Nghiên cứu lý luận

MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY HỌC PIANO THEO NHÓM TẠI TRUNG TÂM NGHỆ THUẬT PIANISM

09 Tháng Bảy 2024

Vũ Ngọc Linh

Học viên K17 –  LL&PPDH Âm nhạc

Âm nhạc có tác động kỳ diệu đến sự phát triển trí tuệ, tinh thần, tính cách của trẻ em. Với hình thức và phương pháp dạy học nhóm 4-6 học sinh, học sinh ở Trung tâm nghệ thuật Pianism chủ động và hứng thú học tập, có kết quả học tốt. Trong bài viết này, chúng tôi mạnh dạn đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng dạy học Piano theo nhóm tại Trung tâm Pianism, dựa trên nguyên tắc kết hợp hài hoà cơ sở lý luận, thực trạng đúng đắn khách quan và ứng dụng thực tiễn, đảm bảo tiêu chí dạy học nhóm phát triển tổng hoà nhân cách của trẻ em 6-11 tuổi, đáp ứng được tính chuyên ngành và nguyện vọng của phụ huynh, học sinh.

1. Biện pháp ứng dụng phương pháp dạy học phù hợp

1.1. Ứng dụng phương pháp sư phạm cho lớp học tập thể

Biện pháp sư phạm được ứng dụng, triển khai trong dạy học Piano cho trẻ 5- 11 tuổi, bao gồm biện pháp dùng lời và trực quan sinh động.

Biện pháp dùng lời (thuyết trình và vấn đáp) dược sử dụng rộng rãi, chuyển tải được nhiều kiến thức cùng một lúc, dùng để giới thiệu tác phẩm, cách thể hiện, giải thích nội dung, yếu tố sắc thái diễn tả âm nhạc, trao đổi giữa giáo viên, học sinh, giải đáp thắc mắc, câu hỏi học sinh đưa ra, kể chuyện âm nhạc, đặt câu hỏi, gợi mở, nhắc nhở vai trò, trách nhiệm tập luyện bài. Khi sử dụng biện pháp này, giáo viên cần dùng ngôn ngữ đơn giản, ngắn gọn, chính xác, logic, gắn kết với bài học.

 Biện pháp trực quan sinh động sử dụng các phương tiện dạy học âm nhạc như: giáo trình, bản nhạc, bảng bút, nhạc beat, phách gõ, nam châm, máy gõ nhịp, hình ảnh, video, clip dạy học, flashcard... giúp học sinh tiếp thu kiến thức nhanh, dễ dàng, cụ thể, tăng cảm xúc, hứng thú.

1.2. Ứng dụng phương pháp chuyên ngành dạy học theo nhóm

Luyện tập tư thế học đàn là yêu cầu bắt buộc đầu tiên trong việc học Piano và rất quan trọng trong việc rèn luyện kỹ năng chơi đàn, đặc biệt các em học sinh độ tuổi 5-11.

Luyện tập các kỹ thuật Piano cơ bản bao gồm: legato, non-legato, staccato, tốc độ, nhạc cảm… tuỳ theo yêu cầu bài học và mục tiêu trình độ.

Hướng dẫn kiến thức nhạc lý để các em hiểu bài hơn, ghi nhớ được kiến thức nhạc lý. Giáo viên cần lưu ý sử dụng nhiều phương pháp: kiểm tra đánh giá, vấn đáp, làm bài tập, hoạt động nhóm, trò chơi, phân tích tác phẩm,…có thể lồng ghép khi giới thiệu bài mới, nhắc lại trong quá trình học bài mới, đặt câu hỏi kiểm tra nhanh, giao nhiệm vụ tìm hiểu bài của buổi sau.

2. Biện pháp ứng dụng thực hành theo nhóm tại lớp

2.1. Ứng dụng phương pháp dạy học tích cực

Phương pháp hướng dẫn thực hành luyện tập bao gồm phương pháp trình diễn, làm mẫu, thị phạm và phương pháp hướng dẫn học sinh luyện tập.

Với phương pháp trình diễn, làm mẫu, thị phạm, giáo viên đánh mẫu, đọc nốt nhạc, đánh Piano câu, đoạn, tiết nhạc cho học sinh nghe, kết hợp giảng giải ý nghĩa, yêu cầu thực hiện, giúp học sinh hiểu, nắm vững bài, tạo hứng thú luyện tập đàn, từ đó hình thành thói quen nhận diện tác phẩm hoặc thực hiện một dạng kỹ thuật.

Với phương pháp hướng dẫn học sinh luyện tập, giáo viên cần sử dụng các biện pháp linh hoạt, đặc biệt chú trọng lỗi ngón tay, cách di chuyển, kỹ thuật luồn ngón giai đoạn đầu cần đến tư duy tạo biện pháp riêng, đảm bảo người học có thể tiếp cận, luyện ngón đúng yêu cầu của giáo viên.

