Nghiên cứu lý luận

ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG TẠO HÌNH THEO CÁCH TIẾP CẬN PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC CỦA TRẺ MẦM NON

06 Tháng Tám 2024

 Phạm Ngọc Thịnh

Khóa 11 - Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn Mỹ thuật

Ở trường mầm non (MN), hoạt động tạo hình (HĐTH) là một trong những hoạt động bổ ích với trẻ, nó có vai trò quan trọng trong sự phát triển nhận thức của trẻ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo của trẻ. HĐTH vừa là nội dung, vừa là phương tiện giáo dục trẻ hiệu quả, đồng thời là một môi trường lí tưởng để phát huy tính sáng tạo của trẻ. Qua HĐTH, trẻ được tìm hiểu, khám phá và thể hiện một cách sinh động những gì trẻ nhìn thấy về hiện thực khách quan từ cuộc sống xung quanh theo cách nghĩ, cách nhìn, cách cảm nhận riêng của lứa tuổi ấu thơ.

Trong bối cảnh đổi mới dạy học từ hướng tiếp cận nội dung sang cách tiếp cận phát triển năng lực nhằm hình thành phẩm chất và phát triển năng lực của trẻ, thì việc đổi mới phương pháp tổ chức HĐTH ở trường MN nhằm phát triển và kích thích khả năng sáng tạo cho trẻ là một yêu cầu cần thiết.

1. Đặc điểm hoạt động tạo hình của trẻ mầm non

HĐTH của trẻ em cũng là một hoạt động sáng tạo nghệ thuật nhưng nó không nhằm mục đích tạo ra những sản phẩm phục vụ xã hội, cải tạo hiện thực. Mục đích lớn nhất của nó là tạo ra sự biến đổi, phát triển của chính bản thân trẻ.

Đặc điểm rõ nét nhất trong HĐTH của trẻ MN là “tính duy kỷ”. “Tính duy kỷ” được biểu hiện: Trong quá trình thực hiện HĐTH, trẻ em chỉ quan tâm đến cái mà mình thích thể hiện chứ không phải cách thức thể hiện như thế nào. Chính đặc điểm cơ bản này làm cho trẻ đến với HĐTH một cách hồn nhiên, vô tư, trẻ sẵn sàng tiến hành HĐTH mà không biết/quan tâm tới những khó khăn sẽ gặp phải khi miêu tả.  “Tính duy kỷ” trong HĐTH của trẻ còn thể hiện ở việc trẻ càng nhỏ ít quan tâm tới người xem, người nghe. Vì thế, trẻ thường bằng lòng với các sản phẩm tạo hình của mình dưới dạng sơ đồ đơn giản (đặc biệt với trẻ mẫu giáo bé và mẫu giáo nhỡ).

Cùng với “Tính duy kỷ”, sản phẩm tạo hình của trẻ còn thể hiện tính không chủ định, cụ thể là: Trẻ nảy sinh ý định miêu tả một cách tình cờ theo hứng thú, theo xúc cảm của mình hoặc do sự hấp dẫn, lôi cuốn đặc biệt của đối tượng miêu tả. Và khác người lớn, khi hoàn thành một chi tiết nhất định nào đó thì trẻ hầu như không quay trở lại sửa sang cho chi tiết đó, không quan tâm đến chúng nữa.

Trong sản phẩm tạo hình của trẻ, vấn đề xúc cảm, tình cảm có ý nghĩa lớn trong quá trình thực hiện HĐTH. Trẻ thể hiện rất rõ tình cảm của mình qua việc vẽ hình, sử dụng màu sắc, xây dựng bố cục… để vẽ những bức vẽ “trong suốt” (trẻ thể hiện tất cả những gì mình biết thật đúng, thật đầy đủ và chứng tỏ thái độ của mình).

