Đặng Thị Hồng Nhung
Học viên K11- LL&PP dạy học bộ môn Mỹ thuật
Trong lịch sử hội họa Việt Nam có khá nhiều họa sĩ luôn mang trong mình đam mê chinh phục vẻ đẹp của người phụ nữ thông qua tranh như: Nguyễn Phan Chánh, Trần Văn Cẩn, Dương Bích Liên, Lê Phổ, Nguyễn Tiến Chung... Nói đến việc xây dựng hình tượng người phụ nữ Việt nam trong tranh, đặc biệt là với chất liệu sơn dầu chúng ta không thể không nhắc đến họa sĩ Tô Ngọc Vân. Bài viết đề cập vấn đề khai thác hình tượng người phụ nữ trong tranh Tô Ngọc Vân giai đoạn trước cách mạng tháng tám vào dạy học Mĩ thuật tại Trường Tiểu học, giúp học sinh hiểu thêm về bối cảnh sáng tác, phong cách nghệ thuật của họa sĩ Việt Nam thông qua các yếu tố tạo hình trong tranh. Qua đó, học sinh có nền tảng kiến thức vững chắc về nghệ thuật Việt Nam, hiểu và yêu quý nét đẹp truyền thống của Việt Nam và đặc biệt là có những nhận định về các yếu tố tạo hình trong tranh để vận dụng vào cuộc sống nên học viên muốn đưa các tác phẩm của họa sĩ Việt Nam vào các bài giảng ở trường.
1. Hình tượng người phụ nữ trong tranh Tô Ngọc Vân trước cách mạng tháng Tám.
Họa sĩ Tô Ngọc Vân sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, một thủ đô với ngàn năm văn hiến với biết bao vẻ đẹp thơ mộng, độc đáo và đầy quyến rũ. Những con người nơi đây sống đơn giản, bình dị và chân thành. Tô Ngọc Vân là một họa sĩ tài năng, đam mê cái đẹp và không ngừng sáng tạo để vươn tới cái đẹp. Chính vì vậy mà họa sĩ luôn thể hiện tình yêu tha thiết của ông với hội họa, với con người và với cảnh vật thiên nhiên đặc biệt là những người phụ nữ. Tình yêu đó được thể hiện qua phong cách nghệ thuật, bút pháp và màu sắc trong các tác phẩm của ông. Ông đã quan sát kỹ và đã có những bản ký họa khái thác chi tiết các dáng hoạt động, biểu cảm khuôn mặt, cấu trúc hình thể của hình tượng người phụ nữ. Từ những ký họa đó ông đã sáng tác những tác phẩm vẽ thiếu nữ Hà Thành. Chính vì vậy từ năm 1938 - 1943 là giai đoạn mà hầu hết các bức tranh của Tô Ngọc Vân đều dành cho những phụ nữ thành thị, những người phụ nữ mang trong mình nét đẹp dịu dàng. Từ nét vẽ, màu sắc trong tranh được họa sĩ Tô Ngọc Vân thể hiện khéo léo. Những nét vẽ cong lượn, mềm mại; màu sắc tươi sáng với sự chuyển sắc nhẹ nhàng thể hiện sự sống chan hòa, nét dịu dàng, cử chỉ nhẹ nhàng của người phụ nữ Hà Thành. Đề tài về người phụ nữ là một đề tài khá thân quen và gần gũi với học sinh tiểu học vì vậy học sinh có thể tiếp cận được một cách hiệu quả nhất. Chiêm ngưỡng những bức tranh của họa sĩ Tô Ngọc Vân, người xem không thể thoát khỏi sự ngưỡng mộ trước khả năng khai thác nghệ thuật sơn dầu một cách tài ba. Hình tượng người phụ nữ trong tranh của ông luôn thể hiện được sự vững vàng và tinh tế vì ông không chỉ chú trọng đến hình khối và màu sắc mà ông còn thể hiện sự hài hòa, sáng tối lung linh.
