Sự kiện

NHẠC SĨ PHẠM DUY: TÂM NGUYỆN CUỐI ĐỜI

20 Tháng Ba 2016

Nguyễn Khắc Ngân Vi

Ngày 27.12.2012, nhạc sĩ Phạm Duy gửi cho tôi một email có nội dung như sau: "Bố đưa con giữ lá thư nguyện vọng này:

Một nguyện vọng

     Tôi là Phạm Duy, nhạc sĩ đã được hồi tịch và cư ngụ tại 349/126 đường Lê Đại Hành, phường 13, quận 11, TP Hồ Chí Minh, thực tế đã là một công dân Việt Nam từ năm 2005... Tôi nghĩ rằng tôi có quyền nuôi một nguyện vọng đóng góp vào sinh hoạt âm nhạc trong nước bằng một ca khúc có tính chất xưng tụng nước ta nhan đề VIỆT NAM, VIỆT NAM sáng tác từ 1960, rút trong trường ca Mẹ Việt Nam là một tổ khúc kêu gọi sự đoàn kết dân tộc dưới bóng Mẹ Tổ Quốc thiêng liêng và độ lượng. Sau đây là ca khúc đó:

          Việt Nam, Việt Nam, nghe tự vào đời 
          Việt Nam, hai câu nói 
          Bên vành nôi: Việt Nam, nước tôi 
          Việt Nam, Việt Nam, tên gọi là người
          Việt Nam, hai câu nói 
          Sau cùng khi lìa đời
          Việt Nam đây miền xinh tươi
          Việt Nam đem vào sông núi 
          Tự Do, Công Bình, Bác Ái muôn đời
          Việt Nam không đòi xương máu 
          Việt Nam kêu gọi thương nhau
          Việt Nam đi xây đắp yên vui dài lâu
          Việt Nam trên đường tương lai
          Lửa thiêng soi toàn thế giới
          Việt Nam ta nguyền tranh đấu cho đời
          Tình Yêu đây là khí giới 
          Tình Thương đem về muôn nơi 
          Việt Nam đây tiếng nói đi xây tình người
          Việt Nam! Việt Nam!
          Việt Nam quê hương đất nước sáng ngời
          Việt Nam! Việt Nam! 
          Việt Nam muôn đời!

     Tôi mong có ngày ca khúc này được phép phổ biến. (kèm theo là một CD với hai bản hơp ca hát bài VIỆT NAM, VIỆT NAM)”

     Trước đấy, nhạc sĩ Phạm Duy và GS Trần Văn Khê vẫn thường xuyên thư từ trao đổi với nhau về việc xin cấp phép phổ biến hai trường ca Con đường cái quan  Mẹ Việt Nam. GS Khê đã soạn một lá thư dài khoảng mười trang với nội dung: Vì sao hai tác phẩm trường ca Con đường cái quan  Mẹ Việt Nam của nhạc sĩ Phạm Duy xứng đáng được phổ biến tại Việt Nam? Trong thư, GS Khê viết:

     “Tâm nguyện của Phạm Duy đối với quê hương là một tâm nguyện trọn vẹn. Duy luôn mong muốn về lại quê hương, thấy lại quê hương và mãi mãi suốt cuộc hành trình sinh lộ của mình, Duy đã luôn mang theo hình ảnh quê hương vào tâm trí, vào con tim, và vào những suy tư một đời Duy ghi lại bằng âm nhạc".

     Hiện nay, Phạm Duy cũng như tôi, đã bước qua cái tuổi cửu thập rồi. Những tâm nguyện mà tôi đem về quê hương đã phần nào thực hiện được, còn tâm nguyện của Duy - một người nhạc sĩ bao năm cách trở quê nhà - trong những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, còn có cơ hội nhìn thấy tác phẩm - đứa con tinh thần của mình được phổ biến, được trở về sống trên mảnh đất quê hương, nơi phôi thai cho những lời ca, điệu nhạc được dấy lên từ sự thiết tha cùng dân tộc. Tôi ước mong Chính phủ, Bộ Văn hóa xem xét đến trường hợp hai tác phẩm trường ca của Phạm Duy để giúp cho hai tác phẩm rất sâu sắc, nhân văn này được phổ biến đến đại chúng toàn quốc, giúp cho tư tưởng rất đẹp trong lời nhạc, lời ca đi sâu vào lòng người dân. Vì những gì nói đến trong hai bản trường ca cũng là những hình ảnh phù hợp với tinh thần dân tộc, phù hợp với lối sống Việt Nam, quan niệm thẩm mỹ và cách ứng xử của người Việt trong suốt bao thăng trầm, gian truân của đất nước chúng ta.