2.Các nội dung của HĐTH phát triển tính sáng tạo của trẻ

HĐTH ở trường MN giúp trẻ hình thành những tri thức, ngôn ngữ cũng như phát triển cảm xúc, tình cảm thẩm mỹ, tính kiên trì, tính bền bỉ, khéo léo; giáo dục trẻ có ý thức tập thể, biết tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, cởi mở, hòa đồng; có tinh thần đoàn kết. HĐTH gồm các hoạt động như vẽ, nặn, cắt - xé dán… Với đặc điểm điểm hình của lứa tuổi mầm non, HĐTH có các nội dung sau:

 Hoạt động Vẽ theo ý thích

Hoạt động vẽ theo ý thích giúp trẻ phát huy tính độc lập, chủ động và phát triển khả năng tư duy sáng tạo, giúp trẻ tự tìm tòi, nảy sinh ý tưởng. Hoạt động vẽ theo ý thích tạo hứng thú cho trẻ vận dụng những kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo đã học để được tự do sáng tạo ra những “tác phẩm” của riêng mình bằng các nét thẳng, nét cong nguệch ngoạch rất hồn nhiên và hết sức giản đơn, phối hợp với kỹ năng tô màu chưa thật chuẩn xác để thể hiện hình ảnh những người thân hoặc các đồ vật xung quanh, hay các hiện tượng tự nhiên - những thứ mà trẻ nhìn thấy và yêu thích.

Hoạt động Nặn theo ý thích

Đây là hoạt động mà trẻ có thể tự do lựa chọn đề tài của mình. Trẻ được quan sát và trò chuyện về vật mẫu, vật thật để trẻ tự lựa chọn, tự đưa ra ý định nặn. Từ các thỏi đất nặn đủ màu sắc, trẻ nặn các hình khối cơ bản như hình chữ nhật, hình vuông, hình tròn… theo suy nghĩ của mình. Ở hoạt động nặn theo ý thích, trẻ có thể sáng tạo xếp thành chiếc ô tô, tàu hỏa, ngôi nhà, tòa tháp, đu quay… Chính trong hoạt động nặn này, trẻ được tự do và tha hồ phát huy tưởng tưởng và sáng tạo thông quan tri giác của mình. 

 Hoạt động - cắt dán tranh theo thích

Cũng như ở hoạt động vẽ theo ý thích, trong tranh xé - cắt dán giấy màu của mình, để thể hiện nội dung chủ đề, trẻ phải chú ý đến các phương tiện miêu tả (như đường nét, hình dạng, màu sắc, bố cục…). Việc trẻ tái tạo lại những người thân hoặc cảnh vật xung quanh, hay những hình ảnh quen thuộc xảy ra hàng ngày ở gia đình thông qua hoạt động xé - cắt dán tranh theo ý thích bởi các chất liệu đa dạng, phong phú làm cho trẻ vô cùng thích thú, vui sướng và rất hào hứng trong học tập.  

Có thể tháy, HĐTH ở trường MN giúp cho trẻ phát triển khả năng quan sát, phân tích, so sánh; trẻ biết xác định màu sắc, hình dạng, vị trí không gian và có lợi cho sự phát triển trí tuệ, giúp trẻ thông minh, sáng tạo hơn. Trong quá trình vẽ, nặn, xé - cắt dán, trẻ được kích thích trí tưởng tượng không ngừng để từ đó hình thành cảm hứng sáng tạo những cái mới theo cảm thụ của bản thân. Cũng do vậy mà trong quá trình tổ chức HĐTH, thì giáo viên cần chú trọng nội dung miêu tả theo chủ đề, theo dự định sáng tạo của trẻ; cho trẻ được tự do lựa chọn những nội dung theo những gì trẻ biết, thích và yêu.

3.  Đa dạng hóa các hoạt động tạo hình để phát triển tính sáng tạo của trẻ

Phát triển tính sáng tạo của trẻ thông qua hoạt động Vẽ: Cần dạy trẻ cách vẽ từ đơn giản đến phức tạp (từ những nét nguệch ngoạc đến những họa đồ đơn giản bằng các nét vẽ phối hợp thành hình; từ cách cầm bút vẽ đến tư thế ngồi vẽ…), gợi ý cho trẻ chọn màu từ những bức tranh màu, những hoa văn trang trí quen thuộc, có sắc màu hài hòa, phù hợp với con mắt trẻ thơ; hướng dẫn trẻ quan hình ảnh từ cuộc sống và thế giới thiên nhiên để định hình bố cục.