Họa sĩ Tô Ngọc Vân đã thể hiện sự tài tình của mình trong cách thể hiện hình, nét, cách diễn tả ánh sáng, đậm nhạt trong tranh và cách thể hiện không gian trong tranh. Bức tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ” được họa sĩ Tô Ngọc Vân sáng tác năm 1943 với chất liệu sơn dầu có kích thước (60 x 45) cm, hình ảnh của một thiếu nữ trẻ trung xinh đẹp, dáng vẻ nhẹ nhàng, e thẹn được xây dựng bằng màu sắc vui tươi nhẹ nhàng, xanh ngọc, hồng tươi, trắng phớt bên bình hoa đang nở gợi lên điều gì đó thanh cao, bình lặng của người thiếu nữ Hà Thành. Tấm áo dài trắng tinh khiết cùng cánh hoa trắng hoà hợp trong một bảng màu đơn sắc mà vẫn quyến rũ, khối hình căng đầy và đường cong mềm mại. Một vẻ đẹp hình dáng người thiếu nữ thuần Việt chốn kinh kỳ được Tô Ngọc Vân trân trọng thể hiện từ thẩm mỹ phương Đông hiện lên hài hoà trong đường nét, đậm nhạt. Ông đã đem vào hội hoạ thời Cận đại cái nhìn mới và hợp lý về hình vẽ, màu sắc theo tinh thần viễn cận duy lý khoa học châu Âu từ thời Phục hưng Italia thế kỷ XVI. Cái nhìn đó giúp chúng ta nhận ra cách tạo hình nhân vật, một thiếu nữ e lệ trước hoa như đã gặp đâu đó trong cuộc sống thực. Với những nét cong, nếp gấp trên tà áo dài, hình tượng người phụ nữ trong tranh của Tô Ngọc Vân được diễn tả với đường lượn từ tay trái phía trên qua vai chuyển sang tay phải, vòng xuống ngang thân, nhịp theo vòng tay có các nếp nhăn tà áo dài phụ hoạ. Đối lập với cả một mảng màu trắng đơn giản của thân áo là những màu sắc phong phú dịu dàng tươi tắn của lọ hoa có hoạ tiết hoa lam thời Lê trên gốm cổ truyền. Cành hoa huệ xanh ngọc hoa trắng tinh khôi như trò chuyện với người thiếu nữ. Bàn tay trái với những ngón dài búp măng đặt hờ hững nhẹ nhàng trên mái tóc đen mềm mại, e ấp khuôn mặt trái xoan với đôi má phớt hồng thanh tú. Nâng niu cánh hoa là tình cảm của bàn tay phải thiếu nữ, khép lại một vòng chuyển động trong cử chỉ đôi chút điệu đà thơ mộng, lãng mạn của người con gái Hà Nội kiêu sa.
Các tác phẩm của họa sĩ Tô Ngọc Vân đại diện cho một thời kỳ mỹ thuật Đông Dương mà ông từng vẽ và nghiên cứu về những thiếu nữ Hà Thành nhàn tản, yểu điệu, thơ mộng lãng mạn nhưng không kém phần mạnh bạo trong bút pháp của chất liệu sơn dầu. Có thể thấy trong bức tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ” gam màu chủ đạo được họa sĩ sử dụng chính là màu lạnh. Với sự kết hợp của màu xanh với các màu như trắng, hồng, vàng để tạo ra nhiều sắc độ khác nhau. Sự kết hợp giữa những nét lượn trên cơ thể người thiếu nữ và những bông hoa đã tạo nhịp điệu uyển chuyển cho bức tranh. Những nét màu được kết hợp và hòa quyện vào với nhau tạo nên sự chuyển động, kết hợp hài hòa trong màu sắc.
Sự kết hợp nhuần nhuyễn hòa sắc nhẹ nhàng với các màu tươi sáng khiến người thiếu nữ trong tranh mang nét đẹp dịu dàng, nhẹ nhàng, và luôn tràn đầy sức sống. Các mảng màu, hình nét đã thể hiện sự mềm mại của đường cong hình thể thông qua những nét bút. Ông đã khéo léo khi đặt những nét bút tạo ra các mảng và ánh sáng, bóng tối trong tranh. Ông sử dụng sự tương quan giữa đậm nhạt để làm rõ hình chứ không sử dụng viền nét để tạo sự mềm mại, mượt mà cho hình dáng người thiếu nữ Hà Thành.
