Trần Thị Hà [*]
Lễ hội là sản phẩm văn hóa tinh thần, được hình thành và phát triển qua thành quả lao động, quá trình sản xuất của cha ông ta trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc và là sinh hoạt văn hóa cộng đồng không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Việt.
Trải qua những biến cố lịch sử, nhiều lễ hội đã bị mai một, phần nào làm mất đi bản sắc văn hóa dân tộc. Vì vậy trong những năm vừa qua Đảng và Nhà nước ta thường xuyên quan tâm tới công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Do đó nhiều lễ hội được phục dựng và tổ chức hàng năm nhằm khơi dậy tình yêu, lòng tự hào dân tộc, gìn giữ, phát huy di sản văn hóa truyền thống của cha ông. Trong số đó có lễ hội đình, chùa Lạc Thanh, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
Đây cũng là lễ hội truyền thống mang đậm sắc thái vùng miền của người dân vùng Đông Bắc tổ quốc. Gọi là lễ hội đình, chùa Lạc Thanh vì đây là một quần thể di tích cùng nằm trong khuôn viên gần 2000m2 , được tọa lạc giữa trung tâm làng Lạc Thanh nên tên di tích được gọi theo địa danh của làng. Tên gọi “Lạc Thanh” theo các cụ cao tuổi trong làng giải thích: Lạc có nghĩa là vui vẻ, Thanh là thanh bình, yên ả. Vì vậy Lạc Thanh có nghĩa là yên vui.
Đình Lạc Thanh khởi dựng vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVII, do tác động của chiến tranh, loạn lạc, nhân dân sơ tán, tha phương, ngôi đình không có người trông nom, cai quản nên đã bị hỏng. Sau đó có vị quan đại thần tên Phạm Năng Nhẫn ở triều vua Lê Ý Tông – niên hiệu Vĩnh Hựu, đã xin triều đình cho về đây để khai phá ruộng vườn, chiêu tập lại dân sơ tán, gây dựng lại làng xã, an cư lạc nghiệp. Ông đã cho xây dựng lại ngôi đình ở vị trí khác. Vào thế kỷ XIX do ảnh hưởng của chiến tranh ngôi đình cũ cũng không còn. Đến 1898, dưới đời vua Thành Thái thứ 10, dân làng Lạc Thanh đã góp công sức, của cải của mình để dựng lại ngôi đình. Trải qua thời gian dài ngôi đình của làng Lạc Thanh đã ít được người dân quan tâm hương khói, sử dụng nên cũng bị hư hỏng và xuống cấp. Đến năm 1995, nhân dân làng Lạc Thanh đã công đức tiền của, sức lực để tôn tạo lại ngôi đình và tôn rước bát hương vào thờ cúng Thành hoàng làng. Hiện tại căn cứ vào các Sắc phong, thư tịch cổ của Lạc Thanh thì đình là nơi thờ 12 vị Thành hoàng làng, trong đó có 10 vị nhiên thần và 2 vị nhân thần. Các vị nhiên thần gồm có thần Cao Sơn, thần Quý Minh, Côn Hiếu đại thần, Long Cung đại thần, Đống Hiếu đại thần, Ma Tuyền đại thần, Hiển tích đại thần; Lương Trung đại thần, Linh Thung đại thần, Bản Thổ đại thần. Đây là các vị nhiên thần cai quản, trấn giữ các vùng nước, vùng đất của dân Lạc Thanh. Các vị thần này đã tác động và ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của người dân nơi đây vì vậy họ đã tôn vinh các vị thần đó là Thành hoàng làng. Mỗi vị nhiên thần lại được thờ ở một ngôi nghè khác nhau gần với đình Lạc Thanh. Hai vị nhân thần gồm thành hoàng Phạm Năng Nhẫn- người có công khai phá, gây dựng lại làng xã và thành hoàng Thái Trưởng Công chúa – là người rất linh ứng nhiều lần giúp đỡ, che trở cho dân làng.
Ảnh: Đình Lạc Thanh (Nguồn st)
Qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, hiện nay ngôi đình có kiến trúc hình chữ nhất, gồm 3 gian. Gian chính giữa của đình là một bệ thờ, thờ tượng thần Cao Sơn và Quý Minh. Hai gian bên, mỗi bên đặt một bệ thờ, thờ long ngai, bài vị. Các gian được thông với nhau bởi hệ thống 8 cột cái và 8 cột quân bằng gỗ. Hệ thống cột, kèo liên kết với nhau bởi các con mộng, tạo sự vững chắc cho ngôi đình. Hệ thống vì kèo làm đơn giản, để trơn không trang trí. Các con rường được chạm nổi hình lá uốn lượn, mềm mại, thanh thoát.
