Phạm Lê Hòa
1. Nhiều năm gần đây, vấn đề đổi mới giáo dục đại học đang được những người làm công tác đào tạo trên toàn thế giới đặc biệt quan tâm. Giáo dục đại học Việt Nam cũng đang đứng trước những những đòi hỏi ngày càng cao của xã hội hiện đại, cần phải khẳng định những giá trị thực của nó trong bối cảnh giáo dục đại học thế giới. Đây vốn không phải là công việc đơn giản đối với ngay cả những trường đại học danh tiếng thường được xếp hạng cao trên thế giới. Hàng chục năm qua, vấn đề đổi mới giáo dục đại học cũng đã được đặt ra/được tiến hành với những thành công bước đầu và cả những bài học cho tương lai. Nhiều kinh nghiệm về đổi mới giáo dục giáo dục đại học đã được tổng kết và bước đầu đã có ý nghĩa thiết thực cho đổi mới giáo dục đại học tại nhiều quốc gia.
Tại Việt Nam, vấn đề đổi mới giáo dục đại học cũng đã từ lâu chiếm được sự quan tâm của đông đảo không chỉ những người làm công tác giáo dục – đào tạo, mà cả các cấp quản lý và dư luận xã hội. Nhà nước đã tổ chức nhiều cuộc Hội thảo cấp Quốc gia và Quốc tế nhằm đámh giá thực trạng và tìm kiếm giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam. Tại các cuộc Hội thảo, nhiều kinh nghiệm, nhiều mô hình đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam và các nước đã được trình bày/thảo luận. Các tác giả tham luận/thuyết trình từ thực tế nghiên cứu cụ thể tại cơ sở đào tạo của mình đã đề ra được nhiều phương án/mô hình hữu hiệu mang tính khả thi cao cho công tác đổi mới giáo dục đại học. Chính vì vậy, có thể nói, vấn đề đổi mới giáo dục đại học Việt Nm đã có được những khởi động đầu tiên đầy hứa hẹn và đáng khích lệ.
Nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ lãnh đạo và chuẩn bị cho đổi mới giáo dục đại học Việt Nam một cách mạnh mẽ hơn, thời gian vừa qua, Bộ giáo dục và Đào tạo đã tổ chức "Lớp tập huấn cho Hiệu trưởng các trường Đại học Việt Nam". Đây thực sự là một từ những biện pháp hữu hiệu nhằm góp phần đổi mới giáo dục Đại học theo hướng tích cực. Trong chương trình giảng dạy, nhiều bài giảng của các chuyên gia giáo dục đại học nước ngoài (Hoa Kỳ, Anh, Australia, Nhật Bản, Singapore...) đã đem lại những kinh nghiệm hữu hiệu/mang tính khả thi cao trong việc nâng cao chất lượng đào tạo Đại học. Và chuyến đi khảo sát thực tế tại Hoa Kỳ, Nhật Bản trong khuôn khổ khoá học cũng góp phần không nhỏ trong việc mang đến cho mỗi Hiệu trưởng cái nhìn thực tế hơn trước những vấn đề của đổi mới giáo dục đại học, những ấn tượng về một đất nước có nhiều thành công trong giáo dục đại học thời gian vừa qua. Kinh nghiệm thực tế, những ý tưởng mang tính đột phá, quyết tâm đổi mới giáo dục đại học ở các trường đại học lớn của Hoa Kỳ chắc chắn là những ấn tượng khó quên đối với Hiệu trưởng các trường Đại học Việt Nam khi trở về nước trên cương vị công tác của mình.
Đoàn Hiệu trưởng các trường Đại học Việt Nam làm việc
tại Đại học tổng hợp Harvard (Harvard University, USA)
tháng 11 năm 2008.
2. Đổi mới giáo dục đại học trước hết là đổi mới tư duy/cách nhìn nhận những vấn đề mang tính bản chất của giáo dục đại học, là phải luôn luôn tìm tòi những giải pháp phù hợp nhằm nâng cao một cách có hiệu quả công tác đào tạo. Diễn trình lịch sử xã hội đã khẳng định sự thay đổi của những hoàn cảnh mới đòi hỏi con người thời đại phải có những thích nghi/thích ứng tương xứng. Con người thời đại hôm nay cần được trang bị những tri thức/kỹ năng cần thiết cho sự hội nhập với cuộc sống của một thời đại công nghệ thông tin, thời đại của sự hội nhập mang tính toàn cầu hoá.
Thực tiễn của đổi mới giáo dục đại học thời gian qua cho thấy kinh nghiệm của các nước, các đơn vị tiên tiến/xuất sắc đã có rất nhiều, nhưng sự vận dụng một cách có hiệu quả trong từng trường hợp cụ thể lại là công việc đòi hỏi rất nhiều tài năng và tấm lòng/tâm huyết của những người làm công tác quản lý tại từng cơ sở giáo dục – đào tạo.
Trường ĐHSP Nghệ thuật TW luôn suy nghĩ, tìm tòi những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo. Nhà trường cũng cho rằng cách khẳng định thương hiệu nhà trường tốt nhất là thông qua chất lượng công tác đào tạo. Là trường ĐHSP Nghệ thuật đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm này của Việt Nam, nhưng nhà trường không coi „thế độc quyền“ đó là thế mạnh trong công tác đào tạo. Trường ĐHSP Nghệ thuật TW luôn nhìn rộng hơn/xa hơn trong bối cảnh chung của toàn thế giới, phấn đấu để có thể nhanh chóng hội nhập bởi chúng ta đang sống trong thời đại của „thế giới phẳng“ - thời đại của CNTT đang tạo dựng cho loài người sự gần gũi/nhanh chóng tiếp cận mọi thông tin trên toàn thế giới.