Bố cục trong tranh họa sĩ Tô Ngọc Vân là sự đơn giản khi vẽ một nhân vật, tập trung vào diễn tả hành động của đối tượng một cách tự nhiên nhất. Ông đã có những nghiên cứu kỹ về hình, dáng và có sự cân nhắc kỹ lưỡng khi xây dựng bố cục nhân vật trong tranh. Những nét cong, lượn mềm mại diễn tả thân hình của cô thiếu nữ trong tà áo dài đối lập với những nét thẳng ở mành, chõng tre hay tường nhà. Với phong cách sử dụng sự hòa sắc nhẹ nhàng tạo sự kết hợp màu sắc tự nhiên, gợi các hình khối đơn giản toát lên vẻ đẹp của người thiếu nữ vô cùng duyên dáng, dịu dàng và kín đáo. Sự năng động của cậu bé khi sử dụng màu đỏ rực rỡ. Toàn bộ hình tượng trong tranh được họa sĩ Tô Ngọc Vân thể hiện bằng lối vẽ sơn dầu mỏng, không đắp gồ ghề để tạo sự nhẹ nhàng và mang đậm phong cách vẽ của người Á Đông.
Với mong muốn nghiên cứu và phát triển nghệ thuật truyền thống dân tộc, họa sĩ Tô Ngọc Vân luôn thể nghiệm các tác phẩm của mình một cách chân thực, giản dị, màu sắc tươi sáng dựa vào màu sắc của thiên nhiên. Ông luôn chú trọng lột tả giá trị nội dung của bức tranh, các tác phẩm của ông thể hiện được tình cảm của ông với con người, cảnh vật ở mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Trong tranh ông phát huy đặc tính ước lệ, khi ông diễn tả không gian một cách khéo léo bằng những mảng màu đơn giản. Không gian trong tranh thường là không gian hai chiều, từ những hình ảnh thực ông đã đơn giản và lược bỏ những chi tiết không cần thiết chỉ để lại những mảng màu cần thiết để sáng tạo nên những tác phẩm mang tính cô đọng. Có thể thấy những hình ảnh hay màu sắc trong tranh của họa sĩ rất gần gũi và thân thuộc và phù hợp đối với học sinh.
2. Vận dụng hình tượng người phụ nữ trong tranh Tô Ngọc Vân trước cách mạng tháng Tám vào giảng dạy lớp 1
Để vận dụng hình tượng người phụ nữ trong trạnh của hoạ sĩ Tô Ngọc Vân vào dạy học mĩ thuật Tiểu học một cách hiệu quả, ở phần này, tác giả sẽ vận dụng cụ thể vào bài học ở khối lớp 1 với chủ đề: “Gia đình” bài “Chân dung người thân của em”. Đây là một chủ đề rất gần gũi và phù hợp đối với các em học sinh lớp 1 nên việc vận dụng hình tượng người phụ nữ trong tranh Tô Ngọc Vân giai đoạn trước cách mạng tháng Tám vào bài giảng là phù hợp. Việc thực hiện giảng dạy đối với học sinh lớp 1 trường Tiểu học và Trung học cơ sở FPT với mong muốn HS mạnh dạn thể hiện tình cảm của bản thân với người thân, khơi gợi được sự quan tâm của học sinh với những người thân. Bên cạnh đó khi tìm hiểu về các tác phẩm của họa sĩ Tô Ngọc Vân học sinh sẽ có thêm những kiến thức về các yếu tố tạo hình như: bố cục, đường nét, màu sắc và từ đó học sinh sẽ có những vận dụng vào tranh của mình. Giáo viên thực hiện giảng dạy bài “Chân dung người thân của em” trong 2 tiết học. Trong tiết 1 giáo viên giới thiệu và hướng dẫn học sinh quan sát, phân tích đặc điểm người phụ nữ trong tranh của hoạ sĩ thông qua các yếu tố đường nét, màu sắc, bố cục từ đó rút ra được phong cách nghệ thuật của họa sĩ Tô Ngọc Vân. Để học sinh hứng thú với tiết học, giáo viên tổ chức cho học sinh khởi động bằng một trò chơi “Những mảnh ghép thú vị” và sau đó giáo viên dẫn dắt vào bài. Ở hoạt động khám phá, giáo viên trình chiếu một số bức tranh của họa sĩ Tô Ngọc Vân để học sinh cùng khám phá đường nét, màu sắc, bố cục trong tranh. Giáo viên gợi ý một số câu hỏi để học sinh thảo luận, từ đó học sinh nêu được cảm nhận của mình về vẻ đẹp người phụ nữ trong tranh họa sĩ Tô Ngọc