Đặc biệt ngôi đình còn lưu giữ được một số cấu kiện bằng gỗ có niên đại thời Nguyễn, như trên câu đầu (là dầm ngang chính đặt trên cùng, khoá các đầu trên của các cột cái trong khung hay nói cách khác là gác lên các cột cái) của đình Lạc Thanh có ghi dòng chữ “Hoàng triều Mậu Tuất niên, thập nhị nguyệt, thập nhất nhật thụ trụ thượng lương đại cát” (ngày 11 tháng 12 năm 1898). Hiện nay ngoài các cấu kiện bằng gỗ có niên đại thời Nguyễn được bảo quản tốt thì đình còn lưu giữ được 2 con chó đá cũng có niên đại thời Nguyễn. Hai con chó đá ở tư thế ngồi, mặt nhìn thẳng về phía trước, được đặt dưới gốc cây đa cổ thụ trong sân đình.
Với nhiều biến cố lịch sử, đình Lạc Thanh cũng như bao ngôi đình khác của làng quê Việt Nam được sử dụng vào nhiều hoạt động khác nhau. Trong thời bình, đình làng là nơi hội tụ nhân dân, họp hành, lễ hội, là nơi hò hẹn của nhưng đôi trai gái trong làng, là nơi vui chơi, giải trí của người dân. Thời chiến đình lại trở thành căn cứ quân sự, cách mạng, nơi cất giấu lương thực, vũ khí đạn dược…Trải bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, ngôi đình luôn giữ vai trò, trọng trách cao cả, thiêng liêng, là nơi “che chở đất nước, bảo vệ nhân dân”. Trong tâm thức của những người con Việt, hình ảnh “cây đa, giếng nước, mái đình ” luôn là biểu tượng văn hóa, biểu tượng của tình yêu quê hương, đất nước …
Nằm trong khuôn viên với đình Lạc Thanh còn có chùa Lạc Thanh. Chùa được dựng vào thời Lê – Nguyễn, trải qua thời gian, chiến tranh tàn phá nên chùa chỉ còn phế tích. Ngôi chùa hiện tại được dân làng phát tâm công đức phục dựng vào năm 1999 gồm chính điện, nhà thờ Tổ, nhà thờ Vong và nhà thờ Mẫu.
Ảnh: Chùa Lạc Thanh (Nguồn: St)
Chùa kết cấu kiến trúc hình chữ Đinh, có diện tích 50m2 (chiều dài 10m, rộng 5m), gồm 3 gian Tiền đường, 1 gian Hậu cung. Hai bên hồi được xây gạch, lợp ngói, cửa ra vào làm theo kiểu bức bàn, hệ thống cột, kèo đều làm bằng bê tông giả gỗ, cấu kiện vì nóc, vì nách, con rường được làm bằng gỗ chạm nổi vân mây, hoa lá mềm mại. Hai bên tiền đường đặt hai bệ thờ, bên trái là ban Đức Ông, bên phải là ban Thánh Tăng (nhìn từ trong ra). Thượng điện có 4 cấp thờ, cấp 1 thờ Tam thế Phật, cấp 2 thờ Di đà Tam tôn, cấp 3 thờ Quan Âm thiên thủ, thiên nhãn, cấp 4 là tòa Cửu Long.
Lễ hội đình Lạc Thanh trải qua một thời gian dài bị gián đoạn. Đến năm 2012 mới đươc phục dựng lại và diễn ra vào giữa tháng 3 Âm lịch hàng năm, gồm các Nghi lễ như:
Ngày 13/3 Âm lịch là Nghi lễ cáo yết, nghi lễ được diễn ra tại đình. Đây là nghi lễ có ý nghĩa quan trọng không thể thiếu thể hiện sự trân trọng kính mời Thành hoàng về dự lễ hội chính của làng đối với người dân Lạc Thanh. Đồ lễ được chuẩn bị chu đáo, trang trọng bao gồm có xôi, thịt, rượu trắng ngon, hương, nến, tiền vàng, dầu cau, hoa quả..
Ngày 14/3 là lễ rước Thành hoàng (lễ Nghinh thần). Lễ rước có vai trò, vị trí quan trọng, là thành tố trung tâm của lễ hội và là nghi lễ thiêng, là biểu trưng sức mạnh của cộng đồng, mỗi năm chỉ có một lần… Đây cũng là một nghi thức tỏ lòng tôn kính, nghinh đón thần linh của dân làng. Thông thường lễ rước Thành hoàng ở các lễ hội truyền thống Việt Nam được xuất phát từ đình đi đến nghè, hết hội lại rước Thành hoàng từ đình trở về nghè. Nhưng ở lễ hội đình Lạc Thanh, lễ rước lại có điểm khác biệt so với các lễ hội khác, đó là lễ rước Thành hoàng lại được xuất phát từ các nghè đến đình dự hội, sau khi kết thúc lễ hội lại rước Thành hoàng từ đình trở về nghè an vị.
Tiếp đến là các nghi lễ nhập tịch Thành hoàng tại Đình; Lễ an vị thành hoàng tại đình; Lễ tế Thành hoàng, lễ tế Thành hoàng được diễn ra hai lần trong hai ngày 14 và 15/3 Âm lịch với trình tự các bước tế, lễ vật dâng tế giống nhau chỉ khác nhau về bài văn tế (ngày 14 là văn tế khai hội, ngày 15 là văn tế chính hội); Ngày 15/3 Âm lịch gồm Nghi lễ tống thần; Nghi lễ an vị Thành hoàng tại nghè.