3. Một trong những vấn đề quan trọng và cấp thiết của công tác đổi mới giáo dục đại học là việc tạo dựng đội ngũ cán bộ - giảng viên đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục đại học. Mỗi thời đại cần có những con người được chuẩn bị đầy đủ năng lực để bước vào thời đại của mình. Để có thể đào tạo được những con người như vậy cho thời đại cần phải có những người thày „vừa có tâm vừa có tầm“ để làm công tác đào tạo trong nhà trường Đại học. Thời đại mới cũng đòi hỏi rất cao ở con người khả năng tiếp cận những tri thức mang tầm thời đại. Vì vậy, hơn bao giờ hết, mỗi cán bộ giảng viên và bộ máy lãnh đạo phải luôn bằng mọi cách có thể để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ - giảng viên theo những chuẩn mực mới của đòi hỏi phát triển.
Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW là một trường mới được nâng cấp thành trường Đại học theo Quyết định số 117 ngày 26 tháng 5 năm 2006 của Thủ tướng chính phủ. Nhưng có lẽ hiếm có trường Đại học nào trong khối các trường Văn hoá - Nghệ thuật lại có một sự phát triển nhanh về chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác giảng dạy như vậy. Hầu hết cán bộ làm công tác giảng dạy đều có trình độ sau đại học hoặc đang dự các khoá đào tạo Sau đại học.
4. Kiểm định chất lượng giáo dục là một yêu cầu/cơ sở/động lực để nâng cao chất lượng/phát triển giáo dục đại học trong thời đại hiện nay. Trong thời gian gần đây, càng ngày công tác kiểm định chất lượng giáo dục càng được coi trọng. Đây là một hướng đi đúng đắn. Ngay tại trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, công tác kiểm định chất lượng giáo dục luôn được coi trọng. Nhà trường đã thành lập Phòng khảo thí và kiểm định chất lượng, cử cán bộ theo học các lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ làm công tác khảo thí và kiểm định chất lượng. Đảng uỷ và Ban giám hiệu đã được toàn thể cán bộ, giảng viên và sinh viên ủng hộ quan điểm: nâng cao chất lượng công tác đào tạo là giải pháp/cách tốt nhất để khẳng định thương hiệu của nhà trường.
Là một trường đào tạo đa ngành - đa hệ, xuất phát từ chính những bất cập trong đào tạo liên thông giữa các cấp học, chúng tôi đã thành lập Hội đồng biên soạn liên thông các chương trình đào tạo từ Trung học – Cao đẳng - Đại học - Thạc sĩ - Tiến sĩ. Đây là cách tốt nhất để tạo cho người học có được những tri thức cần thiết ở mỗi cấp học và điều kiện học nâng cao trình độ trong các chương trình liên thông sau đó. Và cũng chính vì vậy, công tác kiểm định chất lượng càng rất cần thiết cho việc đánh giá chất lượng của từng chương trình đào tạo.
5. Người lãnh đạo giữ vai trò quan trọng (trong nhiều trường hợp là quyết định) cho sự thành công của đổi mới giáo dục Đại học. Bài học lớn rút ra từ thực tiễn công tác giáo dục đại học thời gian vừa qua là những nhận thức về vị trí, vai trò của người lãnh đạo cơ sở đại học: Hiệu trưởng. Đúng như các giảng viên tham gia giảng dạy „Lớp tập huấn cho Hiệu trưởng các trường Đại học Việt Nam“ nhận định/tổng kết: người lãnh đạo phải luôn là người đi đầu, táo bạo và can đảm trong công tác. Bên cạnh đó, người lãnh đạo phải là có niềm tin mạnh mẽ, dám phiêu lưu trên cả những thói quen tốt nhất; sẵn sàng lắng nghe và chấp nhận ý kiến người khác; nhiệt huyết và là tấm gương sáng; khiêm tốn và học từ những sai lầm; nhẫn nại; nhạy cảm với những thay đổi của môi trường.
Rõ ràng từ những nhận định trên chúng ta thấy rõ tầm quan trọng của công tác lãnh đạo không chỉ trên cương vị Hiệu trưởng trường Đại học, mà ở đây là cả những đòi hỏi cần có về tấm lòng và năng lực chuyên môn rất cao của lãnh đạo các bộ phận trong bộ máy để có thể thực hiện được các ý tưởng nhằm đổi mới giáo dục đại học. Số lượng công việc cần thực hiện của một trường đại học là rất nhiều, không một Hiệu trưởng nào có thể theo sát được, mà ở đây là năng lực quản lý trên một số đầu việc/nhóm công việc có thể. Vì vậy, các Trưởng khoa/phòng/ban chính là đội ngũ chỉ đạo trực tiếp công tác điều hành các hoạt động của một trường Đại học. Sự năng động và điều hành một cách có hiệu quả theo chỉ đạo của Hiệu trưởng chính là cơ sở quyết định sự thành công của công tác đổi mới giáo dục đại học của nhà trường.
Đổi mới giáo dục đại học là vấn đề lớn đòi hỏi nhiều công sức của những người làm công tác giáo dục và đào tạo Việt Nam. Nhưng những gì mà giáo dục đại học Việt Nam nói chung, trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW nói riêng, đã làm được trong thời gian vừa qua là cơ sở/niềm tin vào tương lai của sự nghiệp này trong thời gian tới.
Trường Đại học Tổng hợp Harvard (Hoa kỳ) –
nơi đào tạo nhiều trí thức, danh nhân cho Hoa Kỳ và Thế giới.