Nguyễn Tiến Sơn
Học viên Khóa 8 chuyên ngành LL và PPDH Mĩ thuật
Giáo dục mĩ thuật tiểu học góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất và năng lực, trọng tâm là khơi dậy và phát triển năng lực mĩ thuật gồm: quan sát và nhận thức thẩm mĩ, sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ, phân tích và đánh giá thẩm mĩ. Trên cơ sở đó, giáo dục học sinh ý thức tôn trọng, kế thừa giá trị văn hóa, nghệ thuật dân tộc, tiếp cận giá trị thẩm mĩ thời đại, phát huy tinh thần sáng tạo phù hợp với sự phát triển xã hội. “Môn Mĩ thuật cấp tiểu học giúp học sinh bước đầu hình thành, phát triển năng lực mĩ thuật thông qua các hoạt động trải nghiệm; biết thể hiện cảm xúc, trí tưởng tượng về thế giới xung quanh, từ đó hình thành năng lực giao tiếp, hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo; bước đầu làm quen, tìm hiểu và cảm nhận vẻ đẹp của sản phẩm/ tác phẩm nghệ thuật, hình thành năng lực tự chủ và tự học;…” [2].
1. Phương pháp dạy học mĩ thuật theo hướng phát triển năng lực học sinh tiếu học
1.1. Dạy học phát triển năng lực
Dạy học phát triển năng lực: “Là cách tiếp cận đảm bảo cho dạy học vừa tập trung vào phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh vừa dựa vào năng lực nền tảng và tố chất của học sinh [4, tr.62]. Dạy học phát triển năng lực có những đặc trưng sau: Phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực; nội dung và hoạt động trong các môn học được liên kết với nhau, gắn với tình huống thực tiễn; người dạy tổ chức, tư vấn, hỗ trợ giúp người học tự lực, tích cực và sáng tạo trong học tập. Chú trọng sử dụng các quan điểm, phương pháp, kỹ thuật, thủ thuật dạy học tích cực giúp người học trải nghiệm thực tế, tìm kiếm và vận dụng kiến thức; hình thức học cá nhân, học hợp tác với các hoạt động đa dạng; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin; dựa vào tiêu chí hoặc bộ công cụ chủ yếu hướng vào năng lực đầu ra; tính đến sự tiến bộ, tư vấn cho người học phương thức học tập hiệu quả; chú trọng vào các sản phẩm học tập và khả năng vận dụng trong thực tiễn [5, tr.83].
1.2. Năng lực mĩ thuật của học sinh tiểu học
Năng lực đặc thù môn Mĩ thuật (năng lực mĩ thuật) là khả năng huy động tổ hợp các thuộc tính cá nhân để thực hiện thành công một tác phẩm nghệ thuật/ sản phẩm nghệ thuật nhất định. Năng lực mĩ thuật được hình thành trong quá trình học tập và sáng tạo, có nền tảng là năng khiếu mĩ thuật. Tổ chức các quy trình dạy học mĩ thuật nhằm phát triển trí tuệ thị giác không gian và ngôn ngữ thẩm mỹ. Giáo dục mĩ thuật khuyến khích HS phát triển các năng lực: trải nghiệm, kỹ năng và kỹ thuật, biểu đạt, phân tích và diễn giải, giao tiếp và đánh giá [1, tr.6-8].
Năng lực mĩ thuật gồm: cảm thụ thẩm mĩ; sáng tạo; giao tiếp nghệ thuật; phân tích, đánh giá; quan sát, khám phá; tạo hình kỹ thuật số [3, tr.54-58]. Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, năng lực mĩ thuật gồm các thành phần: quan sát và nhận thức thẩm mĩ, sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ, phân tích và đánh giá thẩm mĩ [2, tr.5].
1.3. Phương pháp dạy học mĩ thuật phát triển năng lực
Phương pháp dạy học là cách thức tổ chức dạy của giáo viên và cách tổ chức học của học sinh để cùng đạt được mục tiêu đề ra của bài học” [8, tr.29]. Phương pháp dạy học được thể hiện thông qua quy trình dạy học với các hoạt động: 1) Hướng dẫn học sinh quan sát, nhận xét; 2) Hướng dẫn học sinh cách thức tạo sản phẩm mĩ thuật; 3) Hướng dẫn học sinh thực hành sáng tạo ra sản phẩm mĩ thuật; 4) Nhận xét, đánh giá [10]. Bản chất của phương pháp dạy học phát triển năng lực là chú trọng sử dụng các quan điểm, phương pháp, kỹ thuật, thủ thuật dạy học tích cực giúp người học trải nghiệm, tìm kiếm và vận dụng kiến thức vào thực tế.