Trân trọng,
Bình Thạnh, vào hè tháng 6.2012”

     Người nhạc sĩ tài hoa ấy còn canh cánh nhiều nỗi niềm riêng. Ông không ngừng miệt mài nghiên cứu và sáng tác. Âm nhạc tựa một thành trì vững vàng để ông nương náu, khi cô đơn cũng như lúc bệnh tật. Ông vừa làm xong bài Chiếc bông tai  (thơ: Mi Hương), rất nôn nao chờ bản thu của Đức Tuấn. Bốn cuốnVang vọng một thời ông viết (Báo Thanh Niên đã trích đăng trong loạt bài Phạm Duy và bạn thơ) chưa kịp in thành sách...

Ai hát nhạc Phạm Duy, ông cũng khen hay. Ông tin tưởng người ta sẽ không lãng quên mình. Ông chỉ lo (cái sự lo chung của hầu hết các nhạc sĩ) nhạc của mình (nhất là những giai điệu quê hương đất nước) không đến tai người yêu nhạc Phạm Duy đầy đủ.

     Người yêu nhạc ưu ái gọi ông là thiên tài âm nhạc, là phù thủy khóa sol... Còn ông, ông luôn tự nhận mình là người học việc. Cả đời vui thú ngũ cung, nhưng khoảng hai ba năm trở lại đây, ông lại nuôi ý định làm thêm vài bản nhạc theo lối thất cung, như bản Đường chiều lá rụng. Với gia đình, bạn bè thân thiết, ông hào hứng nói về những điều muốn làm hơn là những thứ đã làm. Vì vậy mà tâm hồn ông luôn tươi trẻ. Tôi không chắc có người nhạc sĩ nào yêu tác phẩm của mình hơn Phạm Duy. Ông làm xong đĩa Minh họa truyện Kiều, thế là cả ngày ông nghe Minh họa truyện Kiều. Tương tự, đĩa Trường ca Hàn Mặc Tử, đĩa Dị khúc Bích Khê.... Ông bảo: “Bố vô cùng hạnh phúc mỗi lần có ai làm mới nhạc Phạm Duy, tất nhiên trước hết là Duy Cường (con trai ông). Bây giờ bố nghe nhạc mình hòa âm phối khí kiểu cũ còn chịu không nổi, huống gì người trẻ”. Ông có thể ngồi lim dim cả buổi tối để nghe nhạc Phạm Duy do Đức Trí hoặc Lê Minh Sơn làm. Và hôm sau, Phạm Duy rất sung sướng nếu có người ngồi kế bên nghe (lại) cùng ông.

     Trong thời gian nhạc sĩ Phạm Duy nằm bệnh, con rể ông - danh ca Tuấn Ngọc - từng không giấu nổi ngạc nhiên mà thốt lên rằng: “Tôi chưa bao giờ thấy người nào say mê làm việc giống ông cụ. Cứ như mỗi lần sắp gục ngã, nghĩ đến âm nhạc và lời khen ngợi là ông có động lực để tiếp tục...”.

     Thật vậy, ở Phạm Duy là một nghị lực phi thường. Cơn suy tim hồi đầu tháng 11 vừa qua, cộng với bệnh gout làm hai chân sưng bầm, tưởng chừng ông phải gắn với cái giường vĩnh viễn. Thế nhưng, sau hơn hai tuần, ông đã chập chững đi được mấy bước, từ giường đến xe lăn. Ông rất thích người nhà giúp ông xoa bóp chân, nhưng, ông không cho phép ai đỡ mình đứng dậy. Nhạc sĩ Phạm Duy nhắm mắt khi tinh thần còn minh mẫn, ấy là niềm an ủi cho một người ghét bị thương hại như ông.

     Nhà Phạm Duy có một chị giúp việc tên Phụng, quê ở miền Tây. Có lần, chị thắc mắc: “Ông, nhạc của ông là nhạc sang hay sến?”. Ông trả lời ngắn gọn: “Nhạc Việt Nam”.

     Chợt nhớ tới câu trả lời phỏng vấn của ông trên Báo Thanh Niên vào tháng 6.2012: “Tôi nghĩ, tôi chết cũng như sống thôi, vì gia tài để lại của tôi nhiều lắm. Một trăm năm nữa, nếu người ta vẫn hát bài Tình ca với câu Tôi yêu tiếng nước tôi, 999 bài còn lại, người ta quên cũng được”.

     Vậy là khép lại một kiếp người đã “khóc cười theo mệnh nước...”.

     Vĩnh biệt nhạc sĩ Phạm Duy!

 

Theo thanhnien.com.vn