Diễn ra cùng với hội đình là hội chùa. Hội chùa là hội Nghinh xuân, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, dân làng bình an.
Các Nghi lễ, Nghi thức trong lễ hội đình, chùa Lạc Thanh thể hiện nhu cầu văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, bày tỏ lòng biết ơn, lòng thành kính, của dân làng Lạc Thanh đối với Phật và với thầnThành hoàng làng và cầu xin thần linh phù hộ độ trì cho dân làng năm sau làm ăn được thuận lợi, vạn sự hanh thông.
Ảnh: Các đoàn rước trong ngày hội (Nguồn: st)
Ngoài phần lễ thì phần hội cũng là yếu tố quan trọng trong lễ hội đình, chùa Lạc Thanh. Khác với thần lễ là các nghi thức thờ cúng thiêng liêng thì phần hội là không gian văn hóa, là sân vui chơi, giải trí thoải mái và vô tư nhất của những người dự hội. Đây là hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu trong đời sống cộng đồng của mỗi dân tộc. Nó giúp cho cơ thể hoạt bát tăng sức bền bỉ, kích thích năng lực sáng tạo của con người, giúp con người xua tan đi những lo toan, vất vả, mệt nhọc trong lao động, cuộc sống, để họ thêm yêu đời hơn và có thêm năng lực mới để tái tạo sức sản xuất.
Trong phần hội có các trò chơi dân gian truyền thống được bà con địa phương trong vùng, khu Lạc Thanh gìn giữ, truyền dạy cho con cháu qua bao thế hệ đã được thể hiện trong lễ hội Lạc Thanh như chơi cờ tướng, cờ người, chơi tổ tôm điếm, chọi gà, chơi đánh đu… Vào dịp hội, tại sân vận động khu Lạc Thanh, Ban tổ chức đã tổ chức lễ hội đã tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống cho nhân dân và những người dự hội đã tạo ra một không khí hồ hởi, khích lệ tinh thần cho những người tham dự. Ngoài ra trong dịp lễ hội, Ban tổ chức còn xây dựng các chương trình biểu diễn văn nghệ, tạo không gian văn hóa đa dạng, sinh động thu hút nhiều du khách tham ra.
Việc phục dựng lễ hội đình, chùa Lạc Thanh còn góp phần không nhỏ vào việc giáo dục thế hệ trẻ nhớ về cội nguồn và bản sắc văn hóa dân tộc. Thông qua các hoạt động trong lễ hội để con người thể hiện tư tưởng, tình cảm của mình đối với thần linh hay thế giới đã khuất, tưởng nhớ tới công lao, công đức to lớn của ông, bà, tổ tiên thông qua các nghi lễ thờ cúng. Đồng thời, lễ hội còn góp phần vào việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, trong đó có kinh tế du lịch. Lễ hội đình, chùa Lạc Thanh cũng đem đến cho dân làng nguồn lợi kinh tế qua các hoạt động dịch vụ trong lễ hội, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương …Thông qua lễ hội người dân còn được quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa của quê hương mình với các vùng lân cận và cũng là môi trường để giao lưu, học hỏi tinh hoa văn hóa của địa phương khác do du khách tham dự hội mang đến.
Có thể nói, lễ hội truyền thống đình, chùa Lạc Thanh được sự quan tâm của các cấp, các ngành ở địa phương đã được phục dựng và tổ chức hàng năm đã làm sống dậy những giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của địa phương; có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với địa phương nơi đây mà còn góp phần vào việc xây dựng, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Điều đó dễ nhận thấy trong những năm gần đây việc tổ chức, quản lý lễ hội với chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa, lễ hội đã được quán triệt sâu sắc, ngày càng đi vào nề nếp, đảm bảo vui tươi, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm đã phát huy được vai trò sáng tạo văn hóa của người dân.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ban chấp hành Đảng bộ phường Yên Thanh (2014), Lịch sử Đảng bộ phường Yên Thanh mười năm năm xây dựng và phát triển , Nxb chính trị quốc gia,
2. Hoàng Thanh Minh (2010), Văn hóa lễ hội Việt Nam, Tập 1. NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nôi.
3. Dương Văn Sáu (2004), Lễ hội Việt Nam với phát triển du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
4. Nguyễn Đức Tý (2008), Lễ hội Quảng Ninh, Sở Văn hóa Thông tin Quảng Ninh.
5. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Ninh (2011), Lý lịch di tích đình, nghè, chùa Lạc Thanh, Uông Bí, Quảng Ninh.
6. Viện Thông tin khoa học xã hội (1995), Thần tích – Thần sắc xã Lạc Thanh, Hà Nội.
____________________________
[*] Lớp Cao học k2 – Chuyên ngành Quản lý văn hóa