Môn Mĩ thuật đề cao việc sử dụng các phương pháp dạy học phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của người học, trong đó nhấn mạnh yêu cầu tích hợp, lồng ghép nội dung lí thuyết trong thực hành, thảo luận, kết hợp liên hệ kiến thức, kĩ năng của môn Mĩ thuật với kiến thức, kĩ năng của các môn học, hoạt động khác một cách phù hợp, thiết thực. Chương trình môn Mĩ thuật chú trọng dạy học trải nghiệm; vận dụng linh hoạt các phương pháp, kĩ thuật, hình thức tổ chức dạy học, không gian hoạt động học tập nhằm huy động kiến thức, kinh nghiệm, kích thích trí tưởng tượng, tư duy hình ảnh thẩm mĩ, tạo cơ hội để học sinh được vận dụng kiến thức, kĩ năng vào thực hành, thể nghiệm ý tưởng và đưa các sản phẩm sáng tạo vào đời sống; coi trọng kết hợp phương pháp dạy học với khai thác, sử dụng hợp lí thiết bị dạy học, mạng Internet, tận dụng các chất liệu, vật liệu sẵn có ở địa phương.
1.4. Điểm mới của Chương trình môn Mĩ thuật 2018
Chương trình được xây dựng theo định hướng hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực. Các năng lực đặc thù môn Mĩ thuật gồm: Quan sát và nhận thức thẩm mĩ, Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ; Phân tích và đánh giá thẩm mĩ. Thông qua các đối tượng thẩm mĩ và phương pháp giáo dục tích cực, môn Mĩ thuật giúp học sinh nuôi dưỡng cảm xúc thẩm mĩ về bản thân và thế giới xung quanh, tình yêu nghệ thuật và cuộc sống, bồi dưỡng niềm tự hào về truyền thống văn hóa, nghệ thuật dân tộc, phát triển đời sống thẩm mĩ của cá nhân và cộng đồng; rèn luyện cho đức chuyên cần, tính trung thực, tình yêu lao động, ý thức trách nhiệm, tính tự lực, tinh thần hợp tác trong giải quyết đề học tập và vận dụng thực tiễn,...
Chương trình dựa trên kiến thức cốt lõi của nghệ thuật thị giác; vừa đảm bảo dạy học tích hợp, vừa đảm bảo dạy học phân hóa. Chương trình xây dựng theo hướng mở, không quy định cụ thể nội dung dạy học mà chỉ quy định những yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù của môn học. Chương trình tạo cho giáo viên sự chủ động, sáng tạo lựa chọn nội dung dạy học phù hợp. Việc tổ chức dạy học, kiểm tra-đánh giá thuộc quyền chủ động của các cơ sở giáo dục và giáo viên sao cho đáp ứng yêu cầu cần đạt được quy định trong chương trình.
Chú trọng đổi mới phương pháp giáo dục, vận dụng đa dạng hình thức, không gian học tập, các chất liệu, vật liệu sưu tầm, tái sử dụng trong thực hành, sáng tạo; chú trọng lồng ghép, tích hợp hoạt động thực hành và thảo luận, HS đồng thời vừa là “người sáng tạo nghệ thuật” vừa là “người thưởng thức nghệ thuật”. Đổi mới đánh giá kết quả giáo dục, trọng tâm là đánh giá năng lực thẩm mĩ trong lĩnh vực nghệ thuật.
Ở cấp Tiểu học nói chung, lớp 3 nói riêng, nội dung giáo dục mĩ thuật gồm: Lí luận và Lịch sử Mĩ thuật, Hội hoạ, Thủ công. Trong đó nội dung Lí luận và Lịch sử Mĩ thuật được giới hạn trong phạm vi làm quen với tìm hiểu tác giả, sản phẩm, tác phẩm, di sản văn hóa nghệ thuật và được giới thiệu, lồng ghép trong thực hành, thảo luận mĩ thuật [6, tr.4].