Phương pháp kiểm tra, đánh giá được áp dụng phổ biến là biểu diễn, bao gồm: trình diễn trong giờ học nhóm, thuộc, ghi nhớ sâu. Đây là chuỗi liên kết hoạt động dạy và học giữa giáo viên, học sinh nhằm phát hiện lỗi tật, tạo tâm lý ổn định, bình tĩnh trong thể hiện.

2.2. Ứng dụng các phương pháp dạy học Piano theo nhóm tại trung tâm Pianism

Giáo viên tổ chức dạy học kiến thức nhạc lý vào những buổi học đầu tiên hay phần bài học mới. Giáo viên đặt những câu hỏi dễ, tò mò, rút ra kết luận, định nghĩa, đưa những từ ngữ chuyên ngành để học sinh dần làm quen với ngôn ngữ trong âm nhạc.

Giáo viên tổ chức dạy học xướng âm, tiết tấu kết hợp thực hành. Tại Pianism, chúng tôi trang bị tấm thẻ flashcard nội dung các hình tiết tấu nốt đơn, nốt đen, nốt trắng, dấu lặng,.. kết hợp ngắn với nhau để học sinh dễ dàng học tập.

Giáo viên tổ chức dạy học kể chuyện, xem phim về âm nhạc, tác giả, lịch sử âm nhạc. Đây là một trong những phương pháp luôn được học sinh yêu thích và mong chờ nhất buổi học. Học sinh được giáo viên kể một câu chuyện về âm nhạc, xem một bộ phim về tác giả, hoặc đọc sách về lịch sử âm nhạc...

Giáo viên tổ chức dạy học theo trò chơi nhằm truyền tải kiến thức âm nhạc hiệu quả và góp phần giải toả tâm sinh lý căng thẳng, tránh tình trạng học sinh phải ngồi yên một chỗ tập đàn trong suốt giờ học. Hoạt động nhóm này thu hút học sinh rất nhiều, đặc biệt có ý nghĩa với trẻ em trong độ tuổi 6-7.

Giáo viên tổ chức dạy học hòa tấu bằng cách phân công học sinh chơi từng phần bè độc lập rồi sau đó diễn tấu cùng nhau, hoặc mỗi người chơi một đoạn nhạc, để cuối cùng tạo nên một bản nhạc hoàn chỉnh. Thông qua hoạt động này, học sinh phát triển tai nghe, sự tập trung, háo hức, sẽ học được các kỹ năng cần thiết để chơi nhạc khi làm việc nhóm. Đây là một yếu tố thú vị của giáo dục âm nhạc mà khi học cá nhân khó làm được hoặc hoạt động lớp tập thể đông sẽ khó triển khai hơn, hoặc giảm hiệu quả.

Giáo viên tổ chức dạy học theo sự kiện, trải nghiệm, chủ đề nhằm mục đích khuyến khích luyện tập đi đôi với thực tế cuộc sống. Với mỗi sự kiện, giáo viên và học sinh chọn, chuẩn bị bài tương ứng nội dung chương trình, đề ra thời lượng và mục tiêu rõ ràng. Điều này giúp các em có sự trưởng thành trong học tập đáng kể. Đây là một cách rèn luyện, tác dụng trực tiếp mạnh mẽ đến tinh thần sâu bên trong các em.

3. Một số biện pháp khác

3.1 Bổ sung tài liệu dạy học

Bổ sung tiểu phẩm hoà tấu

Trong dạy học Piano theo nhóm, tác phẩm biểu diễn cá nhân và biểu diễn hoà tấu giữ vai trò bổ sung, tương hỗ cho nhau. Bổ sung thêm các tiểu phẩm hoà tấu bên cạnh học các bài đơn lẻ trong giáo trình không những giúp HS rèn luyện tai nghe âm nhạc, hiểu biết về các hình thức chơi piano mà còn là chiến lược phát triển lớp nhóm với tiêu chí gắn kết tinh thần, ý chí tập thể, tạo hứng khởi học tập đối với các em. Các tác phẩm hoà tấu được chọn thường ngắn gọn, quen thuộc, dễ nhớ, có thể kết hợp ôn tập lý thuyết, khả năng đọc bản nhạc, phát triển các kỹ năng ca hát, trí nhớ âm nhạc, khả năng vận động, sáng tạo âm nhạc của HS. Ngoài ra, GV nên lưu ý chọn bài hoà tấu theo chủ đề và sự kiện trong năm

Bổ sung tiểu  phẩm Việt Nam

Ngoài lượng tác phẩm quốc tế trong trình độ 1- 5 dạy nhiều khóa, năm học 2022- 2023, các GV trung tâm đã bổ sung, tích hợp các tác phẩm do nhạc sĩ Việt Nam sáng tác cho Piano, mục đích giúp học sinh Tiểu học ngấm, hiểu tác phẩm Việt Nam, hình thành tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam, sâu xa hơn là ý nghĩa bảo tồn, phát huy giá trị, di sản văn hóa, nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Để phù hợp với 5 trình độ, các GV thống nhất lựa chọn một số tiểu phẩm do nhạc si Việt Nam sáng tác hay, độc đáo, trong đố nổi bật một số tiểu phẩm Piano của tác giả Thái Thị Liên, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Hữu Tuấn…

