà ông theo đuổi khiến ông không bao giờ vừa lòng. Tranh của ông ở giai đoạn này như một hàn thử biểu đo được cường độ lao động, với hàng trăm tranh vẽ không ngày nào ngừng nghỉ. Tính không định dạng rõ ràng trong phong cách và kỹ thuật như một sự khám phá vẫn không có điểm dừng, nó toát lên một nghị lực phi thường của một người nghệ sỹ chân chính.
Giai đoạn 1960- 1988
Đây là giai đoạn mà phong cách sáng tác của họa sĩ Bùi Xuân Phái đã định hình rõ ràng. Tranh phố cổ Hà Nội trong giai đoạn này đã bộc lộ tinh thần một Hà Nội với những gam mầu nâu sáng khi vẽ về một cảnh tĩnh lặng quý hiếm trong một góc phố lập lòe ánh đèn. Những nhóm tranh màu nâu đất, sắc trầm, xen sắc vàng sáng, tạo một cung bậc cảm xúc ngân vang trầm lắng, cộng hưởng với lớp người cao tuổi vốn dễ xúc động khi được gợi về một quá khứ Hà Nội mà họ vốn là chủ nhân của lịch sử…
Nhóm tranh có hòa sắc xanh dương, pha trộn nhiều vạt mầu sắc xanh cây, tím than sắc đục trầm lắng, tạo cho một giai điệu tươi trẻ, gợi lên một khát vọng tươi sáng. Lớp người trẻ tuổi rất ưa thích một Hà Nội thanh lịch tràn đầy sức sống mới.
Nhóm tranh màu xanh ghi, sắc xám, ông vẽ trong những năm 1970 đến 1980 vẫn vẽ những góc phố cổ Hà Nội nhiều lần trước, nhưng ông muốn biểu đạt một tinh thần mới, đó là những mặt ẩn khuất bên trong của hình dáng bề ngoài cảnh vật. Thông điệp của ông chắc chắn muốn người xem trả lời câu hỏi của nghệ sỹ ẩn trắc như thơ của Thâm Tâm xuất hiện năm 1941 mà lớp người hoài xưa rất quen thuộc: “Đây cảnh cũ, đâu người xưa”. Rất dễ cảm nhận tranh phố cổ Hà Nội của Bùi Xuân Phái được đông đảo người nhiều tầng lớp khác nhau yêu mến, nghệ thuật của ông dễ dàng nhận diện, như một giai điệu ngân nga ca ngợi cái đẹp của Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Hình 1. Góc phố 2 (1970); Chất liệu sơn dầu. Hình 2. Xe bò trong phố cổ (1972); Chất liệu sơn dầu.
Hình 3. Ngõ Phát lộc 2 (1968); Chất liệu sơn dầu. Hình 4. Phố phái 2 (1967); Chất liệu sơn dầu.
Tài liệu tham khảo
- Lê Thanh Lộc (2009), Các phong trào hội họa, NXB Thông tin.
- Bùi Xuân Phái (2011), Hội họa của tâm cảm Việt, Nxb Mỹ Thuật, Hà Nội.
- Bùi Xuân Phái (2018), tái bản, Con đường hội họa, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội.
- Tạp chí Người Hà Nội (19/11/2010), “Hà Nội có phố Bùi Xuân Phái”.
- Tạp chí Thể thao và Văn hóa (21/8/2008), “Có một con đường vinh danh Bùi Xuân Phái”.
- Trần Văn Tâm (2007), Giáo trình Lịch sử nghệ thuật, Trường ĐH Đà Nẵng.