2. Thực trạng sử dụng phương pháp dạy học phát triển năng lực ở Trường Tiểu học Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn
2.1. Khái quát về Trường Tiểu học Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn
Trường Tiểu học Đông Kinh Thành phố Lạng Sơn được phát triển từ trường cấp I Đông Kinh xã, xây dựng trên địa bàn phường Đông Kinh với tổng diện tích khuôn viên trường 6.760m2, tỷ lệ học sinh con em dân tộc Tày, Nùng gần 63,1%, ngành nghề chủ yếu là làm nông và buôn bán nhỏ. Đảng ủy chính quyền địa phương chú trọng công tác giáo dục, luôn quan tâm lãnh đạo, quản lí và tạo môi trường thuận lợi cho nhà trường hoạt động. Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố trực tiếp chỉ đạo về nhiệm vụ năm học và các hoạt động khác, giúp nhà trường luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Năm 2003, Trường được công nhận kiểm định chất lượng cấp độ II và trường Chuẩn quốc gia mức độ I. Hằng năm, Nhà trường đều đạt danh hiệu Tập thể Lao động tiên tiến trở lên, trong đó có nhiều năm liền đạt danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc, được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Một số học sinh có tác phẩm thuật đoạt giải cao trong Ngày hội Mĩ thuật cấp trường, cấp thành phố cũng như cấp tỉnh.
Cơ sở vật chất nhà trường được các cấp lãnh đạo quan tâm cải tạo nâng cấp. Nhà trường có đủ số phòng học dành cho các môn học đặc thù; có thiết bị vận động đáp ứng cho học sinh được vui chơi; cơ sở vật chất đảm bảo các điều kiện cơ bản phục vụ tốt công tác giảng dạy, học tập và các hoạt động giáo dục khác. Số lượng học sinh giỏi và giáo viên dạy giỏi các cấp ngày càng gia tăng, thể hiện chất lượng giáo dục của nhà trường.
Mô hình trường học câu lạc bộ đánh giá là đạt được nhiều hiệu quả tích cực, giúp học sinh được học tập, thực hành, trải nghiệm ở các lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống. Mô hình trường học câu lạc bộ góp phần thực hiện đổi mới hình thức, phương pháp dạy học, gắn học tập với thực hành, gắn lý thuyết với thực tiễn, từng bước tiếp cận Chương trình giáo dục phổ thông 2018 [11].
2.2. Thực trạng dạy học Mĩ thuật ở Trường Tiểu học Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn
Khảo sát mức độ yêu thích môn học của học sinh tiểu học (lớp 3) qua việc khảo sát ý kiến của giáo viên và việc dự giờ Mĩ thuật vào năm học 2020-2021 và đầu năm học 2021-2022 cho thấy, HS yêu thích môn học. Trong đó thể loại Hội họa được yêu thích nhất.
Thực trạng vận dụng các phương pháp và kiểm tra-đánh giá quá trình đối với môn Mĩ thuật nói chung, thể loại Hội họa được đánh giá ở mức Đôi khi. Một số phương pháp đặc thù bộ môn được giáo viên sử dụng Thường xuyên nhưng chủ yếu diễn ra trong lớp học. Giáo viên chủ yếu sử dụng các phương pháp dạy học truyền thống, các kỹ thuật dạy học tích cực và các phương pháp dạy học phát triển năng lực học sinh như: trải nghiệm sáng tạo, dự án học tập ít khi được sử dụng.
Năng lực mĩ thuật của học sinh tiểu học được giáo viên Trường Tiểu học Đông Kinh đánh giá ở mức Khá. Các năng lực thành phần trội hơn là quan sát và nhận thức thẩm mĩ; sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ. Tuy nhiên, ở mỗi năng lực thành phần lại có những kỹ năng trội hơn. Học sinh thể hiện rõ nét về màu sắc, đường nét, hình mảng và ý tưởng; tuy nhiên, tính kết cấu, bố cục, không gian, độ sắc nét còn hạn chế. Thực trạng các yếu tố ảnh hưởng đến thực trạng vận dụng phương pháp dạy học mĩ thuật theo hướng phát triển năng lực được đánh giá ở mức Ảnh hưởng nhiều. Trong đó tập trung vào các yếu tố liên quan đến giáo viên mĩ thuật và học sinh.
3. Đề xuất biện pháp lựa chọn và vận dụng phương pháp dạy học mĩ thuật theo hướng phát triển năng lực học sinh ở Trường Tiểu học Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn
Để áp dụng các phương dạy học mĩ thuật nói chung và thể loại Hội họa nói riêng theo hướng phát triển năng lực học sinh ở Trường Tiểu học Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn, Đề tài đề xuất một số biện pháp sau: 1) Tổ chức dạy học mĩ thuật tích hợp, liên thông với các môn học khác; 2) Vận dụng phương pháp dạy học trực quan kết hợp với các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực; 3) Vận dụng phương pháp dạy học giải quyết vấn đề một cách linh hoạt; 4) Vận dụng phương pháp dạy học thực hành kết hợp với kích thích hứng thú học tập của học sinh; 5) Tăng cường dạy học cá nhân kết hợp với dạy học hợp tác; 6) Tổ chức dạy học theo chủ đề dưới hình thức dự án học tập, chủ đề STEAM và trải nghiệm sáng tạo; 7) Tổ chức các cuộc thi vẽ tranh theo chủ đề trong phạm vi lớp học.