Phát triển tính sáng tạo của trẻ thông qua hoạt động Nặn: Để dạy cho trẻ sáng tạo từ hoạt động nặn, trẻ cần có hiểu biết và kỹ năng sử dụng vật liệu. Do đó, giáo viên giới thiệu và cho trẻ làm quen với đất/ bột nặn. Sau đó, hướng dẫn trẻ sửa dụng vật liệu nặn để những đồ vật đơn giản, quen thuộc như chiếc đũa, chiếc vòng, chiếc bánh, quả cam, quả trứng…; chắp ghép những hình, đồ vật đơn giản, quen thuộc bằng que tăm (con gà con, con lật đật, chiếc máy bay…). Từ đơn giản đến phức tạp, giáo viên khuyến khích trẻ phát huy sáng tạo để tạo ra các “công trình mỹ thuật”.

Phát triển tính sáng tạo của trẻ thông qua hoạt động trò chơi xây dựng, kiến trúc:

Trò chơi xây dựng, kiến trúc là hoạt động lắp ráp. Ở đây, giáo viên là người gợi ý để trẻ sáng tạo theo trí tưởng tượng và ý thích của trẻ (như gợi ý trẻ cách lựa chọn vật liệu, đồ vật, cách sắp đặt, pha trộn màu sắc…) để trẻ có thể tự tạo ra các “công trình kiến trúc” như nhà cửa, nông trại, công viên, sân chơi, khu vườn cổ tích… bằng các vật liệu dễ kiếm, thân thiện và dễ sử dụng như các mẩu gỗ, khối nhựa, bao diêm, hộp giấy, mảnh sành, vỏ ốc, sỏi, đá…).

4. Tích hợp giữa tạo hình với các hoạt động giáo dục khác

Ở trường MN, ngoài HĐTH, còn có những hoạt động khác như hát, múa, trò chơi, tìm hiểu môi trường xung quanh, tiếng Việt, kể chuyện, làm quen với Toán… Việc tích hợp các hoạt động này trong HĐTH sẽ giúp trẻ sáng tạo trong các HĐTH.

HĐTH trong hoạt động Làm quen với các tác phẩm văn học

Cần bắt đầu từ những tranh dân gian với những màu sắc rực rỡ của các đồ vật, cỏ cây, hoa lá, các con vật gần gũi với tuổi thơ; từ những tranh truyện cổ tích mà trẻ đã được làm quen qua các tác phẩm văn học; cho trẻ làm quen với những sản phẩm nghệ thuật dân gian và lồng vào trong đó là những câu chuyện cổ tích, lịch sử (như làm quen với tranh sơn mài, tranh thêu, tranh lụa; xem tượng, phù điêu trong các công viên, tượng đài, đình chùa; xem những con giống (tò he) nhiều màu sắc và hình dáng phong phú; những đồ chơi của trẻ, đồ dùng sinh hoạt, đồ dùng lao động sản xuất, mặt nạ v.v…).

Xây dựng những bức tranh minh họa sinh động cho những câu chuyện cổ tích để đưa trẻ vào thế giới bí ẩn đầy huyền thoại và giàu trí tưởng tượng, hoặc khêu gợi để trẻ có thể vẽ, nặn các nhân vật thể hiện tính cách nhân vật, mô tả nội dung câu chuyện theo cách hiểu, theo ý thích và theo trí tưởng tượng của trẻ.