Vân. Giáo viên tổng kết lại nội dung giúp học sinh ghi nhớ hơn “Tranh của họa sĩ Tô Ngọc Vân chủ yếu vẽ về người phụ. Hình ảnh người phụ nữ Hà thành được họa sĩ Tô Ngọc Vân thể hiện với chất liệu sơn dầu. Với bút pháp tự nhiên, táo bạo cùng bố cục đơn giản, nét vẽ mềm mại, các nét cong làm nổi bật hình ảnh người thiếu nữ thành thị duyên dáng. Với màu sắc hài hòa, hòa sắc nhẹ nhàng, tươi sáng làm nổi bật hình ảnh người thiếu nữ duyên dáng, dịu dàng”. Thông qua đó học sinh sẽ có thêm kiến thwucs về tranh chân dung và vận dụng vào bài học. Ở hoạt động 2, giáo viên yêu cầu học sinh quan sát hình ảnh các bước vẽ tranh chân dung và thảo luận tìm ra các bước vẽ tranh chân dung. Giáo viên vừa chốt lại các bước vẽ tranh chân dung người thân vừa thị phạm trên bảng để học sinh có thể quan sát và ghi nhớ kiến thức hơn. Trước khi bước vào hoạt động luyện tập sáng tạo giáo viên đưa ra một số câu hỏi để học sinh có được ý tưởng sáng tạo và hiệu quả trong sản phẩm của mình. Em thích vẽ chân dung ai?, Người em định vẽ có đặc điểm gì?, Tóc ngắn hay dài?, Khuôn mặt có dạng hình gì?, Đôi mắt to hay nhỏ?, Đang vui hay buồn? Trang phục như thế nào?, Em sẽ sử dụng những nét gì trong bài vẽ của mình?... Để học sinh có nhiều ý tưởng sáng tạo giáo viên trình chiếu các bài vẽ chân dung của học sinh khóa trước và tiến hành cho học sinh vẽ chân dung người thân của em. Trong thời gian học sinh làm bài, giáo viên bao quát lớp và kịp thời hỗ trợ những học sinh còn lúng túng hoàn thành sản phẩm một cách hiệu quả nhất. Giáo viên lưu ý với hoc sinh sử dụng những nét mềm mại, nét cong để vẽ sau đó sử dụng màu sắc tươi sáng và chuyển sắc nhẹ nhàng. Khi kết thúc thời gian thực hành, học sinh hoàn thiện bài vẽ, giáo viên tổ chức cho học sinh trưng bày tranh để học sinh được cùng nhau nhận xét, đánh giá bài của mình và của bạn. Giáo viên khuyến khích học sinh lên thuyết trình giới thiệu về sản phẩm của mình. Giáo viên đưa ra một số câu hỏi gợi mở để học sinh chia sẻ về sản phẩm để từ đó học sinh biết cách nêu cảm nhận của mình về một tác phẩm nghệ thuật. Dù quá trình và phạm vi thực nghiệm trên lớp ngắn nhưng tác giả cũng thu được kết quả khả quan.
3. Kết quả của việc ứng dụng hình tượng người phụ nữ trong tranh Tô Ngọc Vân giai đoạn trước cách mạng tháng Tám vào các bài giảng Mĩ thuật ở trường Tiểu học
Việc ứng dụng nghệ thuật hội hoạ của hoạ sĩ Trường Chăm vào dạy học Mĩ thuật tiểu học là cần thiết. Thông qua những mảng hình, không gian, bút pháp lúc đậm lúc nhạt, đường nét lúc thẳng lúc cong lượn, lúc rõ ràng lúc mềm mại tạo độ sâu cho bức tranh học sinh hiểu những quan điểm nghệ thuật của ông trong từng bối cảnh xã hội đặc biệt là nắm được đặc trưng và giá trị nghệ thuật hình tượng người phụ nữ trong tranh. Từ đó học sinh sẽ rút ra được những bài học bổ ích cho bản thân, tự tin và thêm yêu nền hội họa Việt Nam, vận dụng được những giá trị nghệ thuật vào các bài vẽ của mình.
Đánh giá thực nghiệm sư phạm tại trường Tiểu học và Trung học cơ sở FPT, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội cho thấy số học sinh có lượng kiến thức phong phú hơn và chất lượng học tập của học sinh tăng lên rõ rệt thông qua các sản phẩm sáng tạo của học sinh. Chính vì vậy tác giả nhận thấy việc khai thác hình tượng người phụ nữ trong tranh Tô Ngọc Vân giai đoạn trước cách mạng tháng Tám vào bài học mĩ thuật khối 1 là rất phù hợp và đạt hiệu quả cao.
Các tác phẩm hội họa của hoạ sĩ Tô Ngọc Vân