3.2. Nâng cao khả năng diễn tấu của học sinh

Với nhiều học sinh, khi biểu diễn nơi đông người xuất hiện tâm lý run rẩy, lo lắng, mất tập trung, thiếu tự tin, không sẵn sàng biểu diễn. Một số biện pháp cụ thể: để lựa chọn bài không quá sức, đúng trình độ học sinh; tập biểu diễn trong giờ học và chỗ đông người; chú ý tác phong, ngoại hình khi biểu diễn; tham gia thi cử, biểu diễn ở các sân khấu lớn…

3.3. Định hướng giáo dục, thẩm mỹ âm nhạc

Ở giai đoạn 5-11 tuổi, trí tưởng tượng của trẻ phát triển mạnh mẽ và đa dạng, việc giáo dục nghệ thuật là điều cần thiết nhằm định hướng và kích thích phát triển nghệ thuật cho trẻ trong tương lai. Trong quá trình dạy học piano, các giáo viên đều được giao nhiệm vụ và chủ động trao đổi, khơi gợi cho học sinh cảm nhận cái đẹp, tính tích cực, tính chất âm nhạc của tiểu phẩm nhằm khơi gợi rung cảm, tình yêu âm nhạc, cảm hứng nghệ thuật cho các em.

Tuy nhiên, vai trò của phụ huynh rất quan trọng trong việc xây dựng phong cách, tư duy âm nhạc- nghệ thuật của các em. Một số nghiên cứu khoa học trên thế giới kết luận, nên cho trẻ nghe nhạc ngay từ khi bà mẹ mang thai. Các bản nhạc cổ điển êm dịu có tác động tốt đến quá trình phát triển của thai nhi ngay trong tiềm thức. Người mẹ cũng nên thuộc những câu hát, nhạc dân ca gần gũi, đơn giản, đủ truyền tình yêu thương, sự gắn kết vào lời ru con.

Ngày nay hầu hết các phụ huynh có xu hướng tìm kiếm và tạo môi trường sinh họat âm nhạc ở nhà văn hóa, ở những trung tâm để con học chơi một nhạc cụ nào đó.  Thái độ, nhận thức về tầm quan trọng của âm nhạc- nghệ thuật của phụ huynh là một trong những yếu tố quyết định không nhỏ trong việc học âm nhạc cũng như giáo dục nhân cách trẻ em toàn diện. Tuy nhiên, dạy học âm nhạc- piano có sự khác biệt rất lớn so với dạy học văn hoá phổ thông và tiếng Anh, vốn là là môn học chính thức, bắt buộc trong đa số trường học, nên tâm lý phụ huynh đầu tư cho con học các môn văn hoá và tiếng Anh rất nghiêm túc. Tuy nhiên, học đàn piano thường được xem như môn học ngoại khoá, các con nên được phát triển tự do, hay đây là môn năng khiếu, con phải có năng khiếu mới theo học được, tâm lý phụ huynh có thể thiếu kiên nhẫn hoặc kỳ vọng thái quá vào vai trò, tác dụng của bộ môn piano đều gây tác động không tốt đến tinh thần, ý chí học tập của các em.

Kết luận

Âm nhạc có tác động kỳ diệu đến sự phát triển trí tuệ, tinh thần, tính cách của trẻ em. Với hình thức và phưuơng pháp dạy học nhóm nêu trên, học sinh ở Trung tâm nghệ thuật Pianism chủ động và hứng thú học tập, có kết quả học tốt. Mô hình đào tạo đáp ứng được mục tiêu truyền tải kiến thức lý thuyết âm nhạc cơ bản, phổ cập âm nhạc, phát hiện và đào tạo nguồn lực biểu diễn, thúc đẩy giao lưu, phát triển cộng đồng yêu âm nhạc, yêu đàn piano.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Dũng (2016), Giáo trình Piano cho thiếu nhi, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

2. Lê Dũng (2018), Tuyển tập Piano cổ điển, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

3. Lê Văn Hồng, Lê Ngọc Lan (2001), Tâm lý học lứa tuổi và tâm lý học sư phạm (dùng cho các trường ĐHSP và CĐSP), Nxb ĐHQG, Hà Nội.

4. John Thompson (1955), John Thompson’s Easiest Piano Course (part 1, 2, 3, 4, 5), Nxb The Willis Music Co, Mỹ.

5. V.A.Vakhrameep (Nguyễn Xinh dịch) (1984), Lý thuyết âm nhạc cơ bản, Nxb Văn hóa, Hà Nội.