 HĐTH trong hoạt động Âm nhạc

Cần gợi ý cho trẻ cách trang trí các họa tiết vào các nhạc cụ (như trống, mõ, lục lạc, xắc sô…) phù hợp với không gian và nội dung bài hát. Gợi ý cho trẻ cách tạo các hoa văn trang trí cho các trang phục phục vụ cho biểu diễn (như trang phục của bác sĩ, bác nông dân, anh công nhân, chú bộ đội…), tạo hoa văn của các đạo cụ đi kèm (đàn, gậy, quạt…), các mũ tượng trưng cho các nhân vật (hình con vật, ông tiên, người nông dân…), đưa âm nhạc đến với không gian thật đang diễn ra (không gian của một câu chuyện âm nhạc, một vở nhạc kịch; không gian của mùa xuân với trang trí cành đào, bánh chưng xanh, câu đối đỏ…), làm cho hoạt động âm nhạc sống động hơn, giúp trẻ thêm hứng khởi hoạt động (những dụng cụ âm nhạc, trang phục được trang trí nhiều màu sắc, họa tiết khi biểu diễn âm nhạc...). Ngoài ra, có thể xây dựng cho trẻ khả năng tạo hình theo âm nhạc (trẻ có thể hình thành các ý tưởng để vẽ, nặn theo cách mà âm nhạc tạo cảm xúc trong trẻ).

 HĐTH trong hoạt động Làm quen môi trường xung quanh

HĐTH hướng trẻ vẽ, nặn hay tạo những sản phẩm về các loại quả, các con vật; các bộ phận của các phương tiện giao thông; các hình, khối hình học... không chỉ để khắc sâu kiến thức mà còn phát triển năng khiếu cho trẻ thông qua tính sáng tạo của các em. Ví dụ ở một bài học trong môn “Làm quen với môi trường xung quanh”, GV có thể tổ chức cho trẻ cách làm các loại hoa, quả, đồ dùng bằng đất nặn, bằng xé dán giấy màu, bằng bồi giấy… mà trẻ tri giác được các loại cây, các loại hoa, quả, các loại đồ vật từ hiện thực xung quanh; hoặc vẽ lại những bức tranh mà trẻ quan sát được (như các tranh ảnh về phong cảnh đất nước, về rừng, về biển; cảnh sinh hoạt của con người; các tác phẩm nghệ thuật…).

Cần hướng dẫn trẻ sử dụng những thứ sẵn có trong thiên nhiên mà chúng khám phá được để tạo ra các sản phẩm nghệ thuật một cách sáng tạo (như sử dụng củ, quả làm dụng cụ in một cách sáng tạo; tạo ra một bức tranh về các loài hoa, động vật và côn trùng; tạo ra mô hình bằng đất nặn và các đồ tái sử dụng; sử dụng các họa tiết của vỏ sò, cánh bướm, lá cây để tái hiện các tác phẩm nghệ thuật của mình như mô hình, truyện tranh…).

Để góp phần nâng cao chất lượng tổ chức các HĐTH ở trường MN, cần đổi mới cách thức tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ, cần có sự điều chỉnh của GV trong cách hướng dẫn, cách dạy và cách đánh giá phù hợp với đặc điểm tâm - sinh lý theo từng độ tuổi của trẻ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2010), Chương trình Giáo dục mầm non, NXB Giáo dục Việt Nam.
  2. Lê Thị Đức - Nguyễn Thanh Thủy - Phùng Thị Tường (2011), Các hoạt động tạo hình của trẻ mầm non, Nxb Giáo dục Việt Nam.
  3. Lê Thanh Thủy (2003), Phương pháp tổ chức hoạt động tạo hình cho trẻ mầm non, Nxb Đại học Sư phạm.
  4. Nguyễn Ánh Tuyết (2005), Giáo dục mầm non - những vấn đề lí luận và thực tiễn, Nxb Đại học Sư phạm.
  5. Nguyễn Ánh Tuyết (chủ biên) (2011), Tâm lí học trẻ em lứa tuổi mầm non, NXB Đại học Sư phạm.
  6. Lê Hồng Vân (2005), Tạo hình và phương pháp hướng dẫn hoạt động tạo hình cho trẻ em (quyển 3), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.