4. Thiết kế và tổ chức thực nghiệm một số bài học mĩ thuật theo hướng phát triển năng lực học sinh
4.1. Thiết kế một số bài học mĩ thuật lớp 3 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018
Để thiết kế kế hoạch bài học có sử dụng các phương pháp dạy học mĩ thuật phát triển theo hướng phát triển năng lực, giáo viên thực hiện các công việc sau: Xác định chủ đề, thể loại bài học; Mục tiêu của bài học về các năng lực; Xác định được đồ dùng dạy học, phương pháp dạy học và kiểm tra-đánh giá quá trình; Thiết kế các hoạt động dạy học phù hợp gồm: 1) Khám phá, kiến tạo kiến thức-kĩ năng; 2) Luyện tâp, sáng tạo; 3) Phân tích và đánh giá; 4) Vận dụng-phát triển. Thiết kế 04 bài học/ 08 tiết/ 04 chủ đề thể loại Hội họa, lớp 3, Bộ sách Chân trời sáng tạo (bản 1), với các bài: Phong cảnh mùa thu (Chủ đề Mùa thu quê em); Người em yêu quý (Chủ đề Mái ấm gia đình); Khu vườn kỳ diệu (Chủ đề Khu vườn nhỏ); Đô thị trong mắt em (Chủ đề Đô thị ngày nay) [7], [8].
Các phương pháp dạy học được lựa chọn và vận dụng gắn với kiểm tra-đánh giá quá trình trong các tiết học mĩ thuật gồm 05 biện pháp đầu và khuyến khích thử nghiệm 02 biện pháp cuối đã được đề xuất.
4.2. Tổ chức thực nghiệm sư phạm tại Trường Tiểu học Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn
Tổ chức dạy thực nghiệm 04 bài học đã thiết kế cho 40 học sinh lớp thực nghiệm và đối sánh với 38 học sinh lớp đối chứng, với cùng 01 giáo viên giảng dạy năm học 2022-2023. Sau khi tổ chức đánh giá năng lực đặc thù của từng học sinh đối với nhóm thực nghiệm và nhóm đối chứng, kết quả thu được:
Biểu đồ 1: So sánh năng lực đặc thù của học sinh trước và sau thực nghiệm
Áp dụng công thức tính độ tin cậy Spearman-Brown tính hệ số tương quan chẵn lẽ giữa 06 năng lực thành phần của năng lực đặc thù môn Mĩ thuật để đánh giá độ tin cậy của các kết quả thu được. Sau thực nghiệm nhóm đối chứng giảm 0,3 điểm và nhóm thực nghiệm tăng 1,5 điểm, chênh lệch giữa tác động sư phạm và không tác động sư phạm là 1,8 điểm. Kết quả này bước đầu cho thấy, hiệu quả tác động sư phạm của việc lựa chọn và vận dụng các PPDH theo hướng phát triển năng lực HS là khá rõ rệt.
So sánh trước và sau thực nghiệm đối với nhóm thực nghiệm và nhóm đối chứng cho thấy, năng lực của 02 nhóm đều được cải thiện, cụ thể mức Yếu và Trung bình giảm; mức Khá và Tốt tăng lên. Các năng lực mĩ thuật của học sinh được cải thiện rõ nét, thể hiện ở các mức độ chỉ báo của năng lực. Trong năng lực quan sát và nhận thức thẩm mĩ: các yếu tố tạo hình như hình, khối, màu sắc, hình mảng; phân biệt được các màu cơ bản và màu thứ cấp; liên hệ nội dung chủ đề với hình ảnh thực tiễn được phát triển rõ rệt. Học sinh biết thể hiện ý tưởng, bố cục, chất cảm, chấm, nét, không gian, chuyển động, tỉ lệ, hài hòa của sản phẩm mĩ thuật. Trong năng lực sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ: Học sinh thực hiện đúng quy trình tạo ra sản phẩm; tạo được màu thứ cấp trong sản phẩm sáng tạo; sự tương phản của hình, khối dạng cơ bản để mô phỏng đối tượng; tạo cảm giác bề mặt của chất liệu, biểu đạt hình động, thể hiện được chi tiết, hình ảnh làm trọng tâm ở sản phẩm; kỹ năng, kỹ thuật tạo sản phẩm khéo léo hơn. Trong năng lực phân tích và đánh giá thẩm mĩ: Học sinh trình bày, thuyết minh cho sản phẩm khá tự tin; nhận xét thiên về chất lượng của sản phẩm mĩ thuật.
Biểu đồ 2: Phân bố tần suất kết quả đánh giá sản phẩm tranh vẽ trước và sau thực nghiệm
Sau tác động, số lượng điểm Khá và Giỏi tăng ở nhóm thực nghiệm và nhóm đối chứng, tuy nhiên ở nhóm thực nghiệm tăng nhiều hơn so với nhóm đối chứng. Xác xuất (p) của bài kiểm tra sau tác động <0,05 cho thấy các tác động thực sự có ý nghĩa, mang lại những giá trị nhất định (chênh lệch không có khả năng xảy ra ngẫu nhiên). Hệ số tương quan (r) của bài kiểm tra trước và sau tác động của nhóm thực nghiệm và nhóm đối chứng là 0,52 nằm trong khoảng 0,5→0,79, ở mức độ Trung bình theo Thang đo của Cohen. Kết quả cho thấy, các biện pháp đề xuất đã mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, muốn có kết quả tốt hơn cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục trong thời gian dài, được đầu tư thỏa đáng.
Qua quan sát các sản phẩm Hội họa của học sinh sau thực nghiệm: Ý tưởng, kết cấu và bố cục rõ ràng; màu sắc, đường nét sắc sảo; hình khối không gian và chất cảm khá rõ nét; tỉ lệ hài hòa, cân đối;… Các hình mảng, chấm, nét, sự cân bằng, tương phản, nhịp điệu, nhấn mạnh và chuyển động có sự tiến bộ rõ rệt; tạo được sự biểu đạt hình động cho sản phẩm; thể hiện được chi tiết, hình ảnh làm trọng tâm ở sản phẩm; thể hiện được cảm xúc của bản thân với tác phẩm bằng các màu sắc tươi vui, hợp tâm lý lứa tuổi.
***
Dạy học mĩ thuật theo hướng phát triển năng lực học sinh có vai trò quan trọng đối với việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nói chung và đổi mới phương pháp dạy học ở Trường Tiểu học Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn nói riêng. Phương pháp dạy học mĩ thuật theo hướng phát triển năng lực gồm: phương pháp dạy học truyền thống, kỹ thuật dạy học tích cực và phương pháp dạy học phát triển năng lực gắn với kiểm tra-đánh giá quá trình có sử dụng các phương tiện công nghệ thông tin và truyền thông. Kết quả thực nghiệm sư phạm ở Trường Tiểu học Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn: Năng lực mĩ thuật và kết quả học tập của học sinh tiểu học được nâng lên thông qua việc lựa chọn và sử dụng các phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực./.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2015), Tài liệu dạy học mỹ thuật dành cho giáo viên tiểu học, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018), Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT, ngày 26/12/2018 ban hành Chương trình giáo dục phổ thông môn Mĩ thuật, Hà Nội.
3. Bạch Ngọc Diệp (2017), Một số năng lực chuyên biệt môn Mĩ thuật trong chương trình GDPT mới”, Tạp chí Khoa học giáo dục, tr. 54-58.
4. Đặng Thành Hưng (2012), Năng lực và giáo dục theo tiếp cận năng lực, Tạp chí Quản lý giáo dục số 43, tháng 12.
5. Đặng Bá Lãm (2015), Chương trình giáo dục hướng tới phát triển năng lực người học, Tạp chí Quản lý Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục), Số đặc biệt tháng 4.
6. Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty đầu tư xuất bản Thiết bị Giáo dục Việt Nam (2022), Tài liệu bồi dưỡng giáo viên, Sử dụng sách giáo khoa Mĩ thuật 3 Cánh Diều.
7. Nhà xuất bản Giáo dục, Sách giáo khoa Mĩ thuật 3, Chân trời sáng tạo, bản 1.
8. Nhà xuất bản Giáo dục, Sách giáo viên Mĩ thuật 3, Chân trời sáng tạo, bản 1.
9. Nguyễn Quốc Toản, Hoàng Kim Tiến (2007), Giáo trình phương pháp dạy học Mĩ thuật, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, tr.2.
10. Nguyễn Quốc Toản (2014), Mĩ thuật và Phương pháp dạy học mĩ thuật, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
11. Trường Tiểu học Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn (2022), Báo cáo tổng kết năm học